Pháp: Dự luật mới mở rộng quyền lực cho giới tình báo

Thứ Ba, 19/05/2015, 16:10
Trong khi các nhà lập pháp Mỹ đang xem xét lại quyền lực tình báo mở rộng của nước này được phê chuẩn sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, Hạ viện Pháp thông qua dự luật mới vào ngày 5/5 với số phiếu thuận áp đảo (438 phiếu thuận và chỉ có 86 phiếu chống) cho phép tình báo nước này theo dõi các đối tượng nghi vấn mà không cần sự cho phép của tòa án. Dự luật hiện được bàn luận tại Thượng viện, song có vẻ như nó sẽ vẫn được thông qua.

Dự luật tăng cường quyền lực cho tình báo Pháp ra đời sau những vụ tấn công khủng bố liên hoàn diễn ra bên trong và ngoài thủ đô Paris nước này hồi tháng 1/2015, bao gồm vụ tấn công tòa soạn báo châm biếm Charlie Hebdo làm chết 17 người.

Các điều khoản của dự luật mới cho phép cộng đồng tình báo Pháp nghe lén điện thoại di động, đọc email cũng như buộc các công ty viễn thông và dịch vụ Internet cung cấp dữ liệu giao tiếp của mọi khách hàng thuê bao cho chính quyền khi có yêu cầu.

Hạ viện Pháp bỏ phiếu phê chuẩn dự luật ngày 5/5.

Trong số những phương pháp gián điệp có thể được tiến hành là thu thập và phân tích siêu dữ liệu - tương tự như những gì mà Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã làm. Thậm chí, tình báo Pháp cũng có thể yêu cầu gắn thiết bị ghi âm trong phòng, ôtô hay máy tính của người dân, hoặc lắp đặt ăngten để thu sóng điện thoại di động.

Vào đầu tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã có bước đi khác thường khi cá nhân ông trình bày dự luật trước Hạ viện nước này, đồng thời bảo vệ những phương pháp gián điệp đang vấp phải sự chống đối từ các luật sư, công ty dịch vụ Internet cũng như tổ chức nhân quyền.

Số phiếu quá chênh lệch ở Hạ viện Pháp trái ngược hẳn với cuộc tranh cãi sôi nổi đang diễn ra khắp châu Âu về việc làm thế nào để có sự cân bằng tốt nhất giữa quyền tự do công dân và quyền riêng tư chống lại những mối đe dọa an ninh đang tăng trong thời đại bùng phát chủ nghĩa cực đoan và nối kết toàn cầu như hiện nay.

Sự ra đời liên tục của các công nghệ mới, mạng xã hội ảo và người Hồi giáo bị kỳ thị - tất cả những yếu tố này tạo điều kiện thuận lợi cho những nhóm chiến binh cực đoan như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tuyển mộ thanh niên châu Âu chiến đấu cho chúng nhằm thiết lập một vương quốc Hồi giáo mới ở Trung Đông, đồng thời gây rối loạn xã hội phương Tây. Song song đó, sự tăng trưởng nhanh chóng của công nghệ giao tiếp liên lạc toàn cầu cũng thúc đẩy các chính quyền tìm kiếm quyền lực gián điệp được nới rộng hơn mà đôi khi không có sự giám sát của tòa án.

Thủ tướng Manuel Valls hứa hẹn: Dự luật tình báo mới chỉ nhằm vào các mục tiêu rõ ràng và mục đích chính của nó là bảo vệ công dân Pháp trước mối đe dọa thường trực của khủng bố.

Thủ tướng pháp Manuel Valls.

Nhưng những người chống đối - bao gồm Marc Trévidic, một trong những thẩm phán hàng đầu nước Pháp chuyên trách về các vụ án khủng bố - cho rằng những điều khoản trong dự luật hoàn toàn tương phản với sự cam kết của Thủ tướng Valls. Thẩm phán Trévidic đã xuất hiện trên Đài Truyền hình quốc gia Pháp để mô tả dự luật là "nguy hiểm" bởi vì nó thiếu hẳn bất cứ sự xem xét thông thường nào của tòa án.

Pierre Olivier Sur, lãnh đạo Hiệp hội Luật sư Paris, bình luận: "Đó là lời nói dối của chính quyền. Nó giống như Luật Yêu nước của Mỹ gây lo ngại cho mọi người". Pierre Olivier Sur muốn đề cập đến luật pháp nước Mỹ cho phép mở rộng quyền lực gián điệp tín hiệu. Còn tổng biên tập tờ Charlie Hebdo thì nhận định: "Tôi cho rằng những luật mang tính cơ hội đều tệ hại cả. Tôi hiểu điều dễ dàng nhất là sử dụng luật pháp. Nhưng đó chính là sai lầm, bởi vì nếu luật không đúng, không công bằng thì nó sẽ không là câu trả lời đúng".

Tuy nhiên, dự luật mới cũng đề xuất thành lập một ủy ban quốc gia độc lập chịu trách nhiệm giám sát các kỹ thuật tình báo bao gồm 13 thành viên từ Quốc hội và tòa án. Bất cứ biện pháp gián điệp nào nếu muốn bắt đầu thi hành đều phải thông qua ủy ban giám sát này. Nhưng, thủ tướng vẫn là người cuối cùng có quyền quyết định triển khai chương trình gián điệp hay không. Trong khi về lý thuyết, thủ tướng có quyền hành động độc lập song trên thực tế không dễ chống lại các cơ quan tình báo do họ cung cấp thông tin về âm mưu khủng bố cũng như các mục tiêu tội phạm.

Trong tình hình hiện nay, tại Pháp có hơn 800 công ty dịch vụ Internet cũng như các nhà phát triển phần mềm, các công ty thương mại điện tử và doanh nghiệp kỹ thuật số v.v… mở chiến dịch quy mô chống lại dự luật mới. Họ cảnh báo dự luật sẽ gây phương hại đến xu hướng số hóa của nước Pháp cũng như sự đóng góp của lĩnh vực kỹ thuật số vào nền kinh tế nước này. Thậm chí, một số công ty có lượng khách hàng quốc tế đông đảo đe dọa sẽ rời khỏi nước Pháp do họ lo sợ khách hàng sẽ mất lòng tin. Các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng dự luật mới sẽ biến Pháp thành một "Nhà nước do thám" kiểu Mỹ.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.