Phát hiện cuốn nhật ký của tên Đức Quốc xã “thần chết”

Chủ Nhật, 09/01/2005, 07:45

Gần đây, cuốn nhật ký và những bức thư của Josef Mengele - một tên bác sĩ Đức Quốc xã được Cục Lưu trữ của cảnh sát ở Sao Paulo, Brazil, công khai đã khẳng định hắn là kẻ giết người man rợ ở trại tập trung Auschwit-Birkenau của Đức và là một tên ngoan cố đến khi chết.

Tiểu sử về mặt y học của viên bác sĩ Đức Quốc xã khét tiếng này hết sức kỳ quái, hoàn toàn không phù hợp với hình ảnh lạnh lùng và thận trọng của hắn tại các trại tập trung. Vào thời điểm những năm sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 khi đang chạy trốn khỏi sự buộc tội ở Đức, Mengele thường xuyên lo sợ bị phát hiện nên đã bắt đầu có những hành động quái đản như nhổ râu và tóc của mình nhai và nuốt. Sau một thời gian, những sợi tóc đã tập trung trong ruột của hắn, ngăn cản sự tiêu hóa. Vào những năm 70, Mengele đã thoát chết sau một lần bị tắc ruột nhưng sức khỏe thì giảm sút nghiêm trọng, hắn thường ốm yếu và suy nhược cơ thể.

Josef Mengele sinh năm 1911. Trong thời kỳ Đức Quốc xã, hắn là kẻ đã đối xử với những tù nhân trong các trại tập trung như đối xử với những con chuột thí nghiệm. Mengele đã từ bỏ mong muốn được trở về quê hương Đức của mình sau hơn 30 năm sống lưu vong ở nước ngoài. Đó là những điều ghi trong nhật ký của Mengele được tờ Folha de Sao Paulo cho in nhiều kỳ từ đầu tháng 12/2004. Nhật ký của Mengele và 84 tài liệu khác cùng một tiểu sử viết tay đã được tìm thấy trong những chiếc hộp bằng giấy tại Cục Hồ sơ của Cảnh sát liên bang BrazilSao Paulo.

 

Các nhà điều tra đã phát hiện ra những tài liệu này từ năm 1985, nhưng lúc đó, họ không quan tâm đến những gì được tìm thấy. Cảnh sát còn tìm thấy một số cuốn sách và những vật lưu niệm cá nhân của một cặp vợ chồng người Đức là Lieelote và Wolfram Bossert cùng với ngôi nhà của họ trên bãi biển ở Bertioga. Hầu hết mọi thứ vẫn trong tình trạng tốt: tủ sách bao gồm những tác phẩm của Goethe, Geobbels, Erich Fromm và Siegried Lenz, một tấm áp phích kỷ niệm Olympic, một hộp bao cao su nhãn hiệu “Olla”. Tuy nhiên, một vài thứ đã bị mất như một cặp kính và một chiếc máy chữ loại Zephyr của Mỹ được Mengele sử dụng để soạn thảo hầu hết các bức thư.

Những thứ của Mengele được tìm thấy ở tầng 11 của tòa nhà Trụ sở Cảnh sát liên bang ở Sao Paulo, đã gây chấn động mạnh. Những bức thư và nhật ký của hắn tiết lộ nhiều chi tiết mới về cuộc sống lưu vong của kẻ mệnh danh là “Thần chết” tại trại tập trung Auschwitz. Những tài liệu cho thấy tính cách tư sản ngược đời của Mengele, về khả năng kìm chế của hắn, về sự mâu thuẫn khó hiểu giữa con đường đến với khoa học nhưng đầy thú tính và sự yếu đuối của hắn trước vẻ đẹp của nghệ thuật. Tuy nhiên, các tài liệu đều khẳng định sự tàn bạo của Mengele tại trại tập trung Auschwitz.

 

Ngoài ra, các bức thư được đề gửi cho con trai của Mengele là Rolf và gửi cho Wolgang Gerhard - một cựu sĩ quan Quốc xã người Áo. Chính Gerhard là kẻ đã đón nhận Mengele tại Brazil trong nhiều năm. Đến năm 1971, Gerhard rời khỏi Brazil để quay trở về Áo. Khi đó, Gerhard đã đưa cho Mengele tất cả những giấy tờ và căn cước của mình. Năm 1979, Mengele đã bị chết đuối trong khi đang bơi ở Bertioga và đã được chôn cất dưới cái tên Wolfgang Gerhard.

 

Những người săn tìm tiền thưởng và săn lùng những tên Đức Quốc xã vẫn tiếp tục tìm kiếm tên bác sĩ sát nhân của trại tập trung Auschwitz-Birkenau trong nhiều năm sau khi hắn đã chết. Thậm chí, sau khi bộ xương của Mengele đã được tìm thấy trong ngôi mộ số 321 ở Embu, các cuộc săn lùng vẫn tiếp tục. Những người nghi ngờ cho rằng phe cánh của Mengele tại quê hương của hắn ở Gynzburg, Đức đã bịa ra câu chuyện để mọi người không thể tìm thấy hắn.

 

Hiện nay, sau một kết quả phân tích ADN của những mẫu gien đã được lấy từ những gì còn lại của Mengele - cho thấy 99% phù hợp với những mẫu gien lấy từ con trai của hắn là Rolf. Nhưng những phỏng đoán và giả thuyết về Mengele vẫn chưa chấm dứt. Toàn bộ cuộc đời tàn bạo của  Mengele là giết người, dối trá và trốn tránh những hậu quả trừng phạt. Mengele đã lẩn trốn ở Bavaria, Đức trong 4 năm sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2.

 

Sau đó, năm 1949, hắn kiếm được một giấy chứng nhận là hội viên Chữ thập đỏ và trốn sang Nam Mỹ. Hắn đã trải qua 30 năm sống lưu vong tại các nước Argentina, Paraguay và Brazil dưới một loạt các tên giả như Fritz Fischer, Walter Hasek, tiến sĩ Helmut Gregor-Gregori, Jose Aspiazi, Friedrich Edler von Breitenbach, tiến sĩ Henrique Wollmann và cuối cùng là Wolfgang Gerhard - tên của bạn hắn. Điểm dừng chân cuối cùng trong cuộc đời của Mengele là ở Sao Paulo. Nhưng ở đây hắn luôn phải căng thẳng vì sợ đối phó với việc bị lộ tung tích. Mengele  đã hối lộ những quan chức địa phương để làm bằng lái xe và xin giấy phép cư trú, hối lộ để tránh  bị những kẻ tống tiền đã biết được thân phận của hắn. Do đó, hắn đã bị một cú đột qụy và tắc ruột. Đó là giai đoạn mà Mengele đã viết những bức thư và nhật ký đầy chán nản

Đào Tuấn (Theo Spiegel)
.
.