Phát hiện vấn đề về an ninh trong vệ tinh gián điệp cung cấp cho UAE

Thứ Tư, 05/02/2014, 15:55

Sau khi được cung cấp 2 vệ tinh gián điệp của Pháp theo thỏa thuận trước đó, các chuyên gia kỹ thuật của Các Tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE) phát hiện "các bộ phận gây phương hại đến an ninh" trong phần mềm của cả 2 vệ tinh. Các "bộ phận" này có lẽ do Mỹ cung cấp cho Pháp. Được biết, thỏa thuận mua vệ tinh, sẽ được hoàn thành năm 2018 cùng với một trạm trên mặt đất, liên quan đến 2 vệ tinh giám sát quân sự Falcon Eye của Pháp trị giá gần 700 triệu euro (tương đương 930 triệu USD).

Theo một nguồn tin cao cấp của UAE, 2 vệ tinh giám sát quân sự độ phân giải cao Falcon Eye loại Pleiades chứa đựng 2 bộ phận đặc biệt do Mỹ sản xuất có thể tạo ra "cửa sau" cho dữ liệu an ninh cao truyền xuống trạm mặt đất. Các "bộ phận" này chứa công nghệ Mỹ được thiết kế đặc biệt để chặn bắt dữ liệu được truyền xuống một trạm trên mặt đất.

Nguồn tin cho biết: "Phát hiện đã được báo cáo đến văn phòng phó chỉ huy tối cao (Sheikh Mohammed bin Zayed) vào tháng 9/2013. Chúng tôi đã yêu cầu phía Pháp thay đổi các bộ phận này”.

Các vệ tinh được cung cấp bởi hai công ty Airbus Defence and Space và Thales Alenia Space. Theo nguồn tin của UAE, phát hiện về "các bộ phận gây phương hại đến an ninh" đã thúc đẩy tiến tới nhiều cuộc đàm phán gia tăng giữa UAE và Nga dẫn đến việc nhiều phái đoàn cấp cao thường xuyên qua lại như con thoi giữa Moskva và Abu Dhabi.

Nguồn tin cho biết thêm: "Nếu như vấn đề không được giải quyết rốt ráo thì UAE sẽ hủy bỏ toàn bộ thỏa thuận đã ký kết vào tháng 7/2013 với Pháp".

Theo một chuyên gia quốc phòng Pháp, chính quyền UAE đánh giá cao công nghệ Nga, với hệ thống định vị GLONASS. Cuộc cạnh tranh giành thỏa thuận cung cấp vệ tinh gián điệp đã trải qua hơn 2 thập niên, và vào cuối năm 2012 giới chức UAE tuyên bố chọn Falcon Eye của Pháp. Ở Paris, một chuyên gia quốc phòng đã tỏ ý ngạc nhiên khi Pháp sử dụng công nghệ vệ tinh Mỹ cho chương trình Falcon Eye.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian (trái) và Thái tử Sheikh Mohammed bin Zayed.

Trong khi đó, Pháp sử dụng hệ thống vệ tinh gián điệp Pleiades để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Một chuyên gia quốc phòng thứ 2 ở Paris cũng cho biết, công nghệ sử dụng cho chương trình vệ tinh gián điệp không phải hoàn toàn là của Pháp. Người ta cũng biết rằng những cuộc thương lượng giữa Pháp với Mỹ về vệ tinh cho UAE luôn là vấn đề nhạy cảm.

Ví dụ, Khi Mỹ bán các vệ tinh gián điệp cho Arập Xêút, thì chính quyền Israel muốn giới hạn mức độ phân giải của thiết bị vệ tinh. Đối với hai vệ tinh Pháp bán cho UAE, độ phân giải quang học cực cao và hệ thống mã có thể được sử dụng để hướng dẫn tên lửa hành trình đánh trúng một mục tiêu trên đất Iran.

Nhìn chung, tâm lý của các quốc gia Vùng Vịnh là mua vũ khí ở nhiều nước phương Tây khác nhau để tránh lệ thuộc vào Mỹ. UAE sở hữu máy bay F-16 của Hãng Lockheed Martin của Mỹ và Dassault Mirage của Pháp, trong khi Arập Xêút sử dụng F-15 của hãng Boeing, đồng thời với Tornado (của Anh, Đức và Italia) và Typhoon (của tập đoàn châu Âu Eurofighter GmbH). Mặc dù vậy, người bảo đảm an ninh trong khu vực vẫn là người Mỹ.

Tờ La Tribune của Pháp cho rằng, thỏa thuận bán Falcon Eye là công việc của Tổng cục Vũ trang Pháp (DGA) với sự giúp sức của Đại sứ quán Pháp. Tờ báo Pháp Le Figaro dẫn lời của François Auque - lãnh đạo bộ phận Space Systems của Công ty Airbus Defence and Space - cho biết trước khi có thỏa thuận với UAE, chính quyền Pháp không bao giờ đồng ý bán công nghệ phân giải quang học cao trong vệ tinh quân sự cho một quốc gia nước ngoài.

Vệ tinh gián điệp Falcon Eye do Pháp cung cấp cho UAE.

Vào đầu năm 2013, Christian Mons-Catoni - Chủ tịch Hội đồng các ngành công nghiệp quốc phòng Pháp (CIDEF) - cho biết những cuộc thương lượng bán máy bay tiêm kích Rafale nước này cho UAE đã diễn ra thuận lợi. Nếu thỏa thuận thành công, Pháp sẽ chuyển giao cho phía UAE chuyến hàng máy bay Rafale đầu tiên vào năm 2015.

Trong năm 2008, Pháp đã dành 380 triệu euro cho việc xây dựng "tình báo không gian" và có thể con số sẽ tăng gấp đôi đến 760 triệu euro vào năm 2020. Mục tiêu là bảo đảm độc lập về chiến lược đối với Mỹ.

Vào giữa tháng 11/2008, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Hervé Morin đã đến thành phố Toulous nước này để khám phá những cỗ máy không gian công nghệ cao dành cho quân đội ở những cơ sở như EADS Astrium hay PME. Hélios 2B là vệ tinh  quân sự mới nhất trong số các vệ tinh quan sát trái đất, là thành quả hợp tác công nghệ giữa Pháp và một số nước châu Âu khác như Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Italia.

Cái mới của vệ tinh là sự cải thiện về độ phân giải và tầm quan sát, kể cả về đêm bằng tia hồng ngoại. Ngoài ra, Pháp sẽ phóng vệ tinh quan sát Pleiades vào không gian trong năm 2010 để thực hiện 2 sứ mạng dân sự và quân sự

Duy Ân (tổng hợp)
.
.