Phát xít Đức và cuộc tàn phá các công trình văn hoá nghệ thuật của Liên Xô

Thứ Năm, 06/07/2006, 08:00

Tiến hành công cuộc giải phóng lãnh thổ Liên bang Xôviết khỏi sự chiếm đóng của phát xít Đức, các chiến sĩ Hồng quân đã không chỉ chứng kiến những tội ác man rợ của chúng đối với nhân dân mà còn chứng kiến cả sự tàn phá các công trình văn hóa nghệ thuật.

Đề ra kế hoạch cướp bóc

Cướp bóc là một trong những mục tiêu chiến tranh chống Liên Xô của phát xít Đức. Cho đến thời điểm tấn công vào đất nước này, tại Đức đã hình thành một hệ thống tổ chức nhiều chi nhánh, phụ trách việc cướp bóc và hủy diệt giá trị văn hóa gồm có các chuyên gia được đào tạo nghề nghiệp rất bài bản. Trước hết, công việc do Trung tâm tư tưởng Quốc xã Ainzashstab và Bộ trưởng phụ trách lãnh thổ phía đông Alfred Rozenberg đảm nhận.

Sắc lệnh của Hitler đã phân định quyền hạn của Ainzashstab tại các vùng chiếm đóng là có quyền kiểm tra các thư viện và kho lưu trữ, cũng như tất cả các cơ quan văn hóa, và có quyền tịch thu các cơ sở này để hoàn thành nhiệm vụ trước đảng Quốc xã. Ganh đua với tổ chức của Rozenberg, còn có cả đội đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Thiếu tá SS - Bá tước Fon Kuynsberg. Đội này được lập ra theo sáng kiến của Bộ trưởng Ngoại giao phát xít Iôakhim Fon Ribbentrop. Ribbentrop đã chỉ thị cho thuộc hạ càn quét tất cả các cơ sở khoa học, trường đại học, thư viện, kho lưu trữ, nếu thấy những gì quan trọng và đáng giá, thì đều phải tháo dỡ và đưa về Đức.

Đáng kể là hoạt động của đơn vị mang tên hào nhoáng “Những di sản của tổ tiên” do tên sĩ quan SS Kraut, đều đặn gửi về Berlin thông tin về các hiện vật nghệ thuật mà bọn trùm Quốc xã quan tâm. Ngoài ra, còn hàng nghìn tên lính và tướng tá rất ham mê và liều lĩnh cướp bóc tác phẩm nghệ thuật.

Hitler tham vọng mở “Siêu Bảo tàng” tại Linshe

Tại Minsk có tập hợp lớn tranh và hiện vật nghệ thuật quý hầu hết đã bị đưa ra khỏi thành phố. Theo lệnh của Thống chế SS Henric Himmler, phần lớn số tranh được Cơ quan SS gửi về Đức... Quân SS đã gửi cho chỉ huy tối cao những bức tranh và tác phẩm nghệ thuật, trong đó có các đồ vật rất quý thế kỷ XVIII và XIX, bình hoa, tác phẩm điêu khắc, đồng hồ cổ, v.v.... Thế nhưng, đối tượng cướp bóc của bọn phát xít không chỉ là các món đồ văn hóa vật thể và nghệ thuật đáng giá mà còn nhiều hiện vật khác. Các bảo tàng, nhà lưu trữ, thư viện, nơi bảo quản những tài liệu độc đáo, cũng bị cướp phá.

Bảo tàng Leningrad được phục chế nhưng còn thiếu nhiều cổ vật.

Ngày 14/11/1942, báo Sự thật của Liên Xô đã đăng lời khai của tù binh Ferster, Trung úy Tiểu đoàn 4 đặc nhiệm Bộ Ngoại giao Đức Quốc xã: “Tiểu đoàn 2 của chúng tôi đã lấy đi các vật quý từ cung điện và vùng ngoại ô Leningrad. Tại Hoàng thôn, đã lấy đi các tài sản của Cung điện Lớn, bảo tàng của Nữ hoàng Ekaterina. Từ Cung điện Sa hoàng Alecsandr, lấy các đồ gỗ cổ và một thư viện phong phú đến 6 - 7 nghìn đầu sách bằng tiếng Pháp, số lượng lớn các tác phẩm cổ điển Hy Lạp và La Mã... rõ ràng là những phiên bản hiếm... Chúng tôi đã có vụ thu hoạch lớn tại Viện hàn lâm Khoa học Ukraina, nơi bảo quản các văn bản cổ Perxic, văn tự Trung Hoa, các bản chép tay Nga và Ukraina, các bản sách đầu tiên bằng tiếng Nga do người thợ khắc chữ nổi tiếng của nước Nga Ivan Fedorov in ra, và cả những ấn phẩm hiếm của Shevchenko, Mishkevich, Ivan Franco... Tại Kharkov, trong thư viện mang tên Korolenko, mấy nghìn cuốn sách đáng giá đã được lấy gửi về Berlin...”.

Bọn phát xít đã cướp phá 43 nghìn thư viện tại nước Nga. Nhiều năm, Hitler đã  ấp ủ ý đồ thành lập một “bảo tàng của các bảo tàng” tại Linshe, thành phố tuổi thơ của y. Theo mưu đồ của Hitler, bộ sưu tập trong bảo tàng này cần phải vượt hơn tất cả các tài sản của mọi bảo tàng trên thế giới.

Gherman Goering cũng đã từng huênh hoang về mình, tự xưng là nhà thẩm định nghệ thuật tài ba. Trong dinh thự tại Karinhanle, hắn đã lập ra cả một bảo tàng riêng. Goering cũng có những nhân viên riêng, lo việc vơ vét các vật phẩm văn hóa quý, đứng đầu là Tiến sĩ Kai Muylman. Cả những tướng lĩnh Quốc xã khác, như Goebbels, Himmler, Ribbentrop, cũng không chịu thua Hitler và Goering. Và cũng không chỉ riêng những tên này. Trong những năm chiến tranh, thợ chụp ảnh riêng của Hitler là Henric Hopman cũng đã là chủ nhân bộ sưu tập tranh đáng giá. Ngay cả những sĩ quan Quốc xã cấp dưới, cũng không chịu kém trong việc cướp bóc và vơ vét của cải cho riêng mình. Phần lớn các báu vật lấy cắp từ lãnh thổ Liên Xô đã bị hư hại trong những kho đặc biệt, một tổn thất không sao có thể tính đếm của văn hóa nhân loại.

Thực hiện kế hoạch

Ngay từ trước khi tiến hành các chiến dịch quân sự, Đức Quốc xã đã tiến hành cái gọi là công cuộc “tình báo nghệ thuật”. Những đại diện của Đức Quốc xã đã làm quen với các viện bảo tàng, phòng trưng bày hội họa, thư viện, cơ sở văn hóa của những nước đã bị chiếm đóng để thu thập  thông tin về những báu vật đang bảo quản tại các cơ sở này. Trong kế hoạch tình báo của phát xít Đức, Liên bang Xôviết không phải là ngoại lệ. Theo lệnh của Hitler, sau cuộc tấn công là “công việc” theo một danh sách dài những cơ sở văn hóa quan trọng, có các của báu cần lục soát.

Cơ cấu lục soát và cướp bóc của bọn phát xít, vi phạm mọi chuẩn mực quốc tế, đã làm cho Liên Xô bị mất mát nhiều tài sản quý giá trong cuộc chiến tranh. Cho đến nay, vẫn chưa thống kê được đủ khối lượng khổng lồ những vật báu đã bị cướp mất. Nhưng đã có 427 viện bảo tàng bị mất hiện vật và bị quân Đức phá hủy. Chúng không bỏ qua các cung điện và các gian phòng của Hoàng thôn, Gatchinyi, Strelnyi và vùng ngoại ô Leningrad, với công trình sáng tạo của các nhà điêu khắc và những người thợ tài hoa trong quá khứ. Trong số hơn 180 nghìn hiện vật quý, thì hơn 116 nghìn hiện vật đã bị mang về Đức hoặc là bị phá. Có cả Phòng Hổ phách trong cung điện Ekaterinski tại Hoàng thôn, các bức tranh quý, tranh thánh, tượng, đồ sứ, sản phẩm nghệ thuật tạo hình, đồ gỗ, đồ trang trí, những bộ sưu tập đủ loại và nhiều bảo vật nghệ thuật khác đều rơi vào tay của những tên kẻ cướp có lòng tham không đáy.

Quần thể cung điện đền đài của Leningrad, các thành phố cổ khác của đất nước Xôviết như Novgorod, Kiev, Poskov đều bị bọn phát xít phá hủy, cướp bóc. Tại Novgorod, nhà thờ Sofi, nhà thờ bằng đá đầu tiên của Nga, có niên đại giữa thế kỷ XI, đã bị phá. Các bức tranh thánh thế kỷ XII, những cuốn sách hiếm bị lấy đi, các bức phù điêu và tranh ghép sứ trên tường bị đập vỡ. Cả tượng đài kỷ niệm 1.000 năm nước Nga cũng bị hủy. Từ Kiev, nơi thường được gọi là “Người mẹ của các thành phố Nga”, gần 25 nghìn hiện vật đã được mang đi để gửi riêng cho Viện Bảo tàng nghệ thuật Đức, trong đó có các bức tranh của Piter và Yan Breigelei, Van Deika, Veroneze, Pussen, Ribeiry và nhiều danh họa khác. Trên lãnh thổ Pecher từng có một thành phố bảo tàng, nơi lưu giữ sưu tập vô giá các báu vật lịch sử gồm hàng nghìn hiện vật, các tượng đài văn hóa vật chất của hàng nghìn năm trước. Việc tàn phá nhiều công trình văn hóa nghệ thuật và cướp bóc các báu vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật tại Liên Xô của quân Đức, đến nay, nhiều người dân Nga vẫn không quên

Hùng Sơn (tổng hợp từ báo chí Nga)
.
.