Phía sau “thương vụ Alaska”: Bán xong, giờ muốn đòi lại

Thứ Ba, 17/06/2014, 16:05

Tuần qua, một bản kiến nghị kêu gọi sáp nhập lại bang Alaska của Nga bất ngờ được đăng tải trên trang web chính thức của Nhà Trắng (Mỹ). Đơn kiến nghị này đã thu thập được hơn 50.000 chữ ký, và tạo nên một dư chấn nhỏ ngay sau khi Nga sáp nhập Crimea. Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn có nhiều người nghĩ rằng, phía Mỹ hoặc đã ăn cắp Alaska từ Nga, hoặc thuê nó và không trả lại.

Mặc dù có nhiều câu chuyện được kể lại và lưu truyền rộng rãi, nhưng đây thực chất là một thương vụ khi Nga đã bán lãnh thổ Alaska cho Mỹ với giá 7,2 triệu USD vào năm 1876. Và cả hai bên đều có những lý do hợp lý để thực hiện điều đó.

Từ rực rỡ đến đổ nát

Alaska hiện là một bang của Mỹ, nằm ở tây bắc của lục địa Bắc Mỹ. Alaska giáp với Canada ở phía đông, giáp với Bắc Băng Dương ở phía bắc, giáp với Thái Bình Dương ở phía tây và phía nam, đối diện với Nga qua eo biển Bering. Trước đây, vào thế kỷ XIX, Alaska của Nga từng được xem là một trung tâm thương mại thế giới, nơi nhiều tàu thuyền và nhà máy được xây dựng.

Tại thủ phủ Novoarkhangelsk (nay là Sitka) của Alaska, các hoạt động giao dịch diễn ra rất nhộn nhịp. Ở đây cũng phát triển ngành đóng tàu và có rất nhiều nhà máy, hay các mỏ khoáng sản (đặc biệt là vàng). Do đó, việc bán vùng đất này được coi là một điều điên rồ.

Các giao dịch thương mại được kiểm soát bởi Công ty Nga-Mỹ (RAC), do các nhà thám hiểm và doanh nhân Nga thành lập từ thế kỷ XVIII. Công ty này thuộc địa hóa mạnh mẽ vùng đất Alaska trong nửa đầu thế kỷ XIX, cũng như kiểm soát tất cả các mỏ và khoáng sản của Alaska. Công ty này có thể ký hiệp định thương mại với các nước khác một cách độc lập, có cả cờ và tiền tệ riêng (Sa hoàng Nga cấp cho công ty này những đặc quyền trên).

Tuy nhiên, chính phủ không chỉ thu các khoản thuế lớn mà còn sở hữu một phần lớn công ty này, bởi Sa hoàng và các thành viên trong gia đình là cổ đông của RAC. Người lãnh đạo công ty này là một vị thương gia tài năng Alexander Baranov.

Nga bán Alaska cho Mỹ vào ngày 30/3/1867 với giá 7,2 triệu USD.

Ông đã cho xây dựng trường học, nhà máy và dạy dân bản địa trồng củ cải và khoai tây, xây dựng các pháo đài và nhà máy đóng tàu, mở rộng việc buôn bán rái cá. Ông yêu quý mảnh đất Alaska không chỉ vì tiền bạc mà còn bởi trái tim của mình - ông kết hôn với con gái của một tộc trưởng bản xứ người Aleut. Dưới thời Baranov, RAC mang về doanh thu khổng lồ: hơn 1.000% lợi nhuận.

Khi Baranov nghỉ hưu, người thay thế ông là trung úy hải quân Hagemeister. Người này mang theo các nhân viên và các cổ đông mới dưới trướng từ quân đội. Từ đó, Hagemeister quyết định rằng chỉ sĩ quan hải quân mới được quyền lãnh đạo công ty. Thay vì chú trọng đến việc điều hành và phát triển RAC, Hagemeister lại tìm cách chiếm đoạt lợi nhuận kinh doanh, và chính những hành động đó đã hủy hoại RAC.

Ban lãnh đạo mới của công ty này đã tự cho mình mức lương khổng lồ khi những nhân viên quản lý thông thường nhất có thể kiếm tới 1.500 rúp mỗi năm (tương đương với mức lương của các bộ trưởng và các thượng nghị sĩ), trong khi người đứng đầu của công ty có mức lương tới 150.000 rúp.

RAC thu mua da rái cá từ người dân địa phương với giá rẻ bèo. Kết quả là, trong 20 năm, người dân ở đây đã giết chết gần như tất cả rái cá biển, khiến cho ngành thương mại có lợi nhuận nhất của Alaska bị thất thu. Người dân bản địa đã nổi dậy và bị tàu quân sự Nga bắn vào các làng ven biển. Trước tình hình đó, RAC bắt đầu tìm kiếm các nguồn thu nhập khác. Việc buôn bán đá lạnh và trà được khởi xướng.

Thế nhưng, với suy nghĩ hạn hẹp, họ không thể tổ chức công ty một cách hợp lý và mức lương bắt đầu sụt giảm đến mức khó tưởng tượng nổi. Kết quả, RAC đã phải nhận trợ cấp của nhà nước - 200.000 rúp mỗi năm. Tuy nhiên, việc gì đến ắt sẽ đến. Công ty RAC bị phá sản.

Một thương vụ sai lầm?

Chiến tranh Crimea (1853-1856) nổ ra, Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ cùng chống lại Nga. Trước sức ép từ nhiều phía, Nga khó lòng bảo vệ được Alaska vì các tuyến đường biển ở đó đã bị kiểm soát bởi các tàu của quân đồng minh. Ngay cả những khách hàng tiềm năng đến khai thác vàng cũng lo sợ Anh sẽ chặn ở Alaska và Nga sẽ phải rời đi mà không có được thứ gì.

Căng thẳng giữa Moskva và London tăng lên, trong khi mối quan hệ với các nhà chức trách Mỹ đang êm ấm hơn bao giờ hết. Cả hai gần như cùng có ý tưởng mua bán Alaska. Vì vậy, Baron Eduard de Stoeckl, phái viên của Nga tại Washington D.C, đã thay mặt Sa hoàng mở cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ William Seward.

Trong khi giới chức các bên đang đàm phán, dư luận cả hai nước đều phản đối vụ mua bán này. "Làm thế nào chúng ta lại có thể từ bỏ vùng đất mà ta đã bỏ bao nhiêu công sức và thời gian để phát triển, vùng đất đã có đường dây điện tín được xây dựng và các mỏ vàng đã được tìm thấy?" - Báo Nga viết. Còn báo Mỹ khẳng định: "Tại sao người Mỹ lại cần "hộp băng" này với 50.000 dân Eskimo hoang dã - thường uống dầu cá vào bữa sáng?".

Thương gia Alexander Baranov (đứng bên phải) yêu quý mảnh đất Alaska không chỉ vì hầu bao mà còn bởi trái tim khi kết hôn với con gái của một tộc trưởng người bản xứ.

Không chỉ có báo chí, Quốc hội Mỹ cũng không chấp thuận việc mua bán này. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những bất đồng đó, ngày 30/3/1867, tại Washington D.C, hai bên đã ký thỏa thuận bán Alaska với diện tích 1,5 triệu ha cho Mỹ, với giá 7,2 triệu USD (khoảng 4,74 USD/km2) - một khoản tiền được cho là chỉ mang tính tượng trưng. Ở thời điểm đó, một vùng đất bình thường ở Siberia với diện tích tương tự có thể có giá gấp 1.395 lần. Nhưng khi đang phải đối mặt với tình cảnh sẽ bị mất Alaska mà không kiếm được đồng xu nào, thì có vẻ như việc chấp thuận thỏa thuận trên vẫn là một giải pháp tốt hơn nhiều đối với Nga.

Việc bàn giao chính thức Alaska cho Mỹ được thực hiện ở Novoarkhangelsk. Những người lính Mỹ và Nga xếp hàng bên cạnh cột cờ, lá cờ Nga bị hạ xuống và được đánh dấu bằng phát súng đại bác. Tuy nhiên, lá quốc kỳ lại bị mắc vào đỉnh cột cờ. Người thủy thủ trèo lên để hạ cờ xuống, và tình cờ lá quốc kỳ rơi xuống các lưỡi lê của lính Nga. Đó bị coi là một điềm gở.

Sau đó, người Mỹ bắt đầu tiếp nhận các tòa nhà ở thị trấn và đổi tên thủ phủ Novoarkhangelsk thành Sitka. Hàng trăm người Nga quyết định không lấy quốc tịch Mỹ đã phải đi khỏi khu vực này bằng tàu của các thương lái. Một thời gian ngắn trôi qua, vàng và nhiều loại khoáng sản đã bắt đầu được khai khác tại "hộp băng" Alaska. Các cơn sốt vàng bắt đầu nổi lên ở Alaska, giúp người Mỹ kiếm được hàng trăm triệu USD. 50 năm sau khi mua Alaska, số tiền Mỹ kiếm được đã gấp 100 lần tiền bỏ ra.

Không ngoại trừ khả năng nhìn thấy lại những cơ hội để khai thác mảnh đất màu mỡ này, mà gần 150 năm sau, dư luận lại muốn Alaska quay trở về với Nga. Bản kiến nghị trên trang web chính thức của Nhà Trắng với nhan đề "Alaska, hãy quay về với Nga" đã khuyến khích một cuộc bỏ phiếu về việc ly khai, viện dẫn chuyến đi lịch sử của các nhà thám hiểm Nga tới Alaska, cũng như việc người Siberia bản địa vượt qua vùng đất liền mà ngày nay là eo biển Bering cách đây 10.000 năm.

Một số tài liệu cũng đề cập tới việc những người Nga tới khu vực này định cư, bao gồm cả người Aleut định cư tại quần đảo Aleutian và cuộc viễn chinh của nhà thám hiểm nổi tiếng Mikhail Gvozdez, người đầu tiên tới Alaska vào năm 1972. Nếu bản kiến nghị này thu hút được 100.000 chữ ký trong vòng một tháng, chính quyền của Tổng thống Barack Obama phải có nghĩa vụ hồi đáp những chính sách mà họ đề ra…

Hồng Hạnh - Trần Quân (tổng hợp)
.
.