Phiên toà chưa có tiền lệ tại Vatican

Thứ Hai, 08/10/2012, 04:05

Khi công bố những tài liệu mật lấy cắp từ Giáo hoàng Benedict XVI, phóng viên Gianluigi Nuzzi đã gây ra một cơn chấn động chưa từng có trong lịch sử Tòa thánh và khiến cho vị tổng quản của Giáo hoàng phải trình diện trước một phiên tòa.

Bí mật trong hầm rượu ở... Thụy Sĩ

Phóng viên Gianluigi Nuzzi đang chờ đợi sự khoan dung của Giáo hoàng. "Sau phiên tòa, tôi hy vọng sẽ nhận được sự tha thứ của Giáo hoàng". Sự tha thứ này cũng sẽ giúp cho vị tổng quản Paolo Gabriele tránh được bản án tù từ 1 - 6 năm. Đã phục vụ cho Giáo hoàng từ năm 2005, một trong những người ngoại giáo hiếm hoi được đặc quyền kề cận bên Giáo hoàng, Paolo Gabriele đã đánh cắp các tài liệu trong văn phòng thư ký riêng của Giáo hoàng rồi chuyển cho giới báo chí. Ngày 29/9 vừa qua, Paolo Gabriele đã ra trước Tòa án Vatican. Bên cạnh ông là nhân vật thứ nhì, chuyên viên tin học Claudio Sciarpelletti, kẻ đồng lõa nhẹ tội hơn.

Phiên tòa này quả là chưa từng có tiền lệ. Vụ việc cũng chưa hề có tiền lệ trong lịch sử Tòa thánh và Giáo hội Thiên Chúa giáo trong suốt 2.000 năm qua. Chưa bao giờ các bí mật của Tòa thánh bị phơi bày công khai và những điều “đáng hổ thẹn” bị trưng ra trước công chúng. Và cũng chưa bao giờ một người kề cận với Giáo hoàng từ lúc Ngài thức dậy đến khi đi ngủ, theo sát Ngài như hình với bóng, lại phản bội sự tin cẩn của Ngài.

Paolo Gabriele bị lộ tẩy vào cuối tháng 5 sau một cuộc điều tra sâu rộng do Giáo hoàng ra lệnh vì quá bức xúc khi thấy các tài liệu mật bị đăng tải trên báo chí từ tháng 8/2011 và trong quyển sách của Gianluigi Nuzzi ấn hành vào tháng 5. Những cuộc nghe lén và theo dõi đã giúp lần ra vị tổng quản mà những người thân cận từng trìu mến gọi người này là "Paoletto". Đến cuối tháng 4, Giáo hoàng đã cho thành lập một Ủy ban Hồng y để điều tra cặn kẽ nhằm mục đích lật mặt nạ kẻ phản trắc. Cuối cùng, Paoletto bị cảnh sát Vatican bắt vào ngày 23/5. Rất nhanh chóng, ông ta đã thú nhận mọi tội lỗi.

Đã có vợ và 3 con, năm nay 46 tuổi, vị tổng quản sống cùng gia đình trong khuôn viên Vatican. Hàng chục tài liệu mật được phát hiện tại nhà ông ta. Trong khi lục soát cảnh sát còn tìm thấy một ấn bản "Enéide" rất hiếm từ năm 1581, một thỏi vàng dành cho Giáo hoàng, một chi phiếu 100.000 euro do Đại học San Antonio di Guadalupe kính biếu cho Giáo hoàng.

Trong vụ việc này còn có một kẻ khác rất quan trọng, đó là phóng viên Gianluigi Nuzzi. Để bảo vệ những người cung cấp thông tin khác, ông ta khai ra Paolo Gabriele. Vị tổng quản thừa nhận đã đưa các tài liệu mật cho phóng viên này.

"Vào khoảng tháng 2/3, khi bàn với ông ta về các mối nguy hiểm mà ông ta có thể phải đối mặt, lúc ấy những tài liệu mật đã được đánh cắp và tôi đã công bố trên truyền hình. Tôi thấy ông ta rất thản nhiên, sẵn sàng đối mặt với mọi việc. Ông ta kể về một thứ gì đó rất cảm động, về những vị thánh tuẫn đạo. Gabriele rất sùng đạo và yêu quý Giáo hoàng. Ông ta tin rằng mình không phản bội đức tin. Khi cho công bố các tài liệu đó, ông ta nghĩ rằng đã giúp đỡ Giáo hoàng" - phóng viên Nuzzi kể lại. Phát ngôn viên của Vatican cũng không tin rằng Gabriele đã hành động vì mục đích kinh tế.

Nhưng giúp đỡ Giáo hoàng ư? Về cái gì? Để gỡ được nút thắt của câu chuyện ly kỳ xâm hại đến bí mật của Giáo hội này, cần phải đi ngược về năm 2009 với quyển sách "Vatican SA" cũng của tác giả Gianluigi Nuzzi. Chỉ sau vài tháng phát hành quyển sách đã bán được 250.000 bản tại Italia. Ở Pháp nó được ấn hành vào tháng 2/2011 nhưng hầu như ít người biết đến. Đó là câu chuyện dẫn dắt người đọc đi vào ngõ ngách của các quỹ đen và những tài khoản với tên giả.

Theo Gianluigi Nuzzi, cuộc điều tra bắt đầu như một bộ phim trinh thám. Hơn 4.000 tài liệu được cất giấu bí mật trong hầm rượu của một trang trại ở Thụy Sĩ. Đó là thư khố của một chức sắc tôn giáo, Renato Dardozzi, đã qua đời năm 2003. Trong 1/4 thế kỷ làm việc tại Vatican ông ta đã theo dõi sát sao các vụ việc tài chính, ghi chép, lưu giữ những hồ sơ. "Tôi đã rời khỏi Milan vào cuối năm 2008. Có 2 chiếc vali, mỗi chiếc nặng 40kg đang chờ tôi tại biên giới Thụy Sĩ. Việc lấy lại 2 chiếc vali rất dễ dàng, chỉ cần mời cô chủ trại một tách cà phê, thật may mắn vì cô ta không bao giờ bước chân xuống hầm rượu của cha" - Nuzzi kể trong quyển sách.

Từ các tài liệu đó Nuzzi đã viết nên quyển sách best-seller. Ông mổ xẻ các phi vụ tài chính rối rắm của Viện Công tác Tôn giáo (IOR), ngân hàng của Vatican, bị nghi ngờ dính líu đến một loạt scandal đã làm rúng động Italia từ thập niên 70. Đầu tiên là sự phá sản của Banco Ambrosiano, thể chế tôn giáo bị nghi ngờ rửa tiền cho mafia với sự tiếp tay của Paul Casimir Marcinkus, lúc ấy là Chủ tịch IOR. Vụ việc kết thúc bằng cái chết của Roberto Calvi vào năm 1982, Chủ tịch Ngân hàng Ambrosiano; ông ta được phát hiện treo cổ dưới một cây cầu ở London. Để tránh rắc rối với luật pháp, IOR đã đồng ý chi ra 240 triệu euro cho các chủ nợ.

Tổng quản Paolo Gabriele bên cạnh Giáo hoàng Benedict XVI.

IOR cũng dính líu vào scandal Enimont, tức kế hoạch hợp nhất Công ty Dầu hỏa ENI và Tập đoàn hóa chất Montedison năm 1988. Chủ tịch của Montedison là Raul Gardini, người đã tự tử vào năm 1993 trong khi gọng kìm của luật pháp đang xiết lại quanh ông. Dự tính hợp nhất đã lót tay cho các đảng phái chính trị với hầu bao trĩu nặng ước tính khoảng 75 triệu euro.

Là phóng viên chuyên điều tra các đề tài đa dạng như sự tha hóa của tầng lớp chính trị hay các phi vụ của mafia Ndrangheta ở Calabria cho báo viết và truyền hình, Gianluigi Nuzzi không cần phải cẩn trọng. "Theo lời của một nguồn tin, trong một lần gặp gỡ riêng tại Vatican, Tổng giám mục Bagnasco đã nói rằng quyển "Vatican SA" làm thay đổi các định chế từ lâu đã phủ bóng tối nhiều hơn là ánh sáng lên Giáo hội" - phóng viên Nuzzi kể lại.

Phóng viên Nuzzi quá tự cao chăng? Dù sao những sự việc kế tiếp đã cho thấy là ông có lý. Vài tháng sau khi quyển "Vatican SA" được phát hành, nhà kinh tế Ettore Gotti Tedeschi đại diện cho Tập đoàn Tây Ban Nha Banco Santander ở Italia đã lên nắm quyền điều hành IOR với mục tiêu là đưa Vatican vào "danh sách trắng" những nước tuân thủ tiêu chuẩn không rửa tiền do OCDE (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) đề ra. "Ông ta ngỡ rằng đã được chọn ra để thay đổi đường lối tài chính của Vatican" - Gianluigi Nuzzi nói. Nhưng đến cuối tháng 5, Gotti Tedeschi bị bãi nhiệm sau một cuộc bỏ phiếu không tín nhiệm của Hội đồng Quản trị Ngân hàng Vatican.

Cơn bão Vatileaks

Đến tháng 5/2012, Gianluigi Nuzzi lại tung ra quả bom thứ nhì với một quyển sách tập hợp các tài liệu tối mật bị rò rỉ. Sau khi sách được phát hành, Vatican mở một cuộc điều tra và tổng quản Paolo Gabriele bị bắt giam 53 ngày trước khi bị quản thúc tại gia. Biện pháp này bị phóng viên Nuzzi cho là quá khắt khe: "Có cần phải như thế không? Đó không phải là một người thâm nhập vào Vatican hay muốn làm hại Giáo hoàng. Ngược lại đó là một trong những cộng tác viên thân cận nhất với Giáo hoàng".

Trong sự kiện rò rỉ tài liệu mật này, Nuzzi cho rằng những người trong cuộc muốn hậu thuẫn cho Giáo hoàng trong một chiến dịch "bàn tay sạch" nhằm sắp xếp lại trật tự tại Tòa thánh, chống lại nạn tha hóa và xóa sạch các scandal trong quá khứ của Ngân hàng Vatican. Nuzzi được ưu tiên trao cho các tài liệu đó vì ông ta có thể giúp đỡ chiến dịch tẩy uế bằng cách công bố chúng rộng rãi.

Tuy nhiên vụ Vatileaks vẫn còn nhiều mảng tối. Gianluigi Nuzzi từ chối bình luận về viên thư ký riêng của Giáo hoàng, Georg Ganswsein, mà các tài liệu bị đánh cắp từ văn phòng của ông này. Thế nhưng, vị này là nhân vật không thể thiếu trong phiên tòa vì chính ông quyết định những thỉnh nguyện nào được trình lên Giáo hoàng.

Phiên tòa ngày 29/9 lại  được tiếp tục vào ngày 2/10 và có vẻ như Giáo hoàng Benedict XVI  muốn có một sự minh bạch. Nhưng chỉ có 8 phóng viên được phép vào phòng xử. Tuy nhiên cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục. Trong báo cáo, các quan tòa nhắc đến những kẻ đồng lõa với tên tắt là X và W. Không ai có thể lường trước hậu quả của cơn bão Vatileaks.

Hiện thời dường như Giáo hoàng đã quyết định sẽ làm sáng tỏ vụ việc và đưa ra ánh sáng những kẻ phản phúc. "Các thế lực của cái ác sẽ không thể chiến thắng. Lẽ ra Judas (vị tông đồ đã phản bội Chúa Giêsu - ND) đã có thể ra đi như nhiều thánh tông đồ khác, thậm chí đã phải ra đi nếu ông ta trung thực" - Giáo hoàng nhấn mạnh

Minh Luân (tổng hợp)
.
.