Phim “Argo” với 7 đề cử giải Oscar: Tony Mendez, điệp viên CIA có thực

Thứ Hai, 11/03/2013, 08:45

“Argo” là bộ phim ly kỳ, đầy kịch tính mô tả các cuộc tấn công chiếm Sứ quán Mỹ ở Tehran vào ngày 4/11/1979, sau đó, trưởng nhóm tình báo Mendez tổ chức giải cứu 6 con tin Mỹ. Dựa vào bản cáo trạng được công bố năm 2007, Ben Affleck viết kịch bản phim “Argo”, làm đạo diễn và thủ vai chính - điệp viên Mendez.

Sau khi đoạt hai giải Quả cầu vàng phim hay nhất của Hiệp hội Đạo diễn Mỹ (DGA) và Hội diễn viên điện ảnh Mỹ (SAG) cùng giải thưởng của Viện Hàn lâm nghệ thuật và Truyền hình Anh (BAFTA), phim được đề cử bảy giải Oscars danh giá. Phim cũng đã được chính cựu điệp viên Mendez CIA (nay 73 tuổi) đánh giá cao.

“Argo” kể về cuộc khủng hoảng con tin căng thẳng giữa Mỹ và Iran sau vụ Tòa đại sứ Mỹ ở Tehran bị  tấn công, bắt nhiều người giam trong nhiều ngày, vốn là nguyên nhân gây rạn nứt trong mối quan hệ ngoại giao giữa Washington và Tehran kéo dài từ đó đến nay. Khi giáo chủ đầy quyền lực Ayatollah Khomeini trở về Tehran vào ngày 1/2/1979 sau những năm tháng sống lưu vong ở nước ngoài, ông phát động các chiến dịch chống Mỹ trên khắp đất nước Iran và vụ này là một minh chứng.

Khi những người ủng hộ tân lãnh đạo Khomeini tấn công Đại sứ quán Mỹ bắt giữ các nhà ngoại giao làm con tin, có 6 nhân viên trốn được ra ngoài, chạy đến trú ẩn tại Sứ quán Canada. Điệp viên Mendez - chuyên viên giải cứu của CIA, lãnh nhiệm vụ từ tổng hành dinh CIA ở Langley bang Virginia (Mỹ), phải bằng mọi cách đưa 6 người này rời Iran an toàn.

Từ trái qua: Điệp viên CIA Tony Mendez (nay 73 tuổi), Mendez vào năm 1979 xảy ra biến cố tại sứ quán Mỹ ở Tehran và diễn viên kiêm đạo diễn Ben Affleck trong vai Mendez của bộ phim “Argo”.

Nhân vật chính Mendez tuy là một điệp viên lạnh lùng, dũng cảm, đầy mưu trí nhưng cũng là một ông bố bình thường, yêu con và đang gặp rắc rối về hôn nhân. Hình tượng anh hùng trong Mendez không được đạo diễn và diễn viên chính Affleck xây dựng theo kiểu một điệp viên chiến đấu tả xung hữu đột, bất kể hiểm nguy trừ gian diệt bạo mà thể hiện bản lĩnh qua các tình huống đấu trí. 

Vào ngày 25/1/1980, điệp viên Mendez đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, giải cứu tất cả con tin bị  giam trong suốt 86 ngày đêm. Tổng thống Mỹ lúc đó là Jimmy Carter, đã trao cho Mendez giải Ngôi sao Tình báo (Intelligence Star).

Trong quá trình giải cứu nghẹt thở, chàng điệp viên CIA Mendez do Affleck điển trai thủ vai tỏ ra chắc tay ở các đoạn miêu tả tâm lý sợ hãi, thần kinh căng như dây đàn khi chạm trán với những người Iran cực đoan bài Mỹ trong khu chợ Tehran, khi đối diện với hệ thống kiểm tra an ninh, hay lúc thẩm vấn tại sân bay và cuộc rượt đuổi ngoạn mục của an ninh Iran khiến khán giả nghẹt thở.

Điều khá thú vị là trong khi Argo được công chiếu và số doanh thu rất lớn (hơn nửa tỉ USD trong một tháng), nhân vật chính là điệp viên CIA Mendez vẫn còn sống. Dĩ nhiên là sau khi viết xong kịch bản, Affleck có tìm gặp Mendez để "xin ý kiến", sau khi đọc xong, Affleck khen ngợi "kịch bản được viết công phu, tôn trọng sự thật.

Cảnh trong phim: Điệp viên Mendez (phải) chạm cốc với Giám đốc CIA George Tenet (trái).

Trong quá trình quay từng đoạn phim, đạo diễn kiêm diễn viên Affleck cũng thường xuyên nhờ Mendez góp ý và lần nào Mendez cũng phát biểu một cách rất thành thật. Có một số đoạn trong lúc giải cứu con tin, Affleck diễn hơi "mềm mại", Mendez cũng góp ý thẳng thắn để Affleck sửa. Cuối cùng, sau khi bộ phim hoàn tất, con người bằng xương bằng thịt Mendez là khán giả đầu tiên - ông tỏ ra rất hài lòng.

Sau khi “Argo” được công chiếu và bước đầu gặt hái được những thành công đáng kể, phía Iran đã phản ứng. Nhà sản xuất phim kiêm diễn viên điện ảnh người Iran nổi tiếng Ataollah Salmanian khẳng định rằng, ông cùng ê kíp làm phim của mình sẽ sản xuất một phim điện ảnh về những con tin Mỹ kẹt lại tại Iran hồi năm 1979 khi nước này xảy ra cuộc Cách mạng Hồi giáo. Hành động này được cho là đáp trả lại bộ phim của Affleck mà ông cho là đã "bóp méo sự thật". Salmanian tiết lộ rằng, bộ phim có tựa đề “Setad Moshtarak” (Bộ tham mưu) đã sẵn sàng khởi quay.

Một số tờ báo của Iran cho rằng “Argo” tái hiện lại hình ảnh của thủ đô Tehran hồi năm 1980, khiến người Iran thấy khó chịu và nực cười thì nó lại làm giới phê bình phim của Mỹ hào hứng.

Cùng với phim “Zero Dark Thirty” về cuộc tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, “Argo” vừa được vinh danh tại lễ trao giải thưởng của Hiệp hội biên kịch Mỹ (Writers Guild of America Awards 2013) diễn ra đồng thời tại Los AngelesNew York (Mỹ) vào hôm 18-2 vừa qua.

“Argo” đã mang về cho Chris Terrio giải Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Đây là giải tiền Oscar quan trọng vì nó là căn cứ để các giám khảo chấm giải Oscar. Trong bảy đề cử Oscar, rất tiếc cho Affleck là ông đã tuột khỏi tay giải đạo diễn xuất sắc nhất

Tường Quyên (theo BBC News)
.
.