Phương Tây lo ngại về kho vũ khí hoá học của Syria

Chủ Nhật, 08/07/2012, 21:55

Syria bắt đầu phát triển vũ khí hóa học từ thập niên 80 thế kỷ XX, và tình báo phương Tây tin rằng, nước này hiện đang sở hữu kho vũ khí này lớn hơn bất cứ quốc gia nào trong khu vực cũng như trên thế giới. Kho vũ khí hóa học của Syria đang trở thành yếu tố làm tăng thêm mối lo ngại về cuộc khủng hoảng đe dọa nhấn chìm chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Các quốc gia láng giềng với Syria cũng như phương Tây đang phập phồng về vấn đề an ninh của các kho vũ khí một khi chế độ Assad sụp đổ và thậm chí, hiện thời, ở Mỹ đã xuất hiện một số kế hoạch giải cứu kho vũ khí hóa học. Nhưng vấn đề là chương trình vũ khí hóa học của Syria quy mô đến mức độ nào?

Syria đang trượt dài trong bạo lực ngày càng tồi tệ và nhiều phần đất nước bắt đầu vuột khỏi vòng kiểm soát của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Các kho vũ khí sinh - hóa, các hệ thống phòng không và tên lửa đạn đạo của Syria rất có thể bị chiếm đoạt - một chiến lợi phẩm đắt giá cho các nhóm chiến binh cực đoan đồng thời là thách thức đáng sợ cho các chính quyền phương Tây.

Các chuyên gia phương Tây tin rằng, Syria đang sở hữu một trong những kho tác nhân hóa học lớn nhất thế giới - bao gồm những tác nhân tấn công hệ thần kinh Sarin và VX. Ngoài ra, Syria còn nắm trong tay một lượng đáng kể các tên lửa đất đối đất, như là Scud-D có thể gắn đầu đạn hóa học cũng như tên lửa vác vai chống máy bay hiện đại do Nga sản xuất.

Syria là quốc gia không ký kết CWC (Hiệp ước toàn cầu nghiêm cấm sản xuất, tích trữ, chuyển giao và sử dụng vũ khí hóa học) đồng thời phủ nhận sự phát triển những chương trình vũ khí sinh - hóa. Nhưng tình báo phương Tây tin rằng, Syria bắt đầu ngấm ngầm phát triển kho vũ khí không quy ước vào thập niên 80 của thế kỷ trước.

Một bệ phóng tên lửa Scud.

Người ta cũng cho rằng Syria tích trữ một lượng đáng kể những tác nhân độc hại như là khí mustard - được sử dụng phổ biến trong Chiến tranh thế giới lần 1 và trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq (1980 - 1988) - cũng như Sarin và VX. Những tác nhân hóa học này được thiết kế thích hợp sử dụng cho các hệ thống phóng hàng loạt - từ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn Scud-D cho đến những hệ thống phóng cỡ nhỏ như đạn pháo của pháo binh. Người ta cũng nghi ngờ Syria từng phát triển chương trình vũ khí sinh học như là tác nhân gây bệnh than (anthrax) cho dù ở quy mô nhỏ.

Theo báo cáo mới đây của Trung tâm nghiên cứu sự không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin (JMCNS) đặt trụ sở ở Washington (Mỹ), ở Syria có 5 cơ sở chế tạo tác nhân hóa học tại các vùng như: Al Safir phía đông nam thành phố Aleppo; thành phố Latakia trên bờ biển Địa Trung Hải gần Dumayr, cách thủ đô Damascus chừng 25km về phía đông bắc; Khan Abu Shamat, cách Damascus 35.4km về phía đông; và Al Furqlus ở thành phố Homs.

Người ta tin những kho vũ khí hóa học của Syria nằm gần những thành phố bất ổn cao như Homs.

Các nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích của phương Tây cho rằng, có hàng chục kho vũ khí nằm rải rác khắp đất nước Syria, trong đó một số nằm sâu dưới các bunker trong lòng đất và gây phức tạp thêm cho những nỗ lực giải cứu cũng như phá hủy chúng của các cơ quan tình báo phương Tây.

Mối lo sợ của Israel - những tên lửa Scud thích hợp gắn đầu đạn hạt nhân của Syria

Israel phập phồng theo dõi xung đột bạo lực đang leo thang từng ngày ở Syria thậm chí đến mức báo động, trong khi đó chế độ Tổng thống Bashar al-Assad lại thân thiết với Iran và tổ chức Hezbollah người Shiite của Liban. Israel vốn bất an về tình hình an ninh ở vùng biên giới phía nam giáp với Ai Cập, nay lại phải đối mặt với khả năng những kẻ thù của Nhà nước Do Thái ở khu vực phía bắc sở hữu được vũ khí hóa học hoặc các tên lửa đạn đạo của Syria.

Vừa qua, tướng Yair Naveh - Phó tham mưu trưởng quân đội Israel - khẳng định với tờ báo trong nước Hayom rằng: “Syria hiện nay sở hữu kho vũ khí hóa học lớn nhất trong khu vực và các tên lửa có thể chạm đến nhiều mục tiêu ở Israel, do đó chúng ta cần phải cảnh giác cao độ”. Chính quyền Israel lo sợ chiến binh Hezbollah ở Liban có thể chiếm được các tên lửa Scud thích hợp gắn đầu đạn hóa học tăng cường khả năng răn đe chống Israel.

Tháng 4/2010, Israel tuyên bố Syria đã chuyển quyền kiểm soát một số tên lửa Scud cho Hezbollah tại khu quân sự gần thủ đô Damascus, thậm chí có một số báo cáo cho rằng, một số tên lửa này được buôn lậu qua biên giới vào Liban.

Các báo cáo mới đây của giới truyền thông Israel cũng nhắc lại mối đe dọa này. Giới lãnh đạo Hezbollah thường lớn tiếng rằng, không một mục tiêu nào ở Israel nằm ngoài tầm bắn tên lửa của họ, và sự đe dọa đó chắc chắn sẽ thành hiện thực một khi phong trào Shiite này sở hữu được các tên lửa Scud-D có tầm bắn xa (khoảng 700km) của Syria! Kho tên lửa của Hezbollah được tin là được mở rộng về số lượng lẫn chất lượng kể từ sau cuộc chiến tranh kéo dài một tháng với Israel vào năm 2006, và bây giờ giới chuyên gia phân tích nhận định: Hezbollah đang tìm cách sở hữu cho được các tên lửa Scud của Syria một khi chế độ Bashar al-Assad sụp đổ.

Còn theo tình báo phương Tây, những quả tên lửa dài 1 mét buôn lậu vào Liban cùng với hệ thống phóng di động được tích trữ trong bí mật và an toàn là mối đe dọa thật sự đối với Israel. Tuy nhiên,  không giống như tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn dễ lắp đặt nhanh và khai hỏa, tên lửa Scud nhiên liệu lỏng đòi hỏi quá trình chuẩn bị phóng mất thời gian và phức tạp cho nên chúng dễ bị phát hiện và tấn công tiêu diệt.

Người Israel đang có nhiều cuộc diễn tập phòng trường hợp bị tấn công bằng vũ khí hóa học.

Theo các nguồn ngoại giao phương Tây, tại các căn cứ quân sự cất giấu tên lửa Scud của Syria “đang gia tăng các hoạt động” là dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống al-Assad đang nỗ lực di dời bảo đảm an toàn cho những tên lửa đạn đạo này nhằm tránh chúng rơi vào tay quân nổi dậy.

Những ngọn đồi ở một bên quốc lộ nối liền Damascus và tỉnh Homs là khu vực của nhiều căn cứ quân sự ngầm dưới mặt đất của Syria. Trong đó một vài căn cứ - như là những căn cứ nằm gần Adra, Dumayr và giữa Al Qastal và An Nasrriyah - được giới chuyên gia phân tích quân sự cho là dùng để cất giữ tên lửa và hệ thống phóng.

Những cửa vào dẫn đến hệ thống các đường ngầm được bảo vệ cẩn mật có thể thấy được qua những hình ảnh vệ tinh do Google Earth thực hiện. Một căn cứ ngầm khác đang được xây dựng mới nằm về phía tây nam Al Qastal, với ít nhất 6 cửa dẫn vào đường hầm.

Al-Qaeda có thể có trong tay vũ khí hóa học của Syria như thế nào?

Mối quan ngại lớn nhất của phương Tây hiện nay là các nhóm chiến binh Al-Qaeda đang chiến đấu ở Syria sẽ có kế hoạch sở hữu các tác nhân hóa học từ những kho vũ khí của chế độ Bashar al-Assad như thế nào. Al-Qaeda đã có một số nỗ lực tìm kiếm vũ khí sinh - hóa từ ít nhất cuối thập niên 90 thế kỷ trước. Các tài liệu mà quân đội Mỹ thu giữ được tại Afghanistan vào năm 2001 đã tiết lộ Al-Qaeda từng có kế hoạch sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) cùng với các tác nhân sinh học nguy hiểm.

Năm 2009, một tờ báo Anh đưa tin: Một nhóm Al-Qaeda ở Algeria buộc phải rời bỏ trại huấn luyện khủng bố sau khi những thử nghiệm tác nhân gây bệnh dịch hạch của chúng bị thất bại khiến cho 40 chiến binh bị mất mạng. Anwar al-Awlai, nhà tư tưởng uyên thâm của Al-Qaeda (người bị máy bay không người lái của Cục Tình báo trung ương Mỹ CIA giết chết trong cuộc tấn công bằng tên lửa ở Yemen vào tháng 9/2011), ủng hộ việc sử dụng vũ khí sinh - hóa, cho rằng: "Việc sử dụng các chất độc hay vũ khí sinh - hóa tấn công những trung tâm dân cư được chấp nhận và nên thực hiện do tính hiệu quả rất cao trong cuộc chiến chống kẻ thù".

Lực lượng đối lập tại Syria được sự hỗ trợ của Mỹ và phương Tây cố gắng lật đổ chế độ Tổng thống Bashar al-Assad.

Hiện thời, tình báo Mỹ và phương Tây vẫn chưa nắm rõ quân số Al-Qaeda xâm nhập vào Syria là bao nhiêu, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy quân nổi dậy - gồm người Arập tình nguyện và người Sunni của Syria - đang ngày càng cực đoan hơn và thể hiện rõ quyết tâm tiến hành “thánh chiến” (jihad) để nhanh chóng lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Theo các chuyên gia phân tích phương Tây, một số tác nhân hóa học - như là khí mustard hay tác nhân gây bệnh than - tương đối thô, do đó dễ sử dụng đối với các chiến binh không chuyên nghiệp. Charles Blair, chuyên gia ở Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), thừa nhận chiến binh Al-Qaeda đủ sức sử dụng một số tác nhân sinh học để gây ra thảm họa cho thế giới.

Một số giải pháp lựa chọn của phương Tây

Tuy nhiên, phương Tây vẫn có một vài lựa chọn nhằm ngăn chặn vũ khí hóa học rơi vào tay các nhóm khủng bố liên kết với Al-Qaeda. Vào tháng 2/2012, Hãng thông tấn CNN tiết lộ một báo cáo của Lầu Năm Góc đánh giá quân đội Mỹ có thể triển khai 75.000 quân để bảo đảm an toàn cho các kho vũ khí hóa học của Syria. Song, phương Tây tỏ ra không mấy phấn khởi trước sự cam đoan này của người Mỹ. Bởi vì, những tác nhân sinh - hóa của Syria khiến người ta nhớ lại chương trình không mấy hiệu quả của Mỹ nhằm ngăn chặn loại vũ khí tên lửa vác vai phòng không (MANPAD) ở Libya rơi vào tay chiến binh cực đoan.

Syria cũng sở hữu một lượng lớn MANPAD do Nga sản xuất. Nếu như chính quyền Syria sụp đổ, có nguy cơ toàn bộ vũ khí của nước này bị tuồn sang những khu vực không ổn định như là Liban, Thổ Nhĩ Kỳ và Kurdistan - theo Pieter Wezeman, nhà nghiên cứu chương trình vận chuyển vũ khí ở Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ở Thụy Điển. Pieter Wezeman cho rằng, dù phương Tây có đổ quân vào Syria để bảo vệ WMD thì cũng khó chắc chắn các loại vũ khí, bao gồm cả các tác nhân sinh - hóa, không bị thất thoát.

Libya ký kết CWC, nhưng Syria không gia nhập hiệp ước này, do đó chính quyền nước này chưa bao giờ tuyên bố công khai và chính thức số lượng vũ khí sinh - hóa của mình. Ngoài ra, kho vũ khí của Libya nhỏ hơn, các tác nhân mustard đã cũ và những địa điểm cất giấu cũng được phương Tây nắm rõ, đồng thời chính quyền Libya có sự hợp tác quốc tế để tiêu hủy chúng. Còn các kho vũ khí sinh - hóa của Syria rất lớn, trong khi phương Tây không biết gì nhiều về số lượng cụ thể cũng như những địa điểm chắc chắn cất giữ chúng.

Khác biệt to lớn khác nữa là Libya chỉ có thể sử dụng máy bay ném bom để thả tác nhân hóa học, trong khi Syria có trong tay mọi loại bệ phóng cho vũ khí hóa học. Điều đó cho thấy vũ khí hóa học của Syria đặt ra mối đe dọa khủng khiếp đến mức nào. Tuy nhiên, Leonard Spector - Giám đốc điều hành JMCNS - nhận định có một giải pháp khả thi là lực lượng bảo vệ các kho vũ khí của chính quyền Syria phải giữ nguyên vị trí trong suốt thời gian chuyển giao quyền lực ở nước này để sau đó chúng sẽ chịu sự giám sát an  ninh của một lực lượng quốc tế trong lúc chờ quyết định tiếp tục quản lý hay tiêu hủy chúng

Diên San - Duy Ân (tổng hợp)
.
.