Phương Tây trong cuộc đảo chính năm 2003 ở Equatorial Guinea

Thứ Ba, 14/12/2004, 17:25

Khoảng 3 tháng trước khi âm mưu đảo chính ở Equatorial Guinea bị phát giác, chính phủ 3 nước Anh, Mỹ và Tây Ban Nha đã nắm trong tay toàn bộ chi tiết kế hoạch đảo chính. Chính Ngoại trưởng Anh Jack Straw đã công khai "thú tội" điều này trước báo chí.

Tờ The Observer của Anh dẫn nguồn tài liệu mật cho biết những người nắm được thông tin sớm nhất về kế hoạch đảo chính gồm Ngoại trưởng Anh Jack Straw và Thứ trưởng phụ trách các vấn đề châu Phi Chris Mullin; phía Mỹ là Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Michael Westphal, phụ trách các chiến dịch đặc biệt và chống khủng bố. Người cung cấp thông tin là Johann Smith, một cựu chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Nam Phi. Smith đã hai lần gửi báo cáo cho Bộ Ngoại giao Anh và Bộ Quốc phòng Mỹ.

Trong bản tường trình gửi các luật sư đại diện Chính phủ Equatorial Guinea trung tuần tháng 11/2004, Smith nói ông có được thông tin đầu tiên về cuộc đảo chính vào tháng 12/2003 từ 2 đồng đội cũ tham gia trong đoàn quân đánh thuê bị bắt ở Zimbabwe. Cho rằng mình có nhiệm vụ báo cáo vụ việc với các nhà chức trách ở Anh và Mỹ vì một số công dân của họ có thể bị thiệt mạng nếu xảy ra đảo chính ở Equatorial Guinea, Smith đã gửi báo cáo sơ bộ mà ông nắm được cho Westphal với hy vọng rằng, Chính phủ Mỹ sẽ có động tác cảnh báo sớm với Chính phủ Equatorial Guinea hoặc trực tiếp ra tay ngăn chặn cuộc đảo chính.

Cùng lúc đó, Smith cũng gửi báo cáo cho Bộ Ngoại giao Anh thông qua 2 nhân viên tình báo MI-6 mà ông quen biết bằng đường e-mail. Tháng 1/2004, Smith có được thông tin chi tiết hơn về kế hoạch đảo chính bao gồm ngày, tháng cụ thể, các chi tiết về mua sắm vũ khí, danh tính kẻ chủ mưu, nhà tài trợ và tất cả những tên lính đánh thuê. Smith đã soạn bản báo cáo thứ hai và gửi bằng đường e-mail cho những nhân vật ông đã gửi lần trước là Michael Westphal và 2 nhân viên MI-6 vào ngày 30/1.

Theo công ước ngoại giao quốc tế của LHQ, sau khi nhận được thông tin mật báo của Smith thì chính phủ 2 nước Anh và Mỹ phải có hành động khẩn cấp để ngăn chặn cuộc đảo chính, hoặc chí ít là cảnh báo cho Chính phủ của Tổng thống Teodoro Obiang biết nhằm tránh một sự biến chính trị có thể gây đổ máu. Thế nhưng họ án binh bất động cho đến sau khi vụ việc đổ bể vì bọn lính đánh thuê và 2 kẻ chủ mưu Simon Mann và Nick Du Toit bị bắt.

Mãi đến khi Mark Thatcher, con trai cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, bị bắt tại Nam Phi vào tháng 8/2004 vì tội tài trợ đảo chính, báo The Observer mới loan báo rằng Chính phủ Anh, Mỹ đã biết trước kế hoạch đảo chính thông qua một nguồn cung cấp tin tình báo mật thiết.

Ngày 17/11, ông Straw thừa nhận Bộ Ngoại giao đã nhận được các thông tin mật về kế hoạch nhưng lý giải rằng, khi nhận thông tin mật báo, Bộ Ngoại giao đã không coi đó là thông tin đáng chú ý, vì “không thấy có dấu hiệu nghiêm trọng trong những thông tin nhận được”. 

Tuy nhiên, theo những tài liệu mà The Observer tiếp cận được, thì những thông tin Smith cung cấp hoàn toàn đủ cơ sở để Bộ Ngoại giao Anh hành động. Quan trọng hơn, các bản thông báo ấy còn cảnh báo: “Những hành động này theo kế hoạch sẽ diễn ra vào khoảng giữa tháng 3/2004”, và trong thực tế thì lực lượng âm mưu đảo chính đã bị chặn bắt ngày 7/3 khi chúng đang trên đường hành động. Bản thông báo kết luận: “Mốc thời gian này rất hiện thực và bọn chúng sẽ có rất nhiều thời gian để vạch kế hoạch, tuyển mộ binh lính, trang bị vũ khí và triển khai lực lượng”.

Ngay sau khi nhận được báo cáo lần hai của Smith, Bộ Ngoại giao Anh đã lên kế hoạch sơ tán khẩn cấp công dân Anh khỏi Equatorial Guinea, đồng thời tiếp tục ém nhẹm thông tin.

Có ý kiến cho rằng các nước phương Tây, nhất là Anh và Mỹ, đang mong muốn thay đổi chế độ ở Equatorial Guinea, một quốc gia giàu dầu mỏ ở Tây Phi. Lợi ích chiến lược và thương mại được xem là động cơ chủ yếu.

Đáng lưu ý là trước thời điểm ngày 30/1/2004 ít lâu đã có “tin đồn” về một cuộc đảo chính trên nhật báo Tây Ban Nha El Mundo. BBC News (30/11/2004) dẫn lời cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obiang nói rằng, chính quyền Tây Ban Nha cũ của Thủ tướng Aznar không chỉ biết trước mà còn động binh ủng hộ bọn đảo chính bằng việc phái đặc vụ và cử một tàu chiến với 500 lính thủy đánh bộ tiếp ứng.

Cần nhắc lại rằng, cho đến sau khi cuộc đảo chính thất bại, Smith vẫn không nhận được phản hồi nào từ phía 2 chính phủ Anh - Mỹ liên quan những thông tin ông đã gửi. Ngược lại, ông đã nhận được một số lời đe dọa “lấy mạng”. Phải chăng có ai đó muốn cho cuộc đảo chính xảy ra suôn sẻ nên không hài lòng việc Smith “lo chuyện tào lao” và “cảnh cáo” ông về những việc ông đã làm. Chỉ có bản thân ông Smith và những người nhận thông tin mật báo của ông biết về việc làm này của ông mà thôi. Vậy thì ai đã “cảnh cáo” ông và "cảnh cáo" vì động cơ gì?

Chắc chắn câu trả lời sẽ thuộc về những “người trong cuộc”, đặc biệt là chính quyền Anh, Mỹ và Tây Ban Nha. Còn hiện tại, Tổng thống Obiang vẫn đang chờ đợi một lời giải thích thỏa đáng từ phía các nước này

Trương Hùng (tổng hợp từ BBC News, The Observer)
.
.