Puerto Rico: Suy thoái kinh tế và tội phạm hoành hành

Thứ Ba, 22/04/2014, 17:50

Khủng hoảng kinh tế kéo dài ở Puerto Rico buộc chính quyền nước này phải áp dụng nhiều biện pháp khắc khổ như tăng thuế, giảm lương hưu... Trong 5 năm qua, Puerto Rico trượt dài với nhiều thảm họa: 70 tỉ USD tiền nợ, 15,4% tỉ lệ thất nghiệp, mức sống xuống thấp kỷ lục, tội phạm lan tràn và nền giáo dục đi xuống - hậu quả dẫn đến làn sóng di cư ồ ạt sang các bang của Mỹ như là Florida và Texas để tìm kiếm việc làm.

Sau khi bị Công ty Coca Cola sa thải năm 2001, kỹ sư hóa chất Alexis Sotomayor, 47 tuổi, chuyển sang nghề sản xuất xà phòng thủ công. Nhưng trong 5 năm qua, việc kinh doanh của ông sa sút đến 40% do thuế tăng và giá cả sinh hoạt cũng tăng theo.

Đầu năm 2013, Sotomayor quyết định chuyển gia đình đến thành phố Orlando, bang Florida của Mỹ để tìm kiếm việc làm và thoát khỏi bầu không khí ảm đạm bao trùm Puerto Rico hiện nay. Những cửa hiệu đóng cửa im ỉm trên các đường phố thủ đô San Juan và một loạt các doanh nghiệp nhỏ tại các thành phố như Mayaguez cũng đóng cửa do buôn bán ế ẩm trong khi giá điện, nước và thuế tăng vọt.

Tình hình hiện nay tương tự như thập niên 50 của thế kỷ trước, khi việc làm không có buộc người dân phải đến các thành phố như New York và Boston để tìm việc. Thậm chí, những người có chuyên môn cao như bác sĩ, giáo sư và kỹ sư cũng bỏ lại Puerto Rico phía sau họ.

Alejandro Garcia Padilla, thống đốc Puerto Rico.

Nilsa Velazquez, 50 tuổi, nữ giáo sư kinh tế học Đại học Puerto Rico, cũng có kế hoạch cùng với gia đình chuyển đến Virginia vào mùa hè năm nay. Bà Velazquez cho biết, kinh tế suy thoái đã khiến cho Đại học Puerto Rico mất đi nhiều giáo sư giỏi và không có tiền tài trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học.

Các chuyên gia kinh tế học cho biết, nền kinh tế suy thoái tấn công mạnh nhất vào tầng lớp trung lưu Puerto Rico. Một mối lo ngại khác là tỉ lệ sinh sản ở Puerto Rico xuống thấp trong khi số người già đang tăng nhanh.

Orlando Sotomayor, nhà kinh tế học Đại học Puerto Rico và là anh trai của Alexis, cho biết: "Hiện nay, những người Puerto Rico có công việc làm đều di chuyển đến Mỹ. Thậm chí, những người đã 40 hay 50 tuổi, các giáo sư đại học có công việc chắc chắn, cũng tìm đến Mỹ. Đây là hiện tượng rất bất thường".

Cảnh sát Puerto Rico trấn áp tội phạm trên đường phố.

Cùng với những vấn đề nan giải về kinh tế, Puerto Rico còn phải đối mặt với tỷ lệ tội phạm tăng mạnh. Chỉ trong 5 ngày đầu tiên năm 2014, đảo quốc đã xảy ra 13 vụ giết người, trong đó 4 vụ diễn ra trong một đêm! Trong số những người bị giết chết là Gilberto de Jesús Casas, người tạo ra nhân vật truyền thông xã hội nổi tiếng "Mi Pana Gillito" và anh trai của diễn viên phim truyền hình Javier de Jesús. Cái chết của Gilberto đã gây sôi sục các trang mạng xã hội.

Tỉ lệ án mạng ở Puerto Rico đạt mức kỷ lục vào năm 2011 với 1.130 vụ giết người và cho đến nay vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Đảo quốc này trung bình có khoảng 26,2 vụ giết người trong số 100.000 dân - con số có thể so sánh với các quốc gia như Mexico (23,7 vụ) và Cộng hòa Dominican (25 vụ) - trong khi ở Mỹ là 4,7 vụ trong 100.000 dân - theo số liệu thống kê của Cơ quan về ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc.

Kỹ sư Alexis Sotomayor.

Angelo Falcon, Chủ tịch Viện Quốc gia về Chính sách Mỹ Latinh, nhận định chính quyền Puerto Rico đang rơi vào tình trạng lúng túng khi phải cố gắng giải quyết vấn đề tội phạm. Falcon cũng nhấn mạnh nạn tham nhũng trong Lực lượng Cảnh sát Quốc gia Puerto Rico (PRPD) và chính quyền Mỹ thiếu sự quan tâm đến vùng lãnh thổ này đang trở thành vùng đất trung chuyển ma túy quan trọng của bọn tội phạm xuyên quốc gia.

Trong báo cáo năm 2011, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố có bằng chứng cho thấy nhiều sĩ quan PRPD thường xuyên lạm quyền trong xét hỏi và bắt bớ đối với người gốc Dominican. 

Năm 2013, Thống đốc Puerto Rico - Alejandro Garcia Padilla - chỉ định cựu Cảnh sát trưởng New York Tuller Cintron lãnh đạo PRPD thay thế cho Hector Pesquera, cựu sĩ quan Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) từ chức sau khi nhận nhiệm vụ chưa đầy 2 năm. Rafael Fantauzzi, Chủ tịch Liên minh Quốc gia Puerto Rico, cho rằng có vấn đề trong nội bộ PRPD liên quan đến tiền lương, giới lãnh đạo và sự huấn luyện.

Cùng với các chiến dịch chống ma túy của Mỹ tập trung mạnh vào khu vực biên giới với Mexico, Puerto Rico và các phần khác của vùng Caribe đang là mối lo ngại lớn cho Washington. Puerto Rico cùng với vùng lãnh thổ Virgin Islands ở miền Đông Caribe của Mỹ nhận được chưa đến 100 triệu USD/năm từ chính quyền liên bang Mỹ trong những nỗ lực chống buôn lậu ma túy. Trong khi đó, chính quyền liên bang Mỹ rót đến hơn 2 tỉ USD cho các chiến dịch chống ma túy ở vùng biên giới với Mexico.

Nhiều chuyên gia nhận xét đó là một lý do khiến cho tỉ lệ án mạng tăng cao ở Puerto Rico. Angelo Falcon bình luận: "Chúng ta tập trung vào biên giới với Mexico và với mức độ kém hơn ở vùng biên giới với Canada. Nhưng chúng ta cũng cần chú ý đến vùng biên giới thứ 3 - đó là Caribe".

Juan Carlos Hidalgo, chuyên gia phân tích chính sách Mỹ Latinh ở Viện Cato, nhận định: "Puerto Rico không chỉ có vấn đề nợ nần mà còn có vấn đề xã hội sâu sắc. Puerto Rico có tỉ lệ lao động thấp nhất trên thế giới. Chỉ có khoảng 40% dân số trong độ tuổi lao động nằm trong lực lượng lao động của vùng lãnh thổ thuộc Mỹ này"

Diên San (tổng hợp)
.
.