Quân đội Mỹ nỗ lực giám sát các hệ thống hầm ngầm trên khắp thế giới

Thứ Bảy, 23/06/2012, 22:45

Khả năng nhìn sâu vào bên trong biên giới của các nước khác bằng vệ tinh hay dòm ngó từ không phận quốc tế của Mỹ là lý do buộc nhiều nước bí mật xây dựng hệ thống hầm ngầm. Các báo cáo tình báo của quân đội Mỹ cho biết hiện nay có hơn 10.000 cơ sở nằm sâu dưới lòng đất được thiết kế để che giấu hay bảo vệ các kho vũ khí hủy diệt hàng loạt, hay được sử dụng để bí mật chế tạo vũ khí hạt nhân.

Theo các tài liệu của Văn khố An ninh quốc gia Đại học George Washington, từ sau Chiến tranh thế giới lần 2, Mỹ đã thành lập một số chương trình giám sát và phân tích các cấu trúc hầm ngầm trên khắp thế giới và những nỗ lực vẫn tiếp tục cho đến ngày nay với sự phát triển nhiều công nghệ đặc biệt phức tạp.

Mối lo ngại về những cơ sở ngầm dưới lòng đất (hay còn gọi là những mục tiêu "rắn và chôn dưới đất") đã dẫn đến việc các cơ quan tình báo cũng như quốc phòng Mỹ ráo riết thành lập các phân ban đặc biệt để thu thập dữ liệu và phân tích các hệ thống hầm ngầm trên thế giới.

Ví dụ, Cục Do thám quốc gia (NRO) có Ban phụ trách về các mục tiêu rắn và chôn dưới đất (HBTWG); trong khi Cục Tình báo địa không gian quốc gia (NGIA) lập ra Phòng phụ trách các vấn đề thông tin và hầm ngầm (IUID) vào khoảng năm 2005 và đến năm 2008 Cục Tiết giảm các mối đe dọa của Bộ Quốc phòng (DTRA) thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phân tích mục tiêu rắn (HTRAC).

Nhưng ấn tượng nhất vẫn là Trung tâm Phân tích cơ sở dưới lòng đất (UFAC) - một liên minh tập hợp các chuyên gia tình báo và kỹ sư từ Cục Tình báo quốc phòng (DIA),  NGIA,  DTRA, Trung tâm Phát triển kỹ thuật thuộc Không lực Mỹ (AFTAC) và Cục An ninh quốc gia (NSA) - được thành lập năm 1997 trong nỗ lực ISR (tình báo, giám sát và do thám) của Mỹ.

http://antg.cand.com.vn/Uploaded_ANTG/phuonglien/18_ham1171-450.jpg
Hầm ngầm vùng núi Cheyenne của Bộ chỉ huy phòng thủ Bắc Mỹ (NORAD).

Lúc mới thành lập UFAC chỉ có 20 người nhưng bây giờ quân số đã tăng lên 240 người cật lực làm việc trong một tòa nhà thương mại nằm ở vùng ngoại ô Virginia. UFAC cũng hợp tác với Cơ quan Khảo sát địa lý Mỹ (USGS), CIA, trung tâm tình báo phối hợp của Bộ Tham mưu chiến lược Mỹ, NRO và chuỗi phòng thí nghiệm của Bộ Năng lượng Mỹ (DOE).

Mitchell Catanzaro, sĩ quan tình báo làm việc ở UFAC, cho biết có 3 lý do chính dẫn đến sự phát triển phổ biến của các hệ thống hầm ngầm trên thế giới. Thứ nhất là mối lo ngại về khả năng tình báo trên mặt đất của Mỹ. Thứ hai, người ta biết rằng trong cuộc chiến tranh Kosovo năm 1999 của NATO,  bom của quân đội Mỹ không phá hủy được những cơ sở nằm sâu dưới lòng đất. Cuối cùng là những công nghệ tiên tiến trong 20 năm qua giúp cho việc xây dựng hầm ngầm trở nên rẻ tiền hơn so với thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Trọng tâm của cuộc tranh luận hiện nay về chương trình hạt nhân bí mật của Iran là khả năng không kích phá hủy cơ sở ngầm làm giàu uranium Qom của nước này. Nhưng theo tài liệu của Văn khố An ninh quốc gia Đại học George Washington, cơ sở ngầm Qom không là hệ thống dưới lòng đất duy nhất trên thế giới gây thách thức cho quân đội và tình báo Mỹ hiện nay.

Các mạng lưới hầm ngầm chằng chịt ở khắp nơi trên thế giới

Vào cuối tháng 5/1991, vài tháng sau khi Iraq thất trận trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, 4 người Iraq lái xe đến một trạm kiểm soát của quân đội Mỹ ở vùng người Kurd miền Bắc nước này, gần tỉnh Dohuk. Một người Iraq tự xưng là nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Saddam Hussein nên được Mỹ đưa sang Thổ Nhĩ Kỳ rồi đến thành Munich của Đức để thẩm vấn.

Người này tuyên bố chiến dịch đánh bom của liên quân Mỹ đã bỏ sót nhiều địa điểm quan trọng trong đó bao gồm một cơ sở làm giàu uranium nằm sâu dưới lòng đất bên trong vùng núi phía bắc Mosul. Nhưng cũng giống như nhiều kẻ đầu hàng khác, người này nói không đúng sự thật - ông ta không phải là nhà khoa học hạt nhân của Saddam mà thật ra chỉ là nhà vật lý học bình thường và hoàn toàn không có cơ sở làm giàu uranium bí mật ngầm dưới đất nào cả! Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cũng cảm thấy lo ngại về vấn đề hầm ngầm ở những nước đối đầu với Mỹ.

Năm 1966, Trung Quốc triển khai dự án có tên gọi "Dự án 816" xây dựng lò phản ứng sản xuất plutonium bên dưới lòng đất và một cơ sở ngầm tái xử lý khác nằm gần ngôi làng Baotao thuộc tỉnh Trùng Khánh. Các nỗ lực của Trung Quốc dẫn đến việc xây dựng "hang động nhân tạo" lớn nhất thế giới có diện tích tương đương 20 sân bóng đá. Tuy nhiên, công trình đầy tham vọng chỉ hoàn thành được 85% thì ngưng lại vào năm 1982.

http://antg.cand.com.vn/Uploaded_ANTG/phuonglien/18_loi1171-450.jpg
Lối vào hầm ngầm Dự án 816 của Trung Quốc.

Vào tháng 4/1996, Bộ Quốc phòng Mỹ báo cáo chính quyền của Đại tá Muammar Gaddafi có kế hoạch xây dựng "một kho vũ khí hóa học ngầm gần Tarhunah, vùng núi non cách thủ đô Tripoli khoảng 60km về phía đông nam. Libya cũng duy trì mạng lưới bunker ngầm được thiết kế để bảo vệ giới lãnh đạo nước này, hay nói đúng hơn là bảo vệ gia đình Đại tá Muammar Gaddafi.

Năm 2003, liên quân Mỹ phát hiện các khu liên hợp rộng lớn nằm dưới lòng đất ở thủ đô Baghdad của Iraq, bao gồm một khu liên hợp 12 phòng bên trong một hang động. Theo tài liệu của Văn khố An ninh quốc gia Đại học George Washington, năm 1984 CHDCND Triều Tiên bảo vệ các hệ thống radar và tên lửa của nước này trong các cơ sở ngầm nhằm phục vụ phản ứng bất ngờ khi cần thiết; và năm 2002 nước này còn duy trì các nhà để máy bay dưới lòng đất tại căn cứ không quân Puckch'ang cách thủ đô Bình Nhưỡng chừng 54,7km về phía đông bắc.

Cộng đồng tình báo Mỹ cũng đặc biệt quan ngại về mạng lưới đường hầm nằm bên dưới Vùng Phi quân sự (DZ) giữa hai quốc gia CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc cho phép quân đội CHDCND Triều Tiên bí mật xâm nhập vào phía nam. Vào cuối năm 2008 sang đầu năm 2009, có thông tin cho rằng CHDCND Triều Tiên xây dựng một cơ sở ngầm cung cấp nhiên liệu tên lửa tại khu liên hợp tên lửa Musudan-ni ở vùng bờ biển phía đông bắc nước này.

Và, theo các báo cáo của cộng đồng tình báo Mỹ, mục đích của kế hoạch xây dựng cơ sở ngầm này là nhằm gây khó khăn cho các vệ tinh do thám dò tìm những tín hiệu một tên lửa chuẩn bị phóng đi.

Theo phân tích của các chuyên gia độc lập, nước Nga cũng bí mật xây dựng 12 cấp độ đường hầm bên dưới hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Moskva dành riêng cho các quan chức cao cấp nước này trú ẩn khi chiến tranh xảy ra.

Theo nhiều báo cáo khác nhau, sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc nước Nga vẫn tiếp tục nâng cấp những cơ sở ngầm trước đó đồng thời tăng cường xây dựng thêm nhiều hầm ngầm mới khác. Năm 1997, một báo cáo tình báo Mỹ cho biết, Nga đang tiến hành xây dựng một trung tâm chỉ huy chiến lược đối phó với chiến tranh hạt nhân ở vùng núi Kosvinsky, cách thủ đô Moskva khoảng 167km về phía đông. Washington cho rằng cơ sở ngầm quy mô này của Nga nhằm làm đối trọng với Trung tâm Chiến dịch vùng núi Cheyenne (CMOC) của Bộ Chỉ huy phòng thủ Bắc Mỹ (NORAD).

Báo cáo tháng 3/2011 của DIA tiết lộ Nga đang nâng cấp các cơ sở ngầm khổng lồ dưới mặt đất nhằm mục đích chỉ huy và kiểm soát các lực lượng hạt nhân chiến lược của nước này.

Cũng vào tháng 6/2011, Iran tiết lộ các hầm ngầm chứa tên lửa mà Đài truyền hình quốc gia nước này tuyên bố là bảo vệ những tên lửa tầm trung và tầm xa. Thậm chí truyền hình Iran còn phát đi đoạn phim ngắn về bệ phóng ngầm được xác định là dùng cho tên lửa Shahab-3. Trước đó, báo chí phương Tây cũng cung cấp bằng chứng về các hầm chứa tên lửa của Iran gần Tabriz và Khorramabad ở phía tây bắc Iran.

Các chương trình tình báo, giám sát và do thám của Mỹ

Lầu Năm Góc có nhiều nỗ lực ISR bao gồm: thu thập thông tin tình báo, phân tích và phát triển những công nghệ mới. Chương trình thu thập hình ảnh từ trên không bằng công nghệ quang điện, radar và hồng ngoại có thể phát hiện công trình hầm ngầm đang xây dựng, đánh giá quy mô hầm ngầm cũng như xác định được các lối vào dẫn đến khu vực hầm.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là chương trình Tình báo tín hiệu và đo đạc (MASINT) cung cấp dữ liệu về vị trí của những cơ sở ngầm cũng như sứ mạng hay các chi tiết về hoạt động của nó. MASINT bao gồm công nghệ thu thập hình ảnh đa quang phổ, dữ liệu địa vật lý (các tín hiệu âm thanh, địa chấn và điện từ) v.v…

Hai trung tâm AFTAC và USGS - với các khả năng thu thập thông tin tín hiệu địa chấn và âm thanh - phối hợp với Cơ quan Thu thập thông tin kỹ thuật (TCD) của DIA liên quan đến chương trình MASINT này. Trong nỗ lực MANSINT, Mỹ phát triển những thiết dị từ dò tìm máy móc, thiết bị đo chấn động bằng laser và máy dò nhiệt.

Để phá hủy các cơ sở kiên cố dưới lòng đất, quân đội Mỹ sử dụng bom GBU-28 trang bị cho máy bay ném bom B-2 và bom AUP (xuyên phá bunker ngầm) dành cho máy bay nhỏ hơn. Nhưng, vào đầu năm 2012, sau khi nhận định rằng các loại bom hạng nặng này vẫn chưa đủ sức phá hủy các cơ sở ngầm của Iran nên Bộ Quốc phòng Mỹ đang cố gắng phát triển loại bom mạnh hơn nữa.

http://antg.cand.com.vn/Uploaded_ANTG/phuonglien/19_mot1171-450.jpg
Một căn cứ quân sự dưới lòng đất của Mỹ.

Cơ quan Nghiên cứu và phát triển của Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA) cũng lãnh đạo một số công trình nghiên cứu nhằm phục vụ những nỗ lực ISR của quân đội và tình báo Mỹ sau khi phát hiện các đường hầm. Mục tiêu là cung cấp cho quân đội Mỹ các thiết bị hạng nhẹ kiểu GPS để dễ dàng do thám hệ thống hang động hay cơ sở dưới lòng đất.

DARPA phát triển hai thiết bị gọi là S-BUG sử dụng tín hiệu vô tuyến tần số thấp có thể dò tìm hàng ngàn kilômét trên mặt đất cũng như đi xuyên xuống lòng đất và SSN sử dụng tín hiệu từ.  DARPA tích cực đầu tư cho nhà thầu Argon ST để phát triển S-BUG và Raytheon cho SSN. Ngoài ra, DARPA cũng thuê Các phòng thí nghiệm quốc gia Sandia (SNL) thực hiện chương trình tiêu diệt các hầm ngầm gọi là SHFD để phát triển những công nghệ cho phép những vũ khí phi hạt nhân xuyên thủng những mục tiêu chôn sâu dưới lòng đất.

Một nỗ lực khác của DARPA là Hệ thống cảm biến trên không ở độ cao thấp (LAASS) trang bị cho máy bay không người lái. Danh sách những chương trình ISR và phá hủy các cơ sở ngầm còn rất dài và điều đó cho thấy quân đội Mỹ vô cùng hoang mang và lo ngại về những mạng lưới hầm ngầm chằng chịt trên khắp thế giới đến mức nào

Trang Thuần - Duy Minh (tổng hợp)
.
.