Quân đội Mỹ xây dựng cơ sở dữ liệu nhân viên chống nội gián

Thứ Ba, 28/06/2016, 20:35
Lầu Năm Góc đang nỗ lực xây dựng một hệ thống chia sẻ thông tin khổng lồ thu thập mọi chi tiết về đội ngũ nhân viên an ninh cũng như những cá nhân được cấp phép truy cập tài liệu mật của chính quyền Mỹ nhằm nhận diện và phát hiện sớm những đối tượng làm nội gián hay được gọi là "các mối đe dọa từ bên trong".

Hệ thống này được gọi là "ghi nhận mối đe dọa cấu thành từ bên trong" của quân đội Mỹ (DOD) được coi là một phần trong phản ứng của chính quyền đối với sự rò rỉ hồ sơ mật vào năm 2010 do binh nhì chuyển giới Chelsea Manning (trước đó là Bradley Manning) gây ra.

Lầu Năm Góc.

Nữä phát ngôn của DOD Linda Rojas cho biết, vụ xả súng tại tòa nhà trụ sở Bộ chỉ huy Hệ thống biển hải quân Mỹ (NAVSEAS) trong khu Washington Navy Yard hồi tháng 9-2013 giết chết 13 người và làm bị thương nhiều người khác đã cho thấy Lầu Năm Góc còn thiếu một "trung tâm tập trung hóa" để phân tích toàn diện về những mối đe dọa tiềm ẩn từ bên trong. Do đó, Lầu Năm Góc đã cho thành lập một đội chuyên gia đặc biệt được huấn luyện về an ninh mạng, quyền riêng tư, luật pháp, tình báo và tâm lý học nhằm bổ sung cho lỗ hổng này.

Hệ thống giám sát nội bộ của DOD cũng thu thập nguồn dữ liệu khổng lồ từ các mạng xã hội và theo dõi thói quen sử dụng thiết bị số của nhân viên tại nơi làm việc. Cụ thể là, DOD sẽ giám sát động tác gõ bàn phím, chụp màn hình vi tính, đường truyền dữ liệu, lưu trữ nội dung được lưu thông qua emai. Vào đầu tháng 5-2016, Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) James Clapper cũng ký lệnh cho phép các nhà điều tra thu thập thông tin từ những nội dung đăng tải trên mạng xã hội khi kiểm tra lý lịch một nhân viên an ninh.

Chelsea Manning.

Một số nhà hoạt động nhân quyền nhận định hệ thống mới - cũng giúp ngăn chặn những người thổi còi như Edward Snowden - của DOD có nguy cơ tạo ra bầu không khí nghi kỵ lẫn nhau trong nội bộ quân đội hay thậm chí ghi nhận thông tin sai lạc về những hành vi của nhân viên thường phổ biến tại bất cứ nơi làm việc nào.

Michael German - người từng làm việc 16 năm cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và hiện là thành viên Trung tâm Brennan về Tự do Công lý và Chương trình An ninh Quốc gia - lập luận: "Tại mọi thời điểm khác nhau, hầu hết chúng ta đều có mối bất hòa với đồng nghiệp tại nơi làm việc và đây là một phần trong bản chất con người. Do đó, việc xác định hành vi để dò tìm mối đe dọa tiềm ẩn là không thích đáng và dễ dẫn đến những sai lầm. Quyền thông tin về các hoạt động của chính quyền cho báo chí không chỉ quan trọng mà còn cần thiết trong một xã hội dân chủ. Trong khi đó hành vi này có thể bị đánh giá là mối đe dọa từ bên trong".

Theo Trung tâm An ninh và Phản gián Quốc gia Mỹ (NCSC), DOD định nghĩa mối đe dọa từ bên trong là "mối đe dọa mà một cá nhân sử dụng quyền truy cập thông tin mật hợp pháp của mình - một cách cố ý hay vô tình - gây tổn hại cho an ninh nước Mỹ".

Michael German.

Theo Linda Rojas, chỉ có chuyên gia được huấn luyện đặc biệt mới có quyền truy cập vào hệ thống phân tích mối đe dọa từ bên trong của DOD. Michael German cho biết những cá nhân cố gắng phát hiện hành vi lạm dụng quyền lực của chính quyền cũng bị hệ thống mới của DOD theo dõi. German phân tích: "DOD đang nỗ lực phát hiện những người thổi còi cũng như những cá nhân dám tiết lộ sự thật về chính quyền. Trong khi đó, DOD lại không nhìn thấy mối đe dọa thực sự".

German muốn nói đến trường hợp "vô hình" của Robert Hanssen - đặc vụ phản gián của FBI làm gián điệp cho Nga - từ năm 1979 đến năm 2001. Khi một cơ quan quân sự phát hiện hành vi có nguy cơ trở thành "mối đe dọa", thông tin sẽ được chia sẻ cho các cơ quan khác để phân tích sâu hơn. Tuy nhiên, Linda Rojas thừa nhận lượng thông tin trong hệ thống mới của DOD quá phức tạp và khổng lồ đến mức không dễ chia sẻ giữa những cơ quan quân đội Mỹ.

Hệ thống mới của DOD cũng chứa đựng dữ liệu sinh trắc học cũng như lý lịch y khoa và cuộc sống của những cá nhân được cấp phép sử dụng thông tin mật. Ngoài ra, thông tin trong hệ thống mới cũng có thể được sử dụng bên ngoài phạm vi DOD nhằm phục vụ các mục đích liên quan đến an ninh quốc gia như là sử dụng nhân sự hay chống khủng bố. Ví dụ, các cơ quan bang và liên bang có thể tham khảo thông tin trong hệ thống DOD để quyết định tuyển dụng hay sa thải một nhân viên. Và, hệ thống DOD cũng cung cấp dữ liệu cần thiết về những cá nhân đặc biệt cho các văn phòng Quốc hội.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.