Quan hệ Trung - Nhật lại tăng nhiệt

Thứ Tư, 27/10/2010, 03:55
Tưởng rằng quan hệ Nhật Bản và Trung Quốc đã dịu bớt sau cuộc gặp không chính thức giữa thủ tướng hai nước bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu hôm 4/10 tại Bỉ, nhưng nay đã “tăng nhiệt” trở lại. Điều này bắt nguồn từ một số sự việc chưa được giải quyết sau xung đột lần trước và những sự kiện mới phát sinh trong mấy ngày gần đây. Tương lai của mối quan hệ Nhật - Trung sẽ như thế nào và ảnh hưởng của nó đến khu vực ra sao?

Khởi nguồn tình hình căng thẳng trong quan hệ Tokyo - Bắc Kinh hiện nay xuất phát từ vụ va chạm tàu cá của Trung Quốc với tàu hải quân Nhật Bản gần quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) hồi tháng 9 vừa qua. Trung Quốc  đã có những phản ứng gay gắt trước sự kiện nói trên, 5 lần triệu hồi Đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh để yêu cầu thả ngay lập tức thuyền trưởng tàu cá bị Tokyo bắt giữ, đình chỉ  các chuyến thăm cấp cao, giao lưu quân sự và các hoạt động liên quan khác, kể cả việc ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản...

Rồi một cuộc gặp cấp cao không hẹn trước giữa hai Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Naoto Kan tại Brussels (Bỉ) đã mở đường cho việc khai thông quan hệ. Sự kiện đáng chú nhất là cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt với người đồng cấp Nhật Bản Toshimi Kitazawa tại Hà Nội bên lề Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM +) lần thứ nhất hôm 11/10.

Trả lời báo giới bên lề Hội nghị ADMM + về tác động của cuộc gặp kéo dài 20 phút này với quan hệ hai nước, ông Lương Quang Liệt nhấn mạnh: "Cuộc gặp diễn ra rất tốt đẹp và sẽ có tác động tích cực". Ông Lương cũng bày tỏ hy vọng Nhật Bản sẽ giải quyết thích đáng những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ song phương, để sớm đưa quan hệ hai nước trở lại quỹ đạo thông thường. Ông nhấn mạnh quan điểm của Bắc Kinh là thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau thông qua đối thoại và khắc phục những bất đồng giữa hai bên thông qua đàm phán.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt (trái) với người đồng cấp Nhật Bản Toshimi Kitazawa.

Nói là vậy nhưng thực tế thì quan hệ giữa hai cường quốc châu Á vẫn chưa hề hạ nhiệt chút nào. Vấn đề  chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vẫn làm cho quan hệ Tokyo - Bắc Kinh chưa thể nào hóa giải đầy đủ những khúc mắc.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshimi Kitazawa hôm 13/10 tiếp tục khẳng định, quần đảo Senkaku đang xảy ra tranh chấp với Bắc Kinh là lãnh thổ thuộc Nhật Bản. Cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara đã cam kết sẽ tăng cường các biện pháp an ninh ở khu vực ngoài khơi quanh quần đảo Senkaku.

Tiếp đến, nghị sĩ Itsunori Onodera, quan chức phụ trách đối ngoại của đảng LDP, mới đây cũng đã đến thăm trụ sở của Google ở Nhật Bản và đưa ra yêu cầu hãng này xóa tên Trung Quốc ra khỏi bản đồ tại khu vực quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông vì cho rằng quần đảo Senkaku đương nhiên là lãnh thổ Nhật Bản.

Trong khi đó, trả lời Đài Truyền hình Nhật NHK ngày 13/10, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt lần đầu tiên thừa nhận họ đã yêu cầu tàu của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản hoãn việc cập cảng Thanh Đảo (Trung Quốc) và cho biết việc Tokyo giam giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến quyết định này.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng mặc dù quan hệ hai nước đã được cải thiện phần nào sau cuộc hội đàm giữa hai thủ tướng song vẫn còn quá sớm để nối lại các cuộc giao lưu quân sự vì các ý kiến chống đối trong nước vẫn còn rất mạnh.

Ngược lại, Nhật Bản cũng có thái độ cứng rắn khi ngày 13/10, tổ chức từ thiện Nippon Foundation của Nhật Bản cho biết họ đã quyết định hủy một chương trình thúc đẩy giao lưu quân sự giữa các sĩ quan cấp tá nước này với Trung Quốc.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, Chủ tịch Nippon Foundation Yohei Sasakawa cho biết, tổ chức này và Quỹ Hữu nghị Nhật - Trung Sasakawa đã quyết định hủy bỏ chương trình giao lưu nói trên sau khi phía đối tác Trung Quốc đề nghị hoãn chuyến thăm của phái đoàn nước này tới Nhật Bản trong tuần tới mà không đưa ra được lý do chính đáng hoặc thời điểm nối lại.

Trung Quốc là nước cung cấp khoảng 95% đất hiếm cho thế giới.

Ngoài ra, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Akihiro Ohata cho biết nước này có thể cử các quan chức cấp thứ trưởng sang Trung Quốc nếu vấn đề xuất khẩu đất hiếm từ Trung Quốc sang Nhật Bản vẫn bị bế tắc. Những người có trách nhiệm của Nhật Bản cho Hãng thông tấn AFP biết, một trong những biện pháp được nhắc đến là việc đưa đơn kiện ra trước Tổ chức Thương mại thế giới.

31 công ty Nhật vẫn thường xuyên mua các loại đất hiếm của Trung Quốc, nguyên liệu thiết yếu trong công nghiệp điện tử và xe hơi hiện đang bị cạn nguồn cung ứng kể từ ngày 21/9. Tuy vậy, Trung Quốc, quốc gia cung cấp 95% lượng đất hiếm trên thế giới, vẫn chối là không hề cấm vận loại nguyên liệu này để trả đũa Nhật Bản.

Các khoáng chất đất hiếm được sử dụng trong nhiều sản phẩm kỹ thuật cao như máy vi tính và bình điện dùng cho xe hơi vừa chạy xăng vừa chạy điện, khiến các vật liệu này trở nên thiết yếu đối với những  sản phẩm điện tử xuất khẩu của Nhật Bản. Đất hiếm bao gồm 17 nguyên tố kim loại trong đó có Yttrium và lanthanum.

Để đối phó với tình trạng khan hiếm đất hiếm nhập khẩu từ Trung Quốc, chính quyền Nhật đang tìm cách mở rộng mạng lưới các nhà cung cấp.

Ngay sau khi tờ Nhân Dân nhật báo của Trung Quốc trích dẫn lời một giới chức Bộ Thương mại nói rằng nước này sẽ giảm xuất khẩu đất hiếm đến 30% trong năm 2011 để giữ cho các khoáng sản này không bị khai thác quá mức. Ngày 19/10, Thủ tướng Nhật Naoto Kan nói rằng, Nhật cần xét đến việc dự trữ các loại đất hiếm. Lời tuyên bố này dường như là một chỉ dấu cho thấy Nhật đang tìm cách giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc trong việc cung ứng các loại đất hiếm mà Nhật rất cần.

Trên đây là những sự việc chưa được giải quyết sau vụ va chạm tàu cá dẫn đến căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, những ngày gần đây tình hình lại trở nên nóng bỏng. Nhiều cuộc biểu tình bài Nhật xảy ra tại Trung Quốc và các phần tử cực đoan Nhật Bản cũng tổ chức các cuộc biểu tình chống Trung Quốc.--PageBreak--

Tân Hoa xã cho biết ngày 16/10 Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại sâu sắc đối với cuộc biểu tình của những người cánh hữu Nhật Bản tại Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Tokyo. Thông cáo trên được đưa ra sau các cuộc biểu tình của hơn 1.000 người Nhật Bản theo chủ nghĩa dân tộc tại Tokyo, cùng ngày, những người đã tuần hành trên nhiều đường phố mang theo các khẩu hiệu chống Trung Quốc trước khi trao một thông điệp phản đối tại Đại sứ quán Trung Quốc. Trước đó một ngày, Cơ quan cảnh sát Nhật Bản cho biết đã phát hiện một phong bì chứa viên đạn gửi tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo.

Hiện Cảnh sát Nhật đã tăng cường các biện pháp an ninh xung quanh tòa nhà Đại sứ quán Trung Quốc. Trong khi đó, tại Trung Quốc cũng diễn ra các cuộc biểu tình chống Nhật Bản. Ngày 16/10, tại thủ phủ Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên, hơn 2.000 người đã giương cao cờ và biểu ngữ kêu gọi "bảo vệ chủ quyền Điếu Ngư" và "đánh đuổi Nhật Bản". Những người tham gia biểu tình còn tấn công và gây ra một số thiệt hại đối với một cửa hàng thuộc chuỗi bán lẻ Ito-Yokado của Nhật Bản.

Tại Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc, hàng nghìn sinh viên đại học đã tuần hành, giương cao biểu ngữ và hô vang khẩu hiệu "Điếu Ngư là của Trung Quốc" và "Tẩy chay hàng hóa Nhật Bản". Còn tại thủ phủ Trịnh Châu của tỉnh Hà Nam, các sinh viên đại học đã tập trung tại quảng trường trung tâm thành phố và sau đó tiến hành tuần hành với khẩu hiệu "Trả quần đảo Điếu Ngư về cho Trung Quốc"....

Trước tình hình đó, thông cáo báo chí của Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc đề nghị Bộ Ngoại giao nước này đảm bảo để việc làm ăn của người Nhật như các siêu thị, nhà hàng có thể hoạt động bình thường. Đồng thời cảnh báo các công ty Nhật Bản cần thận trọng trong việc làm ăn của mình ở Trung Quốc sau các cuộc biểu tình của người dân Trung Quốc...

Biểu tình chống Nhật Bản tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc ngày 18/10/2010.

Diễn biến liên quan, trong chuyến thăm đến Washington, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cáo buộc Trung Quốc đang theo đuổi chính sách "không gian sinh tồn" thời hiện đại với sự quyết đoán ngày càng tăng của nước này tại các vùng lãnh thổ tranh chấp. Cụ thể là các khu vực Đông Slavo, để phát triển. Ông Shinzo Abe cũng bày tỏ quan ngại trước sự mở rộng của hải quân Trung Quốc, gồm cả khu vực biển Hoa Đông. Ngay lập tức, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng ý kiến mới đây của ông Shinzo Abe, là "vô nghĩa".

Chưa hết, ngày 20/10, báo chí Nhật Bản cho biết là chính quyền Trung Quốc lại điều các tàu tuần tra tới khu vực lân cận các đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hãng thông tấn Nhật Bản Jiji cho biết là trong ngày 14/10, phía Trung Quốc đã điều một tàu tuần tiễu tới khu vực đảo Senkaku với nhiệm vụ "bảo vệ các quyền lợi chính đáng của ngư dân Trung Quốc". Còn theo báo Yomiuri Shimbun, Trung Quốc đã điều 3 tàu ngư chính tới vùng này.

Trước tình hình gia tăng căng thẳng như hiện nay, ngày 19/10 vừa qua, các đại diện của Tokyo và Bắc Kinh đã gặp gỡ nhau với mục đích làm quan hệ đôi bên đỡ căng thẳng. Hãng thông tấn Nhật Jiji cho biết, ông Satsuki Eda, cựu phát ngôn viên Thượng viện Nhật Bản, được xem là một nhân vật thân cận của Thủ tướng Naoto Kan, đã tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Bắc Kinh. Hai bên thống nhất là sẽ có cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Naoto Kan và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, trong Hội nghị Thượng đỉnh khu vực tại Việt Nam và Nhật Bản sắp tới.

Theo AFP, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Mã Triều Húc, đã chỉ trích phát biểu trước đó của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Seiji Maehara, cho rằng, phản ứng của Trung Quốc về vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là "quá khích". Ông Mã Triều Húc tuyên bố: "Chúng tôi bị sốc khi Bộ trưởng Ngoại giao của một nước lại có nhận xét như thế. Việc cải thiện quan hệ Trung - Nhật là lợi ích căn bản của cả hai quốc gia".

Rõ ràng, sau sự kiện va chạm tại quần đảo Senkaku cả Trung Quốc và Nhật Bản đang có những điều chỉnh lớn trong chính sách cũng như cân nhắc các bước đi cụ thể  khi nối lại các quan hệ ngoại giao bình thường. Cả hai đều muốn giữ cho mình con bài để mặc cả và tạo thế khẳng định chủ quyền ở những khu vực còn tranh chấp trên vùng biển. Điều đó chắc chắn sẽ làm cho vấn đề tranh chấp biển đảo giữa hai nước nói riêng và các nước có liên quan khác sẽ trở nên phức tạp. Như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates ngày 12/10 cảnh báo, tình trạng tranh chấp lãnh thổ tại các vùng lãnh hải ở châu Á đã gây ra mối đe dọa cho ổn định khu vực.

''Đã đến lúc Trung Quốc và Nhật Bản xây dựng lại các cầu đã gãy'' - qua tựa đề hình tượng trên, tờ báo Thái Lan The Nation mới đây thúc giục hai quốc gia đàn anh ở châu Á gấp rút cải thiện quan hệ để không ảnh hưởng đến kinh tế khu vực. Bão tố trong quan hệ ngoại giao gần đây, theo tờ báo, không tốt đối với cả hai quốc gia và còn tác hại đến kinh tế Đông Nam Á

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.