Quan hệ mập mờ giữa CIA và phe nổi dậy Syria

Thứ Hai, 11/03/2013, 08:35

Vào giữa tháng 8/2012, một nhà hoạt động chính trị có thế lực của Syria lái xe đến thành phố biên giới Gaziantep ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ để gặp mặt 2 sĩ quan đến từ Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đang có mặt trong một phòng khách sạn sang trọng. Nhà hoạt động này từng là nhà báo trước khi nổ ra xung đột ở Syria, cùng với 3 đồng nghiệp xuất phát từ Aleppo - thủ đô thương mại quan trọng của Syria đang là vùng chiến sự nóng bỏng của nước này.

Bên trong căn phòng, hai người Mỹ cho biết bố họ là sĩ quan CIA đến để giúp phe nổi dậy lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Nhưng, trên thực tế người Mỹ đã không giữ lời hứa và giờ đây phe nổi dậy đã quay sang chống lại họ.

Trong cuộc họp ở Gaziantep còn có mặt các đại diện của Liwa al-Fatah, một nhóm chiến binh thuộc phe nổi dậy ở Syria. Nhà hoạt động giấu tên là người được tôn trọng ở Aleppo và là người phát ngôn quan trọng về chính sách của phe nổi dậy với người Mỹ.

Theo lời của nhà hoạt động, hai sĩ quan CIA ra một số câu hỏi với nhóm của ông như là: Phe nổi dậy ở Aleppo có ủng hộ nền dân chủ hay không? Có thù địch với phương Tây hay không? Có quan điểm như thế nào về Al-Qaeda? Về phần mình, nhóm của nhà hoạt động đưa một số điều kiện muốn Mỹ giúp đỡ, như là: vũ khí (đặc biệt là tên lửa đất đối không), điện thoại vệ tinh và sự tiếp tế về y khoa.

Kết thúc cuộc họp, hai sĩ quan CIA hứa sẽ đáp ứng các yêu cầu của phe nổi dậy ở Aleppo. Song  sau đó nhiều nhân vật hàng đầu của phe nổi dậy bắt đầu nghi ngờ Mỹ không muốn giữ lời hứa. Thậm chí, một số người còn cho rằng người Mỹ đã phản bội phe nổi dậy và những cuộc họp ở Gaziantep không khác gì phương kế thu thập thông tin tình báo của CIA.

Vào thời gian diễn ra cuộc họp, chiến sự ở Syria đang căng thẳng tột độ, và câu hỏi lớn nhất là liệu cộng đồng quốc tế có can thiệp giúp đỡ phe nổi dậy bằng vũ khí hay liệu có ra nghị quyết về một vùng cấm bay hay không? Trong khi đó, Mỹ vẫn duy trì chính sách chỉ cung cấp những hỗ trợ không gây thương vong. Những cuộc họp ở Gaziantep được tổ chức bởi Firas Tlass, doanh nhân Syria có một thời quan hệ sâu sắc với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Aleppo nhìn qua kính ngắm của một tay súng bắn tỉa thuộc phe nổi dậy.

Ông Mustafa, cha của Tlass, từng là Bộ trưởng Quốc phòng đầy quyền lực của Syria trong suốt 3 thập niên, trong khi Manaf (anh trai của Tlass) là bạn thân và là cố vấn hàng đầu cho Assad trước khi phản bội chính quyền vào tháng 7/2012. Hiện nay, Firas Tlass cam kết sẽ dùng tiền bạc của mình để tài trợ cho phe nổi dậy và ủng hộ cách mạng ở Syria.

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại của tạp chí Newsweek (Mỹ), nhà hoạt động giấu tên cho biết ông đã sắp xếp nhiều cuộc họp tương tự với CIA và những lời hứa giống như ở cuộc họp tại Gaziantep là chuyện bình thường, trong đó bao gồm lời hứa cung cấp vũ khí một cách gián tiếp cho phe nổi dậy.

Nhưng, theo lời của Tlass thì người Mỹ sau đó đã không giữ lời hứa, thậm chí không cung cấp trang thiết bị thông tin liên lạc hay thiết bị y tế. Tlass cho rằng người Mỹ không tích cực giúp phe nổi dậy nhanh chóng lật đổ chính quyền Assad mà đang cố kéo dài cuộc chiến đẫm máu ở Syria.

Những chiếc xe tăng của chính quyền bị tiêu diệt ở Aleppo.

Một nhân vật đối lập có ảnh hưởng - người hiện đang hợp tác với phe nổi dậy, và cũng giống như trường hợp của doanh nhân Tlass, trước đây có quan hệ thân thiết với chính quyền Assad - cho biết, mới đây ông đã cắt đứt mọi liên lạc với CIA vì không còn tin vào những lời hứa suông của người Mỹ. Nhân vật đối lập này giải thích: "Người Mỹ đang nói dối để thu thập thông tin. Nếu hỏi bất cứ chiến binh nổi dậy nào ở Syria thì người đó sẽ nói người Mỹ là kẻ thù".

Nhân vật đối lập trên cho biết thêm, sĩ quan CIA còn yêu cầu cung cấp danh sách những chiến binh giỏi để huấn luyện sử dụng tên lửa đất đối không, song sau đó chẳng có chuyện gì diễn ra cả! Giới lãnh đạo phe nổi dậy trú đóng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan cũng như hoạt động ở miền Bắc và miền Nam Syria đều chỉ trích Mỹ không giữ lời hứa và thiếu sự hỗ trợ đầy đủ cho cuộc cách mạng.

Một số chuyên gia phân tích cũng thừa nhận hiện nay phe nổi dậy có ác cảm với người Mỹ. Salman Shaikh, Giám đốc Trung tâm Doha thuộc Viện Brookings, nhận định nhiều lãnh đạo của phe nổi dậy đang mất niềm tin vào người Mỹ và có khả năng họ không muốn tiếp tục hợp tác với CIA nói riêng và cộng đồng tình báo Mỹ nói chung nữa.

Salman Shaikh bày tỏ mối lo ngại quan hệ giữa tình báo Mỹ và phe nổi dậy sẽ không thể cứu vãn nếu như Washington cứ liên tục thất hứa. Trong khi đó, những người ủng hộ phe nổi dậy ở Syria quyên góp tiền bạc và vũ khí từ các cá nhân và các chính quyền có cảm tình với cách mạng rồi chuyển sang biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, vũ khí được chuyển qua biên giới giúp phe nổi dậy không có nghĩa nước này là một nhà cung cấp vũ khí cho Mỹ. Mặc dù nhận được vũ khí, song phe nổi dậy vẫn nghi ngờ ý định của người Mỹ

Di An (tổng hợp)
.
.