"Quý bà một chân" khiến "Đồ tể thành Lyon" ăn ngủ không yên

Thứ Sáu, 25/08/2017, 19:36
Gan dạ, mưu trí là hai đức tính nổi bật của Virginia Hall - điệp viên CIA, đồng thời làm việc cho Bộ chỉ huy tác chiến đặc biệt Anh (SOE). Mang 2 bí danh "Chó sói" và "The Limping Lady" (Quý bà một chân), nhưng Hall vẫn hoạt động không mệt mỏi, và được đánh giá là một trong những điệp viên hiệu quả nhất tham gia dẫn dắt phong trào kháng chiến Pháp.


Giấc mơ làm nhà ngoại giao không thành

Virginia Hall sinh ngày 6-4-1906 tại thành phố Boston, bang Maryland, Mỹ. Sau khi học trung học, Hall theo học trường Radcliffe, trường đại học dành cho nữ giới thuộc Đại học Harvard, sau đó chuyển sang trường Bernard (đại học dành cho nữ giới của Đại học Columbia).

Từ thuở nhỏ, Hall đã theo gia đình đến châu Âu sinh sống và đã từng theo học Ecole des Sciences Politiques ở Paris, Konsularakademie ở Vienna, và hoàn tất những khóa ngắn hạn tại các trường đại học ở Strasbourg, Grenoble và Toulouse. Thời gian sống và học tập ở châu Âu đã giúp Hall nói thông thạo 2 ngoại ngữ là tiếng Pháp và tiếng Đức. Đây là hai công cụ hữu ích cho hoạt động tình báo sau này của bà.

Trước khi trở thành điệp viên, Virginia Hall từng làm việc trong ngành ngoại giao, làm thư ký lãnh sự tại Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia và Estonia. Bà đến với công việc này cũng do cơ duyên đưa đẩy. Sau khi không vượt qua được kỳ thi sát hạch của Bộ Ngoại giao Mỹ trong cả 2 lần thi vào tháng 12-1929 và tháng 7-1930, Hall quyết định phải thay đổi cách làm, phải tích lũy kinh nghiệm từ trong thực tiễn công việc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm từ những công việc phục vụ phái đoàn ngoại giao Mỹ ở nước ngoài.

Đầu tiên, bà tham gia nhân sự phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Warsaw, Ba Lan vào tháng 7-1931, làm thư ký lãnh sự. Tiếp đến, tháng 4-1933, bà được luân chuyển đến làm việc trong Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Smyma (nay là Izmir) của Thổ Nhĩ Kỳ.

Điệp viên Virginia Hall.

Hall là người rất có máu phiêu lưu, yêu thích hoạt động ngoài trời, vì thế bà thích những chuyến đi săn, leo núi, cưỡi ngựa trên đồng cỏ. Nhưng khi làm việc ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hall lại vô tình để khẩu súng mang bên người bị cướp cò, viên đạn bắn vào chân gây hoại tử. Thế là phải cưa chân đến tận đầu gối. Đó là những ngày cuối năm 1933. Phải mất nhiều tháng điều trị tại Thổ Nhĩ Kỳ, sức khỏe Hall mới dần ổn định, và bà phải quay trở về Mỹ để điều trị vào đầu năm 1934. Hall được lắp một cái chân giả để đi đứng bình thường. Bà đặt cho nó cái tên riêng: Cuthbert.

Tháng 9-1934, Hall đã bình phục và sẵn sàng làm viêc trở lại. Bà viết thư cho Bộ Ngoại giao Mỹ xin đi làm việc trở lại. Hall đưa ra một danh sách những nơi bà muốn đến làm việc, trong đó có Tây Ban Nha, Italia, Peru và đặc biệt là Estonia. Hall thích thủ đô Tallinn của Estonia vì nơi đây khung cảnh đẹp và yên tĩnh. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao không thể đáp ứng yêu cầu của Hall.

Thay vì thế, tháng 12-1934, Bộ này phân công bà đến làm việc tại Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Venice, Italia. Nhận nhiệm vụ tại Venice, nhưng Hall vẫn không thôi ước mơ được làm nhà ngoại giao thực thụ. Thời đó, nữ cực kỳ hiếm trong ngành ngoại giao (chỉ có 6 trên 1.500), và quy định bắt buộc họ phải độc thân, nếu họ có gia đình thì phải từ chức ngay lập tức để tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động ngành.

Mùa hè năm  1937, Hall nộp đơn xin thi sát hạch ngoại giao lần thứ ba. Tuy nhiên, lần này Bộ Ngoại giao Mỹ đã trả lời thẳng rằng bà không thể thi làm nhà ngoại giao được, vì yêu cầu quan trọng của ngành là "người phải lành lặn", trong khi bà khuyết một chân. Tháng 11-1938, Hall chuyển sang làm thư ký lãnh sự tại Lãnh sự quán Mỹ ở Tallinn, Estonia, đúng như mong muốn của bà. Tại đây, Hall tiếp tục nuôi hy vọng làm nhà ngoại giao.

Bà gửi thư cầu cứu Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Howland Shaw, đề nghị cho bà một cơ hội dự kỳ thi sát hạch ngoại giao. Và một lần nữa, thư yêu cầu của Hall lại bị từ chối với cùng lý do như những lần trước.

Vậy là ước mơ làm nhà ngoại giao tan thành mây khói. Hall cho rằng đã đến lúc rời khỏi ngành ngoại giao. Bà dành thời gian cả mùa hè năm 1939 để suy ngẫm những việc gì cần phải làm tiếp theo trong cuộc đời mình. Thời điểm đó, một sự kiện trọng đại của thế giới đã xảy ra: Ngày 1-9-1939, Hitler xua quân xâm lược Ba Lan, khai màn cho Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Và đây chính là "câu trả lời" cho những suy tư của bà.

Ngày 3-9, Pháp tuyên chiến với Đức. Hall quyết định tham chiến, bà xin vào làm việc trong đội xe cứu thương, hàm binh nhì. Hall được huấn luyện sơ cứu thương và nhận nhiệm vụ đầu tiên là lái xe cứu thương. Công việc vận chuyển người bị thương ra khỏi tiền tuyến không hề dễ dàng, đặc biệt là với chiếc chân giả bằng gỗ của bà. Đến ngày 10-5-1940, quân Đức tập trung hỏa lực đánh chiếm Pháp. Ngày 14-6, Paris thất thủ. Hall phải làm việc gấp bội vì số thương vong gia tăng mạnh.

Điệp viên SOE: "Quý bà một chân"

Sau khi Pháp đầu hàng quân Đức vào ngày 22-6-1940, Hall nhận thấy mình đang ở vào thế kẹt. Kinh tởm các chính sách của quân phát xít Đức đối với người châu Âu, nhất là người Do Thái, Hall quyết định cách tốt nhất để tiếp tục cuộc chiến đấu vì lẽ phải, công bằng là phải đến nước Anh.

Virginia Hall được chính phủ Mỹ tặng thưởng huân chương năm 1945.

Tháng 8-1940, nhờ có hộ chiếu Mỹ, Hall dễ dàng đi đến London qua ngả Tây Ban Nha (lúc này còn trung lập). Khi Hall trình diện để đăng ký xin làm việc, nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại London đã yêu cầu bà kể lại sơ lược tình hình nước Pháp sau khi quân Đức đánh chiếm.

Từ tháng 9-1940, Hall làm việc cho Văn phòng Tùy viên Quốc phòng Mỹ. Tuy nhiên, như trên đã nói, Hall vốn ưa phiêu lưu, cho nên không thể ngồi yên một chỗ. Bà lại suy nghĩ hướng đến việc tham gia trực tiếp vào cuộc chiến, lần này bà muốn đến Đức.

Vào tháng 2-1941, tức sau khoảng nửa năm làm việc trong Đại sứ quán Mỹ, Hall xin thôi việc với lý do "muốn tìm việc làm mới". Thực ra, ngay thời điểm đó, Hall đã được cơ quan tình báo thuộc Bộ Chỉ huy tác chiến đặc biệt của Anh (SOE) bí mật tuyển dụng. Sau khi hoàn tất khóa huấn luyện điệp viên của SOE, Hall chính thức trở thành đặc vụ của SOE vào tháng 4-1941. Mùa hè năm đó, Hall lên kế hoạch triển khai hoạt động tại vùng Vichy, Pháp.

Tháng 8-1941, Hall đến Pháp, mang tên giả là Brigitte LeContre, làm phóng viên tờ báo New York Post. Trong khi điệp viên của SOE thường chỉ hoạt động 6 tháng tại mỗi mặt trận, Hall được làm việc tại Lyon đến 15 tháng, thực hiện các nhiệm vụ tổ chức, tài trợ, tiếp viện và cung cấp vũ khí cho quân kháng chiến Pháp.

Ngoài ra, Hall còn tham gia cứu hộ các phi công quân Đồng minh bị rơi máy bay và đưa họ đến nơi an toàn. Hall còn tổ chức phá ngục giải thoát cho các tù binh bị giam giữ trong các nhà tù, trại dã chiến ở Đức và vùng Vichy, Pháp, tổ chức phá hoại trong hậu cứ địch ở Đức và Pháp, và làm liên lạc viên kết nối thông tin cho các điệp viên khác của SOE.

Hoạt động năng nổ, tích cực của Hall khiến bà lọt vào tầm ngắm của không chỉ cảnh sát Vichy Pháp mà đặc biệt nhất là mật vụ Gestapo của Đức. Với tài lẩn trốn và ngụy trang khéo léo của Hall,  cảnh sát Pháp và  mật vụ Đức không tài nào lần ra được hành tung của bà, không thể nào xác dịnh được nữ điệp viên mang bí danh Germaine là ai. Bọn Gestapo Đức đã nỗ lực tối đa để điều tra về Hall, và cuối cùng chúng cũng xác định được bà là "một người Pháp gốc Canada" mang bí danh là "La dame qui Boite" (Quý bà một chân).

Tháng 11-1942, liên quân Anh-Mỹ đánh chiếm Bắc Âu, thì chính quyền tay sai Vichy Pháp hoàn toàn sụp đổ, quân Đức nắm quyền kiểm soát toàn bộ nước Pháp. Trùm mật vụ Gestapo khét tiếng tàn ác Klaus Barbie lên nắm quyền chỉ huy lực lượng Gestapo tại Pháp.

Ngay lập tức, "Đồ tể thành Lyon" ra lệnh cho Gestapo mở cuộc truy lùng Hall - "Quý bà một chân" trên toàn nước pháp, poster và quảng cáo treo dán khắp nơi. Tuy nhiên, ngay lúc này, Hall đã kịp thời lánh nạn, biến mất hoàn toàn khỏi tầm kiểm soát của bọn Gestapo. Tức khí, "Đồ tể thành Lyon" còn tuyên bố với đám thuộc hạ của y rằng: "Tao sẽ trả bất cứ thứ gì để được chạm tay vào con chó cái Canada đó".

Mùa đông năm 1942 lạnh giá, tuyết phủ trắng trên dãy núi Pyrenees nằm giữa Pháp và Tây Ban Nha. Bất chấp cái chân giả nặng nề, Hall vẫn cố gắng lội tuyết trên cái chân phải lành lặn, dùng cái chân lành đó làm trụ bám tuyết để lê từng bước chân trên dãy núi cao tuyết trắng xóa. Trông bà lúc này chẳng khác nào một "con sói bị thương" đang lê những bước chân nặng nhọc tìm về hang ẩn nấp. May mắn là bọn Gestapo chậm chân hơn, không đuổi kịp Hall và cũng chẳng nghĩ đến bà sẽ trốn thoát bằng đường núi non hiểm trở này.

Sang đến Tây Ban Nha, một trục trặc nhỏ đã khiến lộ trình của Hall bị chậm mất gần một tháng, nhưng sau đó Hall đã kịp thời vượt qua, quay trở về tổng hành dinh SOE ở London để nhận nhiệm vụ mới. Lần này, bà lại được phân công nhận nhiệm vụ tại Madrid, Tây Ban Nha, nơi bà vừa bị giam 20 ngày vì không có hộ chiếu.

Tháng 7-1943, nhờ những thành tích xuất sắc trong tham gia cuộc chiến ở Pháp, Hall được ban tặng quy chế Thành viên Đế quốc Anh (MBE), nhưng bà từ chối nhận Huân chương của Vua George VI vì sợ rằng việc tổ chức trao tặng huân chương có thể làm lộ diện, gây khó khăn cho hoạt động tình báo sắp tới.

Trở thành điệp viên OSS-CIA

Khi SOE từ chối, không cho bà quay trở lại hậu tuyến của quân Đức để hoạt động, Hall lại tìm kiếm "ai đó" chịu để cho bà thực hiện việc này. Ngày 10-3-1944, Hall gia nhập Văn phòng Phục vụ Chiến lược (OSS), tức tiền thân của CIA, và được mang mật danh Diane.

Hộ chiếu giả Virginia Hall dùng để hoạt động tại Pháp.

OSS đồng ý cử Hall quay trở lại Pháp, đóng giả làm một bà lão. Bà được đưa đến vùng ven biển Bretagne bằng thuyền cao tốc, sau đó vượt đường bộ qua Paris và cắm chốt hoạt động ở Maidou, một ngôi làng nhỏ phía Nam Paris. Ngày đổ bộ của quân Đồng minh xuống Normandy đang gần kề, điệp viên Diane nhận nhiệm vụ mới là củng cố tổ chức lực lượng quân kháng chiến địa phương của Pháp để kịp thời ứng chiến.

Với kinh nghiệm làm việc cho SOE ở Lyon, Hall thực hiện nhiệm vụ một cách trót lọt. Ngày quân Đồng minh đổ bộ lên Normandy, bắt đầu chiến dịch giải phóng nước Pháp, Hall và quân kháng chiến Pháp do bà chỉ huy đã sẵn sàng hưởng ứng chiến dịch. Khi chiến dịch kết thúc thắng lợi, tháng 8-1944, Hall dẫn đoàn quân Kháng chiến Pháp đến tiếp nhận sự đầu hàng của Bộ chỉ huy phương Nam của quân Đức tại Le Chambon.

Những ngày cuối cùng của chiến tranh, Hall tiếp tục lập công lớn trong những nhiệm vụ được OSS giao. Kết thúc chiến tranh, một lần nữa Hall lại trở thành người hùng chiến tranh của Mỹ, được trao tặng Huân chương Chiến công xuất sắc của Mỹ. Sau chiến tranh, Hall tiếp tục làm việc cho CIA một thời gian và nghỉ hưu vào năm 1966, lúc 60 tuổi. Bà qua đời vào năm 1982. Để ghi nhớ công lao của bà, CIA đã lấy tên bà đặt cho một trung tâm huấn luyện, gọi là Trung tâm  Huấn luyện chiến đấu Virginia Hall.

An Tôn (tổng hợp)
.
.