Quỹ đầu tư ủy thác của các tỉ phú: “Những con kền kền” ăn xác chết

Thứ Hai, 21/07/2014, 15:30

Kền kền là loài chim chuyên ăn xác chết. Ở đâu có xác chết, ở đó có chim kền kền. Và người ta đã lấy tên loài chim này để gọi một cách ví von một loại quỹ đầu tư trục lợi “quỹ kền kền”. Đó là những quỹ đầu tư ủy thác của các tỉ phú giàu có ở Mỹ và một số nước (ANTG số 1.378 đã đề cập). Cũng giống như chim kền kền chực chờ ăn xác chết, các nhà đầu tư của “quỹ kền kền” trông chờ các quốc gia lâm nợ, vỡ nợ để bâu vào xâu xé. Thủ đoạn của các “quỹ kền kền” này rất vô nhân đạo, và thế giới cũng đang có chiến dịch đòi dẹp bỏ loại quỹ đầu tư này.

Kền kền "săn mồi" nợ công

Cho đến thập niên 50 thế kỷ XX, khái niệm về quỹ kền kền vẫn chưa phổ biến vì chuyện phá sản nợ công cũng rất hạn chế và việc thu hồi nợ theo kiểu kiện tụng rất hiếm. Tuy nhiên, do các quốc gia phá sản và có quyền tuyên bố không trả nợ vay trên thị trường tài chính nên các nhà đầu tư tìm cách thu hồi nợ bằng công cụ pháp lý, tức kiện ra tòa án. Điển hình là vụ Brazil bị một chủ nợ kiện ra tòa án ở Mỹ và bị tòa tuyên đóng băng toàn bộ số vàng dự trữ của nước này gửi tại Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED).

Các quỹ kền kền "săn mồi" các khoản nợ công bằng cách mua lại các khoản nợ công đó với giá rẻ mạt, có khi chỉ bằng 20% - 30% giá thị trường. Đội ngũ "săn mồi" của các quỹ kền kền rất hùng hậu. Họ bao gồm các luật sư chuyên nghiệp bủa đi khắp thế giới để săn lùng các tài sản có thể chiếm đoạt hoặc chí ít chen vào kiếm ăn. Vào thập niên 80, các khoản nợ mà các “quỹ kền kền” mua được đều được giao cất giữ tại các tổ hợp ngân hàng nhằm đề phòng tái diễn khủng hoảng tài chính tương tự như cuộc khủng hoảng "đôla dầu mỏ" đầu thập niên 70.

Do cơ chế tổ hợp nên rất khó để một kền kền đơn phương thu hồi nợ, và nếu một quỹ muốn thực hiện hành động pháp lý để thu hồi khoản nợ của mình thì phải mua lại toàn bộ nợ của các chủ nợ trong cùng tổ hợp, và điều này kéo theo nhiều rủi ro và thủ tục pháp lý rất phức tạp.

Suốt thập niên 80, các nỗ lực gia hạn nợ ở châu Mỹ Latinh đã tạo nên nhiều công cụ mới dễ mua bán hơn, như trái phiếu Brady, từ đó lôi kéo thêm nhiều "tay chơi" mới nhảy vào thị trường thâu tóm nợ, trong đó các ngân hàng và các quỹ đầu tư ủy thác, còn gọi là quỹ kền kền. Các chủ nợ ban đầu tìm cách bán các khoản nợ công trên thị trường thứ cấp, khi đó các quỹ kền kền bắt đầu ra tay thu mua với giá rất hời nhằm trục lợi trên thị trường. Trong quy trình mua bán vòng vèo này, các quốc gia con nợ thường làm động tác mua lại nợ của mình và quy đổi ra đồng nội tệ nhằm thu hút đầu tư.

Có trường hợp nợ công quá nặng phải nhờ đến sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới  để mua lại nợ. Kết quả của việc này là cơ chế tổ hợp chủ nợ bị phá vỡ, nhiều khoản nợ được mang ra bán với giá chỉ bằng 20% mệnh giá chính thức. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc các kền kền quyết tâm kiện các chính phủ con nợ để đòi trả đầy đủ giá trị nợ.

Các quỹ kền kền đưa ra phương châm rất nham hiểm: mua các khoản nợ xấu với giá cực rẻ (chiết khấu sâu), từ chối tham gia tái cơ cấu nợ và cố gắng đòi nợ với giá trị bằng với mệnh giá bề mặt cộng thêm lãi suất, nợ cũ và các khoản phạt thông qua kiện tụng tại tòa án nếu cần. Tỉ lệ lợi nhuận mà các quỹ kền kền thu được nếu thắng kiện thường là từ 3 đến trên 40 lần, có trường hợp đến 200 lần giá trị họ bỏ ra ban đầu.

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và WB, các quỹ kền kền luôn là mối đe dọa đối với các nỗ lực giải cứu nợ công dành cho các quốc gia nghèo nhất. Ngân hàng Thế giới đã giải ngân đến 40 tỉ USD tiền giải cứu nợ cho 30 quốc gia nghèo, nhờ đó mà những quốc gia nghèo mới có điều kiện thực hiện các chương trình an sinh xã hội thiết thực, như cho nông dân vay tín dụng nhỏ, xây dựng trường học cho con em của họ có chỗ ăn học, và đầu tư các dự án cung cấp nước và vệ sinh môi trường hỗ trợ người nghèo.

Hoạt động đòi nợ của các quỹ kền kền đã hút đi một phần lớn khoản tiền cứu nợ của các nước nghèo và chuyển vào tài khoản của những kẻ giàu sụ, khiến cho các chương trình an sinh xã hội bị gián đoạn, phá hỏng những nỗ lực giảm nghèo, giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo. Đây chính là khía cạnh vô nhân đạo nhất trong hoạt động của các quỹ kền kền.

Những nạn nhân của kền kền

Paul Singer là một cái tên lừng lẫy nhất trong giới tỉ phú "kền kền". Ông ta sống ẩn dật, không tiếp xúc nhiều với công chúng, đặc biệt là không nhận trả lời phỏng vấn báo chí. Paul Singer được người trong giới ca tụng là "cha đẻ" của phương thức đầu cơ nợ công mang tên "quỹ kền kền".

Peru là một trong những nạn nhân của Singer mặc dù số tiền nợ không nhiều. Năm 1996, Peru tái cơ cấu nợ. Các khoản vay ban đầu được chuyển đổi thành trái phiếu Brady, loại trái phiếu mua bán, trao đổi được phát hành theo mệnh giá nợ vay ban đầu. Quỹ Đầu tư ủy thác Elliott Associates của tỉ phú Singer khoản nợ (ngoài tái cơ cấu) trị giá hơn 20 triệu USD của Peru với giá chỉ 11,4 triệu USD. Sau đó, Elliott kiện Peru đòi số tiền nợ lên đến 58% và thắng kiện.

Tuy nhiên, Peru không có khả năng trả số tiền 58 triệu USD đó mà vẫn tiếp tục trả nợ cho các chủ nợ tái cơ cấu. Elliott khiếu nại ngăn chặn Peru trả nợ tái cơ cấu, viện dẫn Peru vi phạm điều khoản "pari passu" quy định rằng không chủ nợ nào được ưu ái hơn chủ nợ nào. Năm 2007, Elliott tiếp tục kiện nước Congo Brazzaville đòi 400 triệu USD cho khoản nợ mà công ty này mua chỉ với giá 10 triệu USD.

Một số trường hợp kền kền đòi nợ thành công, nhưng cũng có trường hợp, như Argentina, Peru… việc đòi nợ bất thành dù đã có phán quyết của tòa án. Đó là chưa kể có những khoản nợ mà kền kền mua từ cách đây mấy chục năm, nay thấy thời cơ thuận lợi mang ra kiện đòi nợ khiến cho quốc gia bị đòi nợ lâm vào cảnh khốn đốn.

Người dân Anh biểu tình phản đối quỹ kền kền.

Năm 2001, Argentina tuyên bố phá sản số tiền nợ 85 tỉ USD. NML Capital td, một quỹ đầu tư ủy thác trực thuộc Tập đoàn Elliott Management Corporation của tỉ phú Paul Singer, đã mua nợ của Argentina trên thị trường thứ cấp với giá chỉ bằng 20% giá trị ban đầu của nợ. 92% chủ nợ tái cơ cấu vào năm 2005 và 2010 chấp nhận giảm giá trị nợ còn khoản 30% trên mỗi USD. NML Capital không chấp nhận và đã kiện Argentina đòi phải trả đầy đủ giá trị mệnh giá chính thức của khoản nợ.

Một lần nữa, NML Capital lại vận dụng điều khoản "pari passu" để buộc Argentina nếu trả nợ cho các chủ nợ tái cơ cấu thì cũng phải trả đầy đủ cho NML Capital. Một tòa án ở Washington DC, Mỹ, đã ra phán quyết yêu cầu Chính phủ Argentina phải trả đầy đủ khoản nợ mà NML Capital đã mua, trị giá khoản 15 tỉ USD. Tuy nhiên, bất chấp phán quyết của tòa án Mỹ, Chính phủ Argentina đã tuyên bố chỉ trả nợ cho các chủ nợ tái cơ cấu nhằm duy trì sự ổn định kinh tế, tránh tái diễn khủng hoảng.

Tính đến nay có ít nhất 30 quốc gia, trong đó hơn 2/3 là những quốc gia nghèo nhất thế giới, như Bờ Biển Ngà, Burkina Faso, Angola, Cameroon, Congo, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Liberia, Madagascar, Mozambique, Niger, Sao Tome and Principe, Tanzania và Uganda trở thành nạn nhân của các quỹ kền kền, thường xuyên bị đe dọa hoặc bị kiện tụng ra tòa để buộc trả những khoản tiền cao ngất ngưởng, vượt quá khả năng chi trả của họ.

Năm 1979, Chính phủ Rumani cho Chính phủ Zambia vay tiền mua máy cày của Rumani. Zambia không có khả năng trả nợ, cho nên vào năm 1999, Rumani và Zambia đàm phán giải nợ với giá 3 triệu USD. Tuy nhiên, ngay trước khi 2 bên ký kết thỏa thuận, thì Donegal International, một quỹ kền kền thuộc Tổ chức Debt Advisory International nhảy vào và mua "phỗng tay trên" Rumani khoản nợ với giá dưới 3 triệu USD.

Năm 2007, Donegal International kiện Chính phủ Zambia đòi số tiền 55 triệu USD. Tòa phán quyết cho Donegal International được hưởng số tiền 15 triệu USD, dù sao thì cũng gấp 5 lần số nợ mua ban đầu.

Chính vì ảnh hưởng tiêu cực, tác động xấu đến an sinh xã hội, nhất là ở các nước nghèo, mà ngày nay hoạt động của các quỹ kền kền bị chế tài ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Chẳng hạn, vào năm 2002, Bộ trưởng Tài chính Anh Gordon Brown đã thông báo với Mỹ rằng hoạt động của các quỹ kền kền là "rất đáng phẫn nộ" vì chúng trục lợi lớn trên nợ nần của các nước nghèo, có khi lên đến hàng chục, hàng trăm lần giá trị ban đầu. Ông Brown yêu cầu chính quyền Mỹ phải có cách nào đó để kiểm soát, chế tài mạnh mẽ các quỹ này.

Từ năm 2007, Câu lạc bộ Paris và G-8 đã lên tiếng cảnh bào về tác động tiêu cực từ hoạt động của các quỹ kền kền, đồng thời đề nghị cộng đồng thế giới tìm kiếm giải pháp nhằm giảm thiểu tác hại của các quỹ kền kền. Tại Mỹ, vào năm 2008, Quốc hội Mỹ đã giới thiệu một dự luật mang tên Luật chấm dứt quỹ kền kền, được một số nghị sĩ ủng hộ, nhưng rốt cuộc dự luật đã không được ban hành. Cùng với Mỹ, nhiều nước như Anh, Bỉ, Pháp, Australia, đảo Jersey, đảo Man và Guernsey cũng đã giới thiệu luật pháp tương tự.

Năm 2009, một tòa án ở Anh đã phán quyết Chính phủ Liberia phải trả khoản tiền 20 triệu USD cho các quỹ kền kền. Tuy nhiên, sau vụ Zambia, một loạt hành động đã được các tổ chức như Oxfam ở Anh và Jubilee Debt Campaign ở Mỹ triển khai nhằm tác động lên chính quyền thay đổi luật pháp chế tài việc thu nợ thông qua tòa án của các quỹ kền kền.

Thêm vào đó, Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf cũng đã lên chương trình Newsnight của Đài BBC kêu gọi sự giúp đỡ trước sự đe dọa từ quỹ kền kền. Vì thế, trước khi các “quỹ kền kền” kịp thu khoản tiền trên, thì Luật Giải nợ Các nước đang phát triển đã được Quốc hội Anh thông qua vào năm 2010. Luật này có quy định khống chế cách thu nợ và mức tiền nợ mà các quỹ kền kền có thể thu được.

Vì thế mà các quỹ kền kền phải thương lượng với Chính phủ Liberia về khoản tiền phải trả, và con số thỏa thuận cuối cùng là 1 triệu USD, thấp hơn nhiều so với số tiền nợ ban đầu 3 triệu USD. Các chuyên gia nhận định việc cho ra đời luật pháp khống chế việc đòi nợ công của các quỹ kền kền đã giúp bảo vệ các quốc gia đang phát triển giảm bớt gánh nặng nợ bất hợp lý do các quỹ kền kền tạo nên.

Hiện nay, nhiều nước đã cấm hẳn việc các quỹ kền kền thu nợ thông qua tòa án. Tuy nhiên, vẫn còn một vài nơi, nhất là các thiên đường thuế, như Jersey Isle, Channel Islands, British Virgin Isles cho phép tòa án xử đòi nợ của các quỹ kền kền. Đây là những kẽ hở khiến cho kền kền tiếp tục "săn" các "xác chết" nợ công

An Tôn (tổng hợp)
.
.