Rắc rối từ chương trình sử dụng máy bay không người lái

Thứ Hai, 29/08/2011, 09:35

CIA đang tiếp tục đối mặt với những rắc rối do hậu quả của chương trình máy bay không người lái gây ra. Lần này, không chỉ có các gia đình nạn nhân đâm đơn kiện mà còn có cả một nhóm vận động vì quyền con người và các luật sư ở Pakis.

Tờ báo Anh Guardian cho biết, cựu Trưởng ban Pháp chế của CIA John Rizzo, năm nay 63 tuổi, đang đối mặt với ít nhất 2 vụ kiện từ nạn nhân và thân nhân của họ trong các vụ oanh kích bằng máy bay không người lái.

Vụ thứ nhất, nguyên đơn cũng chính là nạn nhân một người đàn ông tên Sadaullah bị cụt mất 2 chân và có 3 người thân bị thiệt mạng trong một đợt oanh kích xảy ra vào ngày 7/9/2009 trong tháng chay Ramadan đâm đơn kiện Rizzo.

Còn vụ thứ 2, ông Kareem Khan khởi kiện Rizzo liên quan đến vụ oanh kích vào ngày 31/12/2009 ở làng Machi Khel, tỉnh North Waziristan giết chết con trai và em trai của ông. Cả 2 ông đều cáo buộc Rizzo, với vai trò là Trưởng ban Pháp chế CIA khi đó, là người nắm trong tay quyền hạn cho phép hoặc không cho phép CIA thực hiện các phi vụ máy bay không người lái, đã ra lệnh cho các nhân viên CIA thực hiện các phi vụ oanh kích.

Ngoài ra, luật sư Stafford Smith, đại diện cho nhóm vận động chống máy bay không người lái Reprieve ở Anh đã phối hợp với một nhóm luật sư Pakistan cũng đang yêu cầu Interpol phát lệnh truy nã quốc tế đối với ông Rizzo với các cáo buộc liên quan đến các vụ oanh kích của CIA. Nếu bị bắt, Rizzo có thể bị truy tố tội danh "âm mưu giết hại nhiều công dân Pakistan".

Theo Guardian, ông Rizzo bị kiện sau khi đã thú nhận với tạp chí Newsweek rằng kể từ khi CIA bắt đầu chương trình máy bay không người lái vào năm 2004, mỗi tháng ông ta phê chuẩn cho thực hiện 1 vụ oanh kích vào các vùng bộ lạc và các vùng khác của Pakistan nghi ngờ chứa chấp khủng bố Al-Qaeda. Rizzo không phải là trường hợp duy nhất bị kiện vì máy bay không người lái.

Vào tháng 12/2010, CIA đã từng phải triệu hồi Trưởng trạm tại Islamabad là Jonathan Banks về nước gấp sau khi danh tính ông này bị tiết lộ trên báo chí Pakistan, khi đó CIA cáo buộc ISI đứng sau vụ việc.

Điều quan trọng nhất là CIA lo ngại Banks có khả năng bị cơ quan chức năng Pakistan bắt giam và đưa ra tòa xét xử vì là người đứng đầu chương trình máy bay không người lái ở Pakistan. Ông bị 15 gia đình các nạn nhân máy bay không người lái đâm đơn kiện đòi phải chịu trách nhiệm về cái chết của những người thân trong gia đình họ.

Tính từ chuyến bay đầu tiên vào năm 2004, chương trình máy bay không người lái của CIA đã thực hiện tổng cộng 260 cuộc tấn công bằng loại máy bay được mệnh danh là "sát thủ trên không" này. Riêng năm 2010 được xem là năm có hoạt động máy bay không người lái mạnh nhất với gần 120 phi vụ, còn 6 tháng đầu năm nay là 42 phi vụ.

Một số tổ chức nhân đạo Mỹ cho rằng số dân thường Pakistan bị chết oan do máy bay không người lái gây ra đã lên đến hơn 2.600 người, trong khi một số khác lại cho con số hơn 1.000 người, còn các cơ quan chính quyền Mỹ thì không đồng tình với cả hai, cho rằng chỉ có vài trăm nạn nhân mà thôi.

Hiện nay, mặc dù chương trình máy bay không người lái đã giảm rất nhiều và hầu như không còn thực hiện từ bên trong Pakistan nữa, nhưng số thương vong thì vẫn tiếp tục. Thượng tuần tháng 7/2011, thêm 48 người Pakistan ở các vùng bộ lạc bị giết chết trong 2 vụ oanh kích bằng máy bay không người lái của CIA. Điều này chứng tỏ rằng, CIA vẫn tiếp tục chương trình của mình bất chấp các vụ kiện của gia đình các nạn nhân Pakistan.

Việc ông Rizzo bị gia đình các nạn nhân ở Pakistan kiện đang là một trở ngại đối với nỗ lực hàn gắn quan hệ giữa tình báo Mỹ và Pakistan. Mối quan hệ đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố này đã xấu đi kể từ sau vụ việc Banks bị "bóc vỏ" cuối năm ngoái, tiếp theo sau đó là hàng loạt sự cố lớn nhỏ, đặc biệt là vụ biệt kích Mỹ vào tận chỗ ở của trùm khủng bố Osama bin Laden ở thị trấn Abbottabad để tiêu diệt y vào đầu tháng 5 vừa qua.

Đầu tháng 7, đáp trả những hành động gây căng thẳng của Pakistan, Mỹ đưa ra một quyết định cứng rắn là "treo" khoản viện trợ quân sự 800 triệu USD cho Pakistan

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.