Rắc rối xử lý những hố chôn vũ khí hóa học

Thứ Năm, 17/04/2014, 15:30

Giật mạnh nhánh cây to sang một bên, Jason Watson, 30 tuổi, nhìn xuống đường hào sâu ngập nước và chỉ tay vào những chiếc thùng kim loại tròn đã bạc màu nằm nửa chìm nửa nổi dưới nước. Watson giài thích: "Đó là các tác nhân hóa học gây phỏng rộp da, ngạt thở và nhiễm trùng máu".

Watson kể ra một loạt các loại vũ khí hóa học chứa bên trong hàng ngàn chiếc thùng kim loại tròn như thế này được chôn xuống lòng đất trong khu căn cứ Redstone Arsenal rộng gần 20.000 hecta từ sau Thế chiến II. Jason Watson là chuyên gia trong đội chịu trách nhiệm tìm kiếm, xác định và cuối cùng là dọn sạch 17 đường hào sâu chạy ngoằn ngoèo hàng chục mét bị nhồi nhét bom đạn và tác nhân hóa học thời Thế chiến II. Jason Watson, dự tính sẽ về hưu sau khi công việc xử lý vũ khí hóa học chôn ngầm kết thúc.

Anh cho biết: "Cho dù chúng tôi cố gắng hết sức để nhanh chóng hoàn thành công việc, nhưng công việc khó khăn này sẽ phải kéo dài từ năm này sang năm khác. Bởi vì vũ khí hóa học xuất hiện ở khắp nơi". Trong lúc Washington thúc giục chính quyền Syria giao nộp vũ khí hóa học để tiêu hủy, thì nước Mỹ cũng phải mất nhiều thập niên để xử lý các kho tác nhân chết người này ngay trên lãnh thổ của mình.

Căn cứ quân sự Redstone Arsenal, nằm trên vùng đất thấp phía bắc bang Alabama, miền Đông nước Mỹ, được coi là lớn nhất trong số 249 khu căn cứ nằm rải rác trong 40 bang và vùng lãnh thổ nước Mỹ được sử dụng để chôn ngầm các loại vũ khí hóa học đang chờ được xử lý với phí tổn lên đến hàng tỉ USD. Ngay bên ngoài các cổng khu Redstone là Huntsville - thành phố nhỏ có gần 200.000 dân đang sinh sống.

Khi Thế chiến II kết thúc, quân đội Mỹ đã tiến hành chương trình thu gom vũ khí hóa học của Đức Quốc xã và Nhật Bản cũng như từ các kho vũ khí của Anh và Mỹ.

Khoảng 1 triệu quả bom chứa tác nhân hóa học được đánh dấu để cất giữ hay tiêu  hủy được chất lên tàu chở Redstone Arsenal - đây cũng là nơi quân đội Mỹ sản xuất các loại vũ khí hóa học trong suốt Thế chiến II. Một số vũ khí được thiêu hủy hay cho nổ, còn một số khác được đưa vào kho cất giữ. Trong khi đó, một số tác nhân hóa học chết người khác của Đức Quốc xã được chôn dưới các hào sâu - như là khí mustard, tác nhân lỏng, tác nhân lewisite gây phồng rộp da, tác nhân adamsite gây nôn mửa, tác nhân thần kinh tabun v.v…

Lối vào căn cứ Redstone Arsenal.

Thêm vào đó là những thùng kim loại tròn chứa phosphorus trắng, chlorine, bom khói, bom cay và bom lửa. Watson cho biết: "Những thứ chết người này vô cùng nguy hiểm khi chúng được đào lên. Chúng có thể bất ngờ phát nổ và giết chết bạn vào bất cứ lúc nào". Từ thập niên 70 thế kỷ XX, Ban chỉ huy Redstone Arsenal đã cố gắng thống kê xem có bao nhiêu vũ khí hóa học được chôn ngầm trong khu vực. Năm 2010, khu căn cứ bắt đầu một nỗ lực quy mô lập bản đồ các địa điểm chôn các tác nhân chết người để tiến hành xử lý.

Báo cáo năm 2010 của Ủy ban Nghiên cứu Quốc gia Mỹ (NRC) xếp hạng Redstone Arsenal là "lớn nhất và thách thức nhất" trong số các địa điểm chôn vũ khí hóa học sau Thế chiến II. Người dân Mỹ cũng mù mờ về những hố chôn tử thần này. Cách thành phố Huntsville chừng vài kilômét về phía nam là Camp Sibert.

Đảo san hô Johnstone ở Thái Bình Dương, nơi chôn cất vũ khí hóa học của Mỹ.

Trước đây nó là khu trung tâm xử lý vũ khí hóa học của quân đội Mỹ, nơi chôn cất ít nhất 13 kho tác nhân mustard và phosgene. Đội xử lý vũ khí hóa học ở Redstone Arsenal dự kiến công việc đào tìm các tác nhân chết người cho đến năm 2019 và hoàn tất công việc phá hủy vào năm 2042.

Các chuyên gia tính toán chỉ có khoảng 6 quả bom được xử lý an toàn trong một ngày. Đội của Jason Watson hy vọng sẽ đưa lên mặt đất khoảng 388.000 các loại bom đạn hóa học từ bên dưới các đường hào sâu, trong đó có 20.000 - 25.000 vũ khí vẫn còn nguyên và ổn định dưới đất song chúng dễ bay hơi khi bị tác động đến. Các chuyên gia tin rằng có đến 600.000 thùng kim loại chứa vũ khí không gây tử vong cũng được chôn ở Redstone Arsenal.

Năm 1946, người ta cho rằng vũ khí hóa học được chôn sâu dưới lòng đất sẽ an toàn trong thời gian dài nhất là tại các vùng nông thôn dân cư thưa thớt, phía bắc bang Alabama.

Terry de la Paz, lãnh đạo bộ phận xử lý vũ khí hóa học ở Redstone Arsenal giải thích, người dân ở Huntsville cũng được cảnh báo về hàng tấn vũ khí hóa học được chôn ngầm trong khu vực nhưng họ không quan tâm vì chúng không nằm gần nhà của họ. Nhưng ngày nay các kho vũ khí hóa học này đang đe dọa sức khỏe con người. Quân đội Mỹ buộc phải ban bố những quy định khắt khe ngăn cấm người dân sống quanh khu Redstone Arsenal sử dụng nước ngầm.

Các chuyên gia đang xử lý vũ khí hóa học .

Xung quanh căn cứ Redstone Arsenal là các khu nhà ở cho binh sĩ, các nhà khoa học và kỹ sư cũng như các trường học, nhà thờ và các trung tâm mua sắm. So với Redstone Arsenal, công việc thu gom vũ khí hóa học ở Syria để tiêu hủy giữa biển khơi dễ dàng hơn nhiều bởi vì như Jason Watson nói: "Ở Syria, người ta biết rõ vũ khí hóa học cất giữ ở đâu, chúng là loại nào và dễ dàng thu gom. Còn ở Redstone chúng tôi không biết gì cả. Chúng tôi phải đi đến nơi, đào bới lung tung mà không biết chính xác chúng nằm ở đâu dưới lòng đất".

Năm 1969, Tổng thống Richard Nixon ban bố lệnh tạm ngưng sản xuất mới vũ khí hóa học. Năm 1997, Mỹ ký kết Quy ước Vũ khí hóa học (CWC) - Hiệp ước quốc tế nghiêm cấm sản xuất, tích trữ và sử dụng vũ khí hóa học. Vào lúc đó, chính quyền Mỹ không chỉ đau đầu về vũ khí hóa học được chôn ngầm ở Redstone Arsenal mà còn lúng túng trước tổng cộng 31.500 tấn hóa chất nằm trong các loại đạn pháo - trong đó phần lớn chứa khí mustard hay tác nhân thần kinh sarin và VX.

Thật ra ngay từ năm 1990, tiến trình thiêu hủy vũ khí hóa học bắt đầu được tiến hành tại 8 địa điểm trên đất Mỹ và tại đảo san hô Johnston ở Thái Bình Dương. Sau đó, gần 90% công việc được hoàn tất vào tháng 4/2012, ngoại trừ hai kho vũ khí hóa học ở Pueblo bang Colorado và Blue Grass bang Kentucky phải tạm dừng xử lý do lo ngại về vấn đề môi trường. Nhưng, mục tiêu đề ra là phải hoàn thành xử lý kho vũ khí ở Colorado vào năm 2017 và từ năm 2021 đến 2023 đối với kho ở Kentucky.

Việc chôn vũ khí hóa học dưới đáy biển bị Quốc hội Mỹ cấm vào năm 1972 song cho đến nay vẫn chưa có kế hoạch xử lý những địa điểm ngầm dưới biển này

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.