Rải hàng tỉ USD xuống Vịnh Guinea, cuộc chiến chống cướp biển vẫn thất bại

Thứ Ba, 04/11/2014, 20:35

Vào cuối những năm 2000, các tàu thương mại của Mỹ liên tục bị tấn công ở vùng biển châu Phi buộc Lầu Năm Góc phải điều động quân đội đến đó tiêu diệt cướp biển, đặc biệt ngoài khơi Somali và Vịnh Guinea. Đến năm 2008, cướp biển châu Phi đã thu lợi bất chính lên đến 150 tỉ USD/năm. Cũng trong năm này, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) đã hoàn tất bản báo cáo có tiêu đề "Chống cướp biển ngoài khơi bán đảo Somali: Kế hoạch Hợp tác và hành động, tập trung ngăn chặn và tiêu diệt tội phạm hàng hải ngoài khơi bờ biển Somali cũng như Vịnh Guinea”.

Sau đó, số lượng các cuộc tấn công trong khu vực gần như tăng gấp đôi từ năm 2008-2009. Năm 2010, Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ đã phải đề nghị NSC "đánh giá lại và cập nhật kế hoạch hành động; xác định số liệu, đánh giá chi phí, lợi ích cũng như hiệu quả của hoạt động chống cướp biển, đồng thời làm rõ trách nhiệm của cơ quan này. Tuy nhiên, 4 năm sau, NSC vẫn không thể đưa ra báo cáo khả quan hơn.

Trong những năm đó, Liên Hiệp Quốc cũng phải thông qua nhiều giải pháp có liên quan đến tội phạm hàng hải ở ngoài khơi bán đảo Somali, trao quyền cho lực lượng quân đội quốc tế tiễu trừ cướp biển. NATO, Liên minh châu Âu cũng như Mỹ, Canada, Pháp, Australia, Bahrain, Jordan, Hàn Quốc, Hà Lan, Pakistan, Arập Xêút, Singapore, Nga, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác thường xuyên tuần tra hải quân, hợp tác tiến hành nhiều nhiệm vụ chung, góp phần giảm nhanh nạn cướp biển trên nhiều tuyến vận tải quốc tế,. Tuy nhiên, Vịnh Guinea và khu vực biển Somali vẫn là "vùng nước nóng".

Hải quân Mỹ và Hải quân Somali đang phối hợp tuần tra hàng hải, đấu tranh chống tội phạm.

Để trấn an các đoàn tàu chở hàng, Cục Hàng hải Quốc tế của Mỹ đã đưa ra một báo cáo có độ hoàn hảo đến… đáng ngờ: Các vụ cướp ở ngoài khơi Somali, Vịnh Guinea giảm hơn 200 vụ xuống chưa đầy 20 vụ năm 2013. Nhưng con số báo cáo đó đã mâu thuẫn với báo cáo của Văn phòng Tình báo Hải quân trình chính quyền Obama: các vụ cướp biển ở bán đảo Somali đã tăng gần 30%, riêng số liệu thống kê ở Vịnh Guinea khiến Chính phủ Mỹ toát mồ hôi hột vì các vụ cướp biển tăng đột biến lên đến 80%, có hàng ngàn tàu đã bị bắn cháy, bắn chìm hoặc bị thu giữ bất hợp pháp. Từ đầu năm đến nay, theo Trung tâm Chống khủng bố châu Phi (Trung tâm cực Tây) số lượng các tàu thương mại  bị cướp đang tiếp tục gia tăng.

Từ năm 2007 đến 2011, Mỹ cung cấp 35 triệu USD cho các nước Tây và Trung Phi lắp đặt rađa, thiết bị tuần tra và đào tạo an ninh hàng hải. Những nỗ lực này bao gồm Trạm Hợp tác châu Phi (APS) cung cấp các khóa huấn luyện quân sự chất lượng cao cho thủy thủ và chỉ huy lực lượng hải quân của các quốc gia đối tác.

Dưới sự bảo trợ của APS, Mỹ đã tổ chức 4 cuộc tập trận an ninh khu vực hàng năm, bao gồm: Sức mạnh Lưỡi kiếm sắc của thủy thủ, Sức mạnh Phượng hoàng lửa, Sức mạnh Bão táp sa mạc Sahara và Sức mạnh Trò chơi Oban (tên một đảo nghỉ mát thuộc Scotland, từ thế kỷ XVII-XIX cướp biển nước ngoài liên tục đánh chiếm hòn đảo nhỏ, nhưng nhờ kinh nghiệm, trí thông minh và lòng dũng cảm, người dân Oban luôn giành chiến thắng. Kho kinh nghiệm bảo vệ biển của họ đến nay vẫn được nhiều nước tham khảo và học hỏi). Sau này các cuộc diễn tập đều diễn ra ở ngoài khơi bờ biển Tây Phi.

Cướp biển châu Phi ngày càng trang bị vũ khí nguy hiểm, mở rộng địa bàn hoạt động trên vùng biển khu vực.

"Vào thời gian đỉnh điểm của chiến dịch, có đến 30 tàu đến từ 22 quốc gia tham gia hoạt động chống cướp biển trong khu vực. Lực lượng hải quân quốc tế tiêu diệt bọn cướp biển theo từng bước. tịch thu xuồng cao tốc và các tàu hàng đã phản công thành công khi đối đầu trực diện với chúng trên biển" - Chuẩn Đô đốc Joseph Kuzmick đọc báo cáo trước Quốc hội Mỹ vào năm 2013. 

Bộ tham mưu Tác chiến Quân đội Mỹ tại châu Phi (AFRICOM) và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ cung cấp các khóa huấn luyện chống cướp biển cũng như hướng dẫn kỹ năng tìm kiếm và thu thập thông tin thông qua các chương trình hợp tác thực thi pháp luật hàng hải châu Phi. Ngoài ra, Mỹ cũng tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề dành cho an ninh hàng hải, tài trợ không hoàn lại thiết bị và tàu cho các nước đồng minh châu Phi, cung cấp cả hướng dẫn bảo trì, cán bộ tư vấn thuộc biên chế lực lượng hải quân đồn trú trong khu vực, bảo vệ bờ biển và hỗ trợ tác chiến hải quân phòng chống và thực thi pháp luật bài trừ tội phạm ma túy.

Một cuộc điều tra gần đây do Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ thực hiện cho thấy "cướp biển và tội phạm hàng hải ở Vịnh Guinea vẫn tăng đều", và "nạn cướp tàu chở hàng, cướp tàu chở dầu và bắt cóc thủy thủ đoàn vẫn là một vấn đề nan giải tiếp tục góp phần làm tăng bất ổn định khu vực".

Không chỉ có vậy, ông Pottengal Mukundan, Giám đốc Cục Hàng hải Mỹ về Thương mại quốc tế cảnh báo: Cướp biển ở Vịnh Guinea, khu vực bán đảo Somali ngày càng được trang bị vũ khí hiện đại và hung bạo hơn, bọn chúng còn tự đặt ra "luật biển" riêng "đánh thuế" cao các tàu hàng, tàu khai thác hải sản của ngư dân nghèo, thậm chí cả hàng viện trợ nhân đạo của cộng đồng quốc tế cứu trợ cho các quốc gia châu Phi.

Theo Báo cáo về tội phạm cướp biển do Tình báo Hải quân Mỹ thực hiện năm 2013 cho thấy trên vùng biển Tây Phi đã xảy ra ít nhất 1.871 vụ cướp biển và 279 người bị bắt làm con tin. Ngoài ra, 1.209 tàu đã bị cướp biển tịch thu trái phép. Các chuyên gia ước tính Mỹ mất khoảng 2 tỉ USD/năm do thất bại trong việc đảm bảo an toàn cho tàu thương mại giao thương qua vùng biển Vịnh Guinea và Somali được cả thế giới đặt tên là "Thiên đường hải tặc”.

Mỹ phải thừa nhận rằng Vịnh Guinea là một tuyến vận tải hàng hóa đường biển thiếu an toàn và bạo lực nhất trên thế giới. Dù đã chi hàng tỉ USD,  tài trợ thiết bị an ninh hàng hải hiện đại và cung cấp chuyên gia tư vấn, nhưng trong suốt hàng thập kỷ qua, cuộc chiến chống hải tặc của Mỹ vẫn giậm chân tại chỗ, đến nỗi chính quyền Tổng thống Obama đã phải chỉ trích kịch liệt một số đồng minh, đặc biệt, chính phủ tham nhũng của Cộng hòa Guinea Xích đạo được cho là  "tiếp tay" cho cướp biển làm giàu bất chính, trong khi phần lớn người dân phải sống với mức sống dưới 2 USD/ngày

Anh Trúc (tổng hợp)
.
.