Robert Lady – Điểm đen trong chính sách chống khủng bố

Thứ Tư, 14/08/2013, 16:40

Từ một sĩ quan tình báo CIA được các đồng nghiệp châu Âu nể trọng, Robert Lady đã trở thành "tên tù trốn chui trốn nhủi", sĩ quan đầu tiên của tình báo Mỹ bị tòa án Italia tuyên án và ra lệnh truy nã quốc tế, một vết đen khó rửa trong chính sách chống khủng bố toàn cầu bất chấp thủ đoạn của nước Mỹ thời Tổng thống George W. Bush.

Quyển sách nhan đề "A Kidnapping in Milan: The CIA on Trial" (tạm dịch: "Một vụ bắt cóc ở Milan: CIA bị xét xử") của nhà báo Steve Hendrick xuất bản năm 2010 và thiên phóng sự dài của nhà báo Matthew Cole phát hành năm 2007 đã cho thấy Robert Lady "sa lầy" như thế nào, qua đó cho thấy ông ta chính là nạn nhân của sự sai trái, bê bối trong chính sách chống khủng bố của nước Mỹ.

Nếu gọi vụ việc bắt cóc giáo sĩ Osama Moustafa Hasan Nasr, tục danh là Abu Omar, là một sai lầm nghề nghiệp của Robert Lady - cựu trưởng trạm CIA tại thành phố Milan, kinh đô thời trang của Italia, thì đó là một nhận định nông cạn, chưa chính xác. Lady đích thực là đã có ra lệnh cho các nhân viên CIA trong khu vực mình quản lý theo dõi và bắt cóc Abu Omar rồi sau đó đưa lên các chuyến bay "luân chuyển tù nhân" bí mật, nhưng hành động của ông ta không hoàn toàn xuất phát từ quyết định của chính bản thân ông ta.

Nói cách khác, Lady chỉ thừa lệnh cấp trên trực tiếp thi hành chủ trương của Chính phủ Mỹ và đã phải chịu trách nhiệm thay cho những kẻ ngồi trên cao "sỉ" xuống mình. Trong một cuộc trò chuyện với tờ báo Il Giornale của Italia vào năm 2009, Lady vẫn khẳng định: "Tôi không có tội. Tôi chỉ chịu trách nhiệm cho việc thực thi các mệnh lệnh từ cấp trên của tôi…".

Câu chuyện về sự "sai lầm" của Lady dẫn đến việc ông ta mất việc làm ở CIA, cùng 22 điệp viên CIA khác bị tòa án Italia xét xử vào năm 2007, (trong đó chỉ có Lady và 2 nhân viên CIA bị tuyên án) đã bắt đầu vào năm 2001. Trước đó, năm 2000, Lady đến Milan với tư cách là "nhân viên của Bộ Ngoại giao Mỹ", và được phân công nhiệm vụ là Phó lãnh sự Mỹ tại Milan.

Nhưng nhiệm vụ thực tế mà Lady phải làm chính là phụ trách trạm CIA đặt bên trong Lãnh sự quán Mỹ tại Milan. Sau sự kiện khủng bố 11-9-2001, các trạm CIA khắp châu Âu bắt đầu tăng cường nỗ lực tìm và ngăn chặn, vô hiệu hóa các nguy cơ khủng bố. Cơ sở để đưa ra chiến dịch này là do có một số chiến binh khủng bố Al-Qaeda xuất thân hoạt động ở Hamburg, Đức. Vậy là trạm CIA do Lady chỉ huy ở Milan cũng vào cuộc. Chỉ trong 2 năm đầu tiên, trạm CIA của Lady đã phối hợp với giới chức chống khủng bố Italia phá vỡ 3 ổ khủng bố ở miền Bắc Italia.

Theo nhà báo Steve Hendricks, tác giả quyển sách “A Kidnapping in Milan”, đầu năm 2003, Lady bắt đầu phối hợp với người Italia để theo dõi giáo sĩ Abu Omar. Họ đã ráo riết thu thập thông tin về Abu Omar. Lady và các đồng nghiệp Italia nghi ngờ Abu Omar đang tiến hành tuyển mộ chiến binh đánh bom liều chết để cung cấp cho một nhóm khủng bố hoạt động ở Iraq tên là Ansar al-Islam. Nhưng người Italia thì lại chỉ muốn xây dựng vụ án hình sự bình thường đối với Abu Omar, trong khi đó Lady thì nhận lệnh từ lãnh đạo của mình là phải thực hiện theo một hướng khác.

Vào thời điểm đó, nước Mỹ của Tổng thống George W. Bush bắt đầu sử dụng một công cụ mà sau này bị thế giới lên án kịch liệt, đó là những chuyến bay luân chuyển tù nhân do CIA phụ trách, tức là bắt cóc một nghi phạm khủng bố rồi chuyển anh ta đến một quốc gia khác để thẩm vấn tại một địa điểm bí mật được gọi là "nhà tù đen" ở Đông Âu, một số quốc gia Trung Đông và Bắc Phi, trong đó có Jordan và Ai Cập, và phương pháp thẩm vấn đó bị chỉ trích là tra tấn, mặc dù CIA chưa bao giờ thừa nhận.

Theo nhà báo Cole, Lady lúc đó bị áp lực từ cấp trên là phải bắt cóc cho bằng được Abu Omar. Ban đầu, Lady kháng cự lại, không chịu thi hành lệnh bắt cóc Abu Omar mà yêu cầu hãy để ông ta tiếp tục phối hợp với Cảnh sát Italia theo dõi Abu Omar. Lady cảnh báo các sếp của mình rằng, việc bắt cóc một nhân vật tôn giáo nổi tiếng giữa đường phố Tây Âu có thể sẽ kích động bọn quá khích. Tuy nhiên, Lady bị áp đảo và rốt cuộc phải thực thi mệnh lệnh cấp trên, ra lệnh bắt cóc Abu Omar.

Ngày 17/2/2003, nhóm điệp viên của Lady tóm được Abu Omar khi ông ta đang trên đường đến thánh đường hành lễ. Họ đưa ông ta lên máy bay chở đến căn cứ NATO ở Aviano, Italia, sau đó đưa sang Đức và cuối cùng là đến Cairo, Ai Cập. Vài tháng sau, Abu Omar được người Ai Cập thả ra.

Khi Abu Omar bị nhóm điệp viên CIA bắt cóc, người Italia hoàn toàn không hiểu lý do tại sao giáo sĩ Hồi giáo sùng đạo này bỗng dưng biến mất. Đến khi Abu Omar tái xuất hiện ở Italia vào tháng 4/2004, người Italia tiếp tục theo dõi Abu Omar. Họ nghe lén cuộc điện thoại Abu Omar gọi cho vợ và tình cờ nghe được câu chuyện ông ta kể về những chuyến đi mà theo thẩm phán Armando Spartaro nghe giống như việc luân chuyển tù nhân của Mỹ.

Trên điện thoại, Abu Omar kể về việc mình bị "những gã nói tiếng Anh" đưa đi trên chiếc máy bay mang cờ Mỹ. Thẩm phán Spartaro nói với nhà báo Cole, từ đầu ông đã nghi Abu Omar bị người Mỹ bắt cóc, luân chuyển, nhưng chưa có bằng chứng xác thực. Thẩm phán Spartaro xác định phải điều tra để làm sáng tỏ câu chuyện trong cuộc điện thoại của Abu Omar.

Vậy là cuộc điều tra nhắm vào Lady và nhóm 22 điệp viên CIA đã được thẩm phán Spartaro khởi sự vào tháng 6/2004. Điều hoàn toàn bất ngờ đối với thẩm phán Spartaro chính là công tác điều tra diễn ra dễ dàng ngoài sức tưởng tượng của ông. Chỉ cần khai thác các dữ liệu điện thoại di động, thẩm phán Spartaro đã có thể tìm ra hàng chục cuộc gọi điện thoại tại những địa điểm gần nơi Abu Omar bị bắt cóc cũng như thời gian Abu Omar mất tích. Tất cả các số điện thoại di động đó đều được đăng ký bằng tên giả. Nhiều người trong nhóm trước đó còn nhận cuộc gọi từ Tổng hành dinh CIA ở Virginia, Mỹ.

Xâu chuỗi các dữ liệu điện thoại đó, thẩm phán Spartaro đã phát hiện một chiến dịch bí mật của CIA ở Italia, kể cả những khách sạn nơi họ lưu trú. Một số người còn sử dụng cả tài khoản CIA để chi trả tiền cước điện thoại và các chi phí sinh hoạt khác. Khối dữ liệu đầu mối đó đã đưa thẩm phán Spartaro đến kẻ tình nghi số 1: Robert Lady. Nhưng vào thời điểm thẩm phán Spartaro tìm đến nơi ở của Lady - một ngôi biệt thự sang trọng ở miền Bắc Italia - vào năm 2005, ông ta đã đi khỏi Italia đến Honduras, một quốc gia Trung Mỹ, cách đó hàng chục ngàn kilômét.

Spartaro đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: đập vào mắt ông là hàng loạt chứng cứ tố cáo "tội trạng" của Lady, bao gồm lịch trình bay đến Ai Cập của Lady ngay sau cuộc luân chuyển Abu Omar, những e-mail và hình ảnh Abu Omar bị theo dõi. Thêm những chi tiết quan trọng Spartaro thu thập được qua lời khai của nhân chứng Luciano Pironi, người phụ nữ Italia từng là "tài sản" của CIA.

Đến tháng 6/2005, với những chứng cứ thu thập được, tòa án Italia quyết định truy tố vụ án và ra lệnh bắt giam đối với 24 người, gồm 23 người Mỹ, trong đó có Lady và 1 người Italia. Tên tuổi các điệp viên CIA liên quan trong vụ án đều được thẩm phán Spartaro công bố rộng rãi.

Đó cũng là lúc Lady chấm dứt sự nghiệp tình báo của mình tại CIA. Khi biết mình bị tòa án Italia ra lệnh bắt giữ, Lady đã đưa gia đình chạy về Mỹ. Mặc dù vậy, năm 2007, một tòa án của Italia vẫn đưa ra xét xử vắng mặt Lady và một điệp viên CIA liên quan trong vụ bắt cóc Abu Omar. Năm 2009, Tòa phúc thẩm Tòa án Tối cao Italia đã tuyên Lady 9 năm tù giam. Một số điệp viên CIA khác cũng bị tuyên án.

Năm 2007, nhà báo Cole đã gặp được Lady ở bang Florida, Mỹ. Cole thuật lại rằng, ông suýt nữa không nhận ra Lady, vì cựu trưởng trạm CIA đã thay đổi nhiều qua, ông trầm cảm nặng và trông hốc hác. Qua trò chuyện, Lady kể với Cole rằng ông ta vừa bị vợ bỏ vì không chịu nổi cuộc sống bấp bênh, thay đổi chỗ ở liên tục. Lady cho biết, từ khi trở về Mỹ, ông ta luôn sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ bị bọn khủng bố trả thù, kể cả việc có thể bị bắt và dẫn độ sang Italia nếu đi ra khỏi nước Mỹ.

Tuy nhiên, Lady đã không thể ở mãi bên trong nước Mỹ, ông đã đi đến Honduras và sau đó đến Panama, và bị bắt giữ vào ngày 18/7/2013, theo lệnh của các công tố viên ở Milan. Một ngày sau, ông ta được trả tự do

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.