Robert Mcnamara - Người biến nước nghèo thành con nợ

Thứ Năm, 13/08/2009, 16:10
Mọi người thường biết đến Robert McNamara (qua đời hôm 6/7/2009) là cha đẻ của học thuyết phản công hạt nhân lũy tiến và tổ chức cuộc chiến tranh phá hoại Việt Nam, nhưng lại không mấy ai biết rằng sau khi rời Lầu Năm Góc, McNamara chuyển sang làm Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) và bắt đầu sử dụng các nguồn vay nhà băng để mở rộng tầm ảnh hưởng của Mỹ.

Theo Damien Millet và Éric Toussaint (Tổng thư ký và Chủ tịch Ủy ban Quốc tế về xóa nợ cho các nước nghèo) thì chính McNamara là kiến trúc sư trưởng cho những khoản nợ khổng lồ mà các nước nghèo hiện nay phải gánh chịu.

Là Tổng giám đốc đầu tiên của Tập đoàn đa quốc gia Ford Motors, không xuất thân từ gia đình Ford, McNamara chỉ đảm nhiệm chức vụ này 5 tuần trước khi được mời làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống John F. Kennedy (1961-1963), vị trí này được bảo lưu dưới thời của Tổng thống Lyndon B. Johnson (1963-1968) giúp ông ta “tung hoành” trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Năm 1968, khi tình hình trở nên không thể kiểm soát nổi đối với Mỹ, McNamara được thuyên chuyển công tác, làm Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB). Tuy nhiên, trên cương vị này, McNamara tiếp tục việc chống phá hệ thống cộng sản chủ nghĩa.

Vài năm sau đó, trong một cuộc họp các thống đốc của WB, McNamara đã giải thích làm thế nào để việc giảm nghèo lại trở thành một công cụ chính trị: "Quá chậm và quá ít, đó là bia mộ phổ biến nhất trong lịch sử đối với những chính thể bị lật đổ trước sức ép của những người dân không có đất canh tác, không có công ăn việc làm, bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị đẩy vào tuyệt vọng. Vì lý do này, việc áp dụng các thủ đoạn chính trị trong việc giảm nghèo cho khoảng 40% các nước nghèo trên thế giới lại tìm được một vỏ bọc đáng tin cậy”.

Lịch sử WB biết đến một bước ngoặt thực sự kể từ khi McNamara lên làm chủ tịch. Bước ngoặt này gồm hai vế, thứ nhất là nguồn vốn hỗ trợ các nước nghèo tăng kỷ lục và thứ hai là lần đầu tiên trong lịch sử hình thành WB, các khoản cho vay được sử dụng như một vũ khí thực sự về địa-chính trị.

Chỉ trong 5 năm (1968-1973), WB đã xuất ra một lượng tiền cho vay nhiều hơn cả trong suốt 23 năm đầu (1945-1968) của tổ chức này. WB khuyến khích các nước đang phát triển vay tiền để tài trợ ồ ạt cho những dự án hiện đại hóa ngành công nghiệp xuất khẩu và kết nối chặt chẽ với thị trường thế giới.

Robert Mcnamara; Damien Millet và Éric Toussaint.

Thực vậy, McNamara đã buộc các nước nghèo tuân theo những điều kiện vay vốn, chấp nhận những cơ sở hạ tầng vô ích, các nguồn ngân sách xã hội thiếu hụt, những công trình thủy điện tốn kém và tàn phá môi trường... Miếng mồi được McNamara sử dụng ở đây là những khoản tiền mặt được dễ dàng cấp cho các chính phủ mà không cần bất cứ một cơ chế chống tham nhũng hay biển thủ công quỹ nào. Để đổi lại các khoản vay này, chính phủ các nước chấp nhận phần lớn các yêu cầu của WB.

Ai được cấp những khoản vay này? Giữa lúc đang diễn ra Chiến tranh lạnh, WB hành động để ngăn cản tầm ảnh hưởng của Liên bang Xôviết, tư tưởng quốc gia chủ nghĩa cũng như những kế hoạch chống chủ nghĩa đế quốc.

Báo cáo năm 2000 của Ủy ban Tài chính Quốc hội Pháp về các hoạt động và việc kiểm soát Quỹ tiền tệ quốc tế và WB từng nhấn mạnh rằng, vai trò của WB là khiến các nước nghèo - khách hàng của họ - trung thành với phương Tây. WB vận dụng chiến lược kép: các khoản cho vay vừa để lôi kéo đồng minh nhưng cũng để chế ngự những "kẻ ương ngạnh".

Trong chương trình phát sóng trên kênh Arte, Pháp, ngày 7/3/2000, có tên "Một sự toàn cầu hóa khác", Joseph Stiglitz (đoạt giải Nobel và là Giáo sư kinh tế tại Đại học Columbia) đã nói toạc ra rằng: "Trong nhiều trường hợp, các khoản cho vay của WB nhằm làm tha hóa các chính phủ trong Chiến tranh lạnh. Vấn đề khi đó không phải là xem khoản tiền cho vay kia có cải thiện được đời sống người dân hay không mà nó có giúp dẫn tới một sự ổn định về thực tế địa chính trị thế giới hay không".

Những lựa chọn của WB dưới thời McNamara phần lớn được dựa trên những chuẩn mực như: tránh duy trì các mô hình phát triển có xu hướng tự cung tự cấp, ủng hộ tài chính các dự án lớn cho phép tăng xuất khẩu của các nước công nghiệp chính, từ chối giúp đỡ những nước bị coi là đe dọa với nước Mỹ, âm mưu thay đổi hệ thống chính trị của một số các quốc gia theo xã hội chủ nghĩa để làm suy yếu khối Xôviết.

Dựa trên những nguyên tắc đó, WB đã bắt đầu tài trợ cho Rumani vào thập niên 70 sau khi nước này có ý định rời khối Warsaw, và tài trợ cho những đồng minh chiến lược của khối tư bản chủ nghĩa phương Tây, đặc biệt là của Mỹ như Indonesia dưới thời Suharto, Zair thời Mobutu, Philippines thời của Marcos, và Brazil thời độc tài từ năm 1964; ngăn cản chính phủ của các nước đang phát triển nhích lại gần khối Xôviết hay Trung Quốc: WB tìm cách làm cho Ấn Độ và Indonesia thời Sukarno tránh xa khối Xôviết; từ năm 1980, WB còn tham vọng đưa Trung Quốc vào "trò chơi liên minh" của Mỹ.

Để thực hiện những sách lược kể trên, WB đã áp dụng một chiến thuật: làm suy yếu một chính phủ cánh tả và tạo điều kiện cho phe đối lập cánh hữu lên nắm quyền. Cũng theo logíc này, McNamara lại tỏ ra dễ dãi hơn với một chính phủ phe hữu đang phải đối mặt với phe đối lập cánh tả để ngăn cản phe này lên nắm quyền. Nhìn chung, chiến thuật thay đổi tùy theo những yếu tố chính trị và địa chính trị tại từng quốc gia.

Tại Chile, khi chính phủ dân chủ của nhân vật theo đường lối chủ nghĩa xã hội Salvador Allende được bầu năm 1970, McNamara đã quyết định cắt viện trợ tài chính của WB cho quốc gia này. Ngay khi tướng Pinochet lật đổ Allende ngày 11/9/1973, McNamara đã lập tức can thiệp để chế độ độc tài này nhận được giúp đỡ tài chính từ WB. --PageBreak--

Còn tại Brazil, chế độ dân chủ của Tổng thống Joao Goulart bị lật đổ bởi quân đội năm 1964. Ngày hôm sau, Mỹ thừa nhận chế độ quân sự mới tại Brazil. Từ năm 1968, McNamara thường xuyên tới Brazil để gặp gỡ và trợ giúp tài chính cho chính phủ quân sự nước này. Robert McNamara cho rằng Philippines, nơi đặt căn cứ quân sự của Mỹ, cũng như Indonesia hay Thổ Nhĩ Kỳ, đều có một vị trí chiến lược quan trọng đối với Mỹ nên bằng mọi giá phải tăng cường quan hệ giữa chế độ độc tài Ferdinand Marcos với WB.

Cho mượn tiền là một cách để gây áp lực. Các nhà viết sử của WB không ngần ngại ghi rằng: Philippines là trường hợp đặc biệt nhất trong lịch sử cho vay của WB. Marcos đã loại bỏ vai trò của Quốc hội và bắt đầu điều hành đất nước bằng những sắc lệnh của tổng thống từ tháng 8/1972.

McNamara và các viên chức của WB đã ra sức cổ súy cho sự thay đổi này. Còn tại Indonesia, Tổng thống Ahmed Sukarno theo đường lối quốc gia chủ nghĩa cấp tiến đã tiến hành quốc hữu hóa toàn bộ các công ty nước ngoài (trừ các công ty khai thác dầu khí).

Tháng 8/1965, Ahmed Sukarno rút Indonesia ra khỏi IMF và WB. Chỉ một tháng sau, ngày 30/9/1965, tướng Mohamed Suharto, được Washington hậu thuẫn đã tiến hành đàn áp các đảng cánh tả mà mục tiêu chính là đảng Cộng sản Indonesia PKI: có khoảng từ 500.000 đến 1 triệu người đã bị giết hại chỉ vì tham gia PKI hoặc đơn giản là có cảm tình với đảng này.

Tháng 3/1966, Suharto chính thức tiếp nhận quyền điều hành đất nước từ Sukarno. 6 ngày sau đó, Chính phủ Mỹ thông báo cho Indonesia vay tín dụng 8,2 triệu USD để nước này mua gạo. Ngày 13/4/1966, Indonesia tái gia nhập WB. Cũng trong năm 1966, Tổng thống Mỹ khi đó là Lyndon B. Johnson, khi đến thăm binh lính Mỹ tại Việt Nam đã nhấn mạnh rằng cần biến Việt Nam theo mô hình Indonesia.

Đối với trường hợp của Rumani, từ năm 1947, nước này gia nhập khối Warsaw. Nhưng đến năm 1972, Rumani là quốc gia đầu tiên thuộc khối Xôviết trở thành thành viên của WB. Ngay từ năm 1973, WB đã tiến hành đàm phán với Bucarest về một chính sách cho vay.

Năm 1980, Rumani trở thành con nợ lớn thứ 8 của WB. Một trong những sử gia của WB, Aart van de Laar, cho biết đầu năm 1973 ông tham gia vào khóa họp đầu tiên của ban điều hành WB về việc xem xét cho Rumani vay.

Trước sự hoài nghi của một số lãnh đạo WB về trường hợp của Rumani, Robert McNamara lúc đó đã tuyên bố rằng, ông  ta hoàn toàn tin tưởng vào khả năng thanh toán nợ của các nước xã hội chủ nghĩa. Aart van de Laar cho rằng, nếu xét trên các điều kiện cho vay thông thường thì Rumani không thể được cấp vốn nhưng rõ ràng là dựa trên những toan tính chính trị mà WB mới cho Rumani vay vốn. Thiết lập quan hệ với Rumani là hành động gây rối Liên bang Nga và khối đồng minh Xôviết trong bối cảnh Chiến tranh lạnh.

Nói tóm lại, một mặt WB dưới thời McNamara hỗ trợ các đồng minh chiến lược của Mỹ trên khắp thế giới, kể cả các chế độ độc tài tàn bạo nhất, để củng cố tầm ảnh hưởng của Mỹ. Mặt khác, WB đặt điều kiện cho vay khắt khe đối với những quốc gia đang dự định áp dụng những chính sách không phù hợp với mô hình tư bản chủ nghĩa nhằm có được một số quyền đối với chính sách kinh tế của các nước này.

Bằng cách đó, McNamara đã cố gắng ngăn cản sự phát triển của những chính sách độc lập và chấn chỉnh kịp thời nhiều vị lãnh đạo có xu hướng bài Mỹ (như Tổng thống Nasser tại Ai Cập, Tổng thống N'Krumah tại Ghana, Thủ tướng Manley của Jamaica...). Khi lãnh đạo các quốc gia đang phát triển từ chối khuất phục, các nước phương Tây không ngần ngại lật đổ chính thể dân cử để thiết lập một chế độ độc tài (ám sát Thủ tướng Lumumba của Congo cũ năm 1961, ám sát Tổng thống Olympio của Togo năm 1963, và Allende của Chile năm 1973) hoặc can thiệp quân sự như trường hợp của Việt Nam.

Sau đó, WB sẽ ra tay cứu giúp các chế độ độc tài được phương Tây dựng lên với các dự án tài trợ ồ ạt, nhưng lại thường xuyên bị biển thủ. Thực chất thì người dân các nước vay vốn của WB thời kỳ này không hề được hưởng lợi ích đem lại từ những khoản vay này mà sau đó họ lại phải gánh chịu việc trả nợ.

Những dữ kiện địa chính trị là phần nền cho tiến trình làm cho các quốc gia đang phát triển mắc nợ. Đầu thập niên 80, các quốc gia phương Nam khi đã mang nợ đầm đìa bắt đầu phải gánh chịu mức lãi suất đột ngột tăng. Để trả nợ, họ phải khai thác tài nguyên đem bán, nhưng đúng vào thời kỳ này, giá nguyên liệu giảm mạnh do tự thân các nước này đem bán ồ ạt trong khi nhu cầu của các nước phương Tây lại không tăng.

Hậu quả của việc này là các nước nghèo lại càng nghèo thêm do phải vắt kiệt tài nguyên của mình đem bán trả nợ. Chính điều này đã khiến không ít chính phủ bị dân tẩy chay và lật đổ. Và đó là kết quả mong đợi của những người cho vay như McNamara.

Mặc dù vậy khi đó đã không có bất cứ điều gì được thực hiện để làm dịu bớt tình hình và nguy cơ một cuộc khủng hoảng tín dụng của các nước đang phát triển đã cận kề. Tuy nhiên, các nước cho vay vẫn tiếp tục tăng nguồn vốn cho các nước phương Nam và ngăn chặn mọi mô hình phát triển khác kiểu phương Tây.

Thậm chí WB còn cạnh tranh cả với các ngân hàng tư nhân trong việc xét duyệt các khoản cho vay lớn trong thời gian ngắn nhất. Cho đến khi nổ ra cuộc khủng hoảng nợ nần năm 1982, thì WB lại chơi trò lá trái, lá phải: một mặt chính thức tuyên bố với các con nợ rằng không có việc gì phải lo lắng và cuộc khủng hoảng lúc đó chỉ là tạm thời, mặt khác trong nội bộ lãnh đạo WB thì đã đến lúc phải báo động đỏ.

Năm 1973, McNamara viết: "Cuối năm 1972, khoản nợ của các nước đang phát triển đã lên đến 75 tỉ USD và khoản lãi phải trả hàng năm vượt quá 7 tỉ USD. Mức lãi suất đã tăng lên 18% vào năm 1970 và 20% năm 1971. Tình hình này không thể kéo dài mãi". Cùng thời gian đó, McNamara vẫn duy trì áp lực lên các nước đang phát triển để họ tiếp tục mắc nợ.

Trong báo cáo phát triển trên thế giới của WB năm 1981, vài tháng trước khi McNamara từ chức chủ tịch, có đoạn: "Có vẻ như là chủ nợ và những người đi vay sẽ chấp nhận những điều kiện để không gây ra một cuộc khủng hoảng lòng tin vào WB". Ngày 20/8/1982, sau khi đã trả một khoản tiền vay đáng kể trong 7 tháng đầu năm, Mexico thông báo họ không còn khả năng trả nợ. Cuộc khủng hoảng tín dụng bắt đầu lan rộng từ đó mà cho đến nay các nước đang phát triển vẫn tiếp tục phải nai lưng ra trả nợ.

McNamara không chỉ là một người đồng trách nhiệm về những tội ác do Chính phủ Mỹ phạm phải tại Việt Nam, ông ta còn là người chịu trách nhiệm chính về chính sách của WB trong việc ủng hộ một cách có hệ thống các chế độ độc tài và đẩy các nước phương Nam vào vòng nợ nần chồng chất

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.