“Rừng Bohemia”, câu lạc bộ bí ẩn nhất thế giới

Thứ Ba, 02/07/2013, 16:40

Lần đầu tiên những bí mật của Bohemian Grove Club đã được nhà làm phim tài liệu nổi tiếng người Texas Alex Jones khám phá, thể hiện qua 2 thiên phóng sự mang tựa đề “Dark Secret in Bohemian Forest” (Bí mật đen tối trong rừng Bohemia) và “Suicide” (Sự tự vẫn), trong đó cho thấy mối quan hệ khăng khít giữa câu lạc bộ siêu mật này với tổ chức hội kín huyền bí “Skull & Bones” (Đầu lâu và xương bắt chéo) bởi cùng tôn thờ “chủ thuyết âm mưu” hòng nô dịch năm châu.

“Sách lược thiết lập một trật tự thế giới mới, gồm một chính phủ với quyết sách bao trùm toàn cầu vẫn được âm thầm triển khai - A. Jones cho biết - Thậm chí giới hội viên Bohemian Club đã nghĩ tới kế hoạch tiêu diệt đến 80% dân số thế giới, còn bản thân họ sẽ luôn sống mãi dưới sự trợ giúp của nền công nghệ mới”.

Không giống các hiệp hội của giới chính khách phương Tây cùng tầm vóc quốc tế nổi danh khác như Bilderberg Club, hay The Trilateral Commission (Ủy ban 3 bên)… Club Bohemian Grove (Câu lạc bộ rừng Bohemia) quy tụ rặt những công dân Mỹ khét tiếng nhất, với những buổi tụ tập ngoài khuôn khổ chính trường hoạch định các chính sách tác động đến toàn cầu.

Khởi sự vào đầu tháng 4/1872 bởi nhóm phóng viên do ký giả kiêm doanh nhân cự phách Michael Henry de Young (1849-1925), chủ bút tờ nhật báo cựu trào San Francisco Chronicle lớn nhất khu vực đứng đầu. Với mục đích thu nạp giới quý ông thượng lưu đam mê trao đổi thông tin, cùng tên gọi chính thức là Bohemian Club tọa lạc tại số 624 phố Taylor ở San Francisco, trung tâm tài chính và văn hóa hàng đầu của cả vùng phía bắc California, cũng là tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ.

Kỳ họp năm 1967 có mặt cả 2 tổng thống Mỹ tương lai là Ronald Reagan và Richard Nixon, ngồi bên diễn giả chính là Harvey Hancock, Trưởng ban bầu cử kỳ cựu cho các đời Tổng thống Dwight Eisenhower và R. Nixon.

Đến năm 1876, nhằm tạo ra một nơi trú ẩn an toàn trước "nền văn hóa cao bồi thô lỗ" đang tràn ngập miền Viễn Tây, M. Yong đã cất công đi tìm địa chỉ mới nằm trong cánh rừng thông cổ thụ heo hút, ở ngoại vi thị trấn Monte Rio khiêm nhường thưa thớt dân cư không có tên trên bản đồ hành chính quốc gia. Khu "lãnh địa" rộng 160 mẫu Anh (0,65 km2) nằm kề thành phố Santa Rosa, thủ phủ quận Sonoma lớn nhất trong vùng phía bắc vịnh San Francisco trở thành tụ điểm gặp gỡ của câu lạc bộ bí mật.

Với câu châm ngôn cửa miệng "Weaving spiders come not here", hàm ý: "Tơ nhện không vương vấn nơi đây", Bohemian Club dần trở thành một dạng "hội kín" mà giới tinh hoa chính trị và kỹ nghệ hàng đầu nước Mỹ đều muốn gia nhập, nhất là các chính khách diều hâu thân cận với đảng Cộng hòa. Thật khó mà biết được những nhân vật cộm cán nào từng sở hữu "Gold Card" (Thẻ vàng), thứ "bảo bối" chứng nhận danh tính thành viên "sáng giá" của câu lạc bộ bí ẩn, thông thường phải xếp hàng chờ đến... 40 năm mới hy vọng có được.

Theo lời đồn đại, hiện phân nửa những người giàu nhất nước Mỹ đều "sắm" thẻ vàng, nô nức cùng nhau quy tụ về California trong các dịp hội ngộ thường niên.

Lễ kết nạp hội viên mới trước bức tượng linh vật bằng đá khối cao 15m.

Cứ vào khoảng giữa tháng 7 hàng năm, Bohemian Grove Club lại tổ chức các "tour dã ngoại" kéo dài trong nửa tháng ròng, với khu lều trại lẩn khuất dưới gốc những cây bách tùng Sequoia hàng nghìn năm tuổi cao hơn 90m. Trong số họ là giới chính khách chóp bu như 2 cha con cựu Tổng thống George Bush; rồi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld; các cựu Ngoại trưởng Colin Powell và James Baker; nhà ngoại giao khét tiếng - Tiến sĩ Henry Kissinger; cựu Chủ tịch Alan Greenspan Cục Dự trữ liên bang (Fed)...

Tóm lại từ đầu thế kỷ XX đến nay, bất cứ vị tổng thống đảng Cộng hòa nào cũng đều là hội viên của Bohemian Grove Club. Còn trong giới doanh gia tài phiệt quy tụ những gương mặt nổi trội nhất như David Rockefeller, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Đại công ty Dầu mỏ và Khí đốt Exxon Mobil; Samuel Armacost, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Bank of America, cũng là cổ đông lớn nhất của Hãng Năng lượng khổng lồ Chevron hoạt động đồng thời tại 180 quốc gia rải khắp hành tinh; cặp hậu duệ tiêu biểu cho 2 nhà sáng lập Công ty Hewlett-Packard (HP) hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin là Walter Hewlett và David Packard....

Phù điêu biểu tượng của Câu lạc bộ mang hình linh vật cú mèo cùng câu phương ngôn ngạo nghễ.

Chung quy toàn những trụ cột của nền kinh tế trong các ngành mũi nhọn như công nghiệp quốc phòng, bất động sản, xuất nhập hàng hóa... đều hiện diện ở vùng rừng cổ thụ thâm u tại California.

Nội dung chương trình nghị sự luôn thuộc dạng tuyệt mật, bao gồm từ chính sách đối nội đến sách lược đối ngoại nhằm khẳng định vị thế siêu cường của người Mỹ. Thậm chí cả tên tuổi những người sẽ làm tổng thống trong tương lai cũng được "hoạch định sẵn" trong vòng các hội viên.

Hẳn ít người biết rằng, Dự án Manhattan siêu mật nhằm chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới không phải phát xuất từ trụ sở đầu não liên bang ở thủ đô Washington D.C, mà chính tại khu rừng bí ẩn này vào năm 1942, đưa tới động thái muốn "hủy diệt nhân loại" của Tổng thống đương nhiệm Harry Truman (1884-1972).

Đây là một trong những kế hoạch "điên rồ và ngông cuồng nhất" được thảo luận cặn kẽ trong câu lạc bộ, huy động hơn 130.000 người thuộc các tầng lớp khoa học và công nghiệp tinh túy nhất, cùng khoản chi phí khổng lồ gần 2 tỉ USD tương đương 26 tỉ USD thời giá hiện nay

T.Q.Long (tổng hợp)
.
.