Tướng tình báo Rwanda bị bắt vì tội ác chiến tranh

Thứ Năm, 09/07/2015, 20:25
Tướng tình báo Rwanda Karenzi Karake bị bắt giữ tại sân bay Heathrow nước Anh hôm 20/6 theo đề nghị từ chính quyền Tây Ban Nha. Trước đó, tướng Karake bị một tòa án Tây Ban Nha cáo buộc các tội diệt chủng, tội ác chiến tranh chống nhân loại và khủng bố dẫn đến cái chết của hàng trăm ngàn dân thường.

Vị tướng 54 tuổi cũng bị buộc tội là đã ra lệnh giết chết 3 công dân Tây Ban Nha làm việc cho tổ chức nhân đạo phi chính phủ (NGO) Medidos del Mundo (Hội Bác sĩ Thế giới - MDM). Vụ việc đã gặp phải sự phản ứng gay gắt từ chính quyền Rwanda bởi vì nó được cho là không khác gì bắt giữ Giám đốc Cơ quan Phản gián MI-6 của Anh hay Cục Tình báo trung ương Mỹ  (CIA).

Năm 2008, thẩm phán Andreu Merelles của Tây Ban Nha đã buộc Karake cùng với 39 quan chức quân sự và chính trị cao cấp (có người đã về hưu của Rwanda phạm tội ác chiến tranh). Tướng Karake bị Cảnh sát London bắt giữ theo Lệnh Truy nã châu Âu (EAW). Phản ứng trước vụ việc, Ngoại trưởng Rwanda Louise Mushikiwabo gọi đây là vụ bắt giữ "gây xúc phạm".

Còn Cao ủy Rwanda ở Anh Williams Nkurunziza phát biểu với báo chí: "Chúng tôi phản đối mạnh mẽ trước đề xuất tướng Karake bị bắt giữ vì tội ác chiến tranh". Phillip Gourevitch, cây bút hàng đầu về Rwanda, nhận định bản cáo trạng của Tây Ban Nha bị chỉ trích do mang yếu tố chính trị với nhiều người đứng đằng sau, bao gồm một số nhà ngoại giao Mỹ.

Trong khi đó, Cao ủy Anh tại Rwanda tuyên bố vụ bắt giữ tướng Karake là "nghĩa vụ pháp lý" được tiến hành thay mặt cho chính quyền Tây Ban Nha nhưng đã gây căng thẳng cho "mối quan hệ thân thiết" giữa Anh và Rwanda. Andrew Mitchell, cựu Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Anh, bình luận, vụ bắt giữ là "hoàn toàn sai trái" và "vì những lý do chính trị, chứ không phải pháp luật".

Tướng Karenzi Karake (thứ 2 từ phải sang).

Mitchell phát biểu: "Tôi cho rằng (vụ bắt giữ) đáng bị chỉ trích vì EAW đã bị một thẩm phán Tây Ban Nha lạm dụng". Người phát ngôn của Tòa án Quốc gia Tây Ban Nha tuyên bố, Anh có toàn quyền quyết định được dẫn độ hay không đối với tướng Karake. Hiện nay, người Anh đang trong tình thế khó khăn vì là "bạn thân" của Rwanda và từng ca ngợi chính quyền Tổng thống Paul Kagame có công đưa nước này trở thành một trong những "câu chuyện thành công" về kinh tế của châu Phi. Tuy nhiên, chính quyền Kagame cũng bị chỉ trích vì trấn áp quyền tự do truyền thông đại chúng và can thiệp vào những cuộc xung đột tại các vùng biên giới Rwanda.

Người ta cho rằng tướng Karake bay đến Anh với mục đích kinh doanh và trước đó ông cũng đến nước này vài lần. Bất chấp những chỉ trích dữ dội từ chính quyền Rwanda, Jordi Palou-Loverdos - luật sư đại diện cho các nạn nhân Tây Ban Nha bị thảm sát, tuyên bố: "Nhân danh các nạn nhân, chúng tôi hy vọng lần này công lý sẽ được thực thi. Đồng thời, chúng tôi cũng hy vọng những lợi ích về chính trị hay về các mặt khác sẽ không vô hiệu hóa tòa án, sự thật và sự bồi thường".

Ngày 25/6, tướng Karake có mặt tại Tòa án Sơ thẩm Westminster của Anh để bắt đầu phiên xét xử. Phát biểu với tờ New Times, Bộ trưởng Tư pháp Rwanda Johnston Busingye cho biết, ông đang bàn luận vấn đề với chính quyền Anh: "Chúng tôi quyết định phản đối tại tòa án. Chúng tôi cũng muốn có sự giải thích từ chính quyền Anh về vấn đề này".

Tòa án Sơ thẩm Westminster.

Tướng Karenzi Karake - có biệt danh là KK - là Giám đốc Cơ quan Tình báo và An ninh Quốc gia Rwanda (NISS) từ năm 1994 đến 1997, hiện là thành viên Mặt trận Yêu nước Rwanda (RPF) - đảng cầm quyền Rwanda hiện nay. Chính quyền Rwanda khen ngợi tướng Karake là một trong những người ngăn chặn nạn diệt chủng tại quốc gia này. Năm 2007, Karake giữ cương vị Phó chỉ huy Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc (UN) đầu tiên của Rwanda tại Darfur - khu vực cực tây của Sudan giáp với Cộng hòa Trung Phi, Tchad và Libya - và rời khỏi vai trò này năm 2009.

Từ tháng 4 đến tháng 6/1994, có khoảng 800.000 người bị giết chết bởi phe cực đoan sắc tộc Hutu, trong đó phần lớn là thành viên cộng đồng sắc tộc thiểu số Tutsi và những người Hutu ôn hòa. Cuộc thảm sát chống lại người Tutsi do nghi ngờ người Tutsi tấn công chống lại Tổng thống Rwanda (người Hutu) Juneval Habyarimana - người bị giết chết cùng với Tổng thống Burundi Cyprien Ntaryamira trong vụ rơi máy bay ngày 6/4/1994.

Vụ thảm sát chấm dứt khi cánh vũ trang Quân đội Yêu nước Rwanda (RPA) của RPF, phong trào nổi dậy do người Tutsi lãnh đạo, từ Uganda tiến vào Rwanda và nắm quyền kiểm soát nước này. Nhưng, Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) cho rằng với chiến thắng quân sự và sự kiểm soát Rwanda, RPF đã sát hại hàng ngàn người - bao gồm binh sĩ chính quyền, dân quân và cả dân thường - trong nhiều vụ hành hình và thảm sát.

Một báo cáo của HRW cũng buộc tội binh sĩ Unamid (thuộc UN - Liên minh châu Phi ở Darfur) dưới sự chỉ huy của Karake đã giết chết khoảng 760 dân thường thành phố Kisangani của Cộng hòa Dân chủ Congo khi chiến đấu chống lại binh lính Uganda năm 2000. Căng thẳng sắc tộc giữa người Hutu và người Tutsi bắt đầu từ năm 1922 dưới thời thực dân Bỉ và cuộc cách mạng của người Hutu dẫn đến việc thành lập quốc gia độc lập Cộng hòa Rwanda.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.