“Sát thủ kinh tế” của Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh

Thứ Hai, 18/06/2007, 12:00

Nhà xuất bản kinh tế Quảng Đông, Trung Quốc đã xuất bản cuốn sách "Tự truyện của một sát thủ kinh tế", của tác giả John Perkins, người Mỹ, tiết lộ việc nước Mỹ trong Chiến tranh lạnh đã sử dụng các thủ đoạn kinh tế để chi phối, lái ép, dẫn đến sự phục tùng của một số nước.

Theo đó, công cụ mà Mỹ sử dụng là những chuyên gia phá hoại kinh tế khoác trên mình tấm áo hợp pháp là học giả, các chuyên gia tài chính, ngân hàng, cố vấn tài chính quốc tế và họ được mệnh danh là "sát thủ kinh tế" - "economic killers" để thực hiện mục tiêu chiến lược là thiết lập sự bá quyền toàn cầu của Mỹ cả về kinh tế, chính trị và quân sự.

Đào tạo các sát thủ kinh tế

Trong cuốn sách, John Perkins kể lại rằng vào năm 1967, ở tuổi 22 nhưng ông đã được một quan chức của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ nhắm tới, vì vậy sau khi tốt nghiệp đại học, Perkins được điều động ra nước ngoài làm việc dưới danh nghĩa nhân viên của Công ty United States mà thực chất đằng sau là Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ.

Để trang bị những kiến thức và thủ đoạn cần thiết cho Perkins trước khi ra nước ngoài làm việc, Cơ quan An ninh Mỹ đã cử một phụ nữ trẻ đẹp và nhiều kinh nghiệm tên là Keluodin đến huấn luyện. Perkins không được tiết lộ thân phận và việc làm của mình với bất cứ người nào khác, kể cả vợ anh.

Theo Keluodin thì mục tiêu chủ yếu trong công việc của những người như Perkins phải thực hiện là: đảm bảo những khoản vay quốc tế lớn sẽ do Công ty United States và một vài công ty khác của Mỹ thao túng và việc quyết định cho nước nào vay và vay bao nhiêu, hình thức nào đều do phía Mỹ quyết định. Đồng thời, phải triệt để làm cho các nước được vay khoản tiền trên mắc vào các khoản nợ khổng lồ, không có khả năng chi trả, buộc họ phải luôn nghe theo sự chỉ đạo của Mỹ.

Ngoài tiền mặt, phía Mỹ có thể đáp ứng các yêu cầu khác của các nước đang phát triển trong đó có cả việc xây dựng căn cứ quân sự, bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc và việc khai thác các nguồn tài nguyên như dầu mỏ tại các nước đó.

Nhiệm vụ của các "sát thủ kinh tế" là phải tìm mọi cách thuyết phục lãnh đạo một nước nào đó chấp nhận vay tiền và nhận sự giúp đỡ của chính phủ và các công ty Mỹ để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình khác liên quan, điều này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và GDP được nâng lên rất nhiều, đồng thời cũng tạo ra sức mạnh để nhà lãnh đạo đó củng cố địa vị chính trị và quyền lực của mình.

Từ đó, dần đưa các nước này cuốn vào mạng lưới phát triển lợi ích và phục vụ nước Mỹ, đáp ứng yêu cầu về chính trị, kinh tế và quân sự của Mỹ và buộc họ phải trung thành, thậm chí sẵn sàng làm theo sự chỉ đạo của Mỹ.

Các nước đang phát triển trở thành mục tiêu quan trọng

Năm 1971, phi vụ đầu tiên của John Perkins với cương vị một "sát thủ kinh tế" là đến Indonesia. Theo Mỹ đánh giá, sở dĩ phải tranh thủ lôi kéo, chi phối Indonesia vì không thể để họ ngả sang chủ nghĩa Cộng sản.

Nhiệm vụ của John Perkins là thuyết phục các nhà lãnh đạo nước này rằng, nếu Indonesia đồng ý để Mỹ giúp đỡ và hỗ trợ xây dựng các nhà máy phát điện và hệ thống lưới điện cũng như các công trình hạ tầng cơ sở khác thì nền kinh tế nước này sẽ phát triển nhanh.

Quỹ Phát triển quốc tế của Mỹ - USAID và Ngân hàng Thế giới sẽ đứng ra thanh toán các khoản đầu tư này. Trong chuyến đi đó, John Perkins cùng với 10 người trong nhóm đã sử dụng bản đồ và các số liệu kinh tế được tình báo Mỹ đánh bóng để mô tả, chứng minh về tính khả thi trong kế hoạch tổng thể xây dựng, lắp đặt hệ thống sản xuất và cung cấp điện của Indonesia cũng như chứng minh về khả năng phát triển lâu dài của nền kinh tế Indonesia.

Bằng phương thức đó, Chính phủ Indonesia đã ký kết với các công ty Mỹ việc thiết kế, xây dựng hàng loạt các công trình điện và họ đã phải vay những khoản tiền rất lớn từ Mỹ.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, John Perkins được thăng chức, tăng lương và trở thành chuyên gia kinh tế hàng đầu của công ty. Là "sát thủ kinh tế" từ đầu những năm 70 đến những năm 80 của thế kỷ XX, Perkins đã có mặt ở châu Phi, châu Á, châu Âu, Mỹ Latinh và Trung Đông, từng là nhân vật trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến không ít sự kiện quan trọng trong lịch sử thế giới như vụ rửa tiền tại Arập Xêút, việc lật đổ Quốc vương Iran, cái chết của Tổng thống Panama, sự kiện Mỹ xâm lược Panama...

Theo John Perkins, các nước đang phát triển là mục tiêu quan trọng của các "sát thủ kinh tế" và cách thức mà phía Mỹ thường làm trước hết là cử các sát thủ kinh tế đến các nước đó để tìm cách lôi kéo, thuyết phục các nhà lãnh đạo thông qua hối lộ tiền bạc, gái đẹp, thậm chí cả đe dọa để ép buộc họ thực hiện các bước đi về kinh tế theo ý đồ của Mỹ, nếu không thành công sẽ cử lực lượng đặc vụ đến ám sát. Nếu việc ám sát không thành, sẽ tìm cách phát động chiến tranh để đạt được mục tiêu kinh tế và chính trị.

Không những vậy, chính phủ và các cơ quan tình báo Mỹ còn tìm cách phá hoại thị trường, gây bất ổn về giá cả, tìm cách đưa các doanh nghiệp tư nhân thay thế doanh nghiệp nhà nước, buộc nền kinh tế từ trung ương đến địa phương ở các nước đó phụ thuộc chặt chẽ vào Mỹ.

Sự hối  hận của Perkins

Khác với các sát thủ kinh tế khác, Perkins khi hoạt động tại các nước đang phát triển không chỉ tiếp xúc với các nhân sĩ cấp cao trong chính phủ và các đảng phái, mà còn đi sâu tiếp cận dân chúng và giới trí thức. Điều này giúp ông ta có thể đứng trên lập trường của dân chúng địa phương để quan sát và chiêm nghiệm nhiều vấn đề.

Sau nhiều năm thực hiện các phi vụ của "sát thủ kinh tế", Perkins ngẫm ra rằng, công việc của mình không những làm hàng tỉ người trên thế giới phải đứng bên bờ vực của sự nghèo khổ, khốn cùng, mà còn dẫn đến tình trạng xung đột, bạo lực ở nhiều khu vực trên thế giới thường xuyên xảy ra.

Vì vậy, vào năm 1980, Perkins đã quyết định từ bỏ công việc và chuyển sang viết sách kể lại những sự việc đã qua nhằm cảnh báo các nhà lãnh đạo chính trị các nước hãy hết sức cảnh giác và thận trọng trước các thủ đoạn chống phá về kinh tế của nước Mỹ đối với các nước.

Trong quá trình viết cuốn sách, Perkins nhiều lần bị sự đe dọa, uy hiếp của một số cơ quan chính phủ liên quan cũng như các tập đoàn xuyên quốc gia của Mỹ nên đã phải gác bút 4 lần và sau 20 năm ông ta mới hoàn thành cuốn sách này

Dương Thanh Tú (Theo Tân hoa xã)
.
.