Sẽ có một cơ quan tình báo Châu Âu

Thứ Năm, 24/12/2009, 03:45
Một khi Hiệp ước Lisbon, tức Hiến pháp của Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực, EU sẽ là một khối thống nhất gần giống như một quốc gia. Nếu như hai chức vụ quan trọng nhất của khối là tổng thống và người đại diện ngành ngoại giao đã được bầu chọn thì hiện nay nhiều quan chức trong Ủy ban châu Âu (EC) cũng đang muốn thành lập một cơ quan tình báo chung cho cả EU...

Tuy nhiên, theo giới quan sát đó vẫn là một viễn cảnh xa vời vì ngay cả ý tưởng thành lập một ngân hàng dữ liệu tình báo châu Âu của Jacques Barrot, Phó chủ tịch EC, phụ trách về tư pháp, những vấn đề tự do và an ninh của khối, hiện cũng đang bị các nước lớn trong khối này phản đối.

Trong bài phát biểu vào trung tuần tháng 12 vừa qua tại Viện Đào tạo an ninh cao cấp (Cơ quan Ttình báo kinh tế Pháp), ông Jacques Barrot nhấn mạnh rằng việc áp dụng Hiệp ước Lisbon sẽ cho phép thực hiện được những bước tiến lớn về vấn đề an ninh EU. Do vậy, theo vị quan chức này, EU cần thiết lập một chính sách tình báo hỗ trợ lẫn nhau giữa các quốc gia thành viên và đặt dưới sự giám sát của EC. Theo đó, chính sách này gồm 3 điểm chính: thứ nhất là sử dụng cộng đồng Swift để theo dõi những hoạt động ngân hàng bị tình nghi; thứ hai là phối hợp quản lý chung vấn đề di dân và thứ ba là phát triển chính sách an ninh châu Âu thông qua chương trình Stockholm.

Hiệp ước chia sẻ thông tin tài chính giữa EU và Mỹ quy định Mỹ có quyền truy cập những dữ liệu tài chính cá nhân của công dân châu Âu tại các máy chủ của Swift đặt trên lãnh thổ EU. Thực ra việc phê chuẩn hiệp ước này của EC chỉ là giai đoạn cuối của tiến trình nhằm chấm dứt vụ bê bối liên quan tới Công ty Swift. Swift là công ty viễn thông tài chính nội mạng ngân hàng của Mỹ, đặt trụ sở tại Bruxelles, Bỉ, nắm giữ dữ liệu của hầu hết các ngân hàng lớn trên thế giới.

Vụ Swift bùng phát năm 2006 khi báo chí Mỹ tiết lộ rằng từ ngày 11/9/2001, công ty này đã bí mật chuyển cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ thông tin mật về hàng chục triệu giao dịch tài chính mà công ty này nắm giữ. Swift hiện quản lý các giao dịch quốc tế của khoảng 8.000 tổ chức, công ty tài chính và ngân hàng của 208 quốc gia trên thế giới. Công ty này chỉ đảm bảo việc chuyển những dữ liệu liên quan tới tài chính chứ không trực tiếp chuyển tiền.

Mặc dù bị báo chí lên án là vi phạm luật pháp châu Âu và Bỉ trong vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân, nhưng những vụ chuyển thông tin trên cho chính quyền Mỹ chưa bao giờ bị giới quan chức hai bên nghi ngờ, thậm chí Mỹ và EU cũng đã ký với nhau nhiều văn bản nhằm hợp thức hóa việc trao đổi thông tin này. Tất cả đều được cho là nhằm mục đích chống chủ nghĩa khủng bố.

Theo ông Jacques Barrot, nếu như châu Âu có thể hợp tác với Mỹ trong việc chia sẻ thông tin tài chính thông qua Swift thì tại sao các quốc gia thành viên trong khối này lại không thể làm việc đó. Một khi có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan an ninh kinh tế và chống khủng bố, nhất là với sự chia sẻ thông tin trong dự án Swift, thì hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố tại châu Âu hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Làn sóng di dân ngày càng trở nên phức tạp và mạnh mẽ. Hiện nay mỗi nước thành viên của EU đều có chính sách riêng đối với vấn đề này. Đôi khi chính sách di dân của một nước lại đi ngược với nguyên tắc và tôn chỉ của cả khối gây nhiều bất đồng nội bộ. Điển hình nhất của sự thiếu phối hợp nhịp nhàng trong lĩnh vực này là trường hợp căng thẳng ngoại giao giữa Italia và EC hồi tháng trước, sau khi Roma từ chối tiếp nhận một nhóm thuyền nhân châu Phi vượt biên vào Italia, trong khi Ủy ban EU lại đòi chính quyền Roma phải tiếp nhận nhóm người trên... Do vậy, Jacques Barrot cho rằng nếu các cơ quan an ninh của EU cùng phối hợp và chia sẻ những thông tin liên quan tới những người nhập cư và di dân thì những sự cố đáng tiếc như trên sẽ không còn diễn ra.

Mặc dù đây là lần đầu tiên ý tưởng thành lập một cơ quan và một ngân hàng dữ liệu tình báo châu Âu được đưa ra tranh luận công khai, nhưng rõ ràng ý tưởng trên hoàn toàn có cơ sở nhất là khi khối này đang tự mình dẫn dắt những chiến dịch được cho là nhằm mục đích bảo vệ hòa bình, như tại Bosnia và Gruzia. Một quan chức tình báo giấu tên của Pháp cho biết, trên thực tế những lỗ hổng trong vấn đề tình báo châu Âu đã xuất hiện trong cuộc xung đột giữa Gruzia và Nga hồi năm ngoái.

Ngay sau đó, người ta đã đưa ra ý tưởng thành lập một cơ quan tình báo quân sự châu Âu theo mô hình DRM (Cơ quan Tình báo quân sự Pháp) do Pierre Joxe thành lập sau cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991.  Ý tưởng trên được khá nhiều quan chức EU tán đồng trong đó có điều phối viên chống khủng bố Gilles de Kerchove. Tại Bruxelles, nhiều cuộc họp bàn về vấn đề này đã được mở ra nhưng chưa có kết quả cụ thể.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất hiện nay là các nước lớn trong EU như Pháp, Đức và Anh vẫn chưa sẵn sàng cho việc thành lập một cơ quan tình báo châu Âu đặt trên cả các cơ quan tình báo quốc gia của họ. Các nước này muốn chất lượng tình báo trong nước cần được cải thiện trước hết, sau đó mới tính tới một kế hoạch xuyên quốc gia và cho cả khối

Q.H. (tổng hợp)
.
.