Sĩ quan Liên Xô cứu thế giới khỏi cuộc chiến hạt nhân

Thứ Năm, 23/12/2004, 07:23
Hơn 20 năm về trước, Trung tá quân đội Xôviết Stanislav Petrov đã không nhấn nút phóng tên lửa đáp trả khi mà các hệ thống cảnh báo bằng máy tính đều chỉ rõ đang có một đợt tấn công bằng tên lửa của Mỹ nhằm vào Liên Xô.

“Người nước ngoài luôn có xu hướng cường điệu hóa về hành động được coi là anh hùng này của tôi - Trung tá về hưu Stanislav Petrov tâm sự - Tôi chỉ đơn giản là làm theo nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, đúng vào thời điểm cần thiết và đúng chỗ”. Thời điểm cần thiết, theo như Petrov nói, chính là đêm 26/9/1983, khi mà cuộc đối đầu giữa Liên Xô và Mỹ trong Chiến tranh lạnh đang ở giai đoạn cao trào.

Lúc đó, Petrov đang làm nhiệm vụ trực chiến tại Serpukhov - 15, chỉ huy sở của Hệ thống cảnh báo tên lửa tấn công (SPRN). Tuyến đầu tiên của hệ thống này có thể phát hiện được các tên lửa hạt nhân đối phương ngay khi chúng vừa được phóng khỏi các hầm chứa.

Khi có báo động về việc đối phương phóng tên lửa, giới lãnh đạo Liên Xô chỉ có thời gian để cân nhắc và kiểm tra từ 10 đến 12 phút. Khoảng 15 phút còn lại đã là quá muộn vì còn phải ra lệnh cho các đơn vị tên lửa chiến lược gỡ bỏ các thiết bị giữ tên lửa và lên chương trình cho đường bay.

Toà nhà điều hành kỹ thuật của Serpukhov - 15.

Trung tá Petrov cũng như nhiều chuyên gia phân tích - lý thuyết khác chỉ có mặt tại địa điểm này đôi lần trong một tháng. “Trên màn hình lớn ở đó là toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ nhìn từ vệ tinh - Petrov mô tả về chỉ huy sở ở Serpukhov -15 - Nhờ đó có thể quan sát các căn cứ tên lửa tại đó qua chế độ quét hồng ngoại. Nhưng đây đơn giản chỉ là phương tiện để quan sát chứ không đưa ra quyết định. Cần phải có một vị “quan tòa vô tư”, đó là máy tính”.

Vào cái đêm 26/9 đó, “vị quan tòa điện tử” này lại quyết định: Phải có hành động đáp trả. Nó thông báo cho Petrov và các đồng nghiệp một thực trạng không ai dám tin: một tên lửa vừa rời khỏi bệ phóng tại một căn cứ Mỹ.

Tiếng còi rú vang lên khắp chỉ huy sở, những chữ cái màu đỏ sáng lên liên tục. Cơn chấn động mà mọi người phải trải qua là không thể diễn tả nổi - Trung tá Petrov kể lại - Tất cả đều nhổm dậy khỏi bàn điều khiển và nhìn vào tôi. Còn tôi đã chỉ thị làm mọi thứ cần thiết theo quy định của trực ban tác chiến trong trường hợp này". Máy tính sau đó còn cảnh báo về những đợt phóng mới của quả tên lửa thứ hai, ba và bốn cũng từ căn cứ này. Nếu đúng như vậy thì đây là một đợt tấn công ồ ạt bằng tên lửa.

Petrov phải đứng trước một sự lựa chọn hết sức ngặt nghèo - hoặc là nhấn nút bấm phóng tên lửa và chờ quyết định cuối cùng của Tổng Bí thư Andropov từ chiếc vali hạt nhân của mình, hoặc là báo cáo lên trên: “Chúng tôi đã truyền phải thông tin giả” - để rồi tự nhận trách nhiệm trước mọi hậu quả.

“Chỉ trong vòng từ 2 đến 3 phút không thể phân tích rõ ràng được điều gì - Petrov kể lại - Cái duy nhất để dựa vào là trực giác. Và tôi đã có được hai lập luận. Thứ nhất, nếu người Mỹ tấn công thì khó có khả năng chỉ bắt đầu từ một căn cứ, mà phải từ nhiều nơi cùng một lúc. Thứ hai, máy tính trục trặc hoặc nhầm lẫn”. Suy đi tính lại, Trung tá Petrov đã nghiêng về giả thuyết thứ hai.

Thời điểm đó có thể diễn tả bằng những lời của Bruce Blair, Giám đốc Trung tâm Thông tin quốc phòng Mỹ: “Vào cái đêm đó, cuộc chiến hạt nhân đã đến gần chúng ta hơn bao giờ hết”. Khi đó Petrov còn phải chịu áp lực rất lớn từ Thượng tướng Yuri Votinsev, Tư lệnh Lực lượng phòng thủ vũ trụ và chống tên lửa của Liên Xô. Ông phải căng mắt theo dõi màn hình, một tay cầm điện thoại báo cáo tình hình lên cấp trên, một tay là chiếc microphone để chỉ huy nhân viên cấp dưới.

Chính Thượng tướng Votinsev về sau là người đã tiết lộ về cái đêm đáng nhớ tháng 9/1983 đó trong một bài trả lời phỏng vấn hồi đầu những năm 90. Tiếp sau đó Petrov trở thành đối tượng trong một loạt các bài viết của những tờ báo hàng đầu ở phương Tây, những phóng sự truyền hình...

Một thương gia Đức giàu có đã mời Petrov đi du lịch khắp châu Âu. Cũng như nhiều người khác ở phương Tây, ông ta coi Petrov là một anh hùng thực sự. Còn có chuyện một phụ nữ ở New Zealand sau khi nghe chuyện về Petrov đã viết thư hỏi Tổng thống Nga xem đã giúp đỡ “người hùng” của mình như thế nào. Còn người Mỹ muốn mời Petrov để tặng phần thưởng “Công dân danh dự của hòa bình”.

Hiện giờ, Trung tá về hưu Stanislav Petrov đang sống một cuộc sống rất bình dị ở tuổi 65. Hai vợ chồng ông chủ yếu sống dựa vào khoản lương hưu 5.000 rúp mỗi tháng. Mỗi khi có người nhắc đến chuyện cũ, Petrov chỉ đơn giản khẳng định: “Đó là chuyện bình thường cần phải làm trong thời điểm cần thiết!”

Hồng Sơn (theo Tin tức Moskva)
.
.