Số phận của điệp viên hai mang Artamonov

Thứ Bảy, 02/06/2007, 10:00
Đối với các chuyên gia, sự phản bội của Nikolai Artamonov được coi là không ảnh hưởng nhiều đối với các cơ quan tình báo, do hắn không biết tên tuổi các điệp viên của Liên Xô. Nhưng đối với CIA, Artamonov lại là một nhân vật được đặc biệt quan tâm.

Dù đang có một tương lai khá hứa hẹn, nhưng vào mùa hè năm 1959, Thiếu tá Hải quân Nikolai Artamonov - đang là thuyền trưởng một khu trục hạm mới nhất của Hạm đội Baltic - đã bất ngờ cùng người tình của mình (cô gái Balan Eva Gura) leo lên một chiếc xuồng máy quân sự, dùng vũ khí ép buộc người lái chạy trốn từ quân cảng Gdynia của Balan tới Thụy Điển.

Với cái tên Nicolas Sadrin, tên phản bội này đã làm việc suốt 7 năm liền trong một bộ phận phân tích của Cơ quan Tình báo Mỹ. Đến tháng 12/1975, các điệp viên KGB đã lừa được Artamonov tới Vienna (Áo) và bắt giữ hắn ta. Vụ mất tích của Artamonov sau đó đã thu hút sự chú ý của chính Tổng thống Gerald Ford. 

Con bài giá trị

Bản thân Artamonov còn có thể được coi là một hình mẫu “James Bond” trên thực tế với khả năng “tán gái” rất tốt. Hắn ta là một sĩ quan hải quân đầy triển vọng, có một gia đình hạnh phúc gồm vợ và con trai. Cô vợ Natalia của hắn đáng chú ý lại chính là con gái của một tướng lĩnh Hải quân Xôviết – Đô đốc Arsen Golovko.

Trước thời điểm chạy trốn - Artamonov sắp được thăng chức và hắn cũng có trong danh sách những người chuẩn bị gửi đi đào tạo tại Học viện Hải quân, nơi chuyên bồi dưỡng cho các sĩ quan chỉ huy hàng đầu của hải quân sau này.

Đối với các chuyên gia, sự phản bội của Artamonov được coi là không ảnh hưởng nhiều đối với các cơ quan tình báo, do hắn không biết tên tuổi các điệp viên của Liên Xô. Nhưng đối với CIA, Artamonov lại là một nhân vật được đặc biệt quan tâm. Hải quân Liên Xô vào lúc đó đã bắt đầu được trang bị những máy bay mang tên lửa có cánh, cũng như chiếc tàu ngầm nguyên tử đầu tiên mang theo các tên lửa đạn đạo có lắp đầu đạn hạt nhân. Đây được coi là một mối đe dọa mới đặc biệt nguy hiểm đối với quân đội Mỹ.

Từ trước đó, Stockholm đã được Artamonov trao cho các bản đồ của Hải quân Xôviết về các khu vực bờ biển ở Stockholm và Karlscrun (khi đó đang là căn cứ chính của Hải quân Thụy Điển tại Baltic).

Các quan chức tại quốc gia Bắc Âu này đã hoảng hốt thực sự – những bản đồ này còn chính xác hơn cả của phía Thụy Điển, với tất cả các công trình phòng thủ của họ, kèm theo những ghi chú các vị trí thuận tiện cho việc đổ bộ, kể cả độ sâu của các luồng lạch tại những đảo ngầm. Điệp viên CIA Paul Garbler, người sau đó đã thông báo về Washington: “...kẻ đào tẩu này cần được quan tâm với vai trò một nguồn tin chiến lược về quân sự cũng như các thông tin chính trị”.

Sau một quyết định bí mật của Quốc hội Mỹ, Artamonov được nhập quốc tịch Mỹ và sau đó được CIA thu xếp công việc tại một bộ phận phân tích thuộc Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA).

Vì sao Artamonov trở thành điệp viên hai mang?

Lo ngại trước hậu quả những lời khai của Artamonov, Moskva quyết định cử Thiếu tá Igor Kochnov (một trong những điệp viên xuất sắc nhất của bộ phận phản gián đối ngoại trong KGB) tới Washington. Theo kịch bản đã soạn trước, Kochnov gọi thẳng điện tới nhà riêng Giám đốc CIA Richard Helms, thông báo tên tuổi của mình.

Anh ta cho biết từ vài năm trước đã tiếp xúc với hai điệp viên của CIA tại Pakistan và giờ đây muốn hợp tác với CIA. Helms ngay lập tức cho gọi chỉ huy bộ phận phản gián đối ngoại của CIA là James Angleton để tìm cách xác minh nhưng không thể làm rõ.

Trong cuộc gặp sau đó với người Mỹ, Kochnov tuyên bố anh ta là Thiếu tá tình báo Xôviết, tới Washington để tuyển mộ lại Artamonov. Kochnov không hài lòng với cương vị hiện nay của mình tại KGB và muốn hợp tác với CIA. Nếu có thể tuyển mộ lại Artamonov, Kochnov sẽ có được bước thăng tiến nhanh trong sự nghiệp để trở thành một “tay trong” có giá trị cho CIA.

Người Mỹ ngay lập tức chấp nhận đề xuất của Kochnov và gán cho anh ta mật danh “Kitty-Hawk”. Sự vội vã của CIA cũng có lý do riêng – họ đã dò được thông tin về khả năng Kochnov sẽ lấy con gái của Ekaterina Furseva, một cán bộ cao cấp của Liên Xô. Nếu đúng như dự kiến, viên sĩ quan tình báo này sẽ là một nguồn tin cực kỳ giá trị.

CIA và FBI nhanh chóng bố trí cho Kochnov gặp gỡ Artamonov. Trong cuộc gặp, Artamonov được đưa cho xem lá thư của vợ và con trai, lúc đó vẫn đang ở thành phố Leningrad. Nhân vật này đã quyết định lập công chuộc tội bằng cách chuyển cho KGB những tài liệu bí mật của DIA và CIA. Kochnov ở lại Washington cho đến tháng 9/1966.

Khi về nước, Kochnov đã mang về được một số lượng lớn thông tin về CIA do Artamonov cung cấp. Artamonov còn hứa sẽ chuẩn bị một báo cáo chi tiết về những kẻ đào tẩu và lưu vong mà anh ta từng có dịp tiếp xúc. Bước tiếp theo, Artamonov còn gửi cho Moskva một số lượng lớn thông tin về lực lượng hải quân Mỹ, đặc biệt là về đội ngũ các tàu ngầm. Điệp viên hai mang này sau đó được đề nghị chụp ảnh cuốn sổ danh bạ điện thoại nội bộ của DIA, nhưng anh ta đã “không thể” làm điều này và gửi trả lại máy ảnh. 

Kết cục của Artamonov

Sau khi không còn có thể tin tưởng vào Artamonov, KGB vào năm 1974 đã lên một kế hoạch bắt giữ anh ta. Artamonov được đề nghị tới Vienna để gặp gỡ với một điệp viên mới của KGB sắp sang Mỹ hoạt động.

Chính Igor Kochnov cũng trực tiếp tham gia vào chiến dịch này. Trong cuộc gặp, Artamonov nhanh chóng bị bắt rồi đưa lên một chiếc xe để bí mật đưa qua biên giới

T.Q.(Tổng hợp)
.
.