Spandau – Cung biệt giam khét tiếng

Thứ Ba, 01/12/2020, 13:29
Ngục tối Spandau nằm ở quận Spandau thuộc Tây Berlin. Nhà tù này được xây dựng vào năm 1876 và nó bị phá hủy vào tháng 8 năm 1987 nhằm ngăn chặn nơi đây có nguy cơ biến thành một ngôi đền Tân phát xít sau khi tù nhân cuối cùng của nó là Rudolf Hess quyên sinh ở tuổi 93. Sau đó trên nền của nhà tù cũ mọc lên một trung tâm mua sắm phục vụ cho các lực lượng Anh đóng quân ở Đức.


Một lịch sử hắc ám

Nhà ngục Spandau nằm trên tuyến phố lớn Wihelmstrabe. Buổi ban đầu nó dùng làm một trung tâm giam giữ quân sự, nhưng từ năm 1919 thì nó cũng còn dùng làm nơi giam các tù dân sự. Có thời điểm nơi đây nhốt tới 600 phạm nhân. Sau khi nổ ra vụ hỏa hoạn Reichstag (27-2-1933), Spandau được dùng làm nơi giam giữ những cá nhân chống đối lại Hitler. 

Ngục tối Spandau dần dà trở thành dạng tiền thân cho các trại tập trung của Đức Quốc xã (ĐQX). Nhà báo Egon Kisch nhớ lại trong hồi ký về những năm tháng bị giam cầm tại nhà tù: dù trên danh nghĩa Bộ Tư pháp Phổ nắm quyền điều hành ngục Spandau, nhưng thực tế thì lực lượng Gestapo đã sử dụng nhà tù làm nơi tra tấn và ngược đãi các phạm nhân. Cuối năm 1933, những trại tập trung đầu tiên của ĐQX đã được dựng lên (như tại Dachau, Osthofen, Oranienburg, Sonnenburg, Lichtenburg và các trại vùng đầm lầy quanh Esterwegen); tất cả các tù nhân còn lại bị giam giữ dưới chiêu bài “thăm nom” trong các nhà tù công đã được chuyển đến những trại tập trung này.

Sau khi kết thúc Đại chiến  thế giới thứ hai (ĐCTGII), ngục Spandau rơi vào tay lực lượng Anh tại một nơi mà sau đó trở thành Tây Berlin, song nó được điều hành bởi giới chức Tứ cường (Pháp, Anh, Liên Xô và Mỹ) trở thành ngôi nhà giam giữ các tội phạm chiến tranh khét tiếng của ĐQX bị kết án tại Tòa Nuremberg. Cuối cùng chỉ có 7 tù nhân được biệt giam ở Spandau. 

Phạm nhân Rudolf Hess trong thời gian điều trị ở Quân y viện Anh (Berlin). Ảnh nguồn: Collections.ushmm.org

Vào ngày 18 tháng 7 năm 1947, đám tù chiến tranh đã được dẫn giải từ Nuremberg đến Spandau. Trong số 7 phạm nhân thì có 3 người được phóng thích sau khi chấp hành xong bản án, 3 phạm nhân khác (bao gồm nguyên đại đô đốc chỉ huy Erich Raeder và nguyên kinh tế gia Walther Funk, những người bị tuyên án chung thân) đã được trả tự do sớm do bệnh tật. 

Từ giữa năm 1966 đến năm 1987, Rudolf Hess là tù nhân duy nhất bị giam ở Spandau, và người bầu bạn duy nhất với y là viên cai ngục Eugene K. Bird, họ sau đó đã trở thành đôi bạn thân. Sau này ông Bird đã viết một cuốn sách về những năm tháng ngục tù của Hess mang tiêu đề Gã cô đơn nhất đời.

Spandau là một trong 2 nơi của Tứ cường tiếp tục hoạt động sau khi Hội đồng kiểm soát Đồng Minh (ACC) tan rã; tổ chức thứ 2 là Trung tâm an toàn hàng không Berlin (BASC). Hàng tháng, bốn thế lực chiếm đóng Belin luân phiên kiểm soát ngục Spandau, mỗi nước có trách nhiệm đảm bảo ngục tối hoạt động tốt suốt 3 tháng liên tục trong năm. Việc quan sát lá cờ của Tứ cường tung bay bên trên tòa nhà ACC có thể biết chính xác lực lượng nào đang kiểm soát nhà tù. 

Tháng 8 năm 1987, ngục Spandau bị phá bỏ sau khi Rudolf Hess tự sát. Sau đó trên nền nhà ngục Spandau mọc lên một bãi đỗ xe và trung tâm mua sắm NAAFI và đổi tên thành Trung tâm Britannia Spandau, nó cũng có biệt danh là Hessco ngụ ý lấy tên của chuỗi siêu thị nổi tiếng của Anh là Tesco. Tất cả vật liệu bị phá hủy từ ngục Spandau đều bị nghiền thành bột mịn và đem rải chúng khắp Bắc Hải hoặc bị chôn vùi tại căn cứ không quân cũ RAF Gataow, ngoại trừ một bộ chìa khóa duy nhất mà hiện giờ đang được trưng bày trong Bảo tàng Trung đoàn Kings Own Scottish Borderers (doanh trại Berwick, Anh).

Luật lệ hà khắc

Buổi ban đầu các cường quốc Đồng Minh đã tiếp quản ngục Spandau vào tháng 11 năm 1946 với hy vọng sẽ dùng nó làm nơi giam giữ 100 hoặc hơn các tội phạm chiến tranh. Bên cạnh hơn 60 binh lính làm nhiệm vụ trong và ngoài ngục Spandau, thì còn có các nhóm cai ngục dân sự chuyên nghiệp từ các lực lượng Đồng Minh cử đến, 4 giám đốc nhà tù và các cấp phó của họ, 4 sĩ quan quân y, đầu bếp, người phiên dịch, phục vụ, người khuân vác và những dạng nghề nghiệp khác. 

Việc tồn tại một cơ chế phân bổ nguồn lực quá mức cho ngục Spandau đã trở thành một đề tài gây tranh cãi trong số các giám đốc nhà tù, giới chính trị gia của các cường quốc liên quan, và đặc biệt là ngay trong chính phủ Tây Đức – những người muốn rút bớt ngân sách dành cho Spandau trong khi vẫn trăn trở về sự thiếu không gian trong hệ thống nhà tù của họ.  

Đỉnh điểm của cuộc tranh luận là vào năm 1966 khi nguyên kiến trúc sư trưởng Albert Speer và chính trị gia Baldur von Schirach được thả và chỉ còn lại duy nhất Rudolf Hess bị giam ở ngục Spandau.

Một thứ văn hóa ít người biết về ngục Spandau chính là mọi khía cạnh đời sống ở đây đều được quy định hết sức nghiêm ngặt bởi một ban quy hoạch luật lệ nhà tù và nó được thiết kế trước khi nhà tù lọt vào tay Tứ cường. Cụ thể thì thư của tù nhân gửi cho gia đình của họ lúc đầu được hạn chế chỉ 1 trang cho mỗi tháng; nói chuyện với bạn tù bị cấm; cấm đọc báo chí; cấm luôn cả việc phạm nhân viết nhật ký và hồi ký; chuyện gia đình thăm viếng cũng bị giới hạn chỉ 15 phút mỗi 2 tháng; vào ban đêm cứ mỗi 15 phút, cai ngục lại rọi đèn vào xà lim của các phạm nhân nhằm ngăn ngừa họ có ý đồ tự sát. 

Sau đó một phần các quy định hà khắc của nhà tù đã được sửa đổi theo hướng khoan dung hơn, hoặc các cai ngục tỏ ra phớt lờ sinh hoạt của tù nhân. Các giám đốc và cai ngục của các cường quốc phương Tây thường liên tục lên tiếng chống đối về các quy định hà khắc với cấp trên của họ trong suốt thời gian nhà tù tồn tại, nhưng họ liên tục bị phía Liên Xô phủ quyết, họ ủng hộ một cách tiếp cận cứng rắn hơn. 

Với 19 triệu thường dân chết trong suốt thời kỳ ĐCTGII, Liên Xô đã liên tục gây sức ép tại Tòa Nuremberg về việc thi hành án tử cho toàn bộ tù chiến tranh có mặt, và không muốn thỏa hiệp với các cường quốc phương Tây về điểm này. Bối cảnh nghiêm khắc ở Spandau hoàn toàn trái ngược với ngục tối Werl, nơi giam giữ hàng trăm cựu sĩ quan và các thuộc cấp trong hàng ngũ ĐQX, tất cả họ chưa từng bị giới hạn quyền tự do cá nhân. Các nhà bình luận phương Tây cáo buộc người Nga giữ sự tồn tại của nhà ngục Spandau chủ yếu để biến nó thành một trung tâm cho các hoạt động gián điệp của Liên Xô.

Mục kỉnh đời sống lao tù

Hàng ngày các phạm nhân được lệnh thức dậy lúc 6 giờ sáng để tắm rửa, dọn sạch xà lim và hành lang nhà tù, sau đó là ăn điểm tâm, đi dạo trong vườn cho đến giờ cơm trưa (nếu thời tiết thuận lợi), sau bữa trưa họ sẽ được nghỉ tại buồng giam và sau đó quay lại vườn. Bữa tối diễn ra vào lúc 5 giờ chiều, sau đó các phạm nhân quay trở lại “tổ ấm” của mình. Đèn đuốc tắt phụt lúc 10 giờ khuya. 

Nhà ngục Spandau (Tây Berlin), nơi từng giam cầm 7 tù nhân khét tiếng Đức Quốc Xã. Ảnh nguồn: Abandoned Space.

Nếu cần thiết vào mỗi ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu, các tù nhân sẽ được cạo râu và hớt tóc; họ ủi đồ vào mỗi ngày thứ Hai. Ngoại trừ thời gian ở trong vườn, còn thì các thông lệ này đã thay đổi rất ít trong suốt nhiều năm nhà tù tồn tại, mặc dù mỗi cường quốc trong Tứ Cường có đưa ra những cách giải thích riêng về quy chế của nhà tù. Chỉ trong vòng vài năm khi các tù nhân “nhập kho” Spandau, mọi đường dây thông tin liên lạc với thế giới bên ngoài đã được mở ra bởi các viên chức nhà tù nhân đạo.

Theo đó, tù nhân thoải mái liên lạc hay nói chuyện với gia đình vào mỗi thứ Năm hoặc Chủ Nhật. Mỗi mẩu giấy đưa cho tù nhân đều được ghi lại và theo dõi vì vậy mà các bản ghi chú mật thường được viết theo các cách riêng, nơi nguồn cung thường ít bị xét nét trong suốt thời gian nhà tù tồn tại. 

Và các phạm nhân được hưởng lợi từ ân huệ này. Lúc đầu bị từ chối viết hồi ký, sau khi có chính sách mới, phạm nhân Albert Speer đã bắt đầu hồi tưởng lại các trải nghiệm và quan điểm của mình trong thời gian làm việc dưới chế độ ĐQX, những bản thảo này sau đó đã được tuồn lậu ra ngoài nhà tù và được in ấn, phát hành, trở thành cuốn sách bán chạy nhất dưới tiêu đề “Nội bộ nền Đệ Tam”. 

Nguyên đô đốc Karl Donitz đã viết thư gửi cho cấp phó của mình có nội dung liên quan đến công tác bảo vệ uy tín của Donitz bên ngoài nhà tù. Khi gần mãn hạn tù, Donitz đã hướng dẫn cho vợ cách tốt nhất để giúp mình quay trở lại chính trường, kế hoạch này đã không hoàn thành.

Bằng cách nào đó, kinh tế gia Walther Funk đã tìm được nguồn cung rượu Cognac (mọi loại rượu đều bị cấm trong ngục Spandau) cùng các cơ chế đối xử khác mà ông ta cùng chia sẻ với các bạn tù vào những dịp đặc biệt. Một chuyện khác, tất cả các tù nhân đều hãi vía vào những tháng mà người Liên Xô nắm quyền chỉ huy ngục Spandau; Liên Xô thực hiện các quy định rất nghiêm khắc trong nhà tù, cũng như chất lượng các bữa ăn thường thấp hơn 3 thế lực còn lại. 

Nên biết, vào những tháng nắm quyền chỉ huy Spandau, các nước Mỹ, Pháp và Anh sẽ có một đầu bếp riêng phụ trách chuyện ăn uống, lẽ dĩ nhiên các tù nhân được ăn uống ngon hơn so với quy định đề ra. Chế độ dinh dưỡng của Liên Xô không hề thay đổi với các phạm nhân Spandau, chỉ gồm cà phê, bánh mì, canh và khoai tây. Vị giám đốc quản lý ngục Spandau bị đột ngột thay đổi vào đầu thập niên 1960. Sau đó, nhiều vấn đề bao gồm khẩu phần dinh dưỡng cho phạm nhân đã được cải thiện.

Chân dung các phạm nhân

Trong chốn lao tù, các phạm nhân thường cạnh tranh ngay cả những chuyện nhỏ nhặt nhất, họ tự phân chia thành các cặp riêng: Albert Speer (nhận lỗi nhưng thoái thác trách nhiệm của Adolf Hitler tại Tòa Nuremberg) và Rudolf Hess (tâm tính không ổn định) thường sống ẩn dật, nói chung là không thích các bạn tù khác; cặp đôi Erich Raeder và Karl Donitz thường đồng hành cùng nhau bất chấp cá tính khác nhau; cặp đôi Baldur von Schirach và Walther Funk thường được mô tả là “không thể tách rời”. 

Phạm nhân cuối cùng, Konstantin von Neurath, cựu nhân viên ngoại giao, có tâm lính hòa nhã với mọi người. Donitz không thích Speer trong bản án 10 năm giam cầm, và mọi chuyện chỉ trở nên dễ thở vào những ngày “bóc lịch” cuối cùng của ông ta. Donitz luôn tin rằng Hitler đã chỉ định mình làm người kế nhiệm đức Quốc trưởng do sự tiến cử của Speer, và điều này đã dẫn đến việc Donitz ra tòa án Nuremberg (Speer luôn phủ nhận có chuyện đó).

Rudolf Hess bị kết án chung thân, nhưng không được thả vì sức khỏe kém như các bạn tù Raeder, Funk hya Neurath, Hess là phạm nhân ngồi tù lâu nhất. Bị chê là “người lười nhất ở Spandau”, Hess luôn nghĩ ra cách để tránh làm những việc mà ông ta cho là “hạ thấp phẩm giá” của mình, chẳng hạn như nhổ cỏ. Hess không hề tham gia buổi lễ nhà thờ nào vào mỗi chủ nhật. 

Mắc bệnh hoang tưởng, Hess luôn than phiền mình bị mắc nhiều thứ bệnh, chủ yếu là đau bụng và hoài nghi thức ăn có độc khi phát cho mình. Những tiếng rên đau bụng từ Hess phát ra ầm ĩ nhất cả ngày lẫn đêm và nó gây nghi hoặc cho các bạn tù và giám đốc ngục Spandau. Thi thoảng Hess rên đau vào ban đêm làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của các bạn tù. Việc Hess luôn trốn việc đã gây khó chịu cho các bạn tù, và vì thế mà ban giám đốc nhà tù đã phong cho tù nhân này biệt danh “Lãnh chúa cầm tù”.

Suốt hơn 20 năm, Hess luôn từ chối diện kiến các du khách ghé thăm ngục Spandau, cuối cùng tù nhân này đồng ý gặp con trai và vợ vào năm 1969 sau khi phát hiện cơ thể mắc một chứng loét thủng, đòi hỏi phải rời nhà tù để điều trị ở bệnh viện. Sợ rằng cái chết của Hess sắp xảy ra, các giám đốc nhà tù đã nới lỏng mọi quy định hiện hành, chuyển Hess đến một nhà nguyện rộng rãi hơn, cung cấp nước nóng cho phép phạm nhân pha chè (trà) hay cà phê nếu thích; mở khóa buồng giam để Hess tự do sử dụng phòng tắm và thư viện của nhà tù. 

Vì lý do an ninh, Hess thường được di chuyển sang các phòng, ông ta được chuyển đến Quân y viện Anh cách ngục Spandau không xa, và được bảo vệ nghiêm ngặt khi nằm viện. An ninh bên ngoài quân y viện này được cung cấp bởi một trong các tiểu đoàn bộ binh Anh khi đó đang đồn trú ở Berlin. Vào một số dịp đặc biệt, người Liên Xô đã nới lỏng quy định ngục Spandau, cho phép Hess có nhiều thời gian đi dạo trong vườn.

Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)
.
.