Sri Lanka: Hồi kết đối với cuộc nội chiến kéo dài nhất Châu Á

Thứ Ba, 24/03/2009, 02:40
Tại sao từ một lực lượng hùng hậu với số quân có lúc lên tới hàng chục ngàn người, từng quản lý một vùng rộng lớn, thậm chí ép chính phủ phải nhượng bộ nhiều lần, vậy mà hiện giờ lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE) chỉ còn từ 500 đến 2.000 tay súng và đang bị quân đội và lực lượng an ninh dồn vào những căn cứ cuối cùng tại một khu rừng ở phía Bắc với diện tích khoảng 40 km2?

Những vụ ám sát gây chấn động

LTTE được coi là tác giả của nhiều vụ ám sát và mưu sát nổi tiếng, trong đó có Tổng thống Ranasinghe Premedasa, Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi, ứng cử viên tổng thống Gamini Dissanayaka, nhiều bộ trưởng, hàng chục nghị sĩ và gần 100 lãnh tụ Tamil khác của Sri Lanka.

Tổng thống Ranasinghe Premedasa đã bị chết trong vụ ám sát ngày 1/5/1993. Một nữ đánh bom tự sát LTTE đã khai hỏa quả bom đeo trên người khiến ông Ranasinghe Premedasa chết ngay tại hiện trường.

Tổng thống Kumaratunga cũng từng bị ám sát hụt cách đây gần 10 năm, nhưng may mắn thoát chết. Trong chuyến đi vận động bầu cử tại trung tâm thủ đô Colombo tối 18/12/1999, Tổng thống Kumaratunga đã bị một nữ cảm tử ôm bom xông tới khi bà vừa bước xuống ôtô.

Một tiếng nổ lớn phát ra, 15 người chết ngay tại chỗ (trong đó có lái xe và 2 vệ sĩ), hơn 100 người khác bị thương (trong đó có 2 bộ trưởng), còn bà Kumaratunga bị thương khá nặng ở mắt. Rất may khi đó bà đứng sau chiếc ôtô chống đạn. Trước và sau vụ ám sát kể trên, bà Kumaratunga cũng từng bị mưu sát nhiều lần, nhưng lực lượng an ninh đã kịp thời ngăn chặn.

Hiện trường một vụ khủng bố do LTTE tiến hành.

Ông Ngoại trưởng Lakshman Kadirgamar là một trong những thành viên nội các bị LTTE ám sát thành công tại tư dinh hôm 13/8/2005. Ngoại trưởng Lakshman Kadirgamar được bảo vệ chặt chẽ ngang với Tổng thống Kumaratunga nhưng vẫn bị trúng tới 3 phát đạn (đầu và ngực) khi vừa từ bể bơi lên bờ. Sát thủ đã khai hỏa từ tòa nhà cao tầng đối diện.

Mặc dù đã huy động hơn 1.000 cảnh sát để truy tìm kẻ ám sát ông Lakshman Kadirgamar, nhưng người ta chỉ bắt được nhiều nghi can cùng 1 khẩu súng phóng lựu tại hiện trường. Ngoại trưởng Lakshman Kadirgamar đã thành công trong việc thuyết phục Mỹ, Anh và một số nước khác đưa LTTE vào danh sách khủng bố, là người công khai chỉ trích LTTE tuy chủ trương giải quyết cuộc nội chiến thông qua thương lượng hòa bình.

Bộ trưởng Xây dựng Dassanayake cũng đã bị thiệt mạng, do bị vướng phải mìn gài bên đường. Đoàn xe hộ tống ông Dassanayake đã vấp phải bom khi đang đi qua thị trấn Ja-Ela, cách thủ đô Colombo và sân bay quốc tế 19 km về phía bắc sáng ngày 8/1/2008. Ông Dassanayake đã chết trong bệnh viện do bị thương nặng ở đầu. Cảnh sát cho biết, quả bom gây ra cái chết của ông Dassanayake là loại mà lực lượng LTTE thường dùng trong các cuộc tấn công trước đây.

Tuy từng bị mưu sát, nhưng Bộ trưởng Phúc lợi xã hội Douglas Devananda may mắn không bị thương trong vụ đánh bom tự sát vào ngày 28/11/2007. Sát thủ là một phụ nữ bị tàn tật, thành viên của LTTE.

Ngày 1/12/2007, Bộ trưởng Quốc phòng Gothabaya Rajapakse cũng từng may mắn thoát chết trong vụ đánh bom tự sát. Mặc dù 14 người bị thương khi đoàn xe hộ tống ông Gothabaya Rajapakse bị một kẻ đánh bom liều chết lao vào, song ông vẫn bình an vô sự.

Vụ đánh bom tự sát xảy ra khi đoàn xe hộ tống Bộ trưởng Quốc phòng Gothabaya Rajapakse cùng một số nhân vật cao cấp khác trong chính phủ đang chạy trên đường phố ở thủ đô Colombo.

Được biết, kẻ đánh bom tự sát đã lái chiếc môtô 3 bánh chứa 10 kg chất nổ lao vào chiếc BMW chống đạn chở Bộ trưởng Quốc phòng Gothabaya Rajapakse. Rất may hôm đó ông Gothabaya Rajapakse lại không đi trên chiếc đó, mà ngồi trong 1 trong 8 chiếc xe hộ tống.

Đụng độ

Mặc dù có ít nhất 2 người chết và 45 người bị thương sau khi LTTE bất ngờ huy động 2 chiếc máy bay tấn công thủ đô Colombo tối 20/2/2009, nhưng cả 2 chiếc máy bay này đều bị bắn hạ - một chiếc lao xuống Văn phòng Cơ quan Thuế quốc gia và một chiếc rơi gần sân bay quốc tế Colombo.

Vụ không kích diễn ra đúng thời điểm chính phủ tuyên bố đang tiến hành cuộc truy quét cuối cùng nhằm vào phiến quân LTTE. Hơn nữa, chính phủ từng tuyên bố đã phá hủy toàn bộ các đường băng bí mật của LTTE, do đó vụ không kích tối 20/2 vừa qua cũng khiến dư luận băn khoăn. Trước đây, LTTE từng nhiều lần sử dụng máy bay hạng nhẹ tấn công thủ đô Colombo và các mục tiêu quân sự của Chính phủ Sri Lanka.

Được biết, LTTE sở hữu một số máy bay cánh quạt 2 chỗ ngồi Zlin-143 do Cộng hòa Czech sản xuất. Những máy bay này được tháo rời và chuyển lậu vào Sri Lanka, sau đó được LTTE lắp ráp lại và gắn bom tự chế để không kích. LTTE từng có một lực lượng không quân riêng với những chiến đấu cơ hạng nhẹ mà họ gọi là Air-Tiger.

Trước vụ không kích kể trên, LTTE cũng từng tấn công căn cứ hải quân của quân đội Sri Lanka. Cách đây gần 2 năm (7/10/2007), quân đội Sri Lanka từng vô hiệu hóa gần như hoàn toàn khả năng vận chuyển vũ khí lậu bằng đường biển của LTTE sau khi đánh chìm chiếc tàu cuối cùng của tổ chức này. Nhưng đến ngày 30/9/2008, quân đội lại thông báo họ vừa đánh đắm 2 tàu của LTTE khiến cho dư luận hoài nghi về những tuyên bố trước đó của họ.

Ngày 24/7/2001, LTTE từng mở cuộc tấn công cảm tử vào sân bay quốc tế Bandaranaike và căn cứ không quân Katunayake ở ngoại ô thủ đô Colombo. Cuộc tấn công này không những đã phá hủy 14 máy bay các loại, trong đó có 8 máy bay chiến đấu, 1 máy bay chở khách A340, 2 máy bay chở khách A330, mà còn khiến cho hơn 20 chuyến bay bị hủy bỏ, hơn 4.000 du khách phải nghỉ lại tại một số khách sạn gần sân bay quốc tế để chờ ngày về nước.

Điều đáng nói là ngay từ ngày 4/10/2008, quân đội đã tuyên bố, họ gần như kiểm soát được căn cứ đầu não của LTTE tại thành phố Kilinochchi, phía bắc Sri Lanka. Và khi đó quân đội cũng từng nhấn mạnh, sẽ quét sạch LTTE vào cuối năm 2008, nhưng cho đến nay mọi việc vẫn chưa kết thúc.--PageBreak--

Nội tình của LTTE

Một trong những “đặc sản” của LTTE là đánh bom tự sát và “phụ nữ đeo bom” đã thành công trong nhiều vụ ám sát gây thương vong lớn. Mới đây nhất (tháng 2/2009), “phụ nữ đeo bom” đã kích hoạt quả bom mang trên mình khiến 20 người chết và 90 người khác bị thương. Vụ tấn công xảy ra gần thị trấn Vishvamadu, nơi quân đội chính phủ mới chiếm được từ LTTE. Thiếu tướng Udaya Nanayakkara cho biết, khoảng 50 sĩ quan và binh lính bị chết và bị thương trong vụ tấn công kể trên.

“Phụ nữ đeo bom” hầu hết ở lứa tuổi đôi mươi sẵn sàng đánh bom tự sát và họ là thành viên của “Đội nữ cảm tử Hổ đen”. Vì không bao giờ để lộ thân phận, hơn nữa cực kỳ dã man và lạnh lùng nên “phụ nữ đeo bom” ngày càng được lãnh đạo LTTE trọng dụng. “Phụ nữ đeo bom” sống trong những khu trại biệt lập và tấm gương mà họ luôn được giáo dục noi theo là Malathy, nữ chiến binh đầu tiên của “Đội nữ cảm tử Hổ đen”. “Phụ nữ đeo bom” đã trở thành những “quả bom thịt”, phục vụ đắc lực trong các vụ ám sát và tấn công vào những mục tiêu khó.

Được biết, đa số “phụ nữ đeo bom” đều có mối thù sâu sắc với quân đội chính phủ. Khi mới thành lập, thành viên của LTTE đều là nam giới, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, lãnh đạo tổ chức này đã quyết định chiêu mộ cả thành viên nữ. Khi binh lính LTTE đạt con số khoảng 15.000 người thì nữ chiếm 1/3.

Để trở thành thành viên của LTTE phải tự nguyện. Sau khi gia nhập LTTE, “phụ nữ đeo bom” phải tuân thủ những quy định hết sức nghiêm ngặt như không được kết hôn với người ngoài tổ chức, nếu phục vụ chưa đủ 5 năm thì không được phép lấy chồng, không được uống rượu và hút thuốc, phải thay đổi họ tên, tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của Tổng tư lệnh Vellupillai Prabhakaran, nếu phản bội sẽ bị chém đầu.

Hiện trường một vụ khủng bố do LTTE tiến hành.

Ngay từ khi mới 22 tuổi, Vellupillai Prabhakaran đã thành lập LTTE (năm 1976) và trở thành Tổng tư lệnh của tổ chức này. Khi mới thành lập, nam giới trong LTTE không được phép quan hệ tình dục. Mãi đến khi Vellupillai Prabhakaran cưới vợ luật này mới thay đổi.

Theo đó, cho phép những người phục vụ trong tổ chức từ 5 năm trở lên được lấy vợ, lấy chồng và được phép ra khỏi tổ chức. Lãnh đạo LTTE yêu cầu các thành viên kết hôn với nhau để tránh nguy cơ bị gián điệp xâm nhập.

Có tin nói rằng, kể từ năm 1983 đến nay, tất cả chiến binh của LTTE đều mang theo một liều thuốc độc bên mình  để tự vẫn khi bị bắt. Nhằm khích lệ binh lính của mình, Vellupillai Prabhakaran đã cấp cho thân nhân của họ 40 USD/tháng và để tăng thêm tính tàn bạo, sẵn sàng tử vì đạo, Vellupillai Prabhakaran cho binh lính xem các bộ phim bạo lực như “Rambo”, “Death Wissh”...

Để có tiền chi phí, Vellupillai Prabhakaran đã chỉ đạo người của hắn làm tất cả mọi việc, tại tất cả những nơi có thể để kiếm tiền - từ bắt cóc tống tiền, buôn lậu vũ khí, buôn bán ma túy, cướp ngân hàng, đến đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, đóng tàu, khách sạn, nhà hàng, thậm chí đưa người bất hợp pháp vào châu Âu, Canada, bảo kê cho 1,5 người Tamil sống ở nước ngoài... Vellupillai Prabhakaran còn vươn tới tận Bắc Mỹ, Singapore, Australia... và thu về hàng triệu USD/ tháng qua tất cả các “dịch vụ” này.

Năm 1987, dưới sự trung gian của Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi, Vellupillai Prabhakaran đã ký được thỏa thuận hòa bình với Tổng thống Kumaratunga (tại New Delhi). Nhưng ngay sau đó thỏa thuận này đã bị vi phạm, thậm chí Vellupillai Prabhakaran còn ra lệnh ám sát Thủ tướng Rajiv Gandhi bởi ông đã hợp tác với Chính phủ Sri Lanka trong cuộc chiến chống lại LTTE. Tòa án Sri Lanka từng kết án vắng mặt Vellupillai Prabhakaran 200 năm tù giam với 51 tội danh, trong đó có tội giết người và phá hoại tài sản quốc gia.

Nhiều người cho rằng, cái chết của ông Anton Balasingham, người được coi là “bộ não” của LTTE (15/12/2006) đã khiến cho tổ chức này tụt dốc không phanh. Ông Anton Balasingham là nhà đàm phán cấp cao, là một trong những người có ảnh hưởng quan trọng nhất về tư tưởng của LTTE và đã chết tại London, Anh vì ung thư ống mật. Thủ lĩnh chính trị hiện nay của LTTE là Balasingham Nadesan.

Năm 2008 được coi là “năm hạn” của LTTE bởi nhiều quan chức cấp cao của tổ chức này bị chết như Charles, chỉ huy tình báo và Thamilselvan, thủ lĩnh chính trị của LTTE đều bị chết trong các trận không kích.

Ngày 7/2/2009, máy bay chiến đấu Kfir và F-7 đã ném bom và phá hủy nơi ẩn náu của tên Soosai, thủ lĩnh phi đội “Hổ biển” của LTTE. Quân đội cũng đã chiếm được sở chỉ huy của trung đoàn bảo vệ cá nhân thủ lĩnh tối cao Vellupillai Prabhakaran

Nguyễn Thị Lân (tổng hợp)
.
.