Sri Lanka: Thất bại của tình báo trong vụ đánh bom Lễ Phục sinh

Thứ Tư, 08/05/2019, 17:30
Hơn 10 ngày sau loạt vụ đánh bom Lễ Phục sinh (21-4-2019), đất nước Sri Lanka vẫn còn căng thẳng cả trong hệ thống chính trị lẫn các cơ quan an ninh, tình báo. Trong đó, các cơ quan tình báo, nhất là cảnh sát quốc gia Sri Lanka đang phải hứng chịu búa rìu dư luận do đã bỏ qua những cảnh báo trước về loạt vụ đánh bom.

Có nhiều câu hỏi được đặt ra sau khi loạt vụ đánh bom xảy ra, nhưng vấn đề thật sự là liệu chúng có thể được ngăn chặn không? Những chứng cứ có thể sẽ dần xuất hiện theo thời gian, nhưng những thông tin ban đầu đã cho thấy một toàn cảnh không mấy sáng sủa. Rốt cuộc ý kiến chung của chuyên gia là các vụ tấn công đó đều có thể ngăn chặn được, chỉ có một sự thất bại toàn diện mang tính hệ thống mới để chúng xảy ra.

Các cơ quan chức năng Sri Lanka đã không tiên lượng được mối đe dọa từ các nhóm Hồi giáo cực đoan có nguy cơ là mắt xích trong mạng lưới khủng bố quốc tế, bởi họ đã bỏ qua những lời cảnh báo từ nhiều phía, đồng thời lại không chia sẻ những thông tin tình báo cảnh báo sớm trong nội bộ các cơ quan.

Theo thông tấn quốc tế, ít nhất hai tuần trước khi xảy ra các vụ đánh bom Lễ Phục sinh, tình báo Ấn Độ và Mỹ đã gửi cho các quan chức an ninh Sri Lanka những cảnh báo về một âm mưu tấn công tiềm ẩn nhắm vào các nhà thờ và điểm du lịch tại nước này.

Một tuần sau, Bộ Quốc phòng Sri Lanka đã cảnh báo Tổng thanh tra Cảnh sát về một âm mưu tấn công, trong đó liệt kê tên tuổi và địa chỉ của các nghi can tiềm tàng, một số tên đã trở thành thủ phạm đánh bom hôm 21-4. Thế nhưng, cảnh sát quốc gia đã không có hành động gì.

Dư luận quốc tế cho rằng sự thiếu thống nhất Giữa Tổng thống Maithripala Sirisena với Thủ tướng Ranil Wickremesinghe khiến hệ thống an ninh, tình báo “tê liệt” trước nguy cơ khủng bố.

Thêm một thư tín chi tiết về nguy cơ tấn công đã được Phó Tổng thanh tra cảnh sát gửi cho một số quan chức chính phủ, trong đó có người đứng đầu Cục An ninh Bộ, Cục An ninh Tư pháp và Cục An ninh Ngoại giao, cũng nêu rõ mối đe dọa và danh sách các nghi can tiềm tàng.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng Sri Lanka còn nhận được những lời cảnh báo từ trước đó của cộng đồng Hồi giáo Sri Lanka về một nhóm ít được biết đến có tên là National Thowheed Jamath (NTJ). Phó chủ tịch Hội đồng Hồi giáo Sri Lanka cho biết chính ông đã cảnh báo các quan chức tình báo về nhóm NTJ từ cách đây gần 3 năm.

Sự thất bại đó đặc biệt lạ khi Sri Lanka từng có bề dày lịch sử chống khủng bố. An ninh, tình báo Sri Lanka hẳn không thể không hay biết gì về tình hình khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang lan dần ở các nước láng giềng như Bangladesh, Ấn Độ, Maldives.

Ngay cả lực lượng an ninh nước này cũng từng ngăn chặn thành công một vài âm mưu tấn công hồi đầu năm nay, phá một đường dây khủng bố, tịch thu hàng trăm kilôgam chất nổ cất giấu tại ngôi làng Wanathawilluwa, cách thủ đô Colombo khoảng 100km về phía bắc.

Vậy tại sao các cơ quan chức năng Sri Lanka không có hành động gì để ngăn chặn các vụ đánh bom? Ba ngày sau vụ khủng bố, Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena đổ lỗi cho chính phủ của Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã làm suy yếu hệ thống tình báo do quá tập trung vào việc xử lý các cựu sĩ quan quân đội phạm tội ác trong cuộc nội chiến mấy chục năm qua.

Tuy nhiên, dư luận quốc tế cho rằng nguyên nhân chính là do sự đấu đá nội bộ, một cuộc “nội chiến” đang diễn ra trong chính phủ giữa Tổng thống Sirisena và Thủ tướng Wickremesinghe đã khiến cho hầu như cả hệ thống đều bị tê liệt.

Cho đến nay, đất nước Sri Lanka vẫn còn dư âm của cuộc khủng hoảng hiến pháp năm ngoái, trong đó Tổng thống Sirisena (kiêm Bộ trưởng Quốc phòng) tìm cách hất Thủ tướng Wickremesinghe ra khỏi chiếc ghế đang ngồi và định thay thế bằng cựu Tổng thống Mathinda Rajapaksa.

Cú “đảo chính” không thành nhưng sự chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ giữa Tổng thống và Thủ tướng vẫn tiếp diễn, trong đó việc kiểm soát các cơ quan an ninh là mặt trận then chốt.

Trong môi trường đấu đá đó, thông tin (kể cả thông tin tình báo) đã trở thành công cụ chính trị quan trọng, và Tổng thống Sirisena là người nắm quyền kiểm soát các bộ Quốc phòng và Cảnh sát, loại Thủ tướng Wickremesinghe ra khỏi Hội đồng An ninh quốc gia.

Thảo nào, vài ngày sau loạt vụ tấn công, Thủ tướng Wickremesinghe công khai “than phiền” trên báo chí rằng do xích mích với Tổng thống nên ông đã không được chia sẻ thông tin về loạt vụ đánh bom. “Nhà dột từ nóc”, vì vậy sẽ không có gì ngạc nhiên khi quan chức dưới quyền hai ông không có hành động gì để ngăn chặn khủng bố.

Mặc dù vậy, ít nhất cũng có hai người là Bộ trưởng Truyền thông Harin Fernando và Bộ trưởng Hòa hợp quốc gia Mano Ganesan đã chuyển lời cảnh báo cho các cơ quan chức năng. Nhưng trong tình hình chính phủ chia rẽ như thế, mọi chuyện đều bị xem như “không phải chuyện của tôi”.

Chính vì vậy, dù đã có cảnh báo trước, nhưng an ninh xung quanh khu vực các nhà thờ và khách sạn, khu du lịch đều không được tăng cường hay chỉ dẫn an ninh đúng mức để bảo vệ an toàn cho người dân và du khách trong các kỳ nghỉ lễ. Các nhà thờ lẫn công chúng  đều không được thông báo nguy cơ để tránh.

Có thể cho rằng loạt vụ đánh bom vừa qua phản ánh một thất bại lớn của tình báo. Nhưng sự thất bại lớn như thế không chỉ dành riêng cho Sri Lanka. Chủ nghĩa khủng bố thánh chiến là một mối đe dọa toàn cầu. Khi có sự dính líu đến các mạng lưới thánh chiến quốc tế, đòi hỏi phải có sự phối hợp hành động chung của cộng đồng tình báo quốc tế để ngăn chặn những vụ tấn công xảy ra.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.