Stig Bergling - Điệp viên bí ẩn của GRU tại Thuỵ Điển

Thứ Ba, 18/08/2009, 19:25
Vào một ngày tháng 10/1987, có một người đàn ông lạ mặt tới gõ cửa tòa nhà của Lãnh sự quán Liên Xô tại quần đảo Ahvenan (Phần Lan) và đề nghị được gặp đại diện của Cơ quan Tình báo Xôviết. Chỉ vài ngày sau, người đàn ông trên được đưa về Đại sứ quán Xôviết và sau đó bí mật tới Moskva.

Vào thời điểm đó, chỉ có một vài nhân vật cao cấp tại Moskva mới có thể biết được, người đàn ông lạ mặt trên chính là Stig Bergling - một điệp viên quan trọng của Cơ quan Tình báo quân đội Xôviết (GRU) tại Thụy Điển vừa trốn thoát một cách ngoạn mục. Cho tới giờ, cuộc đời của điệp viên Stig Bergling vẫn còn chứa đựng nhiều chi tiết bí ẩn chưa được làm sáng tỏ...

Stig Bergling (tên đầy đủ là Stig Svante Eugen) sinh ngày 1/3/1937. Năm 1959, ông gia nhập lực lượng cảnh sát và chỉ 10 năm sau trở thành nhân viên Ban 2 của Cơ quan Cảnh sát an ninh Thụy Điển (SAPO), vào giai đoạn đó chuyên tập trung vào nhiệm vụ phản gián chống lại Liên Xô. Sau đó, Bergling lại chuyển sang làm việc tại Ban An ninh của Bộ Tổng tham mưu, là nơi có nhiệm vụ chuyên sao chép những tài liệu mật và lưu giữ chúng trong một chiếc két đặc biệt.

Theo sự điều động của cấp trên, Bergling lại có mặt ở Trung Đông, trong thành phần một phái đoàn quan sát viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Tại Beirut, nhân viên phản gián của Thụy Điển đã làm quen với Alexander Nikiforov, tùy viên quân sự Xôviết và đề nghị cộng tác với GRU.

Từ năm 1973, Bergling bắt đầu cung cấp cho Moskva nhiều tài liệu mật thu thập được từ hồi còn làm việc tại Bộ Tổng tham mưu, kể cả mật mã và bản đồ các công trình quốc phòng của Thụy Điển. Cũng nhờ Bergling, Moskva đã biết được kế hoạch của NATO xây dựng một loạt các trạm do thám điện từ trên lãnh thổ Thụy Điển để hoạt động chống lại Liên Xô.

Vợ chồng Stig Berling khi còn ở Nga.

Bergling quay trở lại Thụy Điển vào năm 1975, làm việc tại Cơ quan Phản gián của Bộ Tổng tham mưu và tiếp tục cung cấp cho Moskva nhiều thông tin mật quan trọng nữa. Tính ra, GRU đã nhận được từ điệp viên hàng đầu này hơn 1.000 bản sao chép các tài liệu mật khác nhau.

Đáng chú ý là trong số các trọng trách của Bergling tại Cơ quan Phản gián còn có cả nhiệm vụ giám sát hoạt động của các cơ quan mật vụ Xôviết tại Thụy Điển. Chính nhờ vậy, năm 1976 ông đã kịp thông báo cho cấp trên về trường hợp một tùy viên quân sự Xôviết tại Stockholm đang có ý định xin cư trú chính trị tại phương Tây. Nhờ đó, nhân vật này đã được Moskva nhanh chóng triệu hồi về kịp thời.

Với mật độ hoạt động khá ráo riết, Bergling đã bắt đầu bị các đồng nghiệp nghi ngờ. Một số nguồn tin còn khẳng định, Bergling đã bị một kẻ đào thoát là Oleg Gordievski khai báo. Tên phản bội này đã tiết lộ cho các ông chủ mới tại Anh của mình về việc, GRU đã tuyển mộ được một điệp viên của SAPO. Ngay sau khi thông tin trên được báo cho Stockholm, đích thân chỉ huy Cơ quan phản gián Thụy Điển đã bay sang London để trực tiếp phỏng vấn Gordievski. Còn có một vài giả thuyết khác về nguyên nhân lộ tẩy của điệp viên này, chẳng hạn như Bergling bị bắt do sự trả thù của một tình nhân cũ của mình, hay do lời khai của một điệp viên Xôviết phản bội khác là Alexandr Ogoronik.

Ngày 10/3/1979, nhân một chuyến công du tiếp theo tới Trung Đông trong khuôn khổ một sứ mạng của LHQ, Bergling đã bị nhân viên Cơ quan An ninh Israel bắt giữ ngay tại sân bay Tel-Aviv và chuyển giao cho phía Thụy Điển chỉ vài ngày sau đó. Khi bị thẩm vấn, Bergling thừa nhận đã cộng tác với tình báo Xôviết. Ngày 7/12/1978, điệp viên của GRU phải nhận bản án tù chung thân. Trong tù, Bergling lại đổi tên thành Eugen Sandberg, sau khi kết hôn với cô bạn gái thời trẻ Elizabeth Sandberg.

Cũng từ thời điểm này, Bergling bắt đầu suy tính rất kỹ về kế hoạch chạy trốn. Tháng 10/1987, tận dụng cơ hội được tranh thủ về thăm vợ, Bergling đã lừa được các nhân viên áp giải để chạy trốn cùng với vợ. Sau khi thay đổi vài chiếc xe hơi, vợ chồng Bergling đã lên một chiếc xe chờ sẵn của tình báo Xôviết để tới bến cảng, từ đây lên phà tới quần đảo Ahvenan. Tại Helsinki, vợ chồng Bergling đã được các nhân viên GRU đón tiếp, ẩn náu một thời gian trong khuôn viên Đại sứ quán Liên Xô và bí mật về Liên Xô trên một chiếc xe mang biển ngoại giao. 

Vợ chồng nhà Bergling sống một thời gian tại Moskva với giấy tờ giả được tạm cấp là của gia đình Ivar và Elisabeth Straus. Bergling vẫn tiếp tục làm việc cho tình báo Xôviết - được đào tạo thêm về nghiệp vụ và được cử sang tập huấn tại Budapest. Năm 1990, vợ chồng Bergling tới Liban, tiếp tục hoạt động cho GRU dưới vỏ bọc hai công dân Anh có tên Ronald Charles Abay và Sylvie Tin Abay. Tuy nhiên đến tháng 8/1994, Bergling bất ngờ tình nguyện quay về Thụy Điển và bị bắt giữ ngay.

Động cơ của hành động lạ lùng này cho tới thời điểm hiện nay vẫn chưa được làm rõ. Bergling phải ngồi tù thêm 3 năm và đến tháng 7/1997 được trả tự do. Còn bà vợ Elizabeth đã qua đời không lâu trước đó vì căn bệnh ung thư. 

Giữa năm 2006, Bergling còn quyết định hoạt động chính trị khi gia nhập vào đảng cánh tả Thụy Điển (thay thế cho đảng Cộng sản trước đây), thậm chí còn ra tranh cử vào Quốc hội nhưng thất bại. Về già, cựu điệp viên nổi tiếng một thời của GRU (giờ đã 72 tuổi) lui về sống ẩn dật với chứng bệnh Parkinson, và hiện phải đi lại trên xe lăn

Thái Quân (tổng hợp)
.
.