Sự biến mất bí ẩn của 3.000 tay súng Tiểu đoàn Nanking

Thứ Hai, 20/07/2020, 22:38
11 giờ khuya ngày 9/12/1937, Thiếu tá Li Fu Sien, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Nanking lên giường ngủ sau khi Đại úy Chen Liu, tiểu đoàn phó phụ trách tác chiến báo cáo rằng ông vừa đi kiểm tra từng vị trí phòng thủ. Tất cả các tay súng của 4 đại đội đều sẵn sàng đương đầu với những cuộc tấn công tập kích của phát xít Nhật.

Thế nhưng 5 giờ sáng, vẫn đại úy Chen Liu đánh thức thiếu tá Li Fu Sien để thông báo một tin động trời: 3.000 người lính của tiểu đoàn đã biến mất không tăm tích…

Bối cảnh về sự biến mất của Tiểu đoàn Nanking

Ngày 7/7/1937, chiến tranh Trung Quốc, Nhật Bản nổ ra, khởi đầu bằng vụ đụng độ trên cầu Marco Polo bắc qua sông Yongding, đối diện thành phố Bắc Kinh. Nhằm tránh thương vong nếu phải tham chiến tại miền Bắc, nơi phát xít Nhật đã xây dựng những căn cứ vững chắc,  lực lượng Quốc dân đảng Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Thống chế Tưởng Giới Thạch quyết định tấn công Thượng Hải, miền trung Trung Quốc.

Một đại đội thuộc tiểu đoàn Nanking ở tuyến phòng thủ.

Cuộc tấn công kéo dài đến ngày 9/11 thì Quốc dân đảng đại bại dưới tay Quân đoàn 10 Nhật Bản, chỉ huy là tướng Heisuke Yanagawa. Ngày 19, tướng Yanagawa ra lệnh cho Quân đoàn 10 bao vây Nanking - là thủ đô của Trung Hoa Dân quốc - nhằm chặn đường rút lui cuả quân Quốc dân đảng.

Trước đó - ngày 15/10, khi trận Thượng Hải đi vào ngõ cụt, Tưởng Giới Thạch đã triệu tập Hội đồng Quốc phòng tối cao để bàn về việc phòng thủ Nanking. Trong cuộc họp, một mặt Tưởng Giới Thạch hạ quyết tâm sẽ giữ Nanking đến người cuối cùng nhưng mặt khác, ông  ta lại ra lệnh dời thủ đô của Trung Hoa dân quốc từ Nanking về Trùng Khánh.

Ngày 20/11, quân đội Quốc dân đảng và những đội dân quân tình nguyện bắt đầu củng cố các công sự bảo vệ thành phố Nanking, cả bên trong lẫn bên ngoài. Từ thời nhà Minh, Nanking đã được bao quanh bởi bức tường bằng đá dài gần 50km, cao 12m, dày 5m thì nay quân đội Quốc dân đảng và dân quân tình nguyện nâng nó lên 20m, dày 9m, trên mặt tường bố trí những ụ súng máy.

Bên ngoài bức tường là một mạng lưới chằng chịt giao thông hào, bãi mìn, dây thép gai, pháo đài, hố chiến đấu cá nhân, dài 16km.  Tất cả mọi căn nhà, vườn cây, rừng rú nằm gần mạng lưới này từ 1 đến 2km đều bị triệt hạ nhằm mở rộng tầm nhìn cho quân phòng thủ.

Về mặt lý thuyết, lực lượng bảo vệ Nanking gồm 13 sư đoàn, trực thuộc Quân đoàn 1 và Quân đoàn 3 nhưng thực tế sau trận Thượng Hải, hơn một nửa quân số suy kiệt về thể chất, trang thiết bị yếu kém do chưa kịp bổ sung, tinh thần xuống dốc.

Để tăng cường, Tưởng Giới Thạch đã điều động 16.000 thanh niên, kể cả thiếu niên ở Nanking và các vùng xung quanh cùng 14.000 tân binh đến từ Hankou. Trong số này có tiểu đoàn Nanking, chỉ huy là thiếu tá Li Fu Sien, trực thuộc Sư đoàn 9, Binh đoàn 7, Tập đoàn quân 34, Quân khu 1, do đại tướng Hu Zongnan là tự lệnh.

Ngày 3/12, quân đội Phát xít Nhật bắt đầu đánh Nanking bằng những trận pháo kích và ném bom. Tiểu đoàn Nanking khi đó nhận nhiệm vụ bảo vệ cây cầu bắc qua sông Yangzi, cửa ngõ chính dẫn vào thành phố.

Lúc nghe đại úy Chen Liu báo cáo 3.000 quân thuộc tiểu đoàn Nanking biến mất, thiếu tá Li Fu Sien lập tức cùng một trung đội vệ binh xuống các vị trí mà tiểu đoàn nhận trách nhiệm phòng thủ. Trong ánh sáng bình minh mờ nhạt, trước mắt Li Fu Sien là từng dãy chiến hào trống trơn, không một bóng người. Có vẻ họ đã bỏ đi lúc nửa đêm bởi lẽ tại các bếp ăn đại đội, củi lửa lạnh tanh còn ở các ụ súng máy, những khẩu đại liên Browning và trung liên Bar cũng biến mất như thể chúng chưa hề tồn tại.

Chẳng một dấu vết nào chứng tỏ đêm qua đã có một cuộc chạm súng bởi lẽ nơi đặt sở chỉ huy tiểu đoàn chỉ cách dãy chiến hào 1km, nếu có chạm súng thì chắc chắn đại úy Chen Liu đã phát lệnh báo động.

Ra lệnh cho một toán trinh sát đi tìm, thiếu tá Li Fu Sien quay về sở chỉ huy. Một mặt, ông ra lệnh cho tiểu đoàn phó cùng trung đội vệ binh phải giữ bí mật thông tin này bởi lẽ trong tay ông lúc ấy chỉ còn một nhóm chưa đầy 100 người, bao gồm ban chỉ huy tiểu đoàn, vệ binh, quân y, hậu cần...

Li Fu Sien sợ rằng nếu họ biết 3.000 lính đào ngũ hoặc xấu hơn là đã đầu hàng quân Nhật thì chuyện vỡ trận là điều không thể tránh khỏi. Mặt khác, ông giao nhiệm vụ cho trung đội truyền tin, bằng mọi cách phải nói chuyện được với các đại đội trưởng hoặc đại đội phó của 4 đại đội mất tích. Trong nhật ký hành quân, đại úy tiểu đoàn phó Chen Liu viết: “Đến phiên liên lạc buổi sáng, thiếu tá Sien vẫn dặn bộ phận cơ yếu báo về sư đoàn là tình hình tác chiến bình thường”.

Về phía nhóm trinh sát, ra khỏi vị trí phòng thủ của tiểu đoàn Nanking, họ chỉ dám bò về phía trước khoảng 300m rồi nằm lại vì trước mặt họ, cách đó khoảng 500m là các chốt tiền tiêu của lính Nhật. Sau hơn nửa tiếng, khi ánh sáng mặt trời mùa đông ló dạng, họ bò về rồi báo cáo: “Không thấy bất kỳ một dấu vết nào của 3.000 lính”.

Quân Quốc Dân đảng bỏ chạy khi quân Nhật đánh Nanking.

Một nhóm trinh sát khác được lệnh tìm hiểu những người dân sống ở bên kia cầu nhưng câu trả lời đều giống hệt như nhau: “Suốt đêm qua, ngoài những người canh gác thỉnh thoảng đi lại, chúng tôi không thấy có đội quân nào qua cầu”

Từ đó đến trưa, thiếu tá Li Fu Sien dán tai vào chiếc radio. Theo suy luận của ông, nếu 3.000 lính tiểu đoàn Nanking đầu hàng quân Nhật thì chắc chắn trên các đài phát thanh, người Nhật đã tuyên truyền rầm rộ bởi đây là đòn tâm lý không thể bỏ qua.

Thậm chí họ còn có thể đưa các sĩ quan hàng binh lên đài tuyên bố nhằm khẳng định việc đầu hàng là có thật. Tuy nhiên, dù đã liên tục nghe đi nghe lại các bản tin chiến sự của Đài Phát thanh Tokyo phát bằng tiếng Trung Quốc hoặc các bản tin của Đài Phát thanh Mãn Châu, nhưng Li Fu Sien vẫn không thấy phía Nhật nói gì. Cuối cùng, lúc 3 giờ chiều, Li Fu Sien đành phải thảo một báo cáo, gửi về sở chỉ huy Sư đoàn 9.

Trong báo cáo ông viết: “Chúng tôi mất 4 đại đội gồm 3.000 sĩ quan và lính. Đêm hôm qua, họ được bố trí ở khu vực bên ngoài thành Nanking nhưng sáng nay, không ai còn thấy họ. Tôi đã cho trinh sát tìm kiếm tại những khu vực tình nghi nhưng không kết quả. Chẳng có cuộc tấn công nào của bộ binh Nhật xảy ra trong 24 giờ qua, họ chỉ bắn phá chúng tôi bằng pháo hạng nặng. Tin tức từ các đài phát thanh Nhật Bản cũng không đề cập đến tiểu đoàn Nanking…”.

Tiểu đoàn Nanking có thật biến mất không?

Nhận được báo cáo của thiếu tá Li Fu Sien, sở chỉ huy Sư đoàn 9 chưa kịp có hướng dẫn thì sáng sớm ngày 11/12, quân Nhật mở cuộc tấn công tổng lực vào thành phố Nanking. Chỉ trong 2 ngày, hơn 160.000 quân phòng thủ Quốc Dân đảng lớp chết, lớp bị thương, lớp đầu hàng, lớp bỏ chạy.

Đến 5 giờ chiều ngày 12, Thống chế Tưởng Giới Thạch ra lệnh bỏ Nanking bằng cách cho sĩ quan, binh lính còn lại vượt sông Yangzi, chạy qua thành phố Fukou ở phía bờ đối diện. Khi đến Fukou, con số sống sót chỉ còn khoảng 600 người.

Thời gian tiếp theo, những trận đánh khốc liệt liên tục nổ ra giữa một bên là Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và quân đội phát xít Nhật, giữa Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch cũng với phát xít Nhật đã khiến chẳng ai hơi đâu tìm hiểu sự biến mất của 3.000 người lính thuộc tiểu đoàn Nanking.

Lính Quốc Dân đảng và thường dân bị quân Nhật thảm sát sau khi chiếm được Nanking.

Chỉ đến khi Thế chiến II chấm dứt, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949, Tưởng Giới Thạch chạy sang đảo Đài Loan, tái thành lập Trung Hoa Dân quốc thì số phận tiểu đoàn Nanking mới được nhắc lại.

Theo các chuyên gia quân sự, khả năng 3.000 lính tiểu đoàn Nanking đầu hàng quân Nhật là chuyện không thể xảy ra vì người Trung Quốc đã quá hiểu cách đối xử khủng khiếp mà các tù nhân chiến tranh nhận được từ phía Nhật. Nếu tiểu đoàn Nanking đầu hàng Nhật, họ sẽ bị tra tấn và giết sạch như khi quân Nhật làm chủ thành phố Nanking: Từ ngày 13 đến ngày 17/12/1937, 200 nghìn người, cả tù binh Quốc Dân đảng lẫn dân thường bị thảm sát, khoảng 20 nghìn phụ nữ bị hãm hiếp.

Vẫn theo các chuyên gia quân sự, khả năng thứ hai là 3.000 người lính đã đào ngũ nhưng điều này không có cơ sở bởi lẽ khi đào ngũ, họ không thể chạy vào thành phố Nanking vì nếu muốn vào, họ buộc phải đi qua cây cầu bắc ngang sông Yangzi, và sẽ bị phát hiện bởi những đội tuần tra bảo vệ cầu.

Còn nếu chạy về phía phòng tuyến quân Nhật thì trước đó, khi lập kế hoạch phòng thủ Nanking, tướng Hu Zongnan, tư lệnh Quân khu 1 Quốc Dân đảng đã ra lệnh phát quang cách chiến hào từ 1 đến 2km nên quân Nhật sẽ dễ dàng phát hiện và tiêu diệt họ. Nếu họ đào ngũ bằng cách trà trộn vào dân thì không người dân nào có thể giấu hết 3.000 lính.

Để khẳng định 3.000 lính biến mất chỉ là chuyện bịa đặt giật gân, các chuyên gia quân sự còn nêu thêm một bằng chứng. Đó là trong chiến tranh Trung - Nhật, quân đội Quốc Dân đảng được người Mỹ hậu thuẫn về khí tài. Mô hình tổ chức của họ cũng na ná như quân đội Mỹ: 1 tiểu đội có từ 10 đến 12 lính, 3 tiểu đội hợp thành 1 trung đội, 3 trung đội hợp thành 1 đại đội và 4 đại đội hợp thành 1 tiểu đoàn.

Như vậy, quân số của 1 tiểu đoàn dao động trong khoảng từ 600 đến 900 tay súng, bao gồm cả vệ binh, trinh sát, quân y, hậu cần, vũ khí nặng… chứ không thể là 3.000 lính như tiểu đoàn Nanking. Chưa kể lời khai của tù binh Nhật sau này cho thấy trước ngày nổ ra chiến dịch tấn công Nanking, họ không hề gặp cùng một lúc 3.000 quân Quốc dân đảng.

Tuy nhiên, những người bênh vực cho sự biến mất của tiểu đoàn Nanking lại có những lập luận khác. Bằng cách tra cứu hồ sơ quân lực Quốc Đân đảng khi đã chạy sang Đài Loan, họ khẳng định tiểu đoàn Nanking, tiểu đoàn trưởng Li Fu Sein, tháng 12/1937 chiến đấu tại mặt trận Nanking là có thật nhưng họ không nêu ra quân số.

Thêm vào đó, ngoại trừ thân nhân của những người mất tích đang ở Trung Quốc đại lục, không thể tiếp cận được thì ở Đài Loan, họ đã phỏng vấn hơn 100 người có con em phục vụ trong tiểu đoàn Nanking. Ông Qian Yu Feng nói: “Con trai tôi là Qian Yu Wang, lính tiểu đoàn Nanking. Mãi đến năm 1957, tôi mới nhận được thông báo là con tôi mất tích”.

Ông Ying Cheng nói thêm: “Tôi cũng có đứa con trai mất tích ở Nanking. Nó là trung sĩ của tiểu đoàn này” còn ông Li Wei cho biết sau khi nhận được thông báo con ông mất tích, ông đã đến bộ phận quân lực thuộc Bộ Quốc phòng Trung Hoa dân quốc để hỏi về trường hợp con ông: “Họ chỉ trả lời là thiếu úy Li Shu Dai không nằm trong danh sách những người tử trận ở Nanking, mà là mất tích”.

Sự biến mất của 3.000 người lính còn làm nảy sinh thuyết âm mưu. Một số người cho rằng xung quanh vũ trụ của chúng ta là những vũ trụ khác. Một trong số đó có lực hút rất mạnh mà cụ thể là những vụ biến mất bí ẩn của máy bay, tàu thuyền tại Tam giác quỷ Bermuda nên 3.000 người lính tiểu đoàn Nanking rất có thể đã bị… hút!

Theo nhà sử học Wang Yu, giảng viên Lục quân Học viện Đài Loan thì dựa trên tất cả những chứng cứ, vụ mất tích của tiểu đoàn Nanking là có thật, nhưng con số đã được thổi phồng lên 3.000 người nhằm biện minh cho sự vỡ trận nhanh chóng của một trong những tuyến phòng thủ đầu tiên bảo vệ thành phố…

Vũ Cao (Theo History - Nanking battalion disappeared)
.
.