Sự cố lớn nhất trong lịch sử kỹ thuật tên lửa Liên Xô

Chủ Nhật, 14/11/2010, 15:30
50 năm trước, vào ngày 24/10/1960, tại sân bay vũ trụ Baikonur, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa R-16 đã nổ tung trong khi chuẩn bị được phóng. Theo nguồn tin chính thức, 74 người chết tại chỗ, 4 người khác bị thương nặng, sau đó cũng đã không qua khỏi.

Nguồn tin khác cho biết vụ nổ đã làm thiệt mạng 126 người, trong đó có Nguyên soái Mitrofan Nedelin, Tư lệnh đầu tiên Bộ đội tên lửa chiến lược Liên Xô. Vì thế người ta gọi đây là "Sự cố Nedelin".

Vì nôn nóng chạy đua?

Tên lửa R-16 (tương đương tên lửa SS-7 Saddler của NATO), được chế tạo tại Phòng thiết kế "Phương Nam" dưới sự lãnh đạo của Tổng công trình sư Mikhail Yanghel, để thay thế cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Liên Xô R7 (tương đương tên lửa SS-6 Sapwood của NATO). Cũng trong thời gian đó, Phòng thiết kế thử nghiệm số 1 của Tổng công trình sư S.Korolev chế tạo tên lửa R-9 (tương đương tên lửa SS-8 Sasin của NATO).

Sự khác nhau có tính nguyên tắc giữa tên lửa R-16 và tên lửa R-9 là ở động cơ và nhiên liệu. Tên lửa R-16 của M.Yanghel được nạp một hỗn hợp chất nổ cực độc giữa dimetil lỏng không cân xứng với axit nitric, còn tên lửa R-9 của S.Korolev được nạp hỗn hợp dầu lửa với ôxy lỏng. Tính ưu việt tên lửa R-16 của M.Yanghel là sau khi đã nạp nhiên liệu thì vẫn có thể đứng ở bệ phóng cả tháng trời, trong khi với R-9 của S.Korolev không thể như vậy vì ôxy lỏng nhanh bay hơi, bởi vậy đối với R-9 chỉ có thể nạp nhiên liệu ngay trước khi phóng, đã nạp nhiên liệu không thể để quá 20 phút mới phóng.

Nhà chế tạo động cơ tên lửa hàng đầu của Liên Xô (thời bấy giờ) V.Glushko và nguyên soái M.Nedelin, Tư lệnh Bộ đội tên lửa chiến lược đầu tiên của Liên Xô đánh giá rất cao tên lửa R-16 của M.Yanghel. Có lẽ vì vậy, tên lửa này đã vội vàng được đưa ra phóng thử vào ngày 24/10/1960.

Trong quá trình chuẩn bị phóng R-16, người ta đã phát hiện rất nhiều thiếu sót, bất ổn, buộc phải khắc phục ngay tại bệ phóng. Lịch trình phóng thử đã phải lui lại một ngày, từ chiều 23 sang chiều 24/10. Việc rót và pha trộn nhiên liệu từ các bình chứa vào tên lửa được tiến hành rất vội vàng để tiết kiệm thời gian.

Tổng công trình sư Mikhail Yanghel.

Nguyên soái M.Nedelin trực tiếp lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về cuộc phóng thử tên lửa R-16. Ông đã hối thúc mọi người phải làm việc khẩn trương, để sớm hoàn thành thắng lợi cuộc thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, nhằm lập công nhân dịp kỷ niệm lần thứ 43 Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại vào ngày 7/11/1960.

Sau khi nạp nhiên liệu, tên lửa sẵn sàng trên bệ phóng, xung quanh bệ phóng (trong phạm vi nguy hiểm) có mặt rất nhiều người. Khi ấy, trên bãi phóng có mặt cả Tổng công trình sư chế tạo tên lửa R-16 M.Yanghel, Trưởng nhóm thiết kế hệ thống điều khiển tên lửa B.Konoplev và Nguyên soái M.Nedelin...

Với tư cách Chủ tịch Ủy ban Nhà nước về việc phóng thử loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, Nguyên soái M.Nedelin ngồi cách xa bệ phóng chỉ chừng 15 mét và trực tiếp điều hành mọi công việc chuẩn bị.

Do có sự nôn nóng, vội vàng chạy đua với Mỹ, hơn nữa giữa các nhóm thiết kế tên lửa Liên Xô để xảy ra nhiều sơ suất, đặc biệt về hệ thống động cơ và mạng điều khiển. Cuối cùng, chính vì sự cố điện trong hệ thống điều khiển, động cơ mới được đưa vào chế độ khởi động đã tăng vọt lên mức hai, quá nóng, đã đánh lửa vào bình nhiên liệu tầng 1, làm cho tên lửa nổ tan tành ngay trên bệ phóng.

Trong số 78 người thiệt mạng, theo nguồn tin chính thức, ngoài Nguyên soái M.Nedelin còn có hai Phó tổng công trình sư L.Berlin và V. Kontsevoi, Phó trưởng phòng thiết kế động cơ G.Firsov, Phó giám đốc sân bay vũ trụ Baikonur A.Nosov, Phó cục trưởng Cục Thử nghiệm số 1 tên lửa Liên Xô E.Ostashev, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô Grishin.

Theo con số thống kê của B.Chertok, trợ lý của Tổng công trình sư S.Korolev, số người thương vong trong sự cố nổ tên lửa R-16 lên tới 126 người. Một số nguồn tin khác cho biết, con số thiệt hại của vụ nổ không dưới 150 người.

Tổng công trình sư chế tạo tên lửa R-16 M.Yanghel và một số quan chức khác thoát nạn trong vụ này chỉ vì một lý do rất tình cờ - Trong lúc chờ đợi khắc phục khiếm khuyết trong công tác chuẩn bị phóng thử, thấy lâu quá, M.Yanghel và mấy người bạn rủ nhau tránh ra xa bệ phóng để hút thuốc lá...

Sau tiếng nổ dữ dội bất ngờ, nhìn cảnh bệ phóng số 41 tan hoang, bao đồng đội, đồng chí nằm ngổn ngang, thậm chí không còn tìm thấy xác Nguyên soái M.Nedelin, Tổng công trình sư M.Yanghel bị sốc mạnh, lặng người đi hàng giờ đồng hồ. Sản phẩm của ông đã gây thiệt hại rất nặng nề cả về người và tiền của cho đất nước. 

Hậu sự cố Nedelin

Về sau, một phụ tá rất đắc lực của S.Korolev là B. Chertok đã viết cuốn hồi ký nổi tiếng "Những tên lửa và những con người", trong đó khẳng định rằng: Việc chuẩn bị cho phóng thử tên lửa R16 là quá vội vàng. Thứ nhất là vì ngày 8/10/1960, Mỹ đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới "Atlas". Do đó Ban lãnh đạo Liên Xô yêu cầu phải nhanh chóng "đáp trả một cách tương xứng". Thứ hai, Tổng công trình sư  M. Yanghel cũng muốn "chơi trội" đối với Tổng công trình sư S.Korolev.

Những mảnh tên lửa sau vụ nổ R-16 trên bệ phóng số 41, sân bay vũ trụ Baikonur, ngày 24/10/1960.

Ủy ban điều tra về nguyên nhân vụ nổ do L.Brezhnev, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô đứng đầu, đã bay ngay đến sân bay vũ trụ Baikonur. Sau khi tận mắt quan sát hiện trường và xem đoạn băng video ghi lại vụ nổ tên lửa R-16 và đám cháy tại bệ phóng số 41, ông L.Brezhnev tuy bị sốc mạnh nhưng vẫn đưa ra quyết định rất công minh là không trừng phạt bất cứ ai.

Sau đó, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng Liên Xô đưa tin: Nguyên soái M.Nedelin đã hy sinh trong một tai nạn máy bay và được mai táng bên cạnh bức tường Điện Kremlin. Các đồng đội của ông được mai táng tại Nghĩa trang "Những người anh em" ở sân bay vũ trụ Baikonur. Còn các chuyên gia dân sự được đưa về mai táng ở quê hương họ.

Sau vụ này, Tổng công trình sư M.Yanghel bị nhồi máu cơ tim, phải điều trị một thời gian. Nhưng sau khi bình phục, ông còn tiếp tục làm việc trong ngành tên lửa vũ trụ hơn 10 năm nữa. Mọi thông tin về "Sự cố Nedelin" được giữ bí mật tuyệt đối hơn 30 năm. Mãi đến đầu những năm 90 thế kỷ trước mới dần dần được hé lộ.

Sau "Sự cố Nedelin", Nguyên soái Kirill Moskalenko được bổ nhiệm làm Tư lệnh Bộ đội tên lửa chiến lược Liên Xô. Rút ra bài học từ người tiền nhiệm, ông tỏ ra bình tĩnh cả trong những vấn đề kỹ thuật, cũng như cuộc "chạy đua ngấm ngầm" giữa các tổng công trình sư tên lửa S.Korolev, M.Yanghel, V.Glushko và  các công trình sư hàng đầu khác.

Ngày 2/2/1961, Liên Xô phóng thử lần thứ hai tên lửa R-16 và được coi là thành công, cho dù tên lửa bay lên được ít phút, nó đã bị rơi trên thảo nguyên thuộc Cộng hòa Kazahkstan. Mãi tới tháng 2/1963, tên lửa R-16 mới được coi là hoàn toàn thành công và đưa vào lực lượng thường trực chiến đấu

Ngô Sơn (tổng hợp)
.
.