Sự dính líu của CIA trong cái chết của một công dân Đức

Thứ Ba, 19/01/2010, 11:30
Liệu có phải đặc vụ CIA và nhân viên công ty an ninh tư nhân đầy tai tiếng Blackwater của Mỹ có liên quan đến vụ sát hại một nghi can khủng bố người Đức gốc Syria ở Hamburg? Một báo cáo mới đây của tạp chí Mỹ Vanity Fair đã gây bối rối cho các chính khách cao cấp, từ đảng Dân chủ cơ đốc bảo thủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho đến đảng đối lập khuynh tả Dân chủ xã hội và đảng Xanh. Các chính khách đòi hỏi có câu trả lời và Viện công tố Đức phải vào cuộc điều tra.

Bài báo - được xuất bản trước lễ Giáng sinh 2009 nhưng chỉ bắt đầu thu hút sự chú ý của giới chính khách Đức vào đầu tháng 1/2010 - cho biết CIA đã hợp tác với Công ty An ninh tư nhân Mỹ Blackwater (mới được đổi tên là Xe) âm mưu sát hại một công dân Đức gốc Syria tên là Mamoun Darkazanli. Một nhóm nhân viên đặc biệt được Blackwater gửi đến Đức để săn tìm và giết chết Mamoun Darkazanli. Tạp chí Vanity Fair cũng cho biết, các cơ quan chính quyền Đức, thậm chí cả các thành viên trong nội các Đức, cũng không hề được thông tin về vụ mưu sát này.

Ông Christoph Steegmans, người phát ngôn đại diện Chính phủ Đức, nói: "Tôi không hề được thông tin về những gì được đề cập trong bài báo". Steegman nói, bất cứ sự hiểu biết nào về vấn đề đều "xuất phát từ báo chí nước ngoài". Bộ Ngoại giao Đức cũng cho biết, họ hoàn toàn không biết gì về vụ mưu sát công dân Đức Mamoun Darkazanli. Tuy nhiên, chính khách ưu tú của đảng Xanh là Hans-Christian Strobele cho biết, ông còn hoài nghi về thông tin của tạp chí Mỹ Vanity Fair.

Ông nói: "Vấn đề là CIA có thể làm bất cứ điều gì ở nước Đức. Hành động vận chuyển tù nhân bí mật sau ngày 11/9 đã cho thấy không ai dám làm gì CIA. Thử hình dung điều ngược lại. Nếu như BND (Cơ quan Tình báo liên bang Đức) tiến hành một chiến dịch thông qua một công ty bình phong, như ở New Orleans chẳng hạn, thì đó sẽ là sự kiện động trời".

Các chính khách Đức cũng nói rằng, nếu sự việc có thật, sẽ có thể gây căng thẳng cho mối quan hệ giữa BerlinWashington. Stronele, chính khách ưu tú của đảng Xanh nói ông sẽ đề nghị Ủy ban Kiểm soát của Quốc hội bàn luận về vấn đề mà tạp chí Vanity Fair đặt ra. Theo Stronele, người ta sẽ thắc mắc "vậy thì các cơ quan tình báo của Đức đã ở đâu?".

Mamoun Darkazanli chào đời ở Aleppo, Syria, ngày 4/8/1958. Y di chuyển đến Đức vào một thời điểm nào đó trong thập niên 80, năm 1990 trở thành ông chủ của "Công ty xuất nhập khẩu Darkazanli" và có những quan hệ làm ăn với nước ngoài. Năm 1993, có một người đàn ông bị bắt giữ ở châu Phi cùng với số tiền giả, các passport giả và số điện thoại của Mamoun Darkazanli - một yếu tố khiến chính quyền nước Đức nghi ngờ về tính chân thực của doanh nghiệp của y.

Giữa năm 1995 và 1998, công ty của Darkazanli nhận 250.000 USD từ Twaik Group Deposits - một công ty bình phong cho tình báo Arập. Số điện thoại của Mamoun Darkazanli một lần nữa được tìm thấy trong sổ điện thoại của Wadih el Hage khi người này bị Cảnh sát Kenya bắt giữ ở Nairobi ngày 23/8/1997. Về sau, năm 1999, CIA cân nhắc khả năng tuyển mộ Mamoun Darkazanli làm gián điệp trong một nhóm Hồi giáo ở Hamburg (gọi là Hamburg Cell) do y có quan hệ mật thiết với thủ lĩnh khủng bố Mahamed Atta.

Tháng 1/2000, Mamoun Darkazanli bay đến Tây Ban Nha để gặp thủ lĩnh mạng lưới Al-Qaeda là Imad Yarkas ở nước này. Lúc đó, Imad Yarkas đang bị Cảnh sát Tây Ban Nha theo dõi, nhưng thông tin về người này không được chia sẻ với CIA hay tình báo Đức. Sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, các tài khoản của Mamoun Darkazanli ở Mỹ đều bị đóng băng. 

Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn để chứng minh CIA thực sự có toan tính đến việc giết chết Darkazanli hay không. Âm mưu chắc chắn là có vẻ hợp lý, bởi vì CIA đã rất tốn công sức theo dõi người Hồi giáo này trong nhiều năm. Các quan chức ở Washington coi doanh nhân Đức gốc Syria này là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong nhánh khủng bố ở Hamburg của Mohamed Atta - tổ chức tiến hành vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Liệu có phải CIA đã tìm cách tuyển mộ Darkazanli làm gián điệp cho họ? Và trong suốt nhiều năm, Washington cũng phát cáu trước sự việc người Đức luôn che chở cho Darkazanli bất chấp việc các cơ quan tình báo nước này từng giám sát chặt chẽ doanh nhân người Đức gốc Syria này.

Ngay trước sự kiện ngày 11/9, Cơ quan Bảo vệ Hiến pháp của Đức (OPC), một nhánh ở Hamburg của Cơ quan Tình báo nội địa Đức, đã tiến hành điều tra Darkazanli vì họ tin rằng, nhân vật này có dính líu đến môi trường thánh chiến quốc tế của người Hồi giáo cực đoan - một điều mà Darkazainli ra sức phủ nhận. Thêm nữa, người Đức không bao giờ thu thập đủ bằng chứng để truy tố Darkazinli.

Năm 2005, Tòa án Tối cao Đức vào phút cuối cùng đã quyết định từ chối yêu cầu dẫn độ Darkazinli của phía Tây Ban Nha. Viện Công tố Tây Ban Nha tin rằng, Darkazinli liên quan đến mạng lưới Al-Qaeda. Trong mắt người Mỹ, đó là bằng chứng cuối cùng cho thấy người Đức có vẻ miễn cưỡng trong hành động xử lý các nghi can khủng bố.

Trong số tháng 11/2002, tờ Chicago Tribune của Mỹ tiết lộ, CIA rất tức tối về một sự việc trong năm 1999. Lúc đó CIA nhiều lần tìm cách tuyển mộ Darkazinli làm gián điệp cho họ. Nhưng Cơ quan Bảo vệ hiến pháp ở Hamburg đã thẳng thừng từ chối yêu cầu, nói với CIA rằng các cơ quan tình báo nước ngoài không được phép hoạt động bên trong nước Đức. Hiện nay, cho dù âm mưu sát hại Mamoun Darkazainli có thật sự tồn tại hay không, ngành tư pháp Đức cũng đang quan tâm đặc biệt đến vụ việc này và có thể sẽ mở một cuộc điều tra

Thục Miên (tổng hợp)
.
.