Sự thật về "Chiến dịch trục xuất người Albania ra khỏi Kosovo" năm 1999

Thứ Năm, 26/03/2009, 09:55
Theo tướng Loquai, kịch bản của chiến dịch Horseshoe đã được BND, CIA và DGSE thống nhất tạo ra sau khi Hội nghị quốc tế bàn về việc trao quyền tự trị cho Kosovo tổ chức tại Rambouillet, Pháp vào hai ngày 14 và 15/2/1999 bị thất bại khi gặp phản ứng quyết liệt của Nam Tư và Nga...

Vào ngày 7/4/1999, gần 2 tuần sau khi Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) tấn công bằng không quân vào Kosovo và Nam Tư gây xôn xao dư luận thế giới, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Joschka Fischer trong một cuộc họp báo quốc tế tổ chức tại thành phố Berlin đã thông báo về việc Chính phủ Đức đã nắm bắt được thông tin về một kế hoạch bí mật của Chính phủ Nam Tư triển khai tại Kosovo nhằm trấn áp hoạt động của tổ chức vũ trang Quân đội Giải phóng Kosovo (KLA) và trục xuất toàn bộ người Albania ra khỏi Kosovo. Kế hoạch này có tên gọi chiến dịch Horseshoe (Móng ngựa).

Ngày 9/4/1999, đến lượt Bộ trưởng Quốc phòng Đức Rudolf Sharping, tại một cuộc họp báo quốc tế tổ chức tại thành phố Bonn, đã công bố chi tiết về chiến dịch Horseshoe đang được triển khai tại Kosovo mà ông Sharping cho rằng đó là một hành động diệt chủng. Theo đó, cho đến cuối tháng 6/1999, quân đội, cảnh sát và dân binh vũ trang của chính quyền Nam Tư sẽ hoàn thành việc  tiêu diệt KLA và trục xuất toàn bộ người Albania và người Kosovo gốc Albania về Albania và Macedonia.

Tướng Nebojsa Pavkovic, Chỉ huy Quân đoàn số 3 của quân đội Nam Tư tại Kosovo được giao nhiệm vụ chỉ huy chiến dịch Horseshoe. Chiến dịch thanh trừng sắc tộc này được triển khai chủ yếu tại các vùng có đông đảo người Albania sinh sống như thành phố Ped, Prizen, Djakovica, Velika Krusche, Trepca và thủ phủ Pristina. Trong trường hợp gặp phản kháng, quân đội, cảnh sát và dân binh vũ trang được quyền sử dụng vũ lực.

Thông tin về việc chính quyền Nam Tư triển khai một chiến dịch quân sự mang tính phân biệt chủng tộc và diệt chủng lớn nhất thế giới kể từ khi sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai chấm dứt, đã làm khuấy đảo ngược chiều dư luận thế giới, từ chỗ lên án việc NATO tấn công bằng không quân vào Nam Tư từ ngày 24/3/1999 là trái với luật pháp quốc tế, quay sang ủng hộ hành động tấn công Nam Tư của NATO, đồng thời lên án hành động được cho là thanh trừng sắc tộc của chính quyền Nam Tư đối với người Albania sinh sống tại Kosovo.

Quả thật, sau cuộc họp báo của hai lãnh đạo đứng đầu ngành ngoại giao và quốc phòng Đức, diễn ra liên tiếp chỉ trong vòng hai ngày 7 và 9/4/1999, NATO quyết định đẩy mạnh chiến dịch quân sự vào lãnh thổ Nam Tư và Kosovo và chỉ chấm dứt vào ngày 10/6/1999 khi chính quyền Nam Tư quyết định triệt thoái toàn bộ lực lượng vũ trang ra khỏi Kosovo.

Cho dù, trong nhiều thông báo trước đó, Chính phủ Nam Tư luôn khẳng định cái gọi chiến dịch trục xuất người Albania ra khỏi Kosovo chỉ là chuyện bịa đặt của NATO lấy cớ để tấn công Nam Tư. Chính phủ Nam Tư còn cho rằng, việc triển khai các hoạt động quân sự  tại Kosovo chỉ nhắm vào việc trấn áp các hành động tấn công vào các cơ sở quân sự và dân sự của KLA gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, xã hội tại Kosovo. Tuy nhiên, mọi lý giải của Chính phủ Nam Tư đều bị NATO bác bỏ  và không được các quốc gia phương Tây quan tâm.

NATO đổ quân vào Kosovo sau khi quân đội Nam Tư buộc phải triệt thoái vào tháng 6/1999.

Sự thật về chiến dịch này chỉ được làm sáng tỏ vào tháng 4/2003, gần 3 năm sau khi cuộc chiến Kosovo kết thúc và Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic khi đó đang bị xét xử về tội diệt chủng bởi Tòa án Quốc tế tại Hà Lan, khi Heinz Loquai, tướng lục quân Đức đã nghỉ hưu, từng giữ chức vụ Phó chỉ huy quân đội Đức tham gia chiến dịch quân sự của NATO tại Kosovo vào năm 1999, đã tiết lộ với tuần báo Die Woche của Đức rằng, Horseshoe là một chiến dịch không có thực, được tạo ra bởi Cơ quan Tình báo Đức (BND), Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan Tình báo hải ngoại Pháp (DGSE) nhằm lấy cớ để NATO tăng cường hoạt động tấn công quân sự vào Nam Tư và Kososvo.

Theo tướng Loquai, kịch bản của chiến dịch Horseshoe đã được BND, CIA và DGSE thống nhất tạo ra sau khi Hội nghị quốc tế bàn về việc trao quyền tự trị cho Kosovo tổ chức tại Rambouillet, Pháp vào hai ngày 14 và 15/2/1999 bị thất bại khi gặp phản ứng quyết liệt của Nam Tư và Nga. Đến ngày 24/3/1999, NATO quyết định tấn công bằng không quân vào Nam Tư và Kosovo nhưng đã gặp phản ứng quyết liệt của dư luận quốc tế. Đến ngày 7 và sau đó là ngày 9/4/1999 xuất hiện thông tin về chiến dịch Horseshoe từ Bộ trưởng Ngoại giao Đức Fischer và Bộ trưởng Quốc phòng Đức Sharping. Tuy nhiên, để khách quan, Chính phủ Đức thông báo rằng, thông tin về chiến dịch Horseshoe mà phía Đức có được  là do tình báo Bulgaria cung cấp.

Một điệp viên nội gián tầm cỡ của tình báo Bulgaria cài cắm sâu vào Bộ Quốc phòng Nam Tư đã thu thập chi tiết nội dung của chiến dịch Horseshoe và sau đó chuyển giao về Sofia, thủ đô của Bulgaria. Xét tính chất nghiêm trọng của vụ việc mà nếu không có sự cảnh báo và sau đó là can thiệp kịp thời của cộng đồng quốc tế sẽ xảy ra một cuộc thanh trừng sắc tộc đẫm máu tại Kosovo nên Chính phủ Bulgaria đã quyết định chuyển giao toàn bộ tài liệu thu thập được về chiến dịch Horseshoe cho Chính phủ Đức. Và sau đó đã diễn ra liên tiếp hai cuộc họp báo tại Đức để thông báo về việc Chính phủ Nam Tư triển khai chiến dịch trục xuất người Albania ra khỏi Kososvo.

Để “trả công” cho Bulgarie, năm 2002, NATO quyết định kết nạp Bulgaria làm thành viên chính thức và đến năm 2003, Bulgaria còn được Liên minh châu Ââu đưa vào danh sách quốc gia có tiềm năng để được xét kết nạp.

Bên cạnh đó năm 2001, Tòa án  quốc tế La Haye tại Hà Lan còn sử dụng tài liệu về chiến dịch Horseshoe làm  bằng chứng để buộc tội diệt chủng đối với Tổng thống Slobodan Milosevic mà như theo tướng Đức Heinz Loquai chiến dịch Horseshoe chỉ là sản phẩm từ trí tưởng tượng của các cơ quan tình báo phương Tây mà thôi

V.H. (theo La Revue)
.
.