Sự thật về đội tàu ngầm quân sự bí mật của Israel

Thứ Bảy, 20/11/2004, 18:02

Cùng với vũ khí hạt nhân và Cơ quan tình báo Mossad, đội tàu ngầm quân sự bí mật được xem là một trong những vũ khí tối thượng của Israel. Sự tồn tại của chúng luôn được bao phủ bởi những tin đồn, thật có, mà ảo cũng có.

Nếu như sự tồn tại của Cơ quan tình báo Mossad là hiển nhiên với những điệp vụ xuất quỷ nhập thần nhưng cũng đầy tai tiếng, thì đến năm 1986, cả thế giới đều sửng sốt khi có tin Israel bí mật chế tạo vũ khí hạt nhân. Mordehai Vanunu, một chuyên viên về hạt nhân của nước này, trốn ra nước ngoài rồi bán tin cho nhật báo Sunday Times của Anh. Vì hành động này mà Vanunu bị bắt giữ rồi bị dẫn giải về Israel để nhận bản án 18 năm tù giam. Riêng thông tin về đội tàu ngầm quân sự của Israel lâu nay vẫn còn nằm trong vòng bí mật.

Thế nhưng, mùa hè năm 2004, giữa lúc chương trình hạt nhân của Iran đang làm nóng lên tình hình thời sự Trung Đông thì Israel cũng bắt đầu hé mở sự tồn tại của đội tàu ngầm quân sự. Bộ trưởng Quốc phòng Shaul Mofaz công khai tuyên bố chương trình hạt nhân của Iran đe dọa đến nền an ninh của IsraelIsrael có thể sử dụng mọi biện pháp để đánh trả và tiêu diệt mối đe dọa này.

Ba tàu ngầm hải quân của Israel được sản xuất tại nhà máy đóng tàu Lubeck, Đức, từ năm 1990 đến năm 2000. Chiếc đầu tiên được bàn giao năm 1999 và được đặt tên INS Dolphin. Một năm sau, hai chiếc còn lại cũng được bàn giao và được đặt tên INS Leviathan và INS Tekuma.

Thế hệ tàu ngầm mới này nặng 1.928 tấn, dài 55,3 mét, có tốc độ di chuyển trong khi lặn là 17,5 hải lý/giờ, được đẩy bởi thế hệ máy tàu sử dụng nhiên liệu diesel kết hợp với năng lượng điện. Mỗi chiếc có thể chở 30 - 50 người và được trang bị 16 tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân kiểu Harpon của Mỹ. Cả ba đều được phủ một lớp sơn màu xanh lá cây sáng chống bám sóng điện từ khiến chúng có thể “tàng hình” trong nước.

Nằm sâu trong cảng quân sự Haifa của Israel trên biển Địa Trung Hải là một khối kết cấu lớn nửa nổi, nửa chìm được canh gác cẩn mật suốt ngày đêm, đó chính là hang ổ của đội tàu ngầm quân sự với lực lượng chính là ba tàu hải quân: INS Dolphin, INS Leviathan và INS Tekuma.

Lịch trình hoạt động của đội tàu ngầm quân sự này được giữ bí mật hoàn toàn. Chỉ biết rằng ngoài khơi Biển Đỏ và Vùng Vịnh luôn phải có một trong ba chiếc trực chiến 24/24. Đối tượng chính mà các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Harpon trên tàu ngầm nhắm vào trước đây là Iraq và Iran, còn hiện nay là Iran. Toàn bộ hoạt động của đội tàu này nằm trong một kế hoạch tác chiến tuyệt mật có tên gọi “Samson”.

Theo kế hoạch này, Israel sẽ sử dụng đòn giáng trả bằng vũ khí hạt nhân một khi sự tồn tại của Nhà nước Israel bị đe dọa bởi các cuộc tấn công phủ đầu của các quốc gia Ảrập và Hồi giáo. Nếu Israel bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học thì Israel sẽ tổ chức đánh trả ngay bằng vũ khí hạt nhân cả từ trên không, trên đất liền và trên biển. Nếu không quân và các căn cứ phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Israel bị hủy diệt thì nhiệm vụ giáng trả cuối cùng bằng vũ khí hạt nhân sẽ do đội tàu ngầm quân sự thực hiện.

Vào năm 1990, khi diễn ra cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, giai đoạn một của kế hoạch Samson đã được triển khai với việc đặt trong tình trạng báo động các căn cứ phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân  nằm gần thành phố Jerusalem, Tel-Aviv mà mục tiêu là Iraq.

Trong lịch sử hình thành của mình, đội tàu ngầm quân sự của Israel cũng  từng gặp sự cố, cho dù nó được hết sức giữ bí mật nhưng sau đó vẫn lộ ra trở thành tai tiếng tầm cỡ quốc gia. Chẳng hạn vụ mất tích của chiếc tàu ngầm Dakar vào năm 1968.

Vào một đêm đầu tháng 1/1968, chiếc tàu ngầm của Hải quân Israel có tên Dakar lặng lẽ cập cảng quân sự Porsmouth của Anh. Đây là thế hệ tàu ngầm quân sự kiểu GAL được chế tạo vào năm 1963 để trang bị cho Hải quân Anh và được chuyển nhượng hai chiếc cho Hải quân Israel vào năm 1966. Nhiệm vụ của chiếc Dakar đến Anh lần này là để được phía Anh trang bị thêm hệ thống rađa dò tìm cực mạnh có thể phát hiện hoạt động của tàu ngầm đối phương trong bán kính 100km, các hệ thống mìn bẫy đặt dưới biển và hệ thống các căn cứ quân sự của đối phương dọc theo bờ biển.

Sau khi công việc lắp đặt hoàn thành, chiếc Dakar rời cảng quân sự Porsmouth vào đêm 9/1/1968 tiến thẳng tới cảng quân sự Haifa của Israel. Thế nhưng đến ngày 24/1/1968, Hải quân Israel hoàn toàn mất dấu vết tàu ngầm này cùng với 69 thủy thủ và các khí tài quân sự thế hệ mới.--PageBreak--

Lập tức công việc truy tìm được tiến hành khẩn trương với sự giúp đỡ của hải quân Anh và Mỹ. Mãi đến tháng 5/1969, người ta mới thấy một chiếc phao cứu hộ, mà các nhà điều tra cho rằng là của tàu Dakar, trôi dạt vào một bãi biển ở dải Gaza thuộc Palestine hiện nay. Để xoa dịu nỗi đau của thân nhân thủy thủ đoàn bị mất tích, Chính phủ Israel một mặt cho mở nhiều cuộc tìm kiếm kéo dài đến tận những năm 90, cho rao tìm trên báo, cả trong nước và quốc tế, với mức treo thưởng khá cao cho bất cứ ai cung cấp thông tin về dấu vết của chiếc Dakar, nhưng mặt khác lại bưng bít mọi thông tin nội bộ có thể rò rỉ ra bên ngoài có liên quan đến vụ mất tích của chiếc tàu ngầm này.

Đến mùa hè năm 2001, vụ tàu Dakar mất tích bỗng nhiên lại trở thành đề tài thời sự ở Israel khi cảnh sát bắt giữ một nhà báo Israel tên là Mike Eldar về tội tiết lộ bí mật quốc phòng. Những tiết lộ này đều có liên quan đến vụ mất tích của chiếc tàu ngầm Dakar vào năm 1968. Theo đó thì chiếc Dakar đã bị trúng thủy lôi của Ai Cập khi đang thực hiện nhiệm vụ do thám dọc theo bờ biển của quốc gia này.

Theo Mike Eldar, đầu năm 1968, nguồn tin tình báo cho biết Ai Cập đang chuẩn bị phát động một cuộc tấn công mới vào lãnh thổ Israel. Ngay lập tức Bộ Quốc phòng Israel phái tàu Dakar bí mật đến Anh để được trang bị hệ thống rađa dò tìm hiện đại rồi sau đó quay lại vùng biển của Ai Cập thu thập thông tin về các căn cứ quân sự, hệ thống bảo vệ cả dưới biển lẫn trên đất liền của quốc gia Ả-rập này.

Tàu ngầm INS Dolphin trở về căn cứ tại Cảng quân sự Haifa sau khi tuần tra trên Biển Đỏ

Thế nhưng, phía Israel không hề biết đến việc Liên Xô đã trang bị cho Ai Cập nhiều thủy lôi loại mới có thể hướng đến mục tiêu theo tiếng động và từ trường dưới nước. Khi tiến sát vào lãnh hải Ai Cập phía Địa Trung Hải để thực hiện nhiệm vụ thì chiếc Dakar bị trúng thủy lôi. Đây chính là nguyên nhân tại sao người ta tìm thấy một phao cứu hộ của tàu ngầm Dakar trôi dạt vào bờ biển thuộc dải Gaza vào tháng 5/1969.

Phía Ai Cập cũng ghi nhận vào thời điểm đó có xảy ra một vụ nổ dưới mặt biển phía Địa Trung Hải, nhưng do các vùng biển đều cài đặt thủy lôi nên không thể nào kiểm tra nguyên nhân được.

Dư luận Israel cho rằng Bộ Quốc phòng và Hải quân Israel tuy biết rất rõ nguyên nhân mất tích của tàu Dakar nhưng lại hướng dư luận sang nguyên nhân tai nạn. Tiết lộ của nhà báo Mike Eldar không những góp phần làm sáng tỏ bí mật về vụ mất tích của tàu ngầm Dakar mà còn lôi ra ánh sáng một vụ tai tiếng cấp quốc gia của Israel, đồng thời còn để lại một vết đen trong lịch sử hình thành đội tàu ngầm quân sự của quốc gia này.

Sau sự việc trên, chương trình xây dựng đội tàu ngầm quân sự của Israel được giữ bí mật hoàn toàn. Vì vậy, việc hé mở thông tin hiện nay về sự tồn tại của 3 chiếc tàu ngầm INS Dolphin, INS Leviathan và INS Tekuma được xem như một đòn chính trị nhằm răn đe Iran, quốc gia duy nhất ở Trung Đông công khai chương trình hạt nhân của mình

Hoàng Phú (theo Le Figaro Magazine)
.
.