Sự thật về lời cáo buộc “Iran đi đêm với Al-Qaede"

Chủ Nhật, 27/05/2012, 20:30

Tháng 7/2011, Bộ Tài chính Mỹ đưa ra lời cáo buộc rằng Iran từng có “thỏa thuận ngầm” với Al-Qaeda và giúp mạng lưới khủng bố toàn cầu này vận chuyển người và tiền bạc từ Trung Đông sang Afghanistan và Pakistan. Tuy nhiên, những tài liệu mà tình báo Mỹ tịch thu được từ nơi ở của Osama bin Laden ở thị trấn Abbottabad, Pakistan, đã chứng minh đó chỉ là sự bịa đặt.

Trong thông báo ngày 28/7/2011, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ David S. Cohen đã công bố rằng "Bộ đã phát giác ra thỏa thuận của Iran với Al-Qaeda trong đó cho phép Al-Qaeda vận chuyển tài chính và nhân lực qua lãnh thổ Iran". Thông báo nêu đích danh một quan chức Al-Qaeda tên là Yasin al-Suri đã "sinh sống và hoạt động bên trong lãnh thổ Iran theo một thỏa thuận ngầm giữa Al-Qaeda và Chính phủ Iran". Mối quan hệ này đã được hình thành và duy trì từ năm 2005.

Sự thật về việc "đi đêm" giữa Iran và Al-Qaeda là như thế nào? Một số cựu quan chức tình báo Mỹ đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Bộ Tài chính và cho rằng đó chẳng qua chỉ là trò "bịp" đánh lừa dư luận nhằm tạo ra "hỏa mù" trong chính sách của Tổng thống Obama đối với Iran. Paul Pillar, cựu sĩ quan tình báo phụ trách vùng Cận Đông và Nam Á, và 2 cựu sĩ quan tình báo khác đã khẳng định cáo buộc của Bộ Tài chính Mỹ là không có căn cứ, là trò đánh lừa dư luận.

Thực chất, ngay trong thông báo của mình, Bộ Tài chính Mỹ đã nói rằng "thỏa thuận bí mật" giữa Iran với Al-Qaeda rất có thể là một thỏa thuận theo đó Iran sẽ thả các tù nhân Al-Qaeda và al-Suri lưu trú tại Iran là để sắp xếp thực hiện việc phóng thích tù nhân này.

Ngay trong phần thông tin truy nã al-Suri trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ghi rõ rằng giữa Iran và Al-Qaeda từng có một cuộc thương lượng "trao đổi tù nhân", trong đó Iran bị buộc phải chấp nhận thỏa thuận và thả một số tù nhân Al-Qaeda để đổi lấy việc Al-Qaeda thả một nhà ngoại giao Iran bị một nhóm Al-Qaeda tại Pakistan bắt cóc tại tỉnh Peshawar vào tháng 11/2008. Đặc biệt, các tài liệu mà tình báo Mỹ tịch thu được từ nơi ở của Osama bin Laden ở Abbottabad, Pakistan, đã cho thấy không hề có chuyện Iran "bí mật thỏa thuận" với Al-Qaeda và cho phép các phần tử Al-Qaeda hoạt động bên trong lãnh thổ Iran.

Ngược lại, một trong các tài liệu đó có đoạn ghi chép của một quan chức Al-Qaeda với nội dung như sau: "Chúng ta tin rằng các nỗ lực của chúng ta, bao gồm cả việc đẩy mạnh chiến dịch chính trị và truyền thông, lời đe dọa của chúng ta, việc bắt cóc tùy viên thương mại Iran tại Peshawar và các lý do khác khiến họ (Iran) e ngại và chấp nhận hành động (thả tù nhân)".

Thực ra, ngay từ khi lời cáo buộc của Bộ Tài chính Mỹ được tung ra, giới phân tích đã nhìn thấy ngay "chiêu trò" chính trị phục vụ ý đồ ngoại giao mới của Tổng thống Obama. Mục đích của Bộ Tài chính khi tung ra lời cáo buộc nêu trên là tạo ra một làn sóng báo chí đưa tin đậm nét, rầm rộ về "thỏa thuận ngầm giữa Iran và Al-Qaeda.

Đúng như mong ước của Bộ Tài chính Mỹ, tờ báo Weekly Standard và một số cơ quan thông tin hữu khuynh thân Israel khác đã chộp lấy lời cáo buộc và khuếch đại thành một chiến dịch thông tin, tạo dư luận rằng "quả thực là có mối liên minh giữa Iran với Al-Qaeda". Mục tiêu cuối cùng của việc này cũng chỉ là thiết lập một "cơ sở" giúp chính quyền Obama triển khai chiến lược "ngoại giao cưỡng bức" đối với Iran trong việc giải quyết các vấn đề gút mắc giữa 2 nước.

Cách thức vận dụng thông tin, sự việc có liên quan đến Al-Qaeda, được nhào nặn cho thêm phần "bí mật" thông qua việc dẫn "nguồn tin tình báo" làm người ta liên tưởng đến những chiêu trò từng được phái diều hâu ở Washington vận dụng trong giai đoạn ông George W. Bush làm Tổng thống nhằm tạo cớ tiến hành cuộc chiến tại Iraq và sau đó là triển khai chính sách gây sức ép mạnh nhằm thúc đẩy "thay đổi chế độ" tại Iran. Tuy nhiên, sách lược đó chỉ sử dụng được một lần, nay đã không còn hiệu nghiệm nữa và dễ dàng bị lật tẩy.

Yasin al-Yuri bị Bộ Ngoại giao Mỹ truy nã với cái giá 10 triệu USD.

Sự thật thì ngay cả các quan chức dưới thời ông Bush cũng thừa nhận rằng chính sách của Iran đối với Al-Qaeda trước sau đều rõ ràng, rằng không hề có chuyện Iran thỏa hiệp với Al-Qaeda, ngược lại, Iran đã kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các phần tử Al-Qaeda từ năm 2003, hạn chế tầm hoạt động cũng như khả năng đi lại cũng như thông tin liên lạc với nhau của Al-Qaeda.

Giới chức tình báo, an ninh quốc tế cho rằng, toàn bộ những câu chuyện về mối quan hệ Iran và Al-Qaeda đều có nguồn gốc từ Israel. Vận dụng các mối quan hệ mật thiết với các cơ quan truyền thông có cảm tình với mình, nhất là truyền thông Anh, Israel đã tung ra những thông tin bịa đặt theo hướng "Iran hợp tác với Al-Qaeda lập kế hoạch khủng bố" nhằm tạo cớ để Mỹ và các đồng minh có thể xem xét một đòn trừng phạt quyết định đối với Iran.

Trong thời đại thông tin tràn ngập nhưng "thị phi bất minh", việc tung thông tin giả kiểu như thế hoàn toàn có khả năng dẫn đến một cuộc chiến oan uổng, tương tự như Mỹ từng làm tại Iraq năm 2003

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.