Sự thật về người Đại tá “Cầu sông Kwai”

Thứ Hai, 03/10/2005, 09:14

Bộ phim "Cầu sông Kwai", kể về một sĩ quan Anh (Đại tá Nicholson, do nam diễn viên Alec Guinness thủ diễn). Đã từng có một trại giam tù nhân gần sông Kwai và một chiếc cầu xây bắc ngang sông. Nhưng vị sĩ quan chỉ huy ở đây mới thực sự là người anh hùng.

Sau một hành trình dài dằng dặc như  địa ngục trong xe chở gia súc từ  Singapore - nơi họ đã trải qua 8 tháng tù trước đó - Đại tá Philip Toosey cùng với 690 tù nhân thuộc Lữ đoàn 135 đã đến trại giam Tamarkan, Thái Lan, nằm trong một khu rừng cách Bangkok 120 km về phía tây, gần sông Kwai Yai. Sang ngày hôm sau, số tù nhân tăng vọt lên 1.000, và các sĩ quan nhất trí bầu chọn Toosey làm sĩ quan cấp cao. Sự bình chọn này đã được Trung úy Nhật Kosakata, chỉ huy trại giam, công nhận.

 Kosakata báo cho Toosey biết nhiệm vụ của các tù nhân là xây dựng 2 chiếc cầu bắc qua sông Kwai: một chiếc cầu gỗ dài 100m cho các phương tiện giao thông nhẹ; một chiếc cầu thép dài 300m, dựng trên 11 cột chống bêtông, với 2 km bờ đê hai bên, là đường ray trọng điểm dẫn đến phòng tuyến tiếp tế của Nhật. Thời gian hoàn thành là từ 9 tháng - 1 năm.

Một ngày làm việc bắt đầu từ lúc trời vừa hửng sáng. Sau khi được phát cơm và canh, các tù nhân được điểm danh, chia thành từng nhóm, bước lên nhận cuốc, xẻng, điểm danh lần nữa, rồi tiến vào rừng. Nguyên tắc là công việc của ngày phải được hoàn thành, và không có nhóm nào được phép về trước. Tù nhân làm việc chân đất dưới ánh nắng mặt trời gay gắt từ 7h sáng đến 7-8h tối.

Cầu sông Kwai - nơi tù nhân quân Đồng minh thể hiện tinh thần đoàn kết, dũng cảm.

Cầu được xây toàn bằng sức lực con người. Ngoài cuốc, xẻng, giỏ, cáng để khiêng chở đất, cát, đá, thì những công cụ còn lại là rìu, xe đẩy, máy đóng cọc, gầu xúc, trộn bêtông... tất cả đều vận hành bằng tay. Tù nhân liên tục bị hành hạ và trừng phạt bởi những lỗi lầm nhỏ bé nhất, nhưng Toosey ra lệnh, rằng bất cứ hành động phi nhân tính nào của bọn lính gác cũng cần phải được báo cáo lên ông ngay lập tức.

Đến tháng 12/1942, chiếc cầu gỗ gần hoàn thành. Các tù nhân rất vui sướng khi thấy nước sông dâng lên cao bất ngờ và cuốn trôi chiếc cầu. Nhưng niềm vui ngắn ngủi tan biến ngay lập tức, bởi họ phải làm việc cực nhọc hơn để xây dựng lại nó, với chỉ tiêu hoàn thành là từ tháng 12 cho đến tháng 8. Toosey biết rằng, quân Nhật sẽ xây đường xe lửa bằng bất cứ giá nào vì vậy, ông nói với các tù nhân rằng, kỷ luật lao động là điều quan trọng.

Toosey từ chối học tiếng Nhật, để ông luôn luôn có thể nói câu: "Tôi không hiểu". Ông may mắn có được sĩ quan phụ tá David Boyle, có thể nói được tiếng Nhật bồi và làm phiên dịch cho ông cho đến hết cuộc chiến. Dần dần, quân Nhật cũng hiểu ra, rằng nếu như ông nói không, thì có nghĩa là ông sẽ khăng khăng như vậy cho đến khi chúng bắn chết ông thì thôi.

Chẳng bao lâu, ông đã thuyết phục được chúng bàn giao lại cho ông những vấn đề về xử lý công cụ và phân công lao động. Các sĩ quan phụ trách công việc được giao nhiệm vụ làm giám sát công trình thay cho bọn lính canh. Và nếu như các kỹ sư Nhật bàn giao mục tiêu của ngày hôm sau cho ông, thì ông sẽ cùng mọi người nghĩ ra cách nào tốt nhất để hoàn thành công việc vào đầu giờ chiều, khiến nhiều tuần trôi qua, mà không có ai bị đánh đập cả.

Vệ sinh là nỗi ám ảnh của Toosey, vì rất nhiều căn bệnh của khí hậu nhiệt đới đi kèm với ruồi. Ông hạ lệnh phải đào các hố  xí sâu 4m, lắp đặt các thiết bị đập ruồi, và mỗi tù nhân (trừ người bệnh) phải giết cho được 50 con ruồi/ngày. Ông thường xuyên kiểm tra lều chòi, nhà bếp, bắt tù nhân phải cạo râu, cắt tóc, vì đấy là nơi trú ẩn của chấy rận. Những nỗ lực của ông đã được đền bù. Chỉ có 9 người chết trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 5.

Những phần cơm canh nghèo nàn được bổ sung bằng trứng, thịt, trái cây, bắp mua được từ các dân buôn địa phương mỗi khi các nhóm làm việc được ra ngoài. Toosey cương quyết với yêu cầu 1/3 số tiền được trả cho các sĩ quan phải được dùng để mua thực phẩm và thuốc men cho người bệnh. Ông đã thuyết phục tên chỉ huy trại cho phép mở một trang trại nuôi vịt và heo, sau khi biết được có một sĩ quan từng là nông dân chăn nuôi gia cầm.

Đích thân ông còn là người bắt mối liên lạc đầu tiên với một tổ chức bí mật để cung cấp thuốc men và tiền bạc cho nhiều trại giam, cứu thoát mạng sống của hàng trăm người. Toosey rời trại giam Tamarkan vào năm 1943 và nó trở thành nhà tù nhốt các phạm nhân về sau này. Cuối cùng, các cây cầu đã bị phá hủy, không phải do lính biệt kích như trong phim mô tả, nhưng là do quân Anh, Mỹ ném bom.

Đại tá Toosey được công nhận là người anh hùng theo tiêu chí mà con người của thế giới ngày nay có thể làm được. Đó là hiểu biết những điều kiện cần thiết của hoàn cảnh để tồn tại!

Thuý Hân (theo Reader's Digest)
.
.