Sự thật về phiến quân Naxalite ở Ấn Độ

Thứ Sáu, 09/04/2021, 20:40
Naxalite là tên gọi chung được đặt cho một số nhóm nổi dậy và ly khai hoạt động không liên tục ở Ấn Độ kể từ giữa những năm 1960.

Thời gian gần đây, phiến quân Naxalite đã gia tăng hoạt động và thực hiện nhiều cuộc tấn công đẫm máu, điển hình nhất là vụ phục kích các nhân viên an ninh tại bang Chhattisgarsh, miền Trung quốc gia Nam Á này.

Từ các vụ bạo lực

Ngày 5-4, Ấn Độ rung chuyển trước tin cuộc truy quét đặc biệt nhóm phiến quân Naxalite tại bang Chhattisgarh gặp nhiều trở ngại khi có ít nhất 22 nhân viên an ninh thiệt mạng và 30 người khác bị thương trong một cuộc phục kích. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất do lực lượng nổi dậy cực đoan này thực hiện trong năm 2021.

Các nhóm phiến quân Naxalite hoạt động chủ yếu ở Đông Bắc Ấn Độ. ảnh: Getty.

 Reuters cho hay, ít nhất 400 phiến quân Naxalite, do Hidma - một chỉ huy địa phương bị truy nã gắt gao của cái gọi là “Quân đội du kích giải phóng nhân dân (PLGA)” cầm đầu, đã tiến hành cuộc phục kích tại một khu vực rừng rậm hiểm trở, được xem là thành trì của lực lượng cực đoan này. 

Các phiến quân sử dụng súng máy hạng nhẹ (LMG) và các thiết bị nổ tự chế (IED) để thực hiện cuộc tấn công kéo dài đến tối. Khoảng 10-12 phiến quân bị tiêu diệt trong giao tranh. Trước đó, vào hôm 23-3, 5 nhân viên an ninh Ấn Độ cũng bị sát hại trong một vụ đánh bom xe buýt ở huyện Narayanpur, bang Chhattisgarh. 

Reuters cũng dẫn lời một quan chức Chính phủ Ấn Độ cho hay, 14/27 huyện của bang Chhattisgarh đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng bạo lực do phiến quân cực đoan này gây ra. Các vụ bạo lực gia tăng mạnh từ cuối năm ngoái khi Ngoại trưởng Ấn Độ tuyên bố rằng chính quyền New Delhi sẽ dốc toàn lực để tiêu diệt PLGA.

Từ đầu tháng 2, New Delhi đã điều một lực lượng an ninh gồm khoảng 1.500 binh sĩ từ các đơn vị của Lực lượng cảnh sát dự bị trung ương (CRPF), Cảnh sát Chhattisgarh và một số lực lượng khác để tiến hành một chiến dịch truy lùng và tiêu diệt dọc ranh giới của hai huyện Bijapur-Sukma thuộc bang Chhattisgarh. 

Để cổ vũ tinh thần chiến đấu của các binh sĩ và sự ủng hộ của người dân địa phương, chính phủ còn thông tin rằng từ năm 2003 đến nay, phạm vi hoạt động của phiến quân Naxalite đã được kiềm chế và đến năm 2020 chỉ còn tập trung ở 53 quận trên 9 bang, ít hơn so với con số 76 quận trên 10 bang vào năm 2013. 

Phát biểu trong một cuộc họp với Bộ trưởng các bang bị ảnh hưởng, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah tuyên bố chính phủ cam kết nhổ tận gốc chủ nghĩa cực đoan Naxalite và kêu gọi tất cả các bang áp dụng cách tiếp cận tập trung, có thời hạn để loại bỏ hoàn toàn đồng thời đảm bảo sự phát triển toàn diện của các khu vực bị ảnh hưởng bởi phiến quân.

Lãnh đạo Ấn Độ đến thăm binh sĩ bị thương trong vụ phục kích hôm 5-4. ảnh: Getty.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, sau những đợt truy quét gắt gao này, Naxalite đã nhiều lần cho thấy một khả năng đáng kể trong việc tổ chức lại và tái phát sinh. 

“Phong trào Naxalite thu hút sức mạnh của nó từ một số yếu tố kinh tế xã hội như: một bộ phận lớn dân cư sống dưới mức nghèo khổ, thu nhập bất bình đẳng cùng cực, thất nghiệp trên quy mô lớn… 

Mặt khác, phiến quân Naxalite cũng hiểu rằng họ không bao giờ có thể đạt được mục đích lật đổ nhà nước Ấn Độ bởi đây là nhà nước có sức mạnh to lớn; đã tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố ở Punjab; kiềm chế cuộc nổi dậy ở Nagaland, và thắng quân nổi dậy Mizos để đàm phán và đồng ý trở thành một phần của liên minh Ấn Độ. 

Những phiến quân Naxalite có thể chiến đấu nhưng điều đó sẽ chỉ có nghĩa là mất đi sinh mạng quý giá và đau khổ cho những người dân ở miền Trung Ấn Độ”, tờ OutlookiIndia viết.

Hôm 23-3, 5 nhân viên an ninh Ấn Độ bị sát hại trong một vụ đánh bom xe buýt ở huyện Narayanpur, bang Chhattisgarh. ảnh: AP.

Đến mối đe dọa an ninh nội bộ

Theo thông tin từ tờ TheIndianWire, Naxalite là tên gọi chung cho các nhóm nổi dậy và ly khai hoạt động không liên tục ở Ấn Độ kể từ giữa những năm 1960. Cái tên Naxalite có nguồn gốc từ thị trấn Naxalbari (Naksalbari) ở phía Bắc bang Tây Bengal, Đông Bắc Ấn Độ, là trung tâm của một cuộc nổi dậy của nông dân bộ tộc chống lại địa chủ địa phương vào năm 1967. 

Cuộc nổi dậy này bắt đầu sau khi một người nông dân bị ngăn chặn cày cuốc trên đất của mình. Mặc dù cuộc nổi dậy đã bị dập tắt bằng vũ lực sau 72 ngày nhưng nó đã cổ vũ tinh thần cho một số phong trào ly khai nổi lên ở các khu vực xa xôi, thường là bộ lạc của Ấn Độ, lúc đầu chủ yếu ở vùng Đông Bắc, sau lan rộng sang các vùng khác của đất nước.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa Naxalite đã tạo ra sự ra đời của nhóm CPI-ML vào năm 1969, nhóm MCC và nhóm Chiến tranh nhân dân (PWG) vào năm 1976, và Ủy ban Tritiya Prastuti (TPC)… CPI-ML ngay sau khi thành lập đã mở nhánh vũ trang nổi tiếng và hoạt động phổ biến là PLGA. 

Ước tính, PLGA có khoảng 8.000 đến 10.000 binh sĩ, lúc cao điểm có thể lên tới 15.000-20.000 binh sĩ (do sát nhập cùng các nhóm phiến quân khác). PWG thì hoạt động tại Andhra Pradesh, trong khi MCC ở phía Đông bang Bihar. Từ năm 2004, các nhóm MLJ (thành lập năm 1992 ở ba bang Andhra Pradesh, Chhattisgarh và Maharashtra) cùng với TPC sát nhập vào với CPI-ML.

Các nhóm Naxalite đều tuyên bố đại diện cho những thành viên nghèo nhất và bị gạt ra ngoài lề xã hội nhất của Ấn Độ (đặc biệt là các dân tộc bộ lạc và người Dalits). Trong nhiều thập kỷ, họ đã tiến hành chiến tranh du kích chống lại các mục tiêu như địa chủ, doanh nhân, chính trị gia và lực lượng an ninh. Họ cũng phá vỡ cơ sở hạ tầng bằng cách phá hoại hệ thống giao thông, liên lạc và đường dây điện. 

Quá trình này, họ thường thiết lập các căn cứ hoạt động ở những vùng rừng núi hẻo lánh và đã kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn ở nhiều bang miền Đông Ấn Độ, đặc biệt là Andhra Pradesh, Bihar, Chhattisgarh, Jharkhand, Orissa và Tây Bengal và có sức ảnh hưởng lan rộng ra ngoài những khu vực đó.

Thông thường các nhóm Naxalite đảm nhận các chức năng quản lý và cung cấp các dịch vụ xã hội trong các khu vực do họ kiểm soát, mặc dù họ cũng bị cáo buộc sử dụng các chiến thuật cưỡng chế khắc nghiệt. 

Ở thời kỳ đỉnh cao, các nhóm Naxalite kiểm soát gần 200 quận trên 20 bang. Một điểm đáng chú ý nữa là hoạt động của các nhóm Naxalite có sự tham gia, tiếp tay của nước ngoài. Vũ khí tuồn về cho các nhóm này đều là vũ khí đã qua sử dụng hoặc vũ khí bán trên thị trường đen.

Cựu Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh từng gọi Naxalite gọi là "mối đe dọa an ninh nội bộ" lớn nhất và đã phát động một chiến dịch an ninh vào năm 2009, được giới truyền thông mệnh danh là “Chiến dịch truy lùng xanh”. 

Từ năm 2005, bạo lực do Naxalite gây ra bắt đầu leo thang với số lượng thương vong ngày càng tăng, đặc biệt là dân thường. Trong 3 tháng đầu năm 2021, hơn 100 người đã thiệt mạng trong vụ bạo lực trên khắp đất nước. Con số này vào năm ngoái là 500 người. 

Tính tổng từ năm 1980 đến nay, hơn 20.000 người đã thiệt mạng. Theo tờ OutlookIndia, phiến quân Naxalite thường tuyển dụng dân làng để hoạt động do thám cho mình và dùng cả thủ đoạn tra tấn, sát hại những người bị cáo buộc làm việc cho cảnh sát.

Vụ phục kích hôm 5-4 tại bang Chhattisgarh làm ít nhất 22 nhân viên an ninh thiệt mạng và 30 người khác bị thương. ảnh: Getty.

Hy vọng về đàm phán hòa bình

Thực tế, các cuộc đàm phán hòa bình đã được tổ chức giữa nhóm Chiến tranh nhân dân (PWG) và chính quyền bang Andhra Pradesh vào năm 2002 theo sáng kiến của Ủy ban Các công dân có liên quan. Ba vòng đàm phán được thực hiện nhưng không thể đạt được thỏa thuận về các vấn đề thực chất. PWG sau đó rút khỏi các cuộc đàm phán.

 Năm 2010, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra quyết định thuyết phục các nhóm phiến quân ngồi vào bàn đàm phán bằng việc dừng các hoạt động truy quét của lực lượng an ninh. Ganapathy, lúc đó là Tổng thư ký của một nhóm mang tên CPI đã yêu cầu chính phủ chứng minh thiện chí của mình bằng cách ngừng “chiến dịch Greenhunt”, rút các lực lượng bán quân sự, thả các thủ lĩnh của CPI bị bắt, dỡ bỏ lệnh cấm với nhóm này và các tổ chức khác. Tuy nhiên, sự việc chỉ dừng ở đó.

Đến nay, Chính phủ Ấn Độ một lần nữa lại nỗ lực để phục hồi tiến trình hòa bình khi các cuộc biểu tình lớn xuất hiện. Ở Bastar, những người yêu hoà bình đã tổ chức một cuộc tuần hành do nhà báo Shubhranshu Choudhary dẫn đầu. Cuộc tuần hành kéo dài 11 ngày, từ Narayanpur đến Raipur, thuộc bang Chhattisgarh. 

Đoàn người biểu tình đã đi qua quãng đường dài 222 km. Bên cạnh đó, các nhóm người khác cũng tổ chức tuần hành với khẩu hiệu 'Bastar maange hinsa se azadi' (Bastar đòi tự do khỏi bạo lực) tại Chhattisgarh, Odisha và Telangana. 

Hôm 23-2, một cuộc họp mang tên Chaikle Maandi, trong tiếng Gondi có nghĩa là cuộc họp vì hòa bình và thịnh vượng, cũng được tổ chức tại Câu lạc bộ Báo chí của Raipur. Đáng chú ý, cuộc tập hợp bao gồm những người đã phải chịu đựng đau khổ bởi các cuộc tấn công của Naxalite. Tất cả đều dứt khoát lên tiếng vì hòa bình. 

Thủ hiến bang Chhattisgarh ngay lập tức đã lên tiếng ghi nhận những hành động này và nhắc lại tuyên bố của mình khi được bổ nhiệm vào năm 2018 là đem lại cuộc sống yên bình cho người dân. 

Ông cũng thừa nhận chủ nghĩa Naxalism là một vấn đề kinh tế - xã hội - chính trị và “cần phải bắt đầu một cuộc đối thoại với những người bị ảnh hưởng, chủ yếu là Bastar và tất cả các bên liên quan khác về cách chấm dứt bạo lực”.

Nhưng, trong mọi trường hợp, hòa bình với phiến quân Naxalite Chhattisgarh cũng cần có sự can thiệp và tham gia của Chính phủ Ấn Độ. Nhiều nhà phân tích cho rằng, Bộ Nội vụ Ấn Độ nên nhìn vấn đề theo quan điểm lịch sử và giải quyết bằng cách tuân theo các nguyên tắc nhượng bộ, thỏa hiệp và hợp tác.

Chi Anh
.
.