Sự thật về thiệt hại ở Chernobyl

Thứ Năm, 06/10/2005, 14:14

Sau thảm họa xảy ra năm 1986 tại nhà máy năng lượng nguyên tử ở Ukraina, môi trường và sức khỏe của người dân nơi đây đã bị ảnh hưởng một cách trầm trọng. Nhưng theo tờ Washington Post thì ảnh hưởng thảm họa này không khốc liệt so với những điều người ta dự tính trước đây.

Ukraina, Belarus và Nga là 3 nước chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các bụi phóng xạ từ vụ nổ nhà máy năng lượng nguyên tử ở Chernobyl. Chính phủ của 3 nước này đang nỗ lực để chấm dứt tình trạng được coi là “định mệnh không cưỡng lại được” mà hàng chục ngàn người dân ở đây đang lầm tưởng rằng vẫn phải gánh chịu những rủi ro về bệnh tật bởi chất phóng xạ gây ra.

600 trang báo cáo của  8 cơ quan dưới quyền điều hành của Liên Hiệp Quốc (LHQ) chỉ ra rằng, tính đến giữa năm nay thì số người tử vong, do nhiễm phóng xạ không nhiều. Phần đông trong những tháng đầu sau khi tai nạn này xảy ra.

Báo cáo này còn cho hay, chỉ có  9 trẻ em bị tử vong do mắc bệnh ung thư tuyến giáp và tỉ lệ sống sót trong  4.000 trẻ em sinh sống trong vùng bị nhiễm phóng xạ mắc bệnh ung thư tuyến giáp là  99%. Kết quả thử nghiệm bằng que thử cũng không có bằng chứng nào về ảnh hưởng của chất phóng xạ này tới khả năng sinh sản và khiếm khuyết của trẻ sau khi sinh.

Theo ông Michael Repacholi, Giám đốc Chương trình nghiên cứu chất phóng xạ của Tổ chức Y tế thế giới thì vụ nổ đã gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người, nhưng nếu biết kết hợp và tận dụng các thành quả khoa học tiên tiến thì sự nguy hại tới sức khỏe cộng đồng sẽ chẳng đáng kể.

Các nhà khoa học LHQ dự tính trong tổng số 600.000 người sống tại các vùng bị nhiễm phóng xạ (bao gồm cả công nhân bị thương do tai nạn lẫn dân cư trong khu vực) thì có khoảng 4.000 người có kết quả xét nghiệm cuối cùng là bị nhiễm phóng xạ dẫn đến tử vong. Những con số dự tính này rất trùng hợp với dự đoán về hậu quả sau khi thảm họa xảy ra của các nhà khoa học Xôviết mà khi ấy Ukraina, Nga và Belarus là những thành viên của quốc gia liên bang này.

Vẫn theo báo cáo của LHQ thì phần lớn các cư dân trong khu vực và công nhân bị thương trong tai nạn này lại chỉ bị nhiễm một lượng phóng xạ tương đối thấp có thể so sánh với lượng chất phóng xạ tự nhiên có sẵn trong không khí.

Các quan chức ba nước trên cho hay, việc tiếp tục chỉ đạo chăm sóc, thuốc men cho hàng chục ngàn người dân không còn là vấn đề nhức nhối bởi nguồn chi phí hạn hẹp nữa mà thực tế là đã góp phần nâng cao sức khỏe, tinh thần cho họ suốt gần 20 năm qua. Chính phủ Belarus và Ukraina đã dành từ 5 đến 7% chi phí cho các chương trình phúc lợi hỗ trợ các nạn nhân ở Chernobyl. Tính đến nay đã có khoảng 7 triệu người ở các nước Nga, Ukraina và Belarus được nhận tiền trợ cấp xã hội do thảm họa ở Chernobyl gây ra.

Theo ông Fred Metter, Giáo sư chuyên khoa Phóng xạ, Trường đại học New Mexico, người chủ trì một trong 3 nhóm nghiên cứu sức khỏe mang tên “Di chứng  Chernobyl: các ảnh hưởng của nó về kinh tế – xã hội, môi trường và sức khỏe” cho biết, việc kiểm tra chăm sóc những người chỉ bị nhiễm một ít chất phóng xạ dường như là tốt nhưng lại có hại về mặt tâm lý. Có hơn 100 nhà bác học trên thế giới đã nghiên cứu vấn đề này và các kết quả nghiên cứu đã được các cơ quan của LHQ, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế và đại diện của 3 quốc gia liên quan là Nga, Ukraina và Belarus tham khảo.

Đối với 240.000 công nhân được huy động tiến hành chiến dịch làm sạch cho khu vực Nhà máy Nguyên tử Chernobyl, nhiều người đã sợ rằng sẽ phải gánh chịu thảm họa vào những năm sau đó. Nhưng theo kết quả xét nghiệm cho biết, hầu hết công nhân và cư dân sinh sống trong khu vực này chỉ bị nhiễm một lượng phóng xạ không đáng kể nếu đem so sánh với các lượng phóng xạ sẵn có trong tự nhiên.

Báo cáo của LHQ chỉ ra rằng, không có bằng chứng hoặc khả năng sát thực nào đề cập đến vấn đề tác hại của chất phóng xạ làm giảm khả năng sinh sản trong số những người sinh sống tại khu vực bị nhiễm và cũng chẳng tìm được bằng chứng nào cho hay về dị tật bẩm sinh ở những người này. Trên thực tế, ngoài những ca tử vong do phóng xạ, thì phần lớn các vấn đề về sức khỏe là do bị sốc bởi vụ nổ đã làm chấn động đến tinh thần của những người bị nhiễm phóng xạ. Cơn sốc đó sẽ nhanh chóng qua đi nhưng nỗi lo âu sợ hãi đang mắc bệnh ung thư ở giai đoạn cuối cứ ám ảnh họ mãi.

Sau thảm họa này người ta đã cho xây tường bằng bêtông bao quanh khu vực nhà máy với hệ thống mái che. Nhưng điều đáng lo ngại là nguy cơ mái che có thể sập xuống làm cho bụi phóng xạ bay lên ảnh hưởng tới môi trường thế giới.

Theo ông David Zhania, Bộ trưởng chịu trách nhiệm quản lý tình trạng khẩn cấp của Ukraina, thì đất nước này hy vọng sẽ thiết kế xây dựng xong hệ thống mái che bằng thép cho nhà máy hạt nhân vào năm 2008 hoặc 2009 với chi phí ước tính khoảng 2 tỉ USD. Ông David cho biết, có 28 chính phủ đã đồng ý đóng góp cho dự án xây dựng công trình này với tổng trị giá vào khoảng hơn 750 triệu USD.

Những dải đất mênh mông bị bỏ hoang cùng với những tấm biển “Cấm săn bắn” là miền đất hứa cho các loài chim chóc và động vật hoang dã sinh sống ở đây. Sự vắng bóng của con người suốt 20 năm qua đã biến vùng đất trống xung quanh khu vực Chernobyl trở thành một khu vực sinh thái hấp dẫn

Thúy Lan (Theo Washington Post)
.
.