Sự thật về tướng Ion Mihai Pacepa

Thứ Bảy, 08/07/2006, 08:00

Trưa ngày 28/7/1978,   một người đàn ông khoảng 50 tuổi bước vội vào Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Bonn của CHLB Đức. Ông ta tự xưng là Trung tướng Ion Mihai Pacepa, Cục phó Cục Tình báo hải ngoại Rumani và đề nghị xin được cư trú chính trị tại Mỹ.

Ngay sáng hôm sau, một máy bay quân sự đưa ngay Pacepa từ Bonn tới căn cứ không quân Andrew gần thủ đô Washington. Tại đây, trước sự hiện diện của nhiều nhân vật chủ chốt của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), Pacepa đã khai báo những sự kiện đã xảy ra với mình trong thời gian gần đây như gặp Chủ tịch Rumani Nicolae Ceausescu để nhận nhiệm vụ bay tới CHLB Đức mang theo thông điệp gửi Thủ tướng Helmut Schmidt.

Để giữ bí mật trước khi chạy trốn, Pacepa vẫn để hành lý của mình trong khách sạn Intercontinental ở thủ đô Bonn. Pacepa còn khai báo rằng, cũng trong chuyến đi này, ông ta được giao phó một nhiệm vụ quan trọng, đó là tiêu diệt Noel Bernard, Giám đốc Đài Phát thanh châu Âu tự do phát bằng tiếng Rumani.

Ion Mihai Pacepa sinh ngày 28/10/1928 tại thủ đô Bucharest và là một người rất mê khoa học với ước mong trở thành một nhà hóa học nổi tiếng. Thế nhưng chỉ vài tháng trước khi tốt nghiệp đại học Bucharest, Pacepa được tình báo Rumani tuyển dụng. Từ năm 1957 đến năm 1960, Pacepa là người chỉ huy chi nhánh của Cục Tình báo hải ngoại Rumani tại CHLB Đức. Với thành tích tuyển dụng được nhiều điệp viên phương Tây làm việc cho tình báo Rumani, năm 1972, Pacepa được điều động về lại Rumani và bổ nhiệm làm  phó chỉ huy của đơn vị tình báo mà mình cộng tác suốt gần hai thập niên với quân hàm trung tướng.

Một ngày sau khi xảy ra sự kiện đào thoát của Pacepa, có 3 người đàn ông xuất hiện tại phòng 910, tầng 9 của khách sạn Intercontinental ở thủ đô Bonn, nơi Pacepa đăng ký thuê phòng. Sau khi sử dụng chìa khóa giả để đột nhập vào phòng, cả 3 lục soát hành lý mà Pacepa đã để lại rồi nhanh chóng rời khỏi khách sạn. Theo nhận định của Cảnh sát Tây Đức, đó chính là các nhân viên Đại sứ quán Rumani tại Bonn.

Trong khi đó, sự biến mất bất ngờ của Pacepa đã khiến hệ thống tình báo Rumani và đến cả Chủ tịch Ceausescu phải lo lắng. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra để cố làm sáng tỏ vụ biến mất của Pacepa như khả năng bị tình báo phương Tây sát hại, bị bắt cóc và cả không loại trừ khả năng ông ta đào thoát.

Mãi cho đến tháng 9/1978, Cơ quan Tình báo Rumani đã nghiêng về giả thuyết cuối cùng khi trên một số phương tiện truyền thông phương Tây bắt đầu xuất hiện những thông tin mập mờ về việc có một chỉ huy tình báo Rumani đã đào thoát sang phương Tây nhưng không biết đó là quốc gia nào. Đến ngày 27/9/1978, sau một phiên xét xử của một tòa án đặc biệt được mở ra tại thủ đô Bucharest, Ion Mihai Pacepa đã bị tuyên hai án tử hình vắng mặt về tội phản bội tổ quốc, cung cấp bí mật quốc gia cho nước ngoài.

Sau khi xác định được Pacepa đã trốn chạy sang Mỹ, Chính phủ Rumani đòi chính quyền Mỹ phải trao trả ngay kẻ phản bội nhưng bị cự tuyệt. Đích thân Chủ tịch Ceausescu cho triển khai một chiến dịch bí mật truy sát Pacepa trên khắp lãnh thổ Mỹ bằng mọi giá và Tòa án Tối cao Rumani đã ra 2 án tử hình đối với Ion Mihai. Tuy nhiên tất cả các vụ săn lùng này đều bất thành do CIA đã “giấu” Pacepa ngay bên trong “trang trại” của mình ở Langley.

Hệ quả từ cuộc đào thoát của Pacepa là toàn bộ mạng lưới tình báo hải ngoại của Rumani tại Tây Âu và Bắc Mỹ bị phá vỡ hoàn toàn. Hơn nữa, Pacepa còn khai ra nhiều điệp viên nội ứng của một số cơ quan tình báo các quốc gia XHCN Đông Âu hoạt động trên lãnh thổ CHLB Đức.

Mùa hè năm 1987, trước chuyến công du đầu tiên của mình đến Liên Xô, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, theo lời khuyên của Pacepa, đã từ chối lời đề nghị ký kết một hiệp ước hợp tác khoa học kỹ thuật giữa Mỹ và Liên Xô vì lo ngại điều này  sẽ giúp cho tình báo Liên Xô đẩy mạnh hoạt động tình báo trong lĩnh vực công nghệ của Mỹ. Ngoài ra, viên cựu chỉ huy tình báo phản bội này còn trực tiếp soạn thảo cả một bộ giáo trình hướng dẫn cách phòng chống hoạt động tình báo khoa học kỹ thuật dùng cho các cơ quan an ninh và tình báo các quốc gia trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Cuốn "những chân trời đỏ: Tự thuật của một chỉ huy tình báo".

Ion Mihai Pacepa còn là tác giả của rất nhiều cuốn sách khác nhau trong thời gian đào thoát sang Mỹ. Nổi tiếng nhất là cuốn sách có nhan đề “Những chân trời đỏ: tự thuật của một chỉ huy tình báo” được xuất bản vào năm 1987 bằng 18 thứ tiếng tại 24 quốc gia khác nhau. Ngay cả Tổng thống George Bush (cha) và Phó tổng thống Dick Chenney hiện nay cũng từng đọc qua cuốn sách này. Cũng trong năm này, Dick Chenney  cho soạn thảo một kiến nghị với 300 chữ ký của các nghị sĩ Mỹ, gửi tới Nhà nước Rumani với yêu cầu cho phép gia đình Pacepa được định cư tại Mỹ nhưng đã bị cự tuyệt.

Cho đến trước tháng 4/2004, Ion Mihai Pacepa vẫn cư trú tại Mỹ và đôi khi còn lên tiếng trên báo chí bình luận về những sự kiện đang diễn ra tại Rumani và luôn ngụy biện cho hành vi đào tẩu của mình. Vào tháng 7/1999, trước áp lực của Mỹ, Tòa án Tối cao Rumani đã bãi bỏ hai án tử hình được tuyên vắng mặt trước đây cho Pacepa và đến ngày 1/4/2004, Pacepa được khôi phục quân hàm cấp tướng nhưng không được tham gia làm công tác tình báo mà chỉ đảm trách nhiệm vụ cố vấn cho Chính phủ Rumani hiện nay, một chức vụ ngồi chơi xơi nước. Bởi người ta cho rằng nếu trao quyền hạn, chức vụ cho Ion Mihai thì trước sau gì ông ta cũng lại phản bội.

Vậy thì trên thực tế Ion Mihai Pacepa là một người hùng hay kẻ phản bội đối với đất nước Rumani? Câu hỏi này hiện vẫn đang được tranh luận gay gắt tại Rumani cho dù chính quyền XHCN đã sụp đổ từ lâu. Thế nhưng đối với nhiều người dân Rumani chân  chính, Ion Mihai Pacepa là một kẻ phản bội lại đất nước

Văn Hòa (theo Spy Eyes)
.
.