Sự thật về vụ án tình báo Samba

Thứ Ba, 08/12/2009, 08:40
Từ ngày 24/8/1978 đến 23/1/1979, dựa vào lời khai báo của hai người lính Ấn Độ bị bắt giữ về tội vượt biên trái phép và nghi vấn hoạt động nội gián cho tình báo Pakistan, Cơ quan Tình báo quân đội Ấn Độ (MI) đã tiến hành bắt giữ 50 người, trong đó có 39 sĩ quan, hạ sĩ quan của Lữ đoàn Bộ binh số 168 cùng 11 dân thường tại thành phố Samba, bang Jamu và Kashmir.

Những người này bị buộc tội hoạt động nội gián, bán thông tin bí mật quốc phòng cho tình báo Pakistan cho dù họ luôn miệng kêu oan.

Tuy vậy, tất cả họ đều nhanh chóng bị đưa ra xét xử trước một tòa án quân sự và phải lãnh những bản án khắc nghiệt. Theo thời gian, vụ án tình báo gây chấn động Ấn Độ này đã lần lượt được xem xét bởi 4 phiên tòa khác nhau từ phản ứng của dư luận và chỉ kết thúc vào năm 2001 bởi phán quyết cuối cùng của Tòa án Tối cao Ấn Độ rằng, đây là một vụ án không đúng sự thật, đồng thời minh oan cho tất cả các bị cáo là nạn nhân của vụ án.

Sáng ngày 16/7/1978, Lực lượng biên phòng Ấn Độ đã bắt giữ Sarwan Dass và Aya Singh là hai hạ sĩ quan thuộc Lữ đoàn Bộ binh số 168 đóng quân dọc theo biên giới Ấn Độ - Pakistan gần thành phố Samba, bang Jamu và Kashmir, về tội vượt biên giới trái phép. Lập tức, Dass và Singh liền được giải giao cho chi nhánh của tình báo quân đội tại địa phương để điều tra.

Điều tra cho biết từ năm 1974, Dass từng nhiều lần vượt biên đến thành phố Sialkot của Pakistan để bán thông tin quốc phòng cho tình báo Pakistan. Đến năm 1976, Dass lôi cuốn thêm một đồng đội tên là Aya Singh cùng tham gia hoạt động bán thông tin quốc phòng với mình.

Từ năm 1974 đến khi bị bắt giữ vào tháng 7/1978, Dass và Singh đã nhiều lần vượt biên trái phép để bán thông tin, tài liệu quốc phòng cho tình báo Pakistan. Bị buộc tội hoạt động nội gián, cả hai bị thẩm vấn, tra tấn liên tục với yêu cầu khai báo những người có liên quan, nếu khai báo thành khẩn sẽ được khoan hồng. Và để được giảm nhẹ tội trạng, Dass và Singh đã lần lượt khai báo danh tính 50  người là các chỉ huy, đồng đội và cả dân thường vốn quen biết với hai người tại thành phố Samba.

Cho dù những người bị bắt giữ đều nhất mực kêu oan, nhưng tất cả đều bị tống giam, bị tra tấn để buộc phải ký vào biên bản nhận tội đã được soạn thảo trước. Thiếu tá Arur Sharma, một bị can trong vụ án tình báo Samba, đã tiết lộ với báo Indian Express vào năm 1994 rằng, ông đã bị buộc phải ký vào 24 biên bản nhận tội khác nhau nhưng đều có mục đích chung là buộc ông nhận tội hoạt động nội gián. Cứ mỗi lần không chịu ký vào biên bản nhận tội, ông Sharma lại bị biệt giam, bỏ đói và tra tấn.

Sarwan Dass.

Tuy chỉ có Dass và Singh là nhận tội hoạt động nội gián cho tình báo Pakistan, còn 50 bị can khác đều khăng khăng chối tội, nhưng cuối cùng tất cả đều được xử kín bởi một tòa án quân đội vào tháng 7/1979. Trong khi Dass và Singh chỉ lãnh án mỗi người 3 năm 6 tháng tù giam thì 50 bị cáo còn lại đều phải lãnh án từ 5 năm đến 16 năm tù giam. Tất cả các bản án nặng đều được tuyên đối với các sĩ quan cao cấp của Lữ đoàn 168.

Vụ án tình báo Samba chỉ thực sự bùng nổ trong dư luận Ấn Độ vào năm 1993 từ kháng cáo của các nạn nhân và người thân của họ. Hơn thế nữa, việc Sarwan Dass, sau khi được trả tự do vào năm 1988, do quá ân hận về những tố cáo không đúng sự thật của mình đã gây thảm kịch cho nhiều người, nhiều gia đình, đã bất ngờ tuyên bố vào năm 1994 rằng, những chứng cớ mà mình khai báo trước các nhân viên điều tra của tình báo quân đội là hoàn toàn không đúng sự thật nhưng lại được sử dụng để buộc tội cho cấp trên, đồng đội và cả những dân thường vô tội. Trước đó một tháng, Aya Singh, cũng được trả tự do cùng lượt với Dass, đã nhiều lần toan tính tiếp xúc với báo chí để phanh phui sự thật về vụ án tình báo Samba nhưng đã tử vong trong một tai nạn giao thông bí ẩn.

Tiết lộ của Dass đã khiến dư luận Ấn Độ quan tâm và lên tiếng yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Narasim Rao xem xét lại vụ việc. Tuy nhiên, trước áp lực của quân đội, nhiều đời chính phủ vẫn không muốn đưa ra ánh sáng một vụ việc mà một khi được làm sáng tỏ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của quân đội, nhất là vào thời kỳ 1995-2000 đang là cao trào của các xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan.

Tuy vậy, đến năm 2000, vụ án tình báo Samba mới được tái điều tra bởi một quyết định của Thủ tướng Atal Bihari Vajpayee rằng bất cứ sự việc nào đã làm sai thì phải được xem xét để làm sáng tỏ sự thật. Quyết định này đã mở đường cho Tòa án Tối cao xem xét và xét xử lại vụ án tình báo Samba. Nhiều nhân chứng từng là nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp, là những cựu sĩ quan tình báo quân đội từng tham gia thụ lý vụ án cũng đã được triệu tập để hai thẩm phán cao cấp Devinda Gupta và K. Ramamoorthy thẩm vấn. Sarwan Dass, một trong những nhân vật chính của vụ án cũng được triệu tập và bảo vệ với tư cách là nhân chứng quan trọng.

Đến ngày 19/6/2001, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã ra phán quyết rằng vụ án tình báo Samba xảy ra vào năm 1978 là hoàn toàn không đúng sự thật.  Phán quyết này cũng quy trách nhiệm đối với 17 sĩ quan tình báo quân đội, sĩ quan của Bộ Quốc phòng liên quan đến vụ việc nhưng được miễn truy tố do những người này hoặc đã nghỉ hưu hay đã chết.

Vụ án tình báo Samba còn trở thành đề tài khai thác của các phương tiện thông tin đại chúng, điện ảnh, văn học của Ấn Độ và nhiều quốc gia khác mà mới nhất là cuốn sách “Cái giá của sự trung thành” của tác giả Ranbir Singh Rathaur, một nạn nhân của vụ án tình báo Samba

Văn Hòa (theo The Hindu Net)
.
.