Sự thật vụ bắt cóc các con tin người Nga tại Mozambic năm 1983

Thứ Sáu, 02/06/2006, 11:00

5 giờ sáng ngày 2/10/1983, một toán vũ trang RENAMO tấn công vào khu nhà ở của các công nhân mỏ, nơi có các chuyên gia người Nga trú ngụ, bắn chết các chuyên gia Voronov, Siniavski và Ziatdinov rồi bắt giữ 24 chuyên gia người Nga khác.

Từ năm 1976, theo đề nghị của Chính phủ Mozambic do Tổng thống Samora Machel lãnh đạo, Liên Xô đã cử nhiều đoàn chuyên gia đến làm việc tại quốc gia thuộc phía nam châu Phi này để giúp củng cố sức mạnh quân sự và phát triển kinh tế cho dù gặp phải phản ứng dữ dội từ tổ chức vũ trang phản động RENAMO vốn được hậu thuẫn bởi chính quyền Aparthei ở Nam Phi và nhất là Mỹ.

Tại tỉnh Alto Legonha vốn rất giàu tiềm năng khoáng sản của Mozambic, Liên Xô đã cử một đoàn chuyên gia địa chất đến để giúp chính quyền địa phương thăm dò, đánh giá và khai thác các tài nguyên còn nằm dưới lòng đất. Đa số các chuyên gia Liên Xô đều ở độ tuổi từ 30 đến 40, từng làm việc nhiều năm tại vùng Siberia băng giá hay các sa mạc nắng nóng ở Karakoum. Trong khi gia đình của họ sinh sống tại thành phố nhỏ Nampula thì các chuyên gia Liên Xô lại làm việc tại các khu mỏ ở Morrua, cách Nampula 200km.

Vào 5 giờ sáng ngày 2/10/1983, một toán vũ trang RENAMO tấn công vào khu nhà ở của các công nhân mỏ, nơi có các chuyên gia người Nga trú ngụ, bắn chết các chuyên gia Voronov, Siniavski và Ziatdinov rồi bắt giữ 24 chuyên gia người Nga khác. Thuật lại với báo chí sau ngày được trả tự do, Alexandr Popov, người phụ trách nhóm chuyên gia, cho biết: “Khi quân RENAMO tấn công, chúng tôi đã định chống trả. Nhưng do vụ tấn công có thể biến thành vụ thảm sát đối với các đồng nghiệp người Mozambic cùng gia đình của họ nên chúng tôi chấp nhận bị bắt giữ”.

Sau khi bị bắt giữ, 24 chuyên gia người Nga bị áp giải đi sâu vào rừng suốt cả ngày. Chỉ đến chiều tối họ mới được nghỉ ngơi bằng cách cho ngồi sát vào nhau. Trong tình hình bị bắt cóc, nhóm chuyên gia người Nga vẫn chỉ định Popov làm người phụ trách để trao đổi với phiến quân.

Chỉ hai ngày sau khi xảy ra vụ bắt cóc 24 con tin người Nga, thông tin đã được loan truyền trên các phương tiện truyền thông ở phương Tây. Mặc cho cải chính của Chính phủ Mozambic, nhiều phương tiện thông tin cho rằng số người Nga bị phiến quân RENAMO bắt cóc là các cố vấn quân sự.

Về phần mình RENAMO đưa ra yêu sách buộc Chính phủ Liên Xô thôi không hỗ trợ về kinh tế và quân sự cho Chính phủ Mozambic để đổi lại sự tự do cho các công dân của mình. Yêu sách còn ra thời hạn là 3 tháng để Chính phủ Liên Xô phải đáp ứng các yêu cầu nếu không các con tin người Nga sẽ bị giết chết.

Trong khi Chính phủ Mozambic và phía Liên Xô đang tìm cách giải thoát các con tin thì ngày 18/10/1983, lợi dụng lúc đang xảy ra cuộc chạm súng giữa  quân chính phủ và phiến quân, hai con tin người Nga là Bogdanov và Volegov đã trốn thoát. Ba ngày sau, cả hai đến được một ngôi làng để trình diện với một toán quân chính phủ đóng tại đó. Những thông tin do Bogdanov và Volegov cung cấp đã giúp cho quân chính phủ nắm rõ tình hình vụ bắt cóc để có kế hoạch giải cứu.

Cuối tháng 10/1983, quân chính phủ triển khai một chiến dịch quân sự quy mô tại vùng Zambezia, nơi có các căn cứ sào huyệt của phiến quân RENAMO để cố giải thoát cho các con tin với các phương tiện quân sự hiện đại do phía Liên Xô cung cấp. Vừa tấn công, quân chính phủ vừa kêu gọi phiến quân trả tự do cho các con tin vô điều kiện nếu không sẽ bị tiêu diệt. Thế nhưng phía RENAMO vẫn giữ nguyên yêu sách buộc Liên Xô rút hết các chuyên gia về nước, ngưng hỗ trợ cho Chính phủ Mozambic, để đổi lấy tự do cho các con tin.

Trong khi đó, để đề phòng các con tin bỏ trốn sau vụ bỏ trốn thành công của ba con tin tiếp theo là Eremine, Bournadze và Mirakhmedov, phiến quân tuyên bố sẽ bắn hạ ngay tại chỗ bất cứ con tin nào bị phát hiện có âm mưu trốn chạy, đồng thời cho trói chặt tay các con tin khi di chuyển và trói cả chân khi nghỉ ngơi vào ban đêm.

Phiến quân còn áp dụng một biện pháp khắc nghiệt là cắt bớt khẩu phần ăn và nước uống cho các con tin để họ không còn sức lực để bỏ trốn. Trong tình trạng như vậy các con tin lại buộc phải di chuyển liên tục. Có người kiệt sức đi không nổi liền bị bắn chết, đó là trường hợp của Nikolaichouk.

Cho đến tháng 11/1983, tình hình sức khỏe của các con tin đã xấu đi thậm tệ nhưng vẫn buộc phải di chuyển cùng phiến quân để tránh các cuộc tấn công của quân đội chính phủ. Sau Nikolaichouk, đến lượt Bajine phải bỏ mạng sau khi vết thương do một con bọ cạp chích bị hoại tử mà không được chăm sóc. Ngày 21/11/1983, đến lượt Tchoupakine qua đời vì bệnh kiết lị.

Cho rằng các con tin bị bệnh tật sẽ làm cản trở việc chuyển quân nên phiến quân nhận được lệnh phải bắn chết ngay những con tin không còn sức lực. Ngày 10/12/1983, các con tin Abramov và Petrov, do bị bệnh tật và sức khỏe suy kiệt không còn khả năng di chuyển đã bị một toán phiến quân kéo vào rừng rồi bắn chết.

Trong khi đó, vợ và người thân của các con tin người Nga lại tỏ ra rất bình tĩnh. Họ từ chối đề nghị trở lại Liên Xô hay đến sinh sống tại thủ đô Maputo để tránh nguy hiểm mà vẫn quyết định ở lại Nampula với hy vọng một ngày không xa sẽ được gặp lại chồng và người thân.

Sau 5 tháng diễn ra vụ bắt cóc các con tin người Nga mà vẫn không làm thay đổi chính kiến của Chính phủ Mozambic và cả từ Chính phủ Liên Xô. Hơn nữa lại bị cộng đồng quốc tế lên án về hành động sát hại các con tin nên RENAMO không còn giải pháp nào khác hơn là trả tự do cho các con tin. Thế nhưng trước khi đi đến quyết định này, phiến quân còn bí mật giết hại thêm hai con tin được gán tội làm cố vấn quân sự là Istomine và Gavrilov.

Cuối tháng 2/1984, 12 con tin còn sống sót được chuyển đến quốc gia Malawi lân cận rồi từ đó trao trả cho Chính phủ Mozambic.

Tháng 5/1984 khi tổ chức tấn công vào sào huyệt chính của phiến quân RENAMO tại vùng Gorongosa, quân đội chính phủ đã thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến vụ bắt cóc các con tin người Nga. Quan trọng nhất là biên bản một cuộc họp cấp cao có sự hiện diện của Alfonso Dhlakama, chỉ huy tối cao của RENAMO và hai sĩ quan cao cấp của tình báo Nam Phi cùng một cố vấn tình báo Mỹ tên Marc O'Conney.

Biên bản được lập vào ngày 4/10/1983, tức là hai ngày sau khi xảy ra vụ bắt cóc, trong đó ghi rõ việc sử dụng các con tin như là các quân bài chính trị nhằm loại bỏ ảnh hưởng của Liên Xô tại Mozambic cũng như tại các quốc gia ở nam châu Phi mới giành độc lập. Biên bản này cũng ghi rõ cam kết hỗ trợ về tài chính, vũ khí của tình báo Mỹ thông qua tình báo Nam Phi cho hoạt động của phiến quân RENAMO. Từ đó người ta mới biết chính Mỹ đã gián tiếp đứng đằng sau vụ bắt cóc các con tin người Nga vào năm 1983

Hoàng Phú (Theo Historia)
.
.