Sức mạnh quân sự của Iran đến đâu?

Thứ Ba, 28/05/2019, 14:09
Tại một cuộc họp các quan chức tình báo quân đội ngày 15-5-2019 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami đã tuyên bố, sự chuẩn bị về quân sự của Iran đang ở “đỉnh cao” mặc cho “các điều kiện khó khăn nhất” do cấm vận của Mỹ, và khẳng định nước này sẽ chiến thắng liên minh của Mỹ và Israel, trở thành “kẻ thắng trận cuối cùng”.

Sự phát triển quân sự của Iran bị tác động bởi những lệnh cấm vận liên tiếp từ Liên Hiệp Quốc, Mỹ, EU và các nước khác; và phụ thuộc phần lớn vào các công ty trong nước cũng như các hợp đồng quốc phòng với Nga. Tuy bị hạn chế đủ đường nhưng Iran vẫn xây dựng được một lực lượng quân đội có thế mạnh riêng và là một cường quốc về quân sự tại khu vực Trung Đông.

Theo đánh giá của Global Fire Power (GFP), năm 2019, Iran đứng thứ 14 trên tổng số 137 quốc gia được xếp hạng, và đứng đầu tại khu vực Trung Đông về sức mạnh quân sự, xếp trên Israel (16), Saudi Arabia (25), Algeria (27), Syria (50).

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang leo thang, nguy cơ xung đột quân sự giữa hai nước đang gây ra nhiều lo ngại về thiệt hại thảm khốc gây ra cho hai bên cũng như tác động đến an ninh và kinh tế toàn cầu.

Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami tại cuộc họp ngày 15-5-2019. (Nguồn: The Times of Israel).

Tờ Washington Post của Mỹ nhận định, một cuộc chiến với Iran hiện nay không đơn thuần là sự lặp lại của cuộc chiến năm 2003 với Iraq, mà sẽ để lại hậu quả nặng nề hơn rất nhiều. Iran ngày nay khác xa Iraq của năm 2003.

Về sức mạnh quân sự thông thường, Iran yếu hơn Mỹ rất nhiều; tuy nhiên, nước này có một số lợi thế về lực lượng và chiến thuật, cho phép Iran tạo ra tổn thất nghiêm trọng đối với lợi ích của Mỹ tại khu vực một khi có giao tranh thực sự xảy ra.

Nhân lực

Lợi thế về nhân lực là một trong những yếu tố then chốt để thành công trong các cuộc chiến tranh kiệt quệ kéo dài, ví dụ như chiến tranh giữa Iran và Iraq năm 1980-1988. Dân số Iran năm 2019 vào khoảng hơn 82 triệu người. Tổng nhân lực quân sự của Iran là vào khoảng 873.000 người, tức là gần như cứ 1.000 người lại có 1 người là lính. Lực lượng thường trực chiến đấu trong lục quân, hải quân, không quân và lực lượng (IRGC) đạt tổng số 523.000 người.

Một điểm đặc biệt của lực lượng vũ trang Iran là lực lượng này bao gồm quân đội tồn tại từ thời quân chủ, Quân đoàn Vệ binh cách mạng Iran (IRGC) do đích thân Lãnh tụ tối cao của Iran lúc bấy giờ là Giáo chủ Khomeini thành lập sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, và lực lượng Cảnh sát Iran. IRGC được những “đệ tử” của Lãnh tụ tối cao Iran thành lập với mong muốn tạo nên sự cân bằng với lực lượng quân đội chính thống, là di sản từ chế độ quân chủ bị lật đổ.

IRGC hoạt động vượt khỏi ranh giới luật pháp và tư pháp, và báo cáo trực tiếp với Lãnh tụ tối cao chứ không thông qua Tổng thống. IRGC cũng có lục quân, hải quân, không quân như Quân đội, và còn có một số lực lượng đặc biệt như lực lượng dân quân tình nguyện Basij (khoảng 600.000 người), lực lượng ảo phụ trách các hoạt động tình báo quân đội và thương mại cũng như tuyên truyền, và lực lượng Quds thực hiện hoạt động “chiến tranh uỷ nhiệm” tại nước ngoài, hỗ trợ các nhóm quân nổi dậy tại Iraq, Afghanistan, lực lượng Hezbollah tại Lebanon và Hamas tại Palestine. Chính lực lượng này đã phần nào “bù đắp” cho sự suy yếu của quân đội chính thống. Mỹ đã nhiều lần lên án Iran là ủng hộ cho khủng bố quốc tế, do hoạt động mang tính đặc thù của lực lượng này.

Không quân

Không quân Cộng hoà Hồi giáo Iran (IRIAF) từng là một trong những lực lượng không quân lớn và mạnh nhất thế giới. Ngày nay, không quân Iran bị đánh giá chỉ còn là cái bóng của chính mình. Những cuộc chiến tranh và những thập kỷ chịu cấm vận đã khiến không lực Iran lừng lẫy một thời suy yếu đáng kể.

Mẫu máy bay Kowsar. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Iran).

Tuy nhiên, ngày nay, Iran vẫn tự tin về sức mạnh không quân của mình. Theo thống kê của GPF, Iran có tổng cộng 509 máy bay các loại, trong đó có 142 tiêm kích, 165 cường kích, 89 máy bay vận tải và 104 máy bay huấn luyện.

Các loại máy bay chính mà Iran đang sử dụng đều là máy bay nhập khẩu từ Mỹ trước Cách mạng Hồi giáo, và được nhập khẩu từ Liên Xô, sau đó được cải tiến. Trong thời gian qua Iran đã có nhiều nỗ lực xây dựng nền công nghiệp hàng không quân sự trong nước.

Năm 2007, Iran sản xuất máy bay tiêm kích Saegheh, một phiên bản “sinh đôi” với cánh đuôi cứng của máy bay F-5 Tiger, được truyền thông Iran quảng cáo là “khó có thể bị hệ thống radar phát hiện hơn so với phiên bản thông thường”. Năm 2013 và 2017, Iran giới thiệu các phiên bản mới của máy bay Qaher-313. Gần đây, họ đã giới thiệu mẫu máy bay tiêm kích mới “Kowsar” do chính nước này sản xuất.

Hải quân

Cũng như khu vực Trung Á, Vịnh Ba Tư đóng một vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế và gia tăng tầm ảnh hưởng trong khu vực của Iran. Là cửa ngõ thông ra biển Ấn Độ Dương, Vịnh Ba Tư nói chung và eo biển Hormuz nói riêng được xem như ưu tiên hàng đầu trong chiến lược hàng hải của Iran. Để đảm bảo khả năng kiểm soát của mình đối với khu vực này, trong những năm gần đây, Iran đã có những động thái gia tăng sức mạnh hải quân.

Lễ hạ thuỷ tàu ngầm Fateh. (Nguồn: MSN).

Theo Christopher Hammer, Chuyên gia phân tích hải quân cao cấp của Dự án an ninh Trung Đông, hải quân Iran hiện nay được chia làm hai lực lượng chính: Hải quân Hồi giáo Iran (IRIN) với sự tham gia của khoảng 18.000 quân và Hải quân Quân đoàn Vệ binh cách mạng Iran (IRGCNF) với sự tham gia của khoảng 25.000 quân.

Mục tiêu chung của cả hai lực lượng này đều là bảo vệ lãnh thổ trên biển của Iran. Tuy nhiên, nếu như mục tiêu chủ yếu của IRIN là tăng cường khả năng kiểm soát khu vực ngoài khơi của Iran và đẩy mạnh khả năng vươn xa hướng biển của lực lượng hải quân Iran thì IRGCNF lại tập trung vào việc bảo vệ đường bờ biển của Iran và tăng cường kiểm soát khu vực Vịnh Ba Tư.

Chính vì vậy, IRGCNF thường được trang bị các loại tàu tấn công nhỏ, tàu cảm tử, tên lửa chống hạm tầm ngắn và các tàu ngầm hạng trung được thiết kế chủ yếu dành cho khu vực Vịnh Ba Tư.

Theo thông tin từ trang IISS Military Balance, sức mạnh cốt lõi của Hạm đội Hải quân Iran đến từ hai tàu khu trục hạng nhẹ Jamaran, ba tàu khu trục Alvand và hai tàu khu trục tuần tra Bayandor. Tất cả các tàu khu trục nêu trên đều được trang bị tên lửa chống hạm tầm xa C-802, một loại tên lửa được cho là cực kỳ chính xác do Trung Quốc phát triển để nâng cấp khả năng của tên lửa đất đối không dành cho hải quân.

Trong thời gian vừa qua, ba trong số bảy tàu khu trục của Iran đã được trang bị thêm tên lửa tầm ngắn C-704 Nasr chuyên dụng để đánh chìm các tàu cỡ nhỏ và cỡ trung.

Bên cạnh các tàu khu trục, Iran còn sở hữu 32 tàu tên lửa cơ động được trang bị tên lửa C-802; 30 tàu ngầm cỡ nhỏ và cỡ trung hoạt động trong khu vực nước nông của Vịnh Ba Tư, 04 tàu ngầm cỡ lớn (03 trong số đó là tàu ngầm lớp Kilo) được trang bị ngư lôi hoạt động trong khu vực nước sâu.

Trong năm 2019 vừa qua, Iran cũng vừa bổ sung thêm tàu ngầm Fateh nặng 600 tấn, dùng động cơ điện-diesel và sở hữu nhiều vũ khí tối tân, bao gồm ngư lôi, thủy lôi, cùng tên lửa hành trình với khả năng phóng từ vị trí lặn.

Tuyên bố của Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong lễ ra mắt tàu ngầm Fateh: “Từ thời khắc này, tàu ngầm Fateh gia nhập lực lượng Hải quân Iran theo lệnh của tôi” như một lời khẳng định cho quyết tâm hiện đại hóa lực lượng Hải quân của quốc gia này.

Lục quân

Theo đánh giá của GFP, Iran là một trong hai mươi nước có sức mạnh lục quân lớn nhất thế giới. Lực lượng lục quân của Iran được chia thành 4 bộ tư lệnh lãnh thổ chính gồm: Bộ Tư lệnh hướng bắc, Bộ Tư lệnh hướng tây, Bộ Tư lệnh hướng tây-nam và Bộ Tư lệnh hướng đông.

Với số lượng lính chính quy khoảng 350.000 người, lực lượng lục quân của Iran được chia thành 4 sư đoàn bọc thép, 2 sư đoàn bộ binh cơ giới, 4 sư đoàn bộ binh hạng nhẹ, 6 nhóm pháo binh, 2 sư đoàn đặc công, 1 lữ đoàn không quân, 3 đến 4 lữ đoàn đặc công cùng một số lữ đoàn thiết giáp và bộ binh khác.

Về vũ khí và trang bị quân dụng, theo thống kê của Global Fire Power, hiện nay, Lục quân Iran đang sở hữu 1.634 xe tăng chiến đấu, 725 xe trinh sát và xe chiến đấu bộ binh, 2.128 pháo kéo, 570 pháo tự hành và 1.900 bệ phóng tên lửa.

Tuy nhiên, mặc dù có số lượng hùng hậu, nhưng phần lớn các vũ khí này được đánh giá là đều đã lỗi thời so với công nghệ quân sự hiện này.

Nguyên nhân lớn nhất của sự lạc hậu trong công nghệ này là do sự cấm vận đến từ Mỹ và các nước phương Tây, đặc biệt là cấm vận về vũ khí. Phần lớn các vũ khí hiện đại nhất mà Iran sở hữu hiện nay đều là các vũ khi do Iran tự chế dựa trên công nghệ học được từ các nước khác.

Cũng giống như Hải quân, Lục quân Iran cũng có sự tham gia của Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran được tổ chức với quy mô nhỏ hơn và được trang bị vũ khí thô sơ hơn so với lực lượng quân đội chính quy.

Lực lượng tinh nhuệ nhất của IRGC, và thậm chí của toàn bộ quân đội Iran là lực lượng Quds. Với số lượng khoảng từ 15.000 đến 30.000 quân sỹ, lực lượng Quds đóng vai trò như một lực lượng tình báo đặc công (tương tự như CIA hoặc Special Unit của Hoa Kỳ).

Chiến lược bất đối xứng – bí mật sức mạnh quân sự của Iran

Với những khó khăn về kinh tế và bất lợi do phải chịu cấm vận, đầu tư cho quân sự của Iran không thể so sánh được so với những “đối thủ” trong khu vực và trên thế giới.

Năm 2017, ngân sách quốc phòng của Iran là 16 tỉ USD; trong khi ngân sách của Israel dành cho quốc phòng là 18,5 tỉ USD (cộng thêm 3,5 tỉ USD viện trợ từ Mỹ), của Saudi Arabia là 76,7 tỉ USD và của Mỹ là gần 600 tỉ USD. Tuy gặp vô vàn khó khăn nhưng Tehran đã tìm cách bù đắp lại những hạn chế này bằng chiến lược bất đối xứng, với 3 điểm then chốt.

Điểm then chốt thứ nhất là chiến thuật “phòng ngự chủ động”, do Lực lượng Quds dẫn đầu. Chiến thuật này bao gồm việc sử dụng các đồng minh và lực lượng uỷ nhiệm tại khu vực, được biết đến với cái tên “Trục kháng chiến”, như nhóm Các đơn vị huy động phổ biến chống lại “Nhà nước Hồi giáo” tại Iraq, nhóm Hồi giáo Shiite Hezbollah, nhóm nổi dậy Houthi tại Yemen, phong trào Hồi giáo Jihad và phong trào Hamas ở Palestine.

Mấu chốt thứ hai là hệ thống tên lửa đạn đạo tầm gần, trung và liên lục địa có khả năng tấn công Israel, các quốc gia Arab tại Vùng Vịnh, và các căn cứ quân sự của Mỹ tại Trung Đông và châu Âu.

Theo Tổ chức khủng hoảng quốc tế, Iran xem những tên lửa đạn đạo này là vũ khí răn đe đối với Israel và một công cụ để tấn công các kẻ thù tại Iran và các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực trong trường hợp Iran bị tấn công.

Ngoài ra, tiềm lực hạt nhân quân sự của Iran vẫn còn là một dấu hỏi lớn đối với mọi thế lực phương Tây. Và tuy Iran xem hệ thống này là vũ khí tự vệ, các đối thủ quân sự của họ lại xem đây là mối đe doạ tấn công không thể không tính đến.

Một mũi nhọn thứ ba trong chiến lược bất đối xứng của Iran là việc đe doạ tác động tới nền kinh tế thế giới bằng việc cắt dòng cung ứng dầu trong trường hợp xảy ra xung đột. Khoảng 1/5 lượng dầu được buôn bán trên thế giới được vận chuyển qua Eo Hormuz giữa Vịnh Ba Tư và Vịnh Oman.

Iran có thể làm tắc nghẽn tuyến vận chuyển này bằng việc sử dụng các chiến thuật hải quân bất đối xứng và phi truyền thống chống lại tàu chiến của phe đối địch, bằng các tàu thuỷ và xuồng cao tốc nhỏ, giá rẻ, được trang bị tên lửa chống tàu và ngư lôi.

Iran cũng có thể thông qua hoạt động của Quds và nhóm nổi dậy Houthi tại Yemen, cắt đứt đường vận chuyển dầu trên Biển Đỏ qua Eo Bab al-Mandab, tuyến đường vận chuyển của 4% lượng dầu được buôn bán trên toàn thế giới.

Ngọc Hoàng (tổng hợp)
.
.