Syria: Chiến binh nổi dậy dính líu đến tội phạm có tổ chức

Thứ Hai, 30/12/2013, 16:55

Các nhóm chiến binh nổi dậy ở Syria đang ngày càng dính líu sâu với tội phạm có tổ chức, tham gia vào các mạng lưới kiếm tiền phi pháp - như bắt cóc tống tiền, buôn lậu vũ khí và cướp bóc khắp nơi - ngầm phá hoại mọi nỗ lực của Quân đội Syria giải phóng (FSA) được phương Tây hậu thuẫn để lật đổ chế độ Tổng thống Bashar al-Assad. Ngoài ra, các chiến binh Hồi giáo còn liên kết với Al-Qaeda cũng lợi dụng tình trạng hỗn loạn và vô luật pháp ở Syria hiện nay để tuyên truyền cho chủ nghĩa cực đoan và giết chóc lan tràn.

Theo các nguồn tình báo phương Tây, cả hai nhánh của Al-Qaeda - Jabhat al-Nusra và Nhà nước Hồi giáo Iraq & Al Sham (hay ISIS) - hiện đang tiếp nhận vào hàng ngũ của chúng các nhóm chiến binh được coi là tội phạm tiến hành những vụ bắt cóc tống tiền và buôn lậu vũ khí.

Trong những tháng gần đây, có tất cả 4 nhóm chiến binh rời khỏi Binh đoàn Ahfad al Rasoul, trung thành với FSA, để đầu quân vào Jabhat al- Nusra và mới đây chuyển sang gia nhập ISIS. Liwa Allah Akbar - nhóm nằm dưới sự lãnh đạo của Saddam al-Jamal, nhân vật trước đây là chỉ huy hàng đầu của FSA phụ trách mặt trận phía đông Syria - tuyên bố gia nhập ISIS vì cho rằng FSA đã trở thành "con rối" của các cơ quan tình báo phương Tây và Arập.

Trong video dài 30 phút được đưa lên YouTube mới đây, Saddam al-Jamal kêu gọi mọi chiến binh nổi dậy nên tách ra khỏi Liên minh Quốc gia Syria (SNC) được phương Tây và Arập ủng hộ cũng như nhánh quân sự FSA do bởi lưc lượng này ra mặt chống đối lực lượng thánh chiến đồng thời muốn "ngăn cản luật Sharia của Hồi giáo được thiết lập trên vùng đất Syria".

Trong một cuộc phỏng vấn, Saddam Al-Jamal than phiền rằng trong thời gian hoạt động với FSA ông "buộc phải gặp những phần tử bội giáo của Qatar và Arập Xêút cũng như những kẻ không theo Hồi giáo của các quốc gia phương Tây như Mỹ và Pháp để nhận vũ khí, đạn dược hay tiền mặt".

Nhưng, theo một chỉ huy chiến binh từng tiến hành 6 trận đánh chống lại Al-Jamal, thủ lĩnh nhóm Liwa Allah Akbar thật ra trong quá khứ là một kẻ buôn lậu ma túy và vũ khí vô cùng tinh ranh, có mối quan hệ với tình báo Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Phế tích ở Apamea.

Giwan Ibrahim, chỉ huy trưởng của Các đơn vị bảo vệ nhân dân Kurd (hay YPG), khẳng định: "Saddam al-Jamal không thật sự là một tín đồ Hồi giáo mà chỉ là một tên mafia chính cống". Ibrahim mô tả Saddam al-Jamal là một tên cướp và nhân vật không khác mấy Mokhtar Belmokhtar - người đứng đàng sau vụ tấn công khủng bố một nhà máy khí đốt ở Algeria vào tháng 1/2013.

Belmokhtar có biệt hiệu là "Người Marlboro" vì tổ chức mạng lưới buôn lậu thuốc lá nhãn hiệu này và cũng bị nghi ngờ dính líu đến các hoạt động tội phạm như là bắt cóc tống tiền người nước ngoài.

Ibrahim nhận định nhiều người đi theo Saddam al-Jamal vì họ luôn được thưởng những của cải cướp bóc được, phụ nữ và tiền mặt. Hiện nay, do thiếu nguồn cung cấp tài chính cũng như vũ khí cho nên hai nhánh Jabhat al-Nusra và ISIS của Al-Qaeda ở Syria sẵn sàng đón nhận các nhóm tội phạm vùng biên giới và những người giống như Saddam al-Jamal.

Lằn ranh giữa cách mạng và tội phạm ngày càng mờ nhạt khi mà các nhóm quân nổi dậy cố gắng kiếm tiền để mua vũ khí và trả lương cho chiến binh! Trong khi đó, tình trạng vô luật pháp cũng ngày một tăng trong những vùng đất do quân nổi dậy kiểm soát ở phía bắc và phía đông Syria - theo nhận định của Jonathan Schanzer, chuyên gia về Trung Đông của Tổ chức Bảo vệ Dân chủ đặt trụ sở ở Washington.

Theo những người tị nạn và hiện đang sống ở miền Bắc và miền Đông Syria, tình trạng tội phạm có tổ chức lan tràn từ năm 2012 - từ bắt cóc tống tiền đến cướp tài sản - khi mà mọi người phải cố sống sót trong hoàn cảnh thiếu thốn lương thực, nước uống, nhiên liệu một cách trầm trọng đồng thời chuẩn bị đối phó với mùa đông khắc nghiệt đang tới.

Mokhtar Belmokhtar và Saddam al-Jamal.

Husein, ông chủ một doanh nghiệp vận tải nhỏ và người cha 45 tuổi của 4 đứa con sống ở thị trấn Tal Rifat phía bắc Aleppo, cho biết các chiến binh phe nổi dậy gây ra những vụ cướp bóc khắp nơi. Quân nổi dậy lập các chốt kiểm soát ở vùng biên giới và đòi tiền cống nộp ngày càng cao đối với những người dân vận chuyển thực phẩm và hàng hóa.

Quân nổi dậy liên minh với tội phạm có tổ chức ở khu vực Balkan, nhất là Quân Giải phóng Kosovo (KLA) và mafia Albania nổi tiếng với hoạt động buôn lậu ma túy và kinh doanh gái mại dâm - một tình trạng hỗn loạn tương tự như ở Iraq và Afghanistan hiện nay. Mối nguy hiểm cho quân nổi dậy khi phải kiếm tiền bằng hoạt động tội phạm là sức mạnh cách mạng chống lại quân đội chính quyền Bashar al-Assad sẽ không còn nữa! Khi liên kết với tội phạm có tổ chức, quân nổi dậy cũng có các mạng lưới để buôn lậu hàng hóa và trang thiết bị.

Tháng 8/2013, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã phát đi cảnh báo về tình trạng cướp bóc di sản văn hóa phong phú của Syria, đánh cắp những đồ tạo tác cổ tại những khu vực khảo cổ để buôn lậu ra nước ngoài mà trong đó có sự nhúng tay của quân  nổi dậy! Francesco Bandarin, phó tổng giám đốc phụ trách văn hóa của UNESCO, báo cáo các băng nhóm vũ trang gồm hàng trăm người lợi dụng sự thiếu an ninh tại các khu khảo cổ để ra sức cướp phá.

Để minh họa cho thấy mức độ khủng khiếp của nạn cướp phá này, UNESCO công bố những hình ảnh vệ tinh chụp trước và sau khi nổ ra chiến tranh ở Apamea, khu vực nổi tiếng với những phế tích thuộc nền văn hóa Hy Lạp cổ. Những hình ảnh trước đó thể hiện khu di tích được bao bọc giữa những miền đất phẳng, còn những hình ảnh sau đó cho thấy cảnh hoang tàn với vô vàn những hố sâu do xe ủi đất tạo ra!

Theo giới chức UNESCO, Syria có hơn 10.000 khu khảo cổ thuộc nhiều nền văn hóa như Hy Lạp, La Mã, Ottoman v.v…

Theo số liệu của Tổ chức cảnh sát quốc tế (Interpol), hàng chục bức tranh ghép mảnh cổ và cổ vật của Syria đã xuất hiện trên thị trường nghệ thuật quốc tế. Nhưng, những vụ cướp phá không chỉ giới hạn ở những điểm khảo cổ. Vào đầu năm 2013, Bộ Ngoại giao Syria tuyên bố quân nổi dậy đã cướp bóc cả ngàn nhà máy trong và xung quanh Aleppo - thành phố lớn nhất của Syria và từng là trung tâm thương mại nước này - lấy đi toàn bộ các trang thiết bị, máy móc và nguyên liệu thô để bán sang Thổ Nhĩ Kỳ

Duy Ân (tổng hợp)
.
.