Nhân sự việc các cuộc biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ:

Tác động và hậu quả nghiêm trọng của hơi cay

Thứ Năm, 27/06/2013, 23:25

Cuộc biểu tình của người dân Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài nhiều ngày qua ở quảng trường Taksim, thủ đô Istanbul, đã kết thúc nhờ vòi rồng, hơi cay và hàng trăm cảnh sát chống bạo động. Cuộc biểu tình bắt đầu vào ngày 31/5 với mục tiêu ngăn chặn Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ muốn phá bỏ công viên mang nhiều biểu trưng cho giá trị văn hóa, lịch sử để xây dựng trên đó một trung tâm thương mại.

Tình trạng bạo loạn đã lan sang những vấn đề khác kéo theo sự biểu tình tại 78 thành phố ở đất nước nằm giữa châu Á và châu Âu này. Theo báo cáo của các tổ chức nhân quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã có 24 người thiệt mạng và hơn 5.000 người bị thương, bao gồm những người bị thương do tác động của hơi cay.

Việc sử dụng hơi cay trong chiến tranh đã bị cấm theo quy định của Công ước quốc tế Geneva và việc sử dụng nó với dân thường hiện nay vẫn còn gây tranh cãi. Một số chính phủ đã sử dụng nó để đàn áp các cuộc biểu tình diễn ra trong làn sóng "Mùa xuân Arập" trong những năm gần đây, đã gây thương tích nặng nề và thậm chí nhiều trường hợp tử vong.

Tháng 8/2012, Tổ chức Bác sĩ vì nhân quyền (P.H.R) đã có một bản báo cáo về việc Chính phủ Bahrain đã dùng hơi cay chống lại người biểu tình trong thời điểm đó. Sử dụng hơi cay làm vũ phí đã làm tàn tật, mù mắt và thậm chí gây thiệt mạng cho người biểu tình. Những điều tồi tệ xảy ra đã buộc Chính phủ Bahrain ngừng lại việc sử dụng loại hóa chất độc hại này.

Bản báo cáo đã ghi nhận một trường hợp người biểu tình bị khó thở và nói chuyện rất khó khăn trong suốt 2 tuần lễ sau khi bị trúng hơi cay. Đã có một số phụ nữ bị sẩy thai và một người bị bệnh hen suyễn tử vong do suy hô hấp cấp sau khi hít phải hơi cay này.

Giáo sư dược lý Sven-Eric Jordt chuyên nghiên cứu về tác dụng của thuốc lên cơ thể của Khoa Dược, Trường đại học Yale cho biết, hơi cay hoạt động trên cơ thể do cơ chế kích hoạt cơ quan cảm nhận cơn đau. Bản thân giáo sư Jordt cũng đã từng hít loại hơi cay này trong những năm 1980 khi còn là một sinh viên tại Đức trong một cuộc biểu tình chống lại chất thải hạt nhân.

Hơi có trong lựu đạn cay không thực sự là chất khí mà là chất rắn hay chất lỏng được chuyển thành dạng khói. Khí hơi cay được biết đến dưới hai dạng CS và OC. Khí OC (oleum capsicum) tinh dầu ớt, có trong thành phần chính trong bình xịt hơi cay được biết đến là sản phẩm làm từ tự nhiên.

Khí CS có tên hóa học là 2-chlorobenzalmalononitrile, chất có ái lực với điện tử (electrophilic) gây cảm giác đau cho cơ quan cảm nhận. Khí CS từng được quân đội Mỹ sử dụng để bơm vào các đường hầm nhằm “truy bắt Việt Cộng” trong chiến tranh Việt Nam. Và đây cũng là loại được sử dụng để giải tán các đám đông tụ tập biểu tình.

Một người biểu tình ở quảng trường Taksim ném lựu đạn cay lại cảnh sát.

Trong năm 2006 và năm 2009, nhóm nghiên cứu của giáo sư Jordt cũng ra một bản cáo về hơi cay gây ra phản ứng cho cơ thể như những cơn đau nhức nhối, co thắt phế quản làm cho nghẹt thở, gây viêm da nếu tiếp xúc với hơi cay. Khi hơi cay hấp thụ vào cơ thể, nó gây bỏng và sưng, đặc biệt là ở những vùng ẩm trong cơ thể như mắt và nách.

Về nguyên tắc thì khó có thể chấp nhận được việc sử dụng hơi cay trong những vụ giải tán biểu tình vì việc này thật sự rất nguy hiểm. Nếu bạn không cảm nhận được cơn đau ở mức độ nhẹ và rời đi kịp thời, có thể sẽ dẫn đến những vết thương như vết phỏng ở mức độ cao. Trong Công ước quốc tế Geneva, hơi cay được xem là  một chất hóa học quân sự, vì vậy nó bị  ngăn chặn với mục đích sử dụng gây chiến, nhưng lại được sử dụng thường xuyên trong dân sự. Điều này thật phi lý - giáo sư Jordt cho biết

Có đầy đủ bằng chứng về những trường hợp bị tổn thương và phỏng nghiêm trọng, đặc biệt là ở những không gian bị bao bọc bởi nhà cửa và đường sá dày đặc. Cư dân sống gần khu vực quảng trường Tahir, Cairo (Ai Cập) đã phải hứng chịu rất nhiều hơi cay, bị hít phải trong thời gian dài và phải gánh chịu những vấn đề về đường hô hấp nghiêm trọng. Những người bị hen suyễn hoặc tương tự có thể có phản ứng rất xấu. Hơi cay thực sự là một mối đe dọa hóa học. Giáo sư Jordt cho rằng, quyết định có nên sử dụng chúng hay không thật sự rất khó giải quyết. Việc dùng hơi cay ở Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên vượt quá mức có thể kiểm soát và vô cùng nguy hiểm.

Thực thi pháp luật, giành quyền kiểm soát trong một tình huống bạo loạn cũng cần phải cân nhắc nguy cơ chấn thương do hơi cay gây ra cho những người ngoài cuộc. Chính phủ cần đưa ra các thủ tục trực tiếp khử nhiễm cho khu vực khi hơi cay được sử dụng, đặc biệt là khu vực nhà ở.

Tại Mỹ, một số nhà hoạt động xã hội, chính trị đã lập luận rằng, quyền công dân đã bị vi phạm vì cách chính quyền sử dụng hơi cay chống lại họ. Trong quá trình thực thi pháp luật, Mỹ sử dụng rất nhiều bình xịt hơi cay kích hoạt cơn đau ở các cơ quan thụ cảm và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng không độc hại và ghê gớm như loại hơi cay cổ điển đang được sử dụng ở Trung Đông

Quang Dũng - Hiếu Thảo (tổng hợp)
.
.