Tài liệu giải mật của CIA về chương tình hạt nhân Hàn Quốc thập niên 70

Thứ Ba, 21/05/2013, 22:30

Khi cộng đồng quốc tế đang tìm mọi cách ngăn cản chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên thì Global Asia - ấn bản của tổ chức phi lợi nhuận Quỹ Đông Nam Á (EAF) ở Seoul - tiết lộ tài liệu giải mật của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) về những nỗ lực riêng của Hàn Quốc nhằm sở hữu vũ khí hạt nhân cách đây 4 thập niên.

Dưới sức ép từ phía Mỹ, Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee đã dừng chương trình hạt nhân của nước này vào năm 1976. Tuy vậy, chính phủ Hàn Quốc vẫn lén lút tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân cho đến cuối năm 1978. Chắc chắn, tham vọng hạt nhân của Park Chung Hee đã tác động đến nhận thức của CHDCND Triều Tiên về mối đe dọa và từ đó thúc đẩy nước này thành lập chương trình hạt nhân gây tranh cãi cho đến ngày nay.

Sợ bị Mỹ bỏ rơi

Theo hai học giả Peter Hayes và Chung-in Moon, tham vọng hạt nhân trước kia của Tổng thống Park Chung Hee sinh ra phần lớn do sự mập mờ của Washington trong việc bảo đảm an ninh đối với nước này. Peter Hayes là Giám đốc Viện Nautilus và thành viên ban quản trị tờ Global Asia; còn Chung-in Moon là Tổng biên tập Global Asia và giáo sư Đại học Yonsei ở Hàn Quốc.

Vào năm 1974, Tổng thống Park Chung Hee bắt đầu phê chuẩn chương trình phát triển công nghệ vũ khí hạt nhân của Hàn Quốc do lo ngại Washington sẽ bỏ rơi nước này trước mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên đồng thời cũng muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ.

Lý do đầu tiên được coi là có sức thuyết phục nhất để giải thích tham vọng hạt nhân của Tổng thống Park là những căng thẳng sâu sắc trên bán đảo Triều Tiên sau khi một toán biệt kích Triều Tiên xâm nhập khu phi quân sự (DMZ) đột kích vào Nhà Xanh (Dinh Tổng thống Hàn Quốc) vào tháng 1/1968; và ngày 23/1 bắt giữ chiếc tàu USS Pueblo của Mỹ dẫn đến cuộc đàm phán kéo dài cả năm về vấn đề thả thủy thủ đoàn. Những sự kiện này khiến cho Park Chung Hee có cảm giác Mỹ nao núng trước những động thái táo bạo của Triều Tiên.

Lý do thứ hai là vào năm 1971, Tổng thống Mỹ Nixon đơn phương đàm phán với Trung Quốc mà không tham khảo ý kiến của Hàn Quốc hay bất cứ đồng minh nào khác của Mỹ trong khu vực. Do đó, Tổng thống Park bắt đầu thấy nghi ngờ cam kết trách nhiệm bảo vệ Hàn Quốc của Mỹ, đồng thời lo ngại những lợi ích của Hàn Quốc sẽ bị hy sinh cho lợi ích của Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh hai nước lớn này đang hợp sức chống lại Liên Xô.

Lý do thứ 3 thúc đẩy Park phát triển chương trình hạt nhân là hành động đơn phương rút Sư đoàn bộ binh số 7 của Mỹ vào năm 1971 và còn tiếp tục rút quân thêm nữa dưới sức ép chính trị từ phía Quốc hội Mỹ. Yếu tố khác là Hàn Quốc phát hiện hệ thống đường hầm bí mật bên dưới khu phi quân sự DMZ vào khoảng các năm 1974 - 1975.

Với cảm giác bị Mỹ bỏ rơi giữa lúc Hàn Quốc dễ gặp thất bại trước những đòn tấn công quân sự cũng như chính trị từ Bình Nhưỡng, kết hợp với việc vào năm 1975, giới chính khách và truyền thông Mỹ chỉ trích chế độ tàn bạo của chính quyền Park Chung Hee vi phạm nhân quyền đã dẫn đến việc ông ta phải tìm cách để giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ. Lúc đó chính quyền Park đề ra chính sách "Jaju Gukbang" (Quốc phòng tự lập), với chương trình hiện đại hóa vũ khí quy ước - bao gồm kế hoạch thành lập ngành công nghiệp vũ khí trong nước - để đối phó với ưu thế quân sự của Triều Tiên.

Park Chung Hee và phu nhân (bên trái) chụp hình chung với Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, phu nhân Rosalyn Carter và con gái Amy tại Nhà Xanh dinh Tổng thống Hàn Quốc ngày 30/6/1979.

Theo các chuyên gia phân tích của CIA, niềm tin của chính quyền Tổng thống Park vào sự bảo vệ của Mỹ bằng vũ khí hạt nhân đã suy giảm rất nhiều, thậm chí mối lo sợ càng tăng thêm khi vào ngày 26/1/1977, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter ra lệnh rút các vũ khí hạt nhân ra khỏi lãnh thổ Hàn Quốc cùng với sư đoàn bộ binh số 2. Mặc dù khả năng phát triển vũ khí hạt nhân còn hạn chế, song Seoul tin tưởng chương trình tên lửa của Hàn Quốc có thể đe dọa được Bình Nhưỡng.

Chương trình tên lửa mang đầu đạn hạt nhân và "Dự án 890" của Hàn Quốc

Ngày 14/5/1974, Tổng thống Park chỉ thị thành lập chương trình tên lửa mang tên Baekgom (Gấu Trắng) nằm dưới sự quản lý của Phó chủ tịch Cơ quan Phát triển Quốc phòng Hàn Quốc (ADD) và được đặt tên mã là "Dự án 890". Nhưng, từ một tháng trước đó, ADD đã bắt đầu tuyển mộ các nhà khoa học Hàn Quốc từ nước ngoài và vào giữa năm này đã có 3 nhóm đặc trách nghiên cứu về các đầu đạn, chế tạo chất nổ có sức công phá lớn (HE) và các mã máy tính.

Đến tháng 12/1976, ADD hoàn tất việc xây dựng Trung tâm Máy công cụ Taejon (TMTC) phục vụ cho nghiên cứu và phát triển các loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Nỗ lực thiết kế đầu đạn liên quan đến khoảng 50 nhà khoa học và chuyên viên kỹ thuật Hàn Quốc. Trong khi đội phụ trách thiết kế đầu đạn hóa học có quy mô nhỏ hơn - quy tụ khoảng 250 nhà khoa học vào giữa năm 1976.

Tuy nhiên, theo tài liệu mật của CIA, các chuyên gia vũ khí Hàn Quốc mâu thuẫn nhau dữ dội, đồng thời họ có trình độ hạn chế về mặt kỹ thuật và cũng không có mấy thành công. Nghiên cứu tên lửa của ADD chủ yếu tập trung cải tiến tên lửa Nike Hercules do Mỹ sản xuất có thể bắn đến Bình Nhưỡng cũng như các thành phố cảng như Nampo và Wonson của CHDCND Triều Tiên.

Seoul muốn cải tiến tầm bắn của Nike Hercules chạm đến Sinuiju cũng như hai thành phố công nghiệp quan trọng của Triều Tiên là Hamhung và Anju. Dĩ nhiên, nỗ lực sở hữu công nghệ tên lửa Mỹ - nhất là công nghệ chất nổ đẩy - vào hai năm 1975 và 1976 của Tổng thống Park đã vấp phải sự chống đối mạnh từ Washington và ADD bị buộc giới hạn tầm bắn tên lửa ở mức 180km cũng như đầu đạn chỉ được nặng cỡ 440kg. Do không được phép hợp tác với nhà máy chất nổ đẩy Lockheed của Mỹ cho nên ADD quyết định mua công nghệ từ một công ty Pháp.

Tài liệu CIA về tham vọng hạt nhân của Tổng thống Park Chung Hee.

Tổng thống Park nhận thức sâu sắc về việc Mỹ càng cảnh giác cao độ đối với các chương trình hạt nhân của Hàn Quốc và Đài Loan sau cuộc thử nghiệm hạt nhân của Ấn Độ vào năm 1974. CIA đặc biệt quan ngại về những cuộc đàm phán của Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc (KAERI) với Canada để mua một lò phản ứng nghiên cứu nước nặng NRX - cùng loại lò phản ứng mà Ấn Độ xử lý plutonium cho cuộc thử nghiệm hạt nhân của nước này.

Năm 1975, KAERI cũng đàm phán với chính quyền Bỉ để mua một cơ sở sản xuất hạt nhân hỗn hợp (plutonium-uranium) cỡ nhỏ có thể tách biệt đủ plutonium cho một thiết bị hạt nhân trong 1 năm. Tuy nhiên, những kế hoạch của Tổng thống Park gặp thất bại khi chính quyền Canada ngưng mọi cuộc đàm phán về việc cung cấp NRX cho Hàn Quốc do lo ngại về một nhà máy tương tự từng bị Ấn Độ lợi dụng để phát triển quả bom hạt nhân.

Sau đó, Mỹ và Canada sử dụng ảnh hưởng tài chính để buộc KAERI từ bỏ các kế hoạch nghiên cứu hạt nhân của mình. Do đó, chương trình tên lửa của Tổng thống Park buộc phải ngưng lại vào tháng 12/1976 sau sự can thiệp ngoại giao mạnh của Mỹ cũng như sau khi các đối tác Mỹ - trong một cuộc họp kín với Nhà Xanh và nội các của Park - nói thẳng rằng chương trình hạt nhân của Seoul đe dọa trực tiếp quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn. CIA đưa ra kết luận ngắn gọn của mình về tham vọng phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của Tổng thống Park là "sai lầm" và "bừa bãi"!

Tháng 5/1977, những cuộc bàn cãi của giới chức Hàn Quốc về khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân hay sự lựa chọn hạt nhân bắt đầu rộ lên trên các phương tiện truyền thông của nước này. CIA mô tả sự kiện này như là cuộc "đối thoại" được thiết kế nhằm trấn an người dân Hàn Quốc rằng chính quyền Tổng thống Park Chung Hee đang cố thực hiện mọi bước đi cần thiết nhằm bảo đảm an ninh chống lại CHDCND Triều Tiên, cũng như gây sức ép buộc chính quyền Mỹ suy nghĩ lại về kế hoạch rút vũ khí hạt nhân khỏi lãnh thổ Hàn Quốc.

Nhà máy năng lượng hạt nhân gần Gori của Hàn Quốc ngày nay phục vụ mục đích dân sự.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ cũng hết sức lo ngại về tác động tiêu cực của kế hoạch rút vũ khí hạt nhân khỏi Hàn Quốc sau khi vào tháng 8/1977, CIA có bản phân tích tựa đề "Những tác động từ việc rút vũ khí hạt nhân khỏi Hàn Quốc". Tác động rõ rệt nhất là chính quyền Park hoàn toàn có cơ sở khi tái triển khai chương trình vũ khí hạt nhân của riêng mình do lá chắn hạt nhân của Mỹ đã không còn nữa!

Bằng chứng là vào tháng 4/1978, ADD bắt đầu cho bắn thử nghiệm tên lửa Mỹ cải tiến Nike Hercules mà CIA mô tả là nhằm "chứng minh khả năng phát triển tên lửa đất đối đất tầm xa" và qua đó thuyết phục chính quyền Tổng thống Park Chung Hee phê chuẩn sản xuất tên lửa tầm bắn 300 đến 500km.

Sau khi Reagan tái xác nhận trách nhiệm bảo đảm an ninh của Mỹ đối với Hàn Quốc trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, người kế nhiệm Park là Tổng thống Chun Doo-hwan cũng chính thức hủy bỏ chương trình phát triển tên lửa tầm xa vào năm 1981. Dĩ nhiên, CIA không hẳn là mạng lưới tình báo duy nhất trên đất Hàn Quốc bí mật giám sát các hoạt động liên quan đến phát triển vũ khí hạt nhân dưới thời Tổng thống Park Chung Hee, mà Bình Nhưỡng tất nhiên cũng căng thẳng theo dõi mọi động tĩnh của Seoul trong vấn đề hạt nhân, từ đó gia tăng cường độ hoạt động hạt nhân của riêng mình.

Nhằm tránh nguy cơ diễn ra chạy đua hạt nhân, các cường quốc đã có những nỗ lực nhằm ngăn cản sự phát triển hạt nhân của cả hai miền Triều Tiên vào những thời điểm khác nhau. Mỹ cố gắng chặn đứng chương trình vũ khí hạt nhân của Hàn Quốc từ thập niên 70. Liên Xô cũng thuyết phục CHDCND Triều Tiên gia nhập Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào thập niên 80. Và, cả ba cường quốc Mỹ, Trung Quốc và Nga cũng có nhiều bước làm chậm lại chương trình vũ khí hạt nhân của CHDCDN Triều Tiên từ năm 1991 cho đến nay

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.