Tại sao Mỹ vẫn chưa bắt được Osama Bin Laden?

Thứ Ba, 26/09/2006, 08:00
Mặc dù tập trung không ít nguồn lực vào việc truy lùng Bin Laden, kẻ đứng đầu tổ chức khủng bố Al-Qaeda nhưng vì nhiều lý do, đến nay, Mỹ chưa đạt kết quả. Điều đó gây nên nhiều cuộc tranh luận gay gắt trong các lực lượng truy lùng Bin Laden của Mỹ.

Bin Laden vẫn sống và chỉ huy Al-Qaeda

Nhiều yếu tố phức tạp khác sau sự kiện ngày 11/9/2001 làm cho cuộc truy lùng Bin Laden trở nên khó khăn hơn. Một trong những nguyên nhân đó là CIA thiếu các nguồn tin nằm trong bộ máy lãnh đạo cao cấp của Al-Qaeda. Một quan chức chống khủng bố của Mỹ cho biết, từ hai năm nay, các lực lượng đặc nhiệm Mỹ không hề nhận được tin tức đáng tin cậy nào về mục tiêu của họ. “Chúng tôi có vài điệp viên nằm vùng trong tổ chức Al-Qaeda, nhưng chưa nhận được một tin tức nào có giá trị dẫn tới việc bắt giữ hoặc tiêu diệt Bin Laden”.

Nguồn tin từ Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) cho biết, Bin Laden vẫn tiếp tục chỉ đạo chặt chẽ mạng lưới Al-Qaeda. Theo lời khai của Ahmed Khalfan Ghailani, một trong những phần tử chủ chốt lập kế hoạch đánh bom hai Đại sứ quán Mỹ tại Đông Phi năm 1998, và Abu-Faraj Al-Libbi, liên lạc viên giữa Bin Laden và các thủ lĩnh chủ chốt của Al-Qaeda cho tới khi y bị bắt vào năm ngoái, Osama bin Laden vẫn hoàn toàn khỏe mạnh và thường xuyên thảo luận tình hình với phó tướng Zawahiri. “Nếu Bin Laden chết, tôi tin rằng Al-Qaeda chắc chắn sẽ tổ chức tang lễ khá lớn và sẽ trả đũa một cách liều lĩnh”, Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Aftab Khan Sherpao nói.

Trở ngại lớn nhất đối với cuộc săn lùng Bin Laden là không ai biết đích xác được hắn đang lẩn trốn ở khu vực nào. Dựa trên phân tích các băng video do CIA thu thập được, cho thấy Bin Laden đã trốn thoát khỏi Afghanistan sang Pakistan sau trận đánh quyết định tại Tora Bora tháng 12/2001, khi lính Mỹ đã bao vây rất chặt nhưng vẫn không tóm được Bin Laden. Hiện nay, các nguồn tin tình báo Mỹ đều có chung nhận định Bin Laden ẩn náu ở khu vực phía bắc biên giới Afghanistan - Pakistan.

Cuộc săn lùng Bin Laden phụ thuộc rất lớn vào các thiết bị công nghệ cao, đặc biệt là máy bay không người lái. Từ sau cuộc chiến tranh Iraq, những thiết bị này tại Afghanistan đã bị rút bớt để phục vụ cho các mục tiêu chiến lược khác. Tháng 7/2003, tướng John R. Vines, Chỉ huy trưởng lực lượng Mỹ tại Afghanistan, cho biết lực lượng của ông đã tiến gần tới khu vực Bin Laden ẩn nấp, nhưng do chỉ có duy nhất một chiếc máy bay không người lái làm nhiệm vụ giám sát ba ngả đường y hay qua lại nên cuối cùng chiến dịch đã thất bại. Tướng Vines nói: “Chúng tôi cho máy bay không người lái giám sát chặt con đường nhiều khả năng hắn sẽ đi, nhưng cuối cùng hắn lại chọn con đường khác. Lần đó, tôi đã nghĩ rằng chỉ cần nửa giờ nữa là tóm gọn Bin Laden, nhưng không thành công”.

Thủ đoạn truyền thống đối mặt với công nghệ cao

Tướng Vines cho biết thêm, lực lượng bảo vệ Bin Laden có thể thiết lập các trạm quan sát liên hoàn từ xa, báo động cho nhau khi máy bay trinh sát hoặc đội quân săn lùng Bin Laden xuất hiện, vì thế chúng dễ dàng trốn thoát mỗi khi bị truy quét. Đối mặt với những thiết bị quân sự hiện đại của Mỹ, Bin Laden lựa chọn những phương pháp liên lạc đơn giản nhất. Những cuộn băng video được các đài truyền hình trên khắp thế giới phát sóng trong vòng 5 năm trở lại đây được chuyển từ nơi y ẩn náu ra thế giới bên ngoài thông qua các liên lạc viên chạy bộ hoặc các hộp thư chết. Người đưa thư gần như không biết gì về nội dung các loại thư tín này, cũng như không biết gì về lai lịch người gửi. Phương pháp liên lạc này rất phổ biến trong thế giới của những kẻ buôn bán ma túy tại Afghanistan.

Tình báo Pakistan thu được nhiều bằng chứng cho thấy Bin Laden có ba hàng rào an ninh bảo vệ, hoạt động hoàn toàn độc lập, nhóm này không được biết bất cứ thông tin nào về nhóm kia. Họ liên lạc và thông báo cho nhau thông qua các tín hiệu đặc biệt bằng ánh sáng đèn flash. Nhiều khi, các thành viên của đội bảo vệ Bin Laden ăn mặc giả làm phụ nữ để che mắt máy bay trinh sát của Mỹ.

Từ đầu năm 2002, Mỹ đã triển khai một số nhóm nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) và CIA, phối hợp cùng với NSI và Lực lượng đặc nhiệm Pakistan (SSG), gần khu vực được cho là Bin Laden đang lẩn trốn. Tin tức do NSA thu thập được cung cấp cho CIA và các đối tác Pakistan. Tuy nhiên, do địa hình khu vực này quá hiểm trở nên kết quả họ thu thập được cũng tương đối hạn chế.

Với hàng ngàn hang động và núi cao, vực sâu, bất cứ ai cũng dễ dàng lẩn trốn khỏi sự truy quét của lực lượng tại chỗ. Biên giới Afghanistan - Pakistan kéo dài gần 2.000km, Pakistan triển khai khoảng 70.000 quân, nhưng đây mới là lần đầu tiên họ tới khu vực vốn từ lâu do các tù trưởng địa phương cai quản. Tại Pakistan, cộng đồng người Hồi giáo đều coi Bin Laden là một người hùng. Có thể vì lý do này một số dân Pakistan chưa thực sự nhiệt tình giúp đỡ Mỹ truy lùng hắn.

Từ năm 2004 đến nay, tình báo quân đội Pakistan đã mất gần hết các nguồn tin thân cận với trùm khủng bố, trong khi nhiều thủ lĩnh địa phương cũng từ chối cung cấp thông tin do lo ngại bị trả thù. Những lo ngại này hoàn toàn có cơ sở, vì từ tháng 5/2005 đến nay, đã có 23 người trong bộ máy lãnh đạo các bộ lạc theo tư tưởng chống Taliban bị sát hại.--PageBreak--

Cạnh tranh nội bộ làm suy yếu khả năng của Mỹ

Trong nội bộ các cơ quan của Mỹ có cùng nhiệm vụ truy lùng Bin Laden cũng có một cuộc cạnh tranh rất gay gắt. CIA và Lầu Năm Góc thường xuyên cáo buộc lẫn nhau che giấu thông tin về mục tiêu mà họ thu thập được. Đầu tháng 11/2002, một chiếc máy bay không người lái của CIA đã bắn tên lửa Hellfire tiêu diệt được một thủ lĩnh cao cấp của Al-Qaeda khi y đang tìm cách vượt sa mạc tại Yemen.

Một tuần sau, Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld đã nổi giận với các nhân viên cấp dưới về việc tại sao lại là CIA, chứ không phải Bộ Quốc phòng đã thực hiện thành công chiến dịch này. “Tại sao họ lại có được những thông tin này?”, ông ta hỏi cấp dưới. Tướng Michael V. Hayden, khi đó còn là Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia, một cơ quan chịu sự chỉ đạo về kỹ thuật của Bộ Quốc phòng cho biết chính ông đã ra lệnh cung cấp tin này cho CIA. Rumsfeld đã hỏi lý do tại sao Lầu Năm Góc không nhận được thông tin tương tự, và đã nhận được câu trả lời từ người đứng đầu CIA sau này: “Vì cơ cấu chia sẻ thông tin giữa NSA và CIA hoạt động tốt hơn”.

Ngay lập tức, Rumsfeld ra lệnh cho NSA ngừng cung cấp thông tin mật liên quan đến Al-Qaeda cho CIA. Cũng trong thời gian này, Bộ Quốc phòng Mỹ triển khai một kế hoạch lớn do Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt (SOCOM) tiến hành nhằm cạnh tranh với cuộc săn lùng Bin Laden và các phần tử khủng bố khác của CIA.

Trên thực tế, cuộc săn lùng Bin Laden của Mỹ vẫn tiến hành theo kiểu mạnh ai nấy làm, thiếu một sự phối hợp chỉ đạo đồng nhất giữa các cơ quan. Hiện tại, tướng Stanley A. McChrystal, Tư lệnh Bộ Chỉ huy các chiến dịch đặc biệt (JSOC) được coi là đứng đầu toàn bộ chiến dịch truy lùng Bin Laden của Mỹ và phối hợp tương đối ăn ý với CIA. Lực lượng của JSOC tập trung hoạt động trong khu vực biên giới Afghanistan và Iraq. Họ đã thành công trong việc tiêu diệt trùm khủng bố Abu Musab Al-Zarqawi và hơn một chục phần tử khủng bố cộm cán khác, một số bị bắt giữ, đồng thời thu thập được nhiều tài liệu, máy tính, điện thoại di động chứa đựng các thông tin về Al-Qaeda.

Bên cạnh đó, một số sĩ  quan tình báo cho biết họ được trợ giúp bởi nhiều thiết bị điều tra hiện đại, có khả năng khôi phục các tài liệu trong ổ cứng máy tính, điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác. Cách đây ba tháng, Tổng thống Bush đã ra lệnh tiếp tục truy nã gắt gao Bin Laden và CIA đã tăng cường lực lượng tới Afghanistan nhằm thực hiện nhiệm vụ này.

Lính Mỹ chuẩn bị xuất phát từ căn cứ Naray (Miền Bắc Afghanistan đi săn lùng Bin Laden.)

Nhưng chừng đó vẫn là chưa đủ để truy bắt được một trùm khủng bố được nhiều người trong cộng đồng Hồi giáo tại Afghanistan và Pakistan bảo vệ. Đầu tháng 1-2006, lực lượng đặc nhiệm Mỹ nhận được nguồn tin phó tướng của Bin Laden, Zawahiri, đang ẩn náu tại làng Damadola, cách Islamabad 120km. CIA đã ra lệnh bắn một quả tên lửa trúng vào ngôi nhà, làm 13 người thiệt mạng, nhưng không có Zawahiri. Vụ tàn sát này đã làm dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ tại Pakistan, mặc dù cả Mỹ và Pakistan đều khẳng định Zawahiri đã có mặt ở đó. Chưa thể nói tin tức tình báo là chính xác hay Zawahiri quá nhanh nên kịp xa chạy cao bay, nhưng rõ ràng cuộc truy lùng các phần tử khủng bố cao cấp của mạng lưới Al-Qaeda không phải là dễ dàng.

Tuy vậy, bắt được Bin Laden hay không hiện nay không phải là điều quan trọng nhất, vì trên thực tế hệ thống khủng bố toàn cầu dường như không cần đến vai trò của y trong việc tổ chức hoặc điều phối các cuộc tấn công. Các vụ đánh bom ở châu Á, châu Âu và Trung Đông diễn ra gần đây chủ yếu do các tổ chức cực đoan tại chỗ tiến hành, gần như không có liên quan tới mạng lưới Al-Qaeda. “Tôi nghĩ việc bắt được Bin Laden sẽ không ngăn chặn được chủ nghĩa khủng bố. Thế nhưng đó dù sao cũng là một thông điệp mạnh mẽ, một cú đánh mạnh vào các tổ chức cực đoan”, nghị sĩ Jane Harman, Phó chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ nói. Người Mỹ vẫn đặt hy vọng vào một ngày nào đó sẽ tóm cổ hoặc tiêu diệt được Bin Laden

Tiến Nhất (Theo Washington Post)
.
.