Tại sao “tỉ phú đỏ” Armand Hammer bị xem là điệp viên nội gián?

Thứ Hai, 15/10/2007, 19:10
Là tỉ phú trong ngành dầu mỏ Mỹ, nhưng Armand Hammer lại bị tình báo nhiều quốc gia phương Tây, nhất là Cục Điều tra liên bang (FBI) cáo buộc làm điệp viên nội gián cho tình báo Liên Xô suốt một thời gian dài, đây là lý do tại sao Hammer được gọi là "tỉ phú đỏ".

Mặc cho cáo buộc, điều tra, Hammer là người có công lớn trong quá trình vun đắp các mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô khi luôn khẳng định rằng Liên Xô không phải là kẻ thù số 1 của Mỹ. Hồ sơ theo dõi điều tra về Hammer dày đến 1.500 trang được FBI thiết lập từ năm 1923 và chỉ được công bố vào năm 1995, 5 năm sau ngày ông qua đời.

Armand Hammer sinh ngày 21/5/1898 tại thành phố New York trong một gia đình người Nga gốc Do Thái di dân đến Mỹ từ năm 1875. Cha ông tên Julius hành nghề dược sĩ và là một trong những người sáng lập ra đảng Lao động Xã hội (SLP), tiền thân của đảng Cộng sản Mỹ (CPUSA) sau này. Do biểu tượng của SLP là cánh tay và chiếc búa giương cao nên ông Julius đã lấy biểu tượng cái búa (hammer) đặt tên cho con trai thứ hai của mình.

Năm 1921, sau khi tốt nghiệp ngành y Đại học Columbia, Hammer vừa hành nghề bác sĩ tại Bệnh viện Bellevue ở thành phố New York vừa quán xuyến công việc kinh doanh công ty dược phẩm của gia đình có tên gọi Allied Drug, do cha ông bị bắt giữ về tội hoạt động chính trị bất hợp pháp.

Lần đầu tiên Hammer đặt chân đến Liên Xô là vào năm 1922 để đòi số tiền 120.000 USD mà Văn phòng Marten, một tổ chức thương mại của Liên Xô có quan hệ mua bán với nhiều công ty Mỹ, còn nợ tiền mua dược phẩm của Công ty Allied Drug.

Thế nhưng thay vì đem số tiền này về lại Mỹ, Hammer đã tặng cho chính quyền Xôviết để mua thuốc men chữa trị dịch bệnh lao phổi đang lan tràn tại nhiều địa phương của Liên Xô. Hành động này của Hammer đã được lãnh tụ V.I Lênin biểu dương.

Trong thời gian lưu lại Liên Xô, Hammer đã đạt được thỏa thuận với chính quyền Xôviết là sẽ cung ứng thực phẩm, lương thực, thuốc men, máy móc thiết bị cho Liên Xô để đổi lấy gỗ, lông thú, trứng cá hồi và đá quý.

Sau khi quay về lại Mỹ, Hammer thôi hành nghề bác sĩ để thành lập Công ty Allied American Corporation (AAC) chuyên kinh doanh với Liên Xô. Hoạt động của AAC hiệu quả đến nỗi vào năm 1923 trở thành đại diện duy nhất tại Liên Xô cho 30 công ty lớn của Mỹ, trong đó có cả Công ty Ford.

Trong khi đó tại Mỹ, FBI bắt đầu nghi ngờ về các mối quan hệ giữa Hammer và Liên Xô khi cho rằng ông đã được Tcheka, Cơ quan An ninh của chính quyền Xôviết, tiền thân của Cơ quan Tình báo Liên Xô KGB sau này, tuyển dụng làm điệp viên nội gián.

FBI còn khẳng định rằng, thông qua công việc kinh doanh của AAC, "điệp viên nội gián" Hammer đã bí mật tài trợ tiền bạc cho hoạt động của tình báo Liên Xô tại Mỹ. Vì vậy, Giám đốc FBI, John Edgar Hoover, quyết định mở hồ sơ theo dõi về hoạt động nội gián của Hammer vào tháng 10/1923. Hồ sơ này có mã số 62-280.

Để điều hành công việc của AAC, Hammer phải lưu lại Liên Xô suốt 10 năm sau đó mà không biết rằng tại Mỹ, FBI đã thiết lập hồ sơ truy tìm chứng cứ để buộc tội ông làm điệp viên nội gián.

Năm 1934, khi công việc kinh doanh của AAC tại Liên Xô đã ổn định, Hammer mới quay về Mỹ và bị đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của FBI.

Năm 1937, FBI tìm cách giăng bẫy để bắt giữ Hammer khi cho người mạo danh là nhân viên tình báo Liên Xô được cử đến Mỹ để móc nối với ông. Tuy nhiên khi chiếc bẫy đang chuẩn bị  sập xuống thì người đàn ông mạo danh này bị tử nạn trong một tai nạn giao thông.

Một số hình ảnh về các cuộc gặp gỡ giữa Hammer với các nhà lãnh đạo Liên Xô và Trung Quốc.

Khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 xảy ra, cho dù công việc kinh doanh của Hammer tại Liên Xô bị gián đoạn nhưng ông vẫn tìm mọi cách tác động đến Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt để tăng cường viện trợ cho Liên Xô trong cuộc chiến chống lại sự chiếm đóng của Đức Quốc xã.

Ngay cả khi Chiến tranh thế giới 2 chấm dứt và khơi mào cho chiến tranh lạnh, Hammer vẫn giữ vững nguyên tắc không coi Liên Xô là kẻ thù của nước Mỹ và tìm mọi cách để hàn gắn các mối quan hệ gần như bị đổ vỡ giữa Mỹ và Liên Xô.

Vào những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, khi phong trào chống Cộng lan tràn khắp nước Mỹ, FBI tìm mọi cách để buộc tội Hammer làm điệp viên nội gián cho tình báo Liên Xô. Thế nhưng ý đồ này bị thất bại khi gặp sự phản đối quyết liệt của Nghị sĩ Albert Gore - cha của cựu Phó tổng thống Mỹ Al Gore sau này, chẳng qua chính Hammer là người chi tiền nhiều nhất cho các cuộc vận động tranh cử của Albert Gore vào Quốc hội Mỹ. Thông qua mối quan hệ với Nghị sĩ Albert Gore, Hammer đã thiết lập nhiều quan hệ với giới chính trị gia ở thủ đô Washington.--PageBreak--

Năm 1956, mặc cho sự ngăn cản của FBI, Hammer bỏ tiền mua lại Tập đoàn Dầu khí Occidental Petroleum Corporation (OPC) và đến năm 1960 đã đưa OPC trở thành tập đoàn dầu khí lớn hàng thứ 7 trên thế giới và hàng thứ 3 tại Mỹ.

Với việc nắm giữ OPC, Hammer có điều kiện để tăng cường công việc kinh doanh dầu khí và các sản phẩm hóa dầu với Liên Xô trong nhiều dự án đầu tư tại Ukraina và Lettonia. Các mối quan hệ này tuy bị FBI theo dõi và nhiều chính trị gia Mỹ lên án nhưng lại được nhiều đời tổng thống Mỹ tận dụng để cải thiện bang giao với Liên Xô.

Tổng thống Mỹ John Kennedy vào năm 1961, đã phải thông qua kênh quan hệ của Hammer với nhà lãnh đạo Liên Xô Kruschchev để giải quyết sự cố máy bay do thám U-2 của Mỹ bị bắn rơi tại Liên Xô vào tháng 5/1960.

Đến năm 1969, Tổng thống Mỹ Richard Nixon cũng thông qua  kênh quan hệ của Hammer với giới lãnh đạo Liên Xô để đề xuất một số điểm trong việc bình thường hóa một phần quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô.

Để đáp lại sự tin tưởng này, vào năm 1973, Hammer đã đóng góp 54.000 USD cho chiến dịch vận động tái tranh cử của Tổng thống Nixon. Thế nhưng việc làm này lại khiến Hammer gặp rắc rối với pháp luật khi bị FBI cáo buộc là quyên góp gây quỹ bất hợp pháp.

Vì vậy, đến năm 1976, Hammer bị tuyên phạt 1 năm tù treo và 3 triệu USD. Đến năm 1979, FBI lại tìm cách buộc tội Hammer làm điệp viên nội gián cho tình báo Liên Xô khi Julian, con trai của Hammer, bị nghi là đã bí mật chuyển giao cho tình báo Liên Xô số tiền 3 triệu USD thông qua một ngân hàng ở thành phố Miami của Mỹ theo lệnh của Hammer. Thế nhưng do không thu thập được chứng cứ nên FBI không thể buộc tội cả Hammer và con trai ông.

Vào ngày 10/12/1990, chỉ một năm sau khi được Tổng thống George H. Bush (Bush - cha) xóa tội trong vụ ủng hộ tiền bạc gây quỹ vận động cho Tổng thống Nixon vào năm 1973, Hammer qua đời vì bệnh ung thư trong khi Tập đoàn OPC đang triển khai nhiều dự án đầu tư lên đến 20 tỉ USD tại Liên Xô.

Không chỉ là người luôn trung thành với tư tưởng dân chủ xã hội và giữ vững nguyên tắc coi Liên Xô không phải là thù địch với Mỹ, Hammer còn là một nhà hảo tâm luôn quyên góp tiền bạc giúp đỡ những người kém may mắn trên thế giới.

Cuốn sách viết về cuộc đời Armand Hammer của nhà báo Edward Jay Epstain.

Ông cũng là người sáng lập hệ thống các trường kinh doanh quốc tế có tên gọi Liên minh các trường học trên thế giới (UWC), nơi mà các học viên đều học cách kinh doanh dựa trên các nguyên tắc không phân biệt hệ tư tưởng với nhau. Tại các trường này, chân dung của lãnh tụ Lênin và Tổng thống Franklin Roosevelt luôn được treo trang trọng trong các lớp học.

Chỉ cho đến tháng 4/1995, khi FBI công bố hồ sơ theo dõi Hammer mang mã số 62-280, người dân Mỹ mới biết trong suốt 72 năm liền, FBI đã luôn tìm cách buộc tội nhà tỉ phú người Mỹ này là điệp viên nội gián làm việc cho tình báo Liên Xô, kể cả sau khi ông qua đời.

Cuộc đời của nhà “tỉ phú đỏ” Armand Hammer cũng trở thành đề tài khai thác của văn học. Từ năm 1970 đến năm 2000 đã có 4 cuốn sách viết về đề tài: liệu Hammer có phải là điệp viên nội gián cho tình báo Liên Xô hay không?

Hoàng Phú (theo The Guardian)
.
.