Tập “Hồ sơ Iraq” sẽ được giữ bí mật ít nhất trong 20 năm

Chủ Nhật, 21/10/2007, 10:30
Những tài liệu mà Ủy ban Theo dõi, kiểm tra và thanh sát của Liên Hiệp Quốc (LHQ) chịu trách nhiệm nghiên cứu cái gọi là “Hồ sơ Iraq” sẽ được giữ bí mật ít nhất là trong 20 năm, đó là kiến nghị bằng văn bản của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon gửi Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ.

Bản kiến nghị nêu rõ: “Lưu ý đến quan điểm của HĐBA cho rằng những thông tin nhạy cảm mà Ủy ban Theo dõi, kiểm tra và thanh sát của LHQ thu thập được cũng như những thông tin mà các nước thành viên chuyển cho Ủy ban theo chế độ mật và tuyệt mật cần phải được lưu trữ dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt, chúng tôi đề nghị hạn chế việc tiếp cận những thông tin đó ở giai đoạn đầu ít nhất là 20 năm”.

Kiến nghị còn nêu lên, sau 20 năm cũng sẽ không công bố toàn bộ các tài liệu trong tập “Hồ sơ Iraq”. Rất có thể đến lúc đó cũng chỉ công khai phần tài liệu được coi là tài liệu mật và với điều kiện HĐBA không gia hạn bảo mật đối với những tài liệu này. Còn đối với những tài liệu được đóng dấu “tuyệt mật” thì sau thời hạn 20 năm, cứ 5 năm sẽ xem xét lại toàn bộ để xác định liệu có thể công khai chúng hay không.

Mặt khác, ông Ban Ki-moon đề nghị HĐBA xem xét khả năng cho phép Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hoặc những cơ quan quốc tế khác phụ trách việc giải giáp vũ khí được quyền tiếp cận với những tài liệu mật và tuyệt mật đó. Tuy nhiên, ông Ban Ki-moon cũng cho rằng HĐBA có quyền niêm phong những tài liệu trong tập “Hồ sơ Iraq” bao gồm gần 4.000 cặp giấy và 500 hộp đầy ắp tài liệu.

Theo nhận định của ông Ban Ki-moon, chỉ riêng việc hệ thống hóa toàn bộ số tài liệu đó cũng phải mất ít nhất là một năm.

Như ta đã biết, hồi tháng 6/2007, HĐBA đã ra nghị quyết kết thúc hoạt động của Ủy ban Theo dõi, kiểm tra và thanh sát của LHQ ở Iraq và như vậy đã đặt dấu chấm hết cho cái gọi là “Hồ sơ hạt nhân Iraq” - cái cớ mà Mỹ và Anh đã dùng để phát động cuộc chiến xâm lược Iraq hồi năm 2003. Những tài liệu mà Mỹ và Anh đệ trình HĐBA vào thời kỳ ấy đã được sự tán thành của 14 nước thành viên Hội đồng, nhưng Nga bỏ phiếu trắng.

Theo lời đại diện thường trực của Liên bang Nga tại LHQ Vitali Churkin thì sở dĩ Nga bỏ phiếu trắng là bởi bản dự thảo nghị quyết của HĐBA không đưa ra được câu trả lời rõ ràng về việc ở Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt vào thời điểm tháng 3/2003 hay không.

Giờ đây, cái gọi là tập “Hồ sơ Iraq” đã đóng lại. Tuy nhiên, cũng theo ý kiến của ông Vitali Churkin, việc đóng lại này không có nghĩa là mọi chuyện đã rõ ràng. Nhiều lời buộc tội của Mỹ đối với nhà lãnh đạo Iraq thời ấy là Saddam Hussein, cáo buộc ông Hussein “tội” sản xuất vũ khí hạt nhân và hóa học, cho tới nay vẫn không được chứng minh

Vũ Việt (theo Izvestia.ru)
.
.